Tiềm năng thị trường Halal của Việt Nam

0
49
(Ảnh minh họa)

Theo các trang tin quốc tế chuyên trách về thị trường Halal, Việt Nam đang tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh quốc gia để trở thành trung tâm xuất khẩu Halal trong khu vực Đông Nam Á. Tính đến năm 2022, thị trường thực phẩm Halal toàn cầu đạt giá trị hơn 2 nghìn tỷ USD, với phần lớn người Hồi giáo sinh sống tại châu Á, tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.

Hiện các sản phẩm Halal xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nông sản và nguyên liệu thô. Mặt khác, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đạt được các chứng nhận Halal, cho phép tiếp cận thị trường rộng lớn của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC). Theo Trung tâm Halal Việt Nam, Việt Nam có thể sản xuất lượng hàng hóa Halal trị giá 34 tỷ USD cho các nước OIC trong tương lai.

Dù có những bước tiến song nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đối mặt thách thức xin cấp phép /chứng nhận Halal phức tạp. Trên thế giới, hiện không có tổ chức quốc tế chung quản lý quy trình chứng nhận Halal, thay vào đó mỗi quốc gia có các tiêu chuẩn và quy định riêng về chứng nhận. Điều này buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn của nước sản xuất lẫn tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, gây khó khăn cho việc thâm nhập thị trường Halal. Nhìn nhận từ góc độ tích cực, quá trình này cũng là động lực để các doanh nghiệp xây dựng uy tín và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngành công nghiệp thực phẩm Halal đang tăng trưởng đều đặn ở quy mô toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia có dân số Hồi giáo đông đảo với sức mua lớn. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng Hồi giáo mà còn mở ra cơ hội xây dựng thương hiệu nhờ việc tuân thủ quy trình Halal chặt chẽ. Việt Nam có vị trí địa lý gần gũi với các thị trường Hồi giáo lớn, do đó sở hữu lợi thế tận dụng các hiệp định thương mại tự do và tiếp cận các thị trường tiềm năng. Các hiệp định như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giúp các nhà đầu tư nước ngoài coi Việt Nam như một trung tâm xuất khẩu thực phẩm, bao gồm thực phẩm Halal vào các thị trường trong và ngoài ASEAN. Mặc dù thị trường tiêu thụ thực phẩm Halal trong nước còn nhỏ, nhưng tiềm năng lớn từ các quốc gia Hồi giáo trong khu vực và thế giới sẽ tạo ra cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam

Trong tương lai, với sự gia tăng của các doanh nghiệp đạt chứng nhận Halal và chính sách thương mại thuận lợi, Việt Nam có thể trở thành một trong những nhà cung cấp thực phẩm Halal hàng đầu khu vực. Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đầu tư cải tiến quy trình sản xuất và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về Halal. Qua đó, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn khẳng định vị thế trong ngành công nghiệp thực phẩm Halal toàn cầu./.

Anh Phạm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here