Kết nối hiệu quả khu vực Bắc Trung Bộ – Nhật Bản tại “Gặp gỡ Nhật Bản” 2019

0
89
-Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản – Khu vực Bắc Trung Bộ”. (Ảnh: L.N)

Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản – Khu vực Bắc Trung Bộ 2019” tại TP. Vinh (Nghệ An) do Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Nghệ An, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng các Cơ quan đại diện của Nhật Bản phối hợp tổ chức thật sự đã mang lại một cơ hội kết nối hiệu quả giữa Nhật Bản và Khu vực Bắc Trung Bộ tại Việt Nam.

Các đại biểu tại Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản – Khu vực Bắc Trung Bộ”. (Ảnh: L.N)

Nhiều cơ hội mới cho Nghệ An

Tại buổi tiếp Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, các dự án ODA của Nhật Bản tại Nghệ An đang triển khai đúng tiến độ. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản vào Nghệ An đang có nhiều dấu hiệu tích cực. Các doanh nhân Nhật Bản cũng đang quan tâm nhiều hơn tới Nghệ An trên các lĩnh vực như công nghiệp, thương mại.

Ông Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ, kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An vào Nhật Bản đạt hơn 22 triệu USD và nhập khẩu đạt hơn 13 triệu USD. Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Nghệ An đang nâng cao chất lượng nông sản, cố gắng đạt các điều kiện để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An hy vọng, sẽ có một làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Nghệ An.

Tại Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản – Khu vực Bắc Trung Bộ”, Đại sứ Umeda Kunio đánh giá, những năm gần đây, quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và toàn diện trên mọi lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và tiến hành tiếp xúc cấp cao bên lề các hội nghị quốc tế.

Đại sứ cũng bày tỏ sự tin tưởng vào đường hướng phát triển của tỉnh Nghệ An và đặc biệt ấn tượng trước chỉ số PAPI của Nghệ An đứng thứ 4 cả nước. Đại sứ Umeda Kunio bật mí, hiện tại, Nghệ An có nhiều tiềm năng thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản. Các doanh nghiệp Nhật Bản biết được lợi thế của khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và Nghệ An nói riêng là vùng đất địa linh nhân kiệt, sở hữu nhân tố con người cần cù, chịu khó; vì vậy, họ đang tìm kiếm các cơ hội mới, tận dụng những yếu tố đáng quý này để đầu tư vào Nghệ An.

Bên cạnh những thành quả hợp tác đã đạt được, ông Umeda Kunio cho biết, Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng cần có sự phối hợp chặt chẽ với Nhật Bản để tăng cường quản lý các công ty du học, xuất khẩu lao động nhằm đảm bảo quyền lợi cho du học sinh, người lao động sang làm việc tại Nhật Bản. Hệ thống đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc – Nam khi hoàn thành cũng sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư và du lịch cho Nghệ An.

Bắc Trung Bộ cùng góp sức

Không chỉ tập trung vào Nghệ An, 5 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ cũng được quan tâm, chú trọng tại Hội nghị lần này. Theo đó, đại diện các tỉnh khu vực này đã tham gia các phiên thảo luận vấn đề hợp tác phát triển liên kết vùng như: Hợp tác phát triển; Hợp tác địa phương, Văn hóa – Du lịch, Hợp tác lao động; Hợp tác kinh tế và các phần thảo luận của các đại diện đến từ Nhật Bản, các tỉnh trong khu vực.

Tại phiên thảo luận, tỉnh Quảng Trị đưa ra một số đề xuất hợp tác trong giai đoạn tới với tỉnh Hiroshima của Nhật Bản. Cụ thể như trao đổi đoàn, hữu nghị hợp tác về kinh tế – chính trị, văn hóa – xã hội, y tế giáo dục giữa hai bên. Tiếp tục có các hoạt động từ thiện nhân đạo: cấp học bổng cho học sinh nghèo, tài trợ cho nạn nhân da cam/dioxin, xây dựng trường học cho vùng khó khăn, hỗ trợ trang thiết bị y tế, giáo dục và triển khai các dự án an sinh xã hội, mở rộng quan hệ hợp tác giữa Quảng Trị và Hiroshima trong lĩnh vực giáo dục. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị cũng đề xuất Chính phủ Nhật Bản thông qua hai dự án ODA: Tuyến đường sắt từ cảng Mỹ Thủy – Đông Hà – Lao Bảo và Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo.

Cũng tại phiên thảo luận, tỉnh Hà Tĩnh mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Hà Tĩnh với Nhật Bản để tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư, doanh nghiệp, nhà đầu tư từ Nhật Bản đầu tư vào Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh đề xuất Nhật Bản quan tâm, tạo mọi điều kiện hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh trong việc thu hút nguồn vốn FDI và ODA…

Có thể thấy rõ ràng, tại Hội nghị, các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đã nỗ lực để tìm tiếng nói chung với các doanh nghiêp Nhật Bản, cũng như giới thiệu để các doanh nghiệp Nhật Bản hiểu rõ hơn về khu vực giàu tiềm năng. Bên cạnh đó, hai bên cũng làm rõ những phương hướng lớn, đưa ra nhiều biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị – hợp tác giữa Khu vực Bắc Trung Bộ và Nhật Bản trong thời gian tới.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao cho hay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh đối ngoại địa phương là “trái tim của hội nhập”. Thành công trong các hoạt động đối ngoại của các địa phương là nhân tố chính, góp phần to lớn vào thành công chung của hoạt động đối ngoại đất nước.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, công tác đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa địa phương Việt Nam với Nhật Bản có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược hội nhập quốc tế của đất nước, làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng giữa hai nước, đồng thời cũng góp phần vào tiến trình xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương hai nước nói riêng.

“Với thiện chí và quyết tâm chung qua sự kiện “Gặp gỡ Nhật Bản” 2019, chúng ta có cơ sở để xây dựng niềm tin rằng: Khu vực Bắc Trung Bộ là những người chung tay góp sức cho quan hệ Việt Nam – Nhật Bản tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, thực chất hơn”, Thứ trưởng Thanh Sơn chia sẻ.

Linh Nguyễn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here