Xây dựng chính phủ kiến tạo ở Trung Quốc và gợi mở đối với Việt Nam (Phần cuối)

0
92
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

(Tiếp theo kỳ trước)

2.2. Một số nhận xét về chính phủ kiến tạo Trung Quốc

Từ những trình bày về chính phủ kiến tạo Trung Quốc trên đây, xin có một số nhận xét sau:

Thứ nhất, cùng với việc xây dựng nền kinh tế thị trường đặc sắc Trung Quốc, một yếu tố cơ bản làm nên thành tích phát triển kinh tế ngoạn mục ở Trung Quốc là việc xây dựng và vận hành chính phủ kiến tạo. Đây là xu hướng có tính phổ quát toàn cầu đòi hỏi nhà nước không thể đóng vai trò phục vụ, thúc đẩy tốt nếu nó không chuyển mình theo hướng đó.

Thứ hai, chính phủ kiến tạo Trung Quốc đương nhiên có nét chung như mọi chính phủ được gọi là chính phủ kiến tạo khác trong việc xây dựng các khuôn khổ và định hướng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Nhưng không có mô hình chính phủ kiến tạo cụ thể cho mỗi quốc gia. Trong quá trình xây dựng và vận hành chính phủ kiến tạo Trung Quốc, đặc điểm nổi bật của quá trình này là Trung Quốc chủ yếu nhằm xây dựng chính phủ kiến tạo ở địa phương. Trong thể thống nhất về các vấn đề có tầm chiến lược, chính phủ địa phương đóng vai trò chủ động rất lớn cho sự phát triển. Những ví dụ trên cho thấy, không phải bao giờ chính sách của Trung ương cũng là khởi nguồn cho việc xây dựng chính sách của chính phủ địa phương, chính phủ địa phương ở Trung Quốc đã xuất phát từ các yêu cầu của một địa phương trong quốc gia rộng lớn để tìm kiếm chính sách, thực hiện sáng tạo nhiệm vụ phát triển ở địa phương mình, thể hiện rõ rệt tư duy về sự “phát triển” để có những thay đổi về thể chế, quản lý. I. tương ứng.

Điều đáng chú ý ở Trung Quốc là trong việc xây dựng chính phủ kiến tạo địa phương, họ đề cao tương đối vị trí, vai trò của chính quyền cấp huyện. Theo quan điểm của người Trung Quốc “quận huyện trị, thiên hạ an”, có nghĩa là làm tốt công tác quản trị ở chính quyền cấp huyện, thì tất yếu đạt được sự ổn định trong xã hội. Trong hệ thống chính quyền, chính quyền cấp huyện là mắt xích quan trọng trung gian giữa các cấp chính quyền, đồng thời là “tảng đá vững chắc” cho sự phát triển ổn định của đất nước.

Trong xây dựng chính phủ kiến tạo địa phương, điều cần chú ý là từ những năm 90 của thế kỷ trước, sự phát triển của mỗi địa phương được dựa trên tiêu chuẩn đánh giá về chỉ số tăng trưởng và hiệu suất kinh tế chính. Đây chính là động lực thúc đẩy các chính phủ địa phương nghiêng về hướng kiến tạo phát triển. Chính phủ kiến tạo địa phương chính là yếu tố đặc biệt quan trọng đóng góp vào sự phát triển của địa phương kể từ sau khi thực hiện cải cách đến nay.

Thứ ba, phát triển kinh tế là mục tiêu trọng điểm trong quản trị địa phương của chính phủ kiến tạo Trung Quốc, giúp gia tăng của cải xã hội, cải thiện điều kiện sống, nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc xây dựng và vận hành Chính phủ đòi hỏi cần có đội ngũ các nhà lãnh đạo và cán bộ, công chức với các phẩm chất, năng lực tương ứng. Những thành tích tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong bối cảnh xây dựng chính phủ kiến tạo nhằm vào chính phủ địa phương cho phép nhận định rằng, Trung Quốc đã xây dựng được đội ngũ lãnh đạo địa phương nói riêng và cán bộ, công chức địa phương nói chung có khả năng đáp ứng các yêu cầu của chính phủ kiến tạo. Bởi vậy, trong rất nhiều trường hợp mà trên đây chỉ là một số ví dụ, chính phủ địa phương là nơi hoạch định chính sách, sau đó được Chính phủ Trung ương tiếp nhận và nhân rộng, vấn đề quan trọng ở đây là tầm nhìn của người lãnh đạo chính phủ địa phương.

Thứ tư, không phải việc xây dựng và vận hành chính phủ địa phương luôn diễn ra một cách suôn sẻ, không khiếm khuyết. Cũng như ở nhiều quốc gia, chính quyền địa phương Trung Quốc cũng có xu hướng cục bộ, vun vén địa phương. Trong không ít trường hợp chính phủ địa phương về mặt hình thức hưởng ứng yêu cầu chính sách của Trung ương, nhưng thực chất là nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là nhu cầu tối đa hoá lợi ích tài chính địa phương. Đây là điều khiến cho người ta nhầm tưởng rằng đó chính là điều tạo nên khái niệm chính phủ kiến tạo địa phương ở Trung Quốc.

Có thể nêu thêm các biểu hiện khác. Sau khi cải cách chế độ thu thuế năm 1994, trước áp lực về tài chính ngân sách, chính quyền một số địa phương đã lũng đoạn tài nguyên đất đai, khiến cho một số chính phủ kiến tạo địa phương biến mình trở thành cái mà sách báo gọi là “cánh tay cướp đoạt”. Ở một số đơn vị cấp huyện, chính phủ địa phương có biểu hiện trái với tinh thần chính phủ kiến tạo, có xu hướng can thiệp sâu ở tầm vi mô, xem nhẹ sức mạnh của thị trường, tính tự chủ của xã hội. Hoặc, mặc dù Trung ương cũng đã nhiều lần nhấn mạnh chủ trương chuyển đổi sang mô hình chính phủ phục vụ, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa theo kịp, có những biểu hiện tiêu cực trong trưng thu đất đai, đầu tư trùng lặp, đầu tư không có chọn lọc vào các ngành công nghiệp, các hiện tượng như quan liêu, tham nhũng địa phương cao, chủ nghĩa bảo hộ địa phương khá thịnh hành, rủi ro tài chính nợ công của địa phương tăng cao…

Ngoài ra, việc chú trọng xây dựng và vận hành chính phủ kiến tạo địa phương cũng có hệ luỵ của nó. Những năm cuối thế kỷ XX, tốc độ phát triển kinh tế cao của Trung Quốc mang đến những hệ lụy nghiêm trọng như: sự phát triển không hài hoà giữa các vùng miền, các tổ chức xã hội, vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái xuống cấp và mất cân bằng trong phát triển.

Thứ năm, sự vận hành của chính phủ kiến tạo địa phương trước hết là phục vụ cho phát triển kinh tế và các mặt khác ở địa phương, không tránh khỏi chuệch choạc, hạn chế. Trong nhiều trường hợp, chính phủ địa phương không thể bảo đảm được tính toàn bộ, tổng thể quốc gia, do đó, về nguyên tắc phải cần đến vai trò điều chỉnh, điều phối của Chính phủ Trung ương. Đây chính là cơ sở để nói rằng Chính phủ Trung Quốc là chính phủ kiến tạo trong một thể thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Trong thực tế, Chính phủ Trung ương đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc dẫn dắt xây dựng và vận hành của cả hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương, định hướng hoạt động của chính quyền. Nếu như trước đây nhiệm vụ của chính phủ kiến tạo là thúc đẩy phát triển kinh tế với chủ trương lấy tốc độ và hiệu quả phát triển kinh tế làm trọng tâm thì tình hình mới đặt ra yêu cầu phải có sự điều chỉnh mục tiêu phát triển đất nước hướng tới sự cân bằng giữa phát triển kinh tế thị trường và đảm bảo công bằng xã hội. Từ khi bước vào thế kỷ XXI, Trung Quốc bắt đầu tiến hành điều chỉnh mục tiêu phát triển chính sách công theo “quan điểm phát triển khoa học” lấy con người làm gốc, theo đuổi một nền chính trị hợp pháp lấy phát triển khoa học làm mục tiêu căn bản. Hội nghị toàn thể Trung ương 3 lần thứ XVI của ĐCS Trung Quốc (tháng 10-2003) lần đầu tiên đã đề ra khái niệm mới “quan điểm phát triển khoa học”, trong đó ý nghĩa đầu tiên là phát triển, trọng tâm là lấy dân làm gốc, yêu cầu căn bản là phối hợp toàn diện và phát triển bền vững, phương pháp căn bản là quy hoạch tổng thể. Từ năm 2004, “quan điểm phát triển khoa học” và “xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa hài hoà” bắt đầu trở thành khẩu hiệu trong đời sống chính trị Trung Quốc, gợi ra và thúc đẩy sự chuyển đổi mô hình quản trị của Chính phủ Trung Quốc: Phương hướng chuyển đổi là xây dựng chính phủ kiến tạo khoa học và chính phủ phục vụ. Từ đó, bảo đảm và cải thiện đời sống nhân dân là trục chính trong chính sách công của Trung Quốc, để nhân dân cùng được hưởng thụ thành quả phát triển cải cách, nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu quản trị nhà nước. Hiện nay, khi một số chính phủ địa phương Trung Quốc có những biểu hiện rời xa quan niệm đúng về chính phủ kiến tạo, đi chệch nhu cầu phát triển thì việc chuyển đổi sang mô hình chính phủ kiến tạo -phục vụ chính là sự phản hồi đối với nhu cầu đó.

Dưới đây là một số kiến nghị của một số học giả Trung Quốc về quá trình chuyển đổi mô hình của chính phủ kiến tạo sang chính phủ kiến tạo phục vụ ở Trung Quốc.

(1) Ý thức và coi trọng vai trò của xã hội trong quản trị nhà nước. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, ý thức về quyền lợi của công dân cũng ngày càng cao. Sự phát triển của các tổ chức xã hội để đối phó lại với những hành vi xâm phạm quyền lợi của chính phủ địa phương cấp huyện cho thấy sự trưởng thành của lực lượng xã hội. Những sai lầm của chính quyền khiến địa vị của nó ít nhiều bị giảm sút và chỉ Chính phủ thôi thì không thể giải quyết được các vấn đề cụ thể của đời sống xã hội. Mặc dù, chính phủ địa phương vẫn là nhân tố cốt yếu không thể thiếu trong cơ chế vận hành và chuyển đổi, nhưng nó cần nâng cao sự tin cậy và hồi phục uy tín của mình trong xã hội.

(2) Nhận thức rõ về chức năng của chính phủ. Trong quá trình chuyển đổi này, chính quyền cần nhận thức rõ hình thái phát triển và nhu cầu của thời đại; từ đó xác định rõ phương thức quản trị, nhiệm vụ chức năng của chính phủ, nâng cao độ minh bạch, chuyển giao bớt quyền cho thị trường, xã hội, thoái lui khỏi hoạt động kinh tế, gia tăng ý thức phục vụ. Bên cạnh đó, tăng cường phục vụ công cộng, bảo đảm xã hội, quan tâm đầu tư cho các lĩnh vực giáo dục, bảo vệ môi trường, làm tốt công tác điều tiết và bảo đảm xã hội cho nhân dân, loại bỏ chế độ hộ khẩu làm ảnh hưởng đến những phúc lợi xã hội của công dân.

(3) Tổ chức lại bộ máy hành chính. Tái cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính cần thực hiện nguyên tắc phân quyền hợp lý, nguyên tắc hội nhập, nguyên tắc hành động mạnh mẽ và phân bổ ưu tiên các nguồn lực. Căn cứ vào các điều kiện khác nhau, áp dụng các cơ cấu tổ chức hành chính khác nhau. Chính quyền địa phương trong quá trình chuyển đổi sang mô hình chính phủ kiến tạo-phục vụ cần  nâng cao năng lực và trình độ quản trị, bao gồm năng lực lãnh đạo, năng lực tích hợp tài chính, năng lực hợp tác, năng lực phản ứng và năng lực dịch vụ công, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội.

3. Một số gọi mở đối với Việt Nam

Trên đây là những nét cơ bản về quá trình xây dựng và xu hướng phát triển của chính phủ kiến tạo, chủ yếu là chính phủ kiến tạo địa phương ở Trung Quốc.

Việt Nam là nước có thể chế chính trị và thể chế nhà nước xã hội chủ nghĩa tương tự Trung Quốc. Trước năm 1986 như Trung Quốc, chúng ta cũng áp dụng mô hình kinh tế kế hoạch tập trung, bao cấp. Mô hình này không những không thúc đẩy được sự phát triển kinh tế, thậm chí khiến nền kinh tế trì trệ, khủng hoảng, lạm phát có lúc trên 700% (năm 1986). Nhận thức được những sai lầm về đường lối chính sách phát triển đất nước, kể từ sau Đại hội VI năm 1986, ĐCS Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách cải cách, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nhằm xây dựng cơ chế mới phù hợp với quy luật khách quan và trình độ phát triển của nền kinh tế và dần chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước chủ trương kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp; đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, cho phép và khuyến khích kinh tế tư nhân, cá thể phát triển trong những ngành nghề, lĩnh vực nhất định. Chính quyền thực hiện phân cấp quản lý theo nguyên tắc tập trung dân chủ; phân biệt rõ và kết hợp tốt chức năng quản lý hành chính – kinh tế của các cơ quan nhà nước Trung ương và địa phương với chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở… Đến Đại hội VII năm 1991, Đảng chính thức thừa nhận cơ chế thị trường với tư cách là cơ chế vận hành nền kinh tế.

Trải qua các kỳ đại hội từ năm 1986 đến nay, ĐCS Việt Nam trên cơ sở tổng kết những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn qua các kỳ Đại hội, cũng đã chỉ rõ: Để nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành thông suốt cần tiếp tục tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường; đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước theo hướng hình thành về cơ bản và vận hành thông suốt, có hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển mạnh các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Nhà nước từ chỗ trực tiếp chỉ huy toàn bộ nền kinh tế theo một kế hoạch tập trung, thống nhất mang tính pháp lệnh đã chuyển hướng sang phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và chức năng quản lý kinh doanh. Nhà nước quản lý kinh tế bằng pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết vĩ mô khác trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường. Với những điều chỉnh có tính chiến lược như trên, kể từ sau 1986 đến nay, Việt Nam đã bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế 1 xã hội kéo dài nhiều năm. Kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân trong khoảng thời gian từ năm 1986-2013 đạt 6,71%.

Thành quả kinh tế mà Việt Nam đã đạt được từ sau khi cải cách đến nay gắn liền với vai trò đặc biệt của Nhà nước trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Nhưng kết quả đó không đồng hành với một chính phủ kiến tạo, mặc dù bộ máy nhà nước Việt Nam đã có những thay đổi lớn về tổ chức và hoạt động theo các nhu cầu phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và ít nhiều có các yếu tố của chính phủ kiến tạo. Theo xu hướng chung, có tính quy luật phổ quát, chúng ta sẽ phải xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển để đáp ứng các yêu cầu phát triển có hiệu quả và bền vững kinh tế đất nước. Từ đầu nhiệm kỳ năm 2016 đến nay, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh thông điệp về xây dựng và vận hành “chính phủ kiến tạo”. Trong phiên chất vấn nghị trường ngày 18-11-2017 tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đưa ra những quan niệm của mình về chính phủ kiến tạo. Có thể nói, hiện nay Chính phủ Việt Nam đang có xu hướng hướng đến xây dựng một mô hình chính phủ kiến tạo.

Xây dựng chính phủ kiến tạo – phục vụ không thể có mô hình cụ thể chung cho mọi quốc gia. Nhưng mỗi nước hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm xây dựng chính phủ đó từ nước khác. Do có nhiều điểm tương đồng nên trong quá trình xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, chúng ta có thể thận trọng và khách quan xem xét kinh nghiệm của Trung Quốc trong xây dựng và vận hành chính phủ kiến tạo của Trung Quốc là vấn đề xây dựng và vận hành chính phủ kiến tạo địa phương, chính phủ kiến tạo địa phương đã hình thành và vận hành với các ưu điểm và hạn chế của nó. Đối với nước ta, vấn đề xây dựng và vận hành chính phủ kiến tạo -phục vụ rất có thể phải theo các nước Đông Á khác, bắt đầu từ vai trò xây dựng của chính quyền Trung ương, không thể chỉ chú trọng vai trò của chính quyền địa phương. Mặt khác, thực tế cho thấy tư tưởng cục bộ còn tồn tại ở một số địa phương, tại thời điểm hiện nay, không phải mọi cán bộ lãnh đạo địa phương đều có tầm nhìn xa trong vấn đề chính phủ kiến tạo – phục vụ… Trong khi đó, phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương là vấn đề còn đang có nhiều vướng mắc. Mặc dù các địa phương được quyền tự chủ rất lớn về quy hoạch phát triển, phân cấp đất, trong xây dựng hạ tầng trong tỉnh, phần lớn các dự án đầu tư công giao cho chính quyền địa phương quản lý, nhưng nguồn vốn ngân sách do Trung ương phân bổ nên về thực chất, dự án đầu tư công vẫn do Trung ương quyết định, vai trò quản lý của chính quyền địa phương còn mờ nhạt, chưa thể hiện tính chủ động quyết định và tự chịu trách nhiệm trên địa bàn mình quản lý.

Đó là chưa kể trong thực tế, do năng lực, tầm nhìn và do công tác giám sát, kiểm tra còn hạn chế, việc giám sát chính quyền địa phương còn chưa tốt, nên đã có không ít tiêu cực, việc làm trái pháp luật./.

(Vũ Kiều Oanh, TS. Viện Thông tin KHXH, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here