Phát triển thị trường Carbon tại Đông Nam Á và hàm ý chính sách đối với Việt Nam

0
602
Định giá carbon là chính sách quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào giảm phát thải khí nhà kính. (Nguồn: baophapluat.vn)

Trong tiến trình tăng trưởng xanh và hiện thực hóa cam kết quốc tế về giảm phát thải, phát triển thị trường carbon là giải pháp được nhiều nước quan tâm, có triển vọng đem lại những lợi ích thiết thực ở cả cấp độ nền kinh tế và doanh nghiệp, người sản xuất.

Theo UN-REDD, thị trường carbon là cơ chế nhằm giới hạn và kiểm soát lượng khí thải CO2, một trong những tác nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính. Theo đó, các quốc gia hoặc doanh nghiệp được phép phát thải với khối lượng nhất định và được phép bán lượng phát thải chưa sử dụng hết cho những quốc gia, tổ chức hoặc doanh nghiệp có nhu cầu tiếp nhận để đáp ứng mục tiêu phát thải. Mô hình này đã được các nước phát triển như Liên minh Châu Âu (EU) đi đầu áp dụng thông qua Hệ thống Giao dịch Phát thải (ETS) với mục tiêu kiểm soát và giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Ở cấp độ toàn cầu, với việc nhiều quốc gia đã đưa ra cam kết về giảm phát thải tại Hội nghị COP 28 và đẩy mạnh phục hồi tăng trưởng bền vững giai đoạn hậu Covid, việc phát triển thị trường carbon ngày càng được coi trọng áp dụng, trong đó có khu vực Đông Nam Á.

Kinh nghiệm phát triển thị trường carbon tại Đông Nam Á

Phát triển thị trường carbon là công cụ thiết yếu đối với các nước Đông Nam Á trong tiến trình chuyển đổi thành những nền kinh tế phát thải thấp. Việc áp dụng các tín chỉ carbon cũng sẽ giúp các nền kinh tế và doanh nghiệp, nhà sản xuất tại khu vực thích ứng với các xu hướng xanh hóa sản xuất trên thế giới, bao gồm Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM) của EU.

Theo đánh giá của Ban Thư ký ASEAN, các nỗ lực giảm phát thải và phát triển thị trường carbon tại khu vực sẽ giúp GDP của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam tăng thêm 9 – 12% và GDP của các nước thu nhập trung bình như Indonesia, Malaysia và Thái Lan tăng thêm 4 – 7% đến năm 2050. Cùng với nỗ lực chung của ASEAN nhằm xây dựng và triển khai Chiến lược Trung hòa carbon (ASEAN Strategy for Carbon Neutrality), các nước Đông Nam Á, đi đầu là Singapore và Indonesia, đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường carbon trong nước trên cơ sở sự cam kết và tạo lập các khuôn khổ thể chế từ phía Chính phủ, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và hợp tác quốc tế. Trong khi đó, việc phát triển thị trường carbon tại một số nước Đông Nam Á khác vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi, đòi hỏi đẩy mạnh hơn nữa các chính sách và biện pháp cụ thể.

Kinh nghiệm Singapore

Singapore là quốc gia tiên phong tại Đông Nam Á triển khai chính sách thuế carbon từ năm 2019. Chính sách này yêu cầu các doanh nghiệp phát thải trên 25.000 tấn CO2 mỗi năm đóng một khoản thuế cố định cho mỗi tấn CO2 phát thải, từ đó giúp thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp giảm phát thải. Theo chính sách mới từ năm 2024, các doanh nghiệp có thể sử dụng các tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế để bù đắp tối đa 5% khối lượng phát thải phải chịu thuế. Biện pháp này nhằm khuyến khích sự gia tăng nhu cầu đối với các tín chỉ carbon chất lượng cao và thúc đẩy sự phát triển của thị trường carbon theo hướng hiệu quả và được điều tiết. Các tín chỉ carbon được sử dụng phải phù hợp các tiêu chuẩn đề ra theo Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu cũng như các nguyên tắc cao về bảo vệ môi trường.

Dù đã có những bước tiến vững chắc về phát triển thị trường carbon những năm qua, đến nay quy mô của thị trường carbon Singapore vẫn hạn chế và phụ thuộc nhiều vào mức độ hưởng ứng, tham gia của các doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ Singapore đã tham gia nhiều sáng kiến toàn cầu về biến đổi khí hậu và ký thỏa thuận hợp tác về tăng trưởng xanh và các dự án carbon với một số nước đối tác, bao gồm các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển như Việt Nam, Paraguay, Ghana, Bhutan… Theo thỏa thuận giữa Singapore và Ghana, các bên tham gia dự án carbon sẽ đóng góp 5% số tiền thu được từ việc giao dịch các tín chỉ carbon để sử dụng cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu tại Ghana. Các doanh nghiệp Singapore cũng có thể sử dụng các khoản thu từ các tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế của Singapore trong quá trình triển khai thỏa thuận để bù đắp tối đa 5% các khoản phát thải phải chịu thuế của doanh nghiệp.

Singapore hiện đang hợp tác với Philippines phát triển các tín chỉ chuyển đổi để hỗ trợ ngừng hoạt động sớm các nhà máy nhiệt điện than tại Philippines. Gần đây, Hội đồng phát triển kinh tế Singapore (EDB) và Hiệp hội giao dịch phát thải quốc tế (IETA) đã khởi động cơ chế “Liên minh Thị trường phát thải Singapore” (SCMA) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các tín chỉ carbon đáp ứng tiêu chuẩn trong Điều 6 Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu. Thành viên SCMA bao gồm các doanh nghiệp Singapore và các đối tác quốc tế trong lĩnh vực cung ứng tín chỉ carbon

Kinh nghiệm Indonesia

Indonesia là quốc gia có lượng phát thải CO2 lớn tại Đông Nam Á, cũng là nước đi đầu phát triển thị trường carbon. Trên cơ sở các quy định trong Điều 6 Thỏa thuận Paris về cơ chế cấp phép tín chỉ, Tổng thống Indonesia đã ban hành Quy định về Định giá Carbon, tạo khuôn khổ thể chế cho các hoạt động giao dịch carbon nhằm mục tiêu giảm phát thải và tăng trưởng xanh. Các công cụ chính sách được sử dụng theo quy định bao gồm giao dịch carbon và thuế carbon.

Hoạt động giao dịch carbon tại Indonesia được triển khai thông qua cơ chế trần phát thải và giao dịch carbon (cap – and – trade mechanism), theo đó các tổ chức và doanh nghiệp phát thải có thể mua tín chỉ carbon từ các bên cung cấp. Tháng 9/2023, Indonesia đã chính thức khai trương sàn giao dịch carbon (Indonesia Carbon Exchange – IDX Carbon) hoạt động dưới sự điều hành của Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (FAS). Các bên tham gia sàn giao dịch IDX carbon phải đăng ký với Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia. Đáng chú ý, các doanh nghiệp vận hành các nhà máy nhiệt điện than tại Indonesia được yêu cầu bắt buộc tham gia các hoạt động giao dịch tín chỉ carbon.

Trên thực tế, có khoảng 100 nhà vận hành dự án nhiệt điện tại Indonesia với tổng công suất 32 GW được yêu cầu tham gia IDX Carbon trong giai đoạn ban đầu, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Các nhà vận hành dự án nhiệt điện được phép phát thải lượng carbon nhất định mà không phải trả phí theo mức quy định bởi Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia (mức áp dụng năm 2023 khoảng 238 MtCO2). Trong trường hợp phát thải vượt ngưỡng, các doanh nghiệp phải mua tín chỉ carbon từ các tổ chức và doanh nghiệp trên sàn IDX Carbon, hoặc đóng thuế carbon cho các cơ quan quản lý. Mức giá cho 01 đơn vị carbon tại Indonesia khoảng 10.000 rupiah (0,64 USD) và tăng lên 69.000 rupiah (4,45 USD) tại thị trường thứ cấp. Chính phủ Indonesia cũng ban hành các quy định cụ thể để hỗ trợ việc thử nghiệm ETS và đang hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng năng lực cho hệ thống này.

Theo đánh giá của S&P, cơ chế định giá carbon tại Indonesia là bước tiến quan trọng trong tiến trình giảm phát thải. Tuy nhiên, hoạt động của IDX carbon còn một số hạn chế. Trần phát thải được xác định ở mức khác nhau giữa các doanh nghiệp vận hành nhà máy nhiệt điện, dẫn đến khả năng một phần lớn lượng phát thải chưa bị kiểm soát hoặc đánh thuế. Đồng thời, mức thuế carbon tương đối thấp, khoảng 0,5 USD/MWh có thể không đem lại hiệu ứng cần thiết thúc đẩy các nhà máy thực hiện các hoạt động giảm phát thải

Kinh nghiệm Thái Lan

Chính phủ Thái Lan đã phát triển hệ thống giao dịch carbon tự nguyện và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy giảm phát thải. Ngày 10/4/2024, Thái Lan thông qua Đạo luật Biến đổi Khí hậu, bao gồm các công cụ định giá carbon như ETS, thuế carbon và tín chỉ carbon. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thị trường carbon, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, sự tham gia còn hạn chế của các doanh nghiệp trong các ngành nghề khác đang ảnh hưởng tới triển vọng phát triển của thị trường carbon Thái Lan.

Một thách thức Thái Lan đối mặt là sự mất cân bằng giữa cung và cầu tín chỉ carbon. Thị trường tín chỉ carbon tại Thái Lan phần lớn phụ thuộc vào các ngành công nghiệp phát thải cao, trong khi các doanh nghiệp này có xu hướng tìm cách giảm phát thải thông qua điều chỉnh công nghệ thay vì mua tín chỉ carbon. Điều này khiến cho nhu cầu tín chỉ carbon chưa ổn định, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường carbon tại Thái Lan, đòi hỏi các cơ chế khuyến khích phù hợp để doanh nghiệp chú trọng hơn đến hoạt động giao dịch carbon.

Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn phát triển thị trường carbon do có điều kiện tự nhiên thích hợp để phát triển các ngành năng lượng tái tạo cũng như các hoạt động nông nghiệp phát thải thấp. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các cam kết về khí hậu thông qua các chủ trương, giải pháp ở cấp độ quốc gia và hợp tác quốc tế. Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xác định lộ trình phát triển thị trường carbon của Việt Nam. Dự kiến thị trường carbon tại Việt Nam sẽ được triển khai thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức từ sau năm 2027, hứa hẹn là mốc quan trọng trong tiến trình giảm phát thải và tăng trưởng xanh.

Từ thực tiễn phát triển thị trường carbon của các nước Đông Nam Á, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, xây dựng khung pháp lý rõ ràng và minh bạch, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển thị trường carbon. Singapore thời gian qua chú trọng xây dựng khung pháp lý theo hướng cụ thể hóa và đơn giản hóa các quy trình giám sát và quản lý thị trường nhằm tạo niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia thị trường. Tại Indonesia, chỉ thị của Tổng thống về định giá carbon là cơ sở để các cơ quan quản lý cụ thể hóa, ban hành các khuôn khổ quy định và thể chế nhằm phát triển thị trường carbon.

Thứ hai, phân định rõ ràng chức năng giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động của thị trường carbon. Tại Indonesia, việc quản lý thị trường carbon có sự tham gia của nhiều cơ quan, trong đó Cơ quan dịch vụ tài chính điều hành thị trường IDX Carbon, Bộ Năng lượng và Khoáng sản quy định trần phát thải, Bộ Môi trường và Lâm nghiệp phê duyệt các tổ chức và doanh nghiệp tham gia giao dịch tín chỉ carbon… Cơ chế này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý nhà nước để bảo đảm thị trường tín chỉ carbon hoạt động hiệu quả, minh bạch, tạo thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức và doanh nghiệp quan tâm.

Thứ ba, chú trọng cơ chế khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp và tổ chức vào thị trường carbon, nhất là việc lựa chọn các doanh nghiệp và ngành nghề sản xuất – kinh doanh phù hợp, để bảo đảm quy mô và hiệu quả mong muốn của thị trường. Các nước như Thái Lan đối mặt với vấn đề quy mô thị trường carbon còn hạn chế do mức độ hưởng ứng, tham gia của các doanh nghiệp còn giới hạn trong một số ngành, lĩnh vực. Tại Indonesia, việc các doanh nghiệp vận hành nhà máy nhiệt điện bắt buộc tham gia thị trường carbon giúp bảo đảm tăng quy mô thị trường carbon trong giai đoạn đầu, tuy nhiên một số quy định cụ thể liên quan đến mức thuế carbon, trần phát thải cần được tiếp tục hoàn. Một giải pháp khác được khuyến nghị là vận hành thí điểm cơ chế ETS đối với một số lĩnh vực có lượng phát thải cao như năng lượng, công nghiệp nặng… nhằm đánh giá hiệu quả trước khi áp dụng ở quy mô lớn hơn.

Thứ tư, hoạt động hợp tác quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng thị trường carbon hiện đại, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Với mức độ quan tâm cao của các đối tác quốc tế trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và giảm phát thải, các nước đang phát triển có thể mở rộng hợp tác quốc tế trong trao đổi kinh nghiệm và huy động hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, tương tự kinh nghiệm của Indonesia hợp tác với WB triển khai cơ chế ETS. Các cơ chế hợp tác song phương về tín chỉ carbon trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi cũng là giải pháp tiềm năng nhằm phát triển thị trường carbon thời gian tới.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here