Bài toán thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tại Việt Nam

0
72
  1. Đặt vấn đề

Như chúng ta đã biết, vai trò của việc huy động vốn đối với nước ta nói riêng và tất cả các nước nói chung là vô cùng quan trọng. Vốn là cơ sở, nền tảng để tổ chức mọi hoạt động trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Nguồn vốn để phát triển kinh tế có thể được huy động ở trong nước hoặc từ nước ngoài. Tuy nhiên, nguồn vốn trong nước thường có hạn, nhất là đối với những nước đang phát triển như Việt Nam (có tỷ lệ tích lũy thấp, nhu cầu đầu tư cao, nên cần có một số vốn lớn để phát triển kinh tế). Vì vậy, nguồn vốn đầu tư nước ngoài ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nước ta. Hơn nữa, trong bối cảnh của nền kinh tế phát triển, tự do hóa thương mại và ngày càng hội nhập vào thị trường tài chính quốc tế. Vai trò của vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài để phát triển kinh tế được các chuyên gia đánh giá là rất cần thiết. Việc làm thế nào để số lượng thành viên tham gia và chất lượng vốn huy động FDI luôn là một vấn đề được quan tâm của nước ta.

Nhận thức đúng vị trí, vai trò của đầu tư nước ngoài, trong những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng công tác thu hút đầu tư từ nước ngoài. Chính phủ liên tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó đặc biệt coi trọng việc triển khai chương trình xây dựng pháp luật. Mặc dù, nước ta đã và đang cố gắng trong việc huy động vốn trực tiếp nước ngoài, nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và bất cập. Vì vậy, chúng ta cần tìm ra giải pháp để hoàn thiện hoạt động thu hút vốn FDI là rất thiết thực và cấp bách.

  1. Thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp FDI tại Việt Nam

Với thắng lợi của năm 2016, đã tạo đà rất lớn về thu hút vốn FDI năm 2017. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn FDI đăng ký năm 2017 đạt 21,276 tỷ USD, tăng 42,3% so với 2016. Tính chung tổng vốn FDI vào Việt Nam (cấp mới, điều chỉnh vốn, mua cổ phần…) năm 2017 gần 36 tỷ USD, xấp xỉ tăng 45% so với năm 2016. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 17,5 tỷ USD trong 12 tháng năm2017. Những năm trước đây, vốn FDI giải ngân chỉ ở mức 11-12 tỷ USD, năm 2016 mức giải ngân đạt 15,8 tỷ USD.

 

Theo đối tác đầu tư 

Trong 12 tháng năm 2017 có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam so với năm 2016 chỉ có 95 nước đầu tư. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất đã vượt lên Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư là 9,112 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 8,494 tỷ USD, chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,308 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư. Năm 2017 được cho là năm thành công khi Việt Nam đã thu hút được thêm các nhà đầu tư từ các nước. (Biểu đồ 2)

Theo lĩnh vực đầu tư 

Năm 2017, như mọi năm trước đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, nhưng nổi trội nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn là 15,87 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nguyên nhân FDI đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo một phần là do Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, lao động Việt Nam được đánh giá rẻ hơn. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chính là lĩnh vực Chính phủ đang rất quan tâm, ưu tiên thu hút đầu tư, nhằm đạt mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2020. Nếu năm 2016, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa là lĩnh vực thứ 2 được nhắc tới thì trong năm 2017, lĩnh vực sản xuất, phân phối điện lại đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 8,37 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, đây là một bất ngờ đối với các doanh nghiệp cũng như Nhà nước. Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. (Biểu đồ 3)

Theo địa bàn đầu tư

Năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh, thành phố so với năm 2016 là 51 tỉnh. Như vậy, năm 2017 có sự mở rộng thêm 8 tỉnh, với các lĩnh vực khác nhau, trong đó, TP. Hồ Chí Minh đã vươn lên dẫn đầu là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký là 6,5 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư. Bắc Ninh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng kýlà 3,4 tỷ USD, chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư. Thanh Hóa đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký 3,17 tỷ USD, chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư. Năm 2016, Bình Dương xếp ở vị trí đầu, thì năm 2017 đã tụt xuống vị trí thứ 4 với 2,79 tỷ USD, chiếm 6,3% tổng vốn đầu tư.

Một số dự án lớn được cấp phép trong năm 2017:

Nối tiếp thành công trong các năm 2016, năm 2017, chúng ta đã thực việc giúp thu hút vốn FDI tăng cao, đồng thời đã xây dựng thêm được nhiều các dự án được cấp phép xây dựng:

– Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hóa với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất (thuần) khoảng 1.200 MW.

– Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Khánh Hòa với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao nhà máy nhiệt điện đốt than với công suất tinh 1.320MW.
– Dự án SamSung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh.

– Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất thuần khoảng 1.109,4 MW.

– Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất thuần khoảng 1.109,4 MW.
Dự án đường ống dẫn khí lô B Ô Môn, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD do nhà máy đầu tư Nhật Bản liên doanh với PVN và PVGAS Việt Nam đầu tư với mục tiêu xây dựng, vận hành đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn tại Kiên Giang.

Tóm lại, năm 2017 vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng kỷ lúc trong vòng 10 năm trở lại, đồng thời cũng là một tín hiệu đáng mừng cho năm 2018 sẽ đạt được nhiều kết quả tốt hơn. Song bên cạnh đó, kết quả trên 36 tỷ USD thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2017 đang tạo áp lực cho kế hoạch thu hút FDI năm 2018 và các năm tiếp theo.

III. Giải pháp thu hút vốn FDI vào Việt Nam

  1. Mở rộng hình thức thu hút

Ngoài các hình thức đầu tư như Luật Đầu tư hiện nay quy định, để tăng cường thu hút FDI, có thể áp dụng các hình thức sau:

– Công ty cổ phần trong nước có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là loại hình công ty phổ biến trên thế giới và được áp dụng ở nhiều nước Đông Nam Á. So với công ty trách nhiệm hữu hạn, loại hình này có nhiều lợi thế về huy động vốn và giảm rủi ro. Do đó, Nhà nước ta cần phải có hệ thống văn bản pháp quy quy định về loại hình thu hút FDI này.

– Cổ phần hóa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo ý kiến của các nhà đầu tư, Luật Đầu tư quy định donh nghiệp liên doanh không được phép huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, chứng khoán. Đây là điều quá cứng nhắc và gây bất lợi cho phía Việt Nam. Vì vậy, Nhà nước nên có những quy định cụ thể về loại hình này, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mua cổ phần, nộp tỉ lệ góp vốn của phía Việt Nam. Theo đó, Nhà đầu tư được tự do lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với các yêu cầu của mình.

  1. Cải tiến quy chế đầu tư vào các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam

Việc cải tiến quy chế đầu tư sẽ góp phần thu hút mạnh hơn nữa các dự án FDI vào các khu công nghiệp và khu chế xuất. Cụ thể là:

– Giảm giá thuê đất trong các khu công nghiệp và khu chế xuất để đảm bảo cho các chủ đầu tư có lợi, thúc đẩy họ đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất.
– Nhà nước phải đầu tư đồng bộ để xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các dự án FDI.

– Cần xác định rõ số lượng các lệ phí và phí mà chủ đầu tư phải có trách nhiệm chi trả, cũng như mức thu của từng loại lệ phí. Tránh tình trạng thu lệ phí quá nhiều, chồng chéo, quá nhiều tổ chức, cơ quan thu lệ phí.

– Quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất phải đảm bảo sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Do đó, diện tích đất sử dụng cho mỗi dự án phải phù hợp trước mắt, cũng như phát triển lâu dài của dự án.

– Nhà đầu tư tự do chọn lựa địa điểm, vị trí dự án trong hay ngoài khu công nghiệp.

  1. Về thủ tục hành chính

– Cải tiến thủ tục cấp giấy phép đầu tư, cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cải cách thủ tục hành chính, khắc phục sự trì trệ trong các cơ quan quản lý nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo nguyên tắc “một cửa”, “một dấu”. Các cơ quan phụ trách hợp tác và đầu tư tạo điều kiện thận lợi cho họ đăng kí.
– Đơn giản hóa thủ tục hải quan. Các quy định thủ tục hải quan phải được sửa đổi ngay và công bố công khai theo hướng đơn giản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khắc phục ngay các hiện tượng phiền hà, tiêu cực; biết tiếp thu và xử lý các ý kiến đóng góp hoặc khiếu nại của khách hàng. Muốn vậy, phải có sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành có liên quan như thương mại, hải quan, công nghệ môi trường. Những vấn đề phát sinh không giải quyết được, phải nhanh chóng có công văn hỏi ý kiến và công văn phúc đáp của cơ quan chức năng.
– Thực hiện công tác kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các bộ, cơ quan thuộc chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành thực hiện quản lý đầu tư cần phải có sự phối hợp trong công tác quản lý. Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm xử lý kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền và hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định tại giấy phép đầu tư và pháp luật, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn. Nếu doanh nghiệp có sai phạm phải thông báo cho doanh nghiệp biết để kiến nghị lên các cơ quan có chức năng giải quyết.

– Thực hiện các biện pháp bảo đảm đầu tư. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng soạn thảo và ban hành các văn bản quy định chế độ bảo lãnh tín dụng về: thế chấp, cầm cố khi các doanh nghiệp muốn đi vay. Bên cạnh đó, cũng cần ban hành quy chế thu hồi nợ. Luật Đầu tư nước ngoài hiện nay quy định bên nước ngoài tham gia vào liên doanh phải góp vốn bằng tiền nước ngoài. Song thực tế có không ít trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thu được lợi nhuận của mình bằng tiền Việt Nam hoặc có được nhờ thừa kế, chuyển nhượng vốn… muốn tái đầu tư mở rộng sản xuất hoặc đầu tư mới. Do đó, nên cho phép các nhà đầu tư góp vốn bằng tiền Việt Nam, nhưng có qui định các khoản thu nào được cho phép góp vốn để đầu tư. Thực tế phát sinh cho thấy, trong nhiều liên doanh, nhờ đàm phán đôi bên, bên Việt Nam nhận được lợi nhuận nhiều hơn tỷ lệ vốn góp. Vì vậy, Nhà nước nên qui định: “Các bên liên doanh được phân chia lỗ lãi tùy theo sự đàm phán, song không được thấp hơn tỉ lệ góp vốn” để đảm bảo quyền lợi cho phía Việt Nam.

ThS. NGUYỄN THỊ DUNG

 

 

 

 

 

 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here