Không thể coi Trung Quốc là thị trường “dễ tính, đơn giản”

0
90
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi .

Thị trường Trung Quốc cũng đang có nhiều thay đổi theo hướng mở rộng tiêu dùng nội địa, coi trọng chất lượng, do vậy, không thể coi đây là thị trường “dễ tính”.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi đã nhấn mạnh như vậy khi chia sẻ nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới Trung Quốc dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 2 tại Bắc Kinh, Trung Quốc vừa qua.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi .

Nhiều tiến triển tích cực

Theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, Việt Nam và Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của nhau. Những năm vừa qua, hợp tác kinh tế – thương mại Việt Nam – Trung Quốc có nhiều tiến triển tích cực.

Liên tục trong 14 năm, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong 3 năm gần đây, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 7 của Trung Quốc trên toàn thế giới. Kim ngạch thương mại của hai nước trong năm 2018 đạt hơn 100 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017. Trong quý I năm 2019, theo số liệu của hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại Việt – Trung đạt 23,8 tỷ USD tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018. Điều đáng ghi nhận là gần đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc đã tăng nhanh hơn tốc độ nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, do đó cán cân thương mại giữa hai nước ngày càng lành mạnh hơn và tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc đang thu hẹp dần.

Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng chủ yếu như rau quả, xơ, sợi dệt các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy ảnh, máy quay phim,… nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng chủ yếu như nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, máy móc, thiết bị, dụng cụ,hóa chất, linh kiện điện thoại và phụ tùng khác,…

Về đầu tư, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam mấy năm gần đây có xu hướng tang trưởng mạnh và ổn định. Tính luỹ kế đến cuối tháng 3/2019, Trung Quốc có 2.299 dự án đầu tư có hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 14,2 tỷ USD, đứng thứ 7 trong tổng số hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đang có đầu tư tại Việt Nam (riêng năm 2018 có 381 dự án với số vốn đăng ký 2,4 tỷ USD, đứng thứ 5/67 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư). Đặc biệt, trong quý I/2019, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam với vốn đăng ký mới đạt 3,82 tỷ USD, tăng 80,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Về du lịch, Trung Quốc nhiều năm liền dẫn đầu về du khách nước ngoài đến Việt Nam, năm 2018, có gần 5 triệu khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam, tăng 23,9% so với cùng kỳ, bình quân cứ 3 du khách quốc tế đến Việt Nam thì có một du khách Trung Quốc. 4 tháng đầu năm 2019, có 1,3 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam. Lượng khách du lịch Việt Nam sang Trung Quốc không ngừng tăng, mỗi năm có hơn 1 triệu du khách Việt Nam đi Trung Quốc du lịch. Nếu tính cả giao lưu qua biên giới thì mỗi năm lượng qua lại giữa hai bên khoảng 12 triệu người.

Về Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường”, Việt Nam đã tham dự ở cấp Nguyên thủ tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ nhất vào tháng 5/2017. Tháng 11/2017, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ về thúc đẩy kết nối chiến lược giữa khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Nỗ lực khai thác, mở cửa thị trường Trung Quốc

Để đạt được kết quả tích cực này, theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, trước hết là do sự quan tâm của Lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, nỗ lực rất lớn của Chính phủ và trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, của các bộ, ngành và từ chính những nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm cách khai thác, mở cửa thị trường Trung Quốc để phục vụ phát triển trong nước.

Tại tất cả các cuộc tiếp xúc, hội đàm giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, lãnh đạo ta đều dành phần lớn thời gian để trao đổi về tăng cường mở rộng hợp tác kinh tế – thương mại. Đặc biệt, cơ chế Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc đã phát huy vai trò quan trọng, họp định kỳ hàng năm đánh giá về tình hình hợp tác tổng thể giữa hai bên, trao đổi các biện pháp tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác thực chất giữa hai nước. Các bộ, ngành hai bên cũng hết sức tích cực, thường xuyên cử đoàn qua lại với nhau để tiến hành trao đổi. Cùng với đó, các địa phương hai nước cũng có sự chuyển biến nhận thức, thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác thực chất giữa hai bên. Điều này cho thấy một sự thông suốt từ cấp cao nhất đến cấp bộ, ngành và đến cả các doanh nghiệp hợp tác giữa hai nước.

Thị trường Trung Quốc cũng đang có nhiều thay đổi theo hướng mở rộng tiêu dùng nội địa, coi trọng chất lượng. Trung Quốc đang khuyến khích các mặt hàng nhập khẩu phải đi theo đường chính ngạch và đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn ngày càng cao. “Chúng ta cần có cách nhìn nhận đúng, chính xác về nhu cầu của Trung Quốc, không thể coi thị trường Trung Quốc là thị trường ‘dễ tính, đơn giản’ như trước đây. Việc nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới nói chung và sang Trung Quốc nói riêng là chủ trương nhất quán của Chính phủ Việt Nam và cũng phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định Thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam ký kết vừa qua”, Đại sứ Đặng Minh Khôi cho biết.

Phạm Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here