Ngày 2/5/2019, Báo Straits Times của Singapore đăng bài của James Crabtree, Trợ lý Giáo sư trường Chính sách Công Lý Quang Diệu với tiêu đề: Bằng cách nào Trung Quốc có thể đảm bảo sự tiến triển suôn sẻ của Con đường tơ lụa mới. Nội dung chính của bài viết, như sau:
Năm nay, Con đường tơ lụa mới đã trở lại quỹ đạo, sau một năm 2018 đầy khó khăn, Diễn đàn Vành đai Con đường diễn ra tại Bắc Kinh vào tuần trước cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc thúc đẩy dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu rộng lớn nhưng cũng đầy tranh cãi này.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã bác bỏ những lời cáo buộc về việc sáng kiến Vành đai Con đường mang đậm dấu ấn riêng của ông đã khiến các nước đối tác lâm vào tình trạng mắc nợ Bắc Kinh nặng nề cả về tài chính lẫn chính trị. Thay vào đó, khi công bố các kế hoạch đề xuất trị giá 64 tỷ đô la Mỹ, ông Tập dường như rất tham vọng. Phát biểu của ông trước nhiều nhà lãnh đạo thế giới dự Diễn đàn là “Tất cả các nước quan tâm đều được hoan nghênh tham gia cùng với chúng tôi” gợi ý rằng BRI đem lại lợi ích cùng chia sẻ cho cả thế giới.
Những lợi ích này có thể là rất đáng kể. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, nhiều dự án do Trung Quốc cấp kinh phí có thể giảm chi phí thương mại và thúc đẩy tăng trưởng tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã đưa ra lời hứa trong tương lai các dự án BRI sẽ là những dự án “chất lượng cao” và không có tham nhũng khi mà cả hai điều này đều chưa được thực hiện kể từ khi BRI ra đời năm 2013. Do vậy, một khi lời hứa được đưa ra thì công việc khó khăn bây giờ mới bắt đầu. Cùng với việc BRI tìm cách mở rộng, thách thức đối với BRI chủ yếu là về quản lý.
Những người chỉ trích BRI cho rằng Trung Quốc muốn “bẫy” các nước nghèo hơn bằng cách dụ những nước này xây cảng, đường sắt và đường bộ trong khi các nước này khó có khả năng chi trả với hy vọng sẽ giành lại quyền kiểm soát chúng như những tiền đồn của Trung Quốc. Trên thực tế, có một vài ví dụ cho thấy đã xảy ra điều này, không chỉ là trường hợp cảng của Sri Lanka vẫn thường được nói đến.
Thông thường Trung Quốc sẽ xoá nợ cho những nước vay không có khả năng trả được nợ. Một báo cáo của các nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Rhodium chỉ ra trong thập kỷ qua Trung Quốc đã giảm nợ trị giá 50 tỷ đô la đối với các khoản cho vay về cơ sở hạ tầng. Đây có thể không phải là điều gì tồi tệ. Chấp nhận các dự án mạo hiểm, Trung Quốc có thể đã nghĩ rằng điều quan trọng hơn là giữ được những bạn bè thuộc các nền kinh tế đang phát triển thay vì đòi được nợ.
Nhưng đó là dấu hiệu cho thấy các dự án BRI thường được đàm phán rất chóng vánh và mạo hiểm, chỉ tập trung vào những lợi ích địa chính trị chứ không phải là sự bền vững về tài chính. Nói một cách đơn giản là Trung Quốc đã cấp quá nhiều khoản vay một cách quá nhanh chóng cho những nước có tình hình tài chính đáng nghi vấn.
Đôi khi cách tiếp cận này đã thực sự đem lại cho Trung Quốc những đồng minh, như Pakistan, nước nhận viện trợ lớn nhất từ BRI. Tuy nhiên, sự nhanh chóng này cũng có thể phản tác dụng, tạo ra sự lo ngại về ý đồ của Trung Quốc.
Ở Đông Nam Á, Myanmar là một trường hợp như vậy. Tại đây, Trung Quốc đã đề xuất một loạt dự án đắt đỏ, bao gồm cả một cảng nước sâu và đường sắt cao tốc. Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đã đến dự Diễn đàn tuần trước và ủng hộ BRI. Tuy nhiên, rõ ràng là dư luận và chính giới ở Myanmar nhìn chung hoài nghi sâu sắc về những điều kiện đi kèm các kế hoạch của Trung Quốc.
Có một cách tốt hơn trong thời gian tới là mở rộng BRI chậm rãi hơn, có thêm nhiều đối tác tham gia hơn và mang tính minh bạch hơn về các khoản vay.
Trung Quốc đã đưa ra những tín hiệu theo hướng này. Tuần trước, nước này đã đưa ra một “khung về tính bền vững của nợ” và đề xuất sẽ hoan nghênh có thêm các đối tác quốc tế, có khả năng bao gồm cả những định chế như Ngân hàng phát triển châu Á.
Chuyển đổi từ BRI từ chỗ là một mạng lưới gồm những dự án song phương không rõ ràng thành một thể chế đa phương mới và mở rộng sẽ đòi hỏi phải có những cải cách sâu sắc đối với mô hình hiện nay của BRI.
Tuy vậy, Trung Quốc hiện giờ cũng có một động lực tài chính mới để hiện thực hoá điều này. Thế giới đã quen với việc BRI cung cấp những khoản tiền không hạn chế khi Trung Quốc mở rộng phạm vi của BRI sang lục địa Âu-Á và sau đó là châu Phi. Nhưng những năm tháng dễ dàng như vậy có thể sẽ sớm chấm dứt.
Theo Moody’s, chi tiêu của Trung Quốc cho những khoản đầu tư và hợp đồng BRI đã giảm sút, chỉ còn khoảng 50 tỷ USD năm 2018 so với 150 tỷ USD hai năm trước đó. Quan trọng hơn là tài khoản vãng lai của Trung Quốc đang xấu đi. Trong những năm đầu của BRI, tài khoản vãng lai của Trung Quốc luôn có thặng dư lớn, tạo điều kiện cho Trung Quốc có nhiều tiền để chi ra bên ngoài. Tuy nhiên, năm ngoài tài khoản này đã bị thâm hụt một thời gian ngắn và có thể sẽ lặp lại điều này trong năm nay. Lần đầu tiên trong một thế hệ, Trung Quốc có thể sẽ phải đi vay để tài trợ cho các khoản đầu tư quốc tế, kể cả các dự án BRI.
Đây cũng không phải là khó khăn để Trung Quốc phải dừng các dự án lại. Nước này vẫn có thể chi hơn 1.000 tỷ USD cho BRI trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ bước vào một kỷ nguyên mới mà các vấn đề tài chính cần phải được quản lý kỹ càng hơn, và các dự án triển khai mang tính bền vững.
Đối với những người chỉ trích BRI, đặc biệt ở Phương Tây, diễn đàn tuần trước đặt ra một thách thức mới. Khi năm ngoái xảy ra nhiều rắc rối liên quan đến BRI, một số người hoài nghi đã dự đoán rằng Trung Quốc sẽ lặng lẽ từ bỏ BRI, vì sẽ nhận ra việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nước ngoài chẳng đáng để phải chịu những khó khăn, rắc rối như vậy. Tuy nhiên, đối với một sáng kiến đóng vai trò trung tâm của chế độ Tập Cận Bình như BRI thì dự đoán trên chỉ là võ đoán.
Giờ đây, phương Tây sẽ phải tìm cách ứng xử với BRI, điều mà cho đến bây giờ vẫn cho thấy họ đang thiếu nhất quán trong hành động. Mỹ thậm chí còn chỉ trích BRI gay gắt nhất, nhưng chưa có mấy hành động thể hiện ra. Châu Âu bị chia rẽ với việc một số nước phấn khởi gia nhập BRI trong khi những nước khác lại ngần ngại. Cả Mỹ và châu Âu đều không có được một chính sách có ý nghĩa.
Một cách tiếp cận tốt hơn là cần lưu ý những lĩnh vực cụ thể mà ở đó có sự quản trị yếu kém và iêu chuẩn tồi trong những dự án của Trung quốc, đồng thời thúc đẩy Trung Quốc thực hiện như những gì đã hứa công khai là làm cho BRI mang tính đa phương hơn và minh bạch hơn. Trong khi Trung Quốc tìm kiếm các nguồn tài trợ quốc tế, sẽ xuất hiện cơ hội để dần dần gây sức ép làm cho BRI trở nên trật tự dựa trên luật lệ toàn cầu, giống như trường hợp Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).
Những quốc gia hoài nghi BRI như Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ cũng cần phối hợp các kế hoạch cơ sở hạ tầng của mình một cách hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, bất kể là phương Tây đang cố gắng làm gì, cũng cần phải thừa nhận một điều một chiến lược chống lại BRI một cách giản đơn sẽ chẳng ích gì. Sự tồn tại của Con đường Tơ lụa mới là một thực tế./.