Tác động và phản ứng chính sách tại Đông Nam Á sau khi Mỹ giảm lãi suất

0
47
Getty Images

Ngày 18/9, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định cắt giảm lãi suất ở mức 0,5%, đưa lãi suất tham chiếu về mức 4,7% – 5%, và để ngỏ khả năng tiếp tục giảm lãi suất những tháng tiếp theo. Theo khảo sát của Bloomberg, Fed có thể tiến hành thêm một vài đợt cắt giảm để đưa lãi suất tham chiếu về mức 3,4 – 4,1% vào tháng 6/2025.

Điều chỉnh chính sách tiền tệ Mỹ thường có tác động hai chiều đối với các nước Đông Nam Á. Đối với lần cắt giảm lãi suất lần này của Fed, theo nhận định của nhiều cơ quan nghiên cứu, tác động thuận đối với các nước Đông Nam Á sẽ lớn hơn khi các ngân hàng trung ương khu vực có thêm không gian chính sách tiền tệ và giảm nguy cơ các đồng tiền tiếp tục mất giá so với đồng USD. Như nhận định của Kinh tế trưởng ADB Albert Park, việc cắt giảm lãi suất tại các nền kinh tế lớn và các nền kinh tế khu vực sẽ giúp cải thiện các điều kiện tại chính tại các thị trường mới nổi tại Đông Á. Mặc khác, các thị trường tài chính Đông Nam Á sẽ có thêm cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài khi đồng nội tệ tăng giá so với USD. Các thị trường chứng khoán Đông Nam Á bước đầu phản ứng tích cực trước động thái của Fed, điển hình là thị trường chứng khoán Malaysia, nhờ sự gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư vào sự ổn định kinh tế – tài chính khu vực.

Trước và sau động thái cắt giảm lãi suất của Fed, các nước Đông Nam Á có một số phản ứng chính sách, bao gồm:

Về chính sách lãi suất, có thể chia các nước Đông Nam Á thành 02 nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm Indonesia và Philippines chủ động cắt giảm lãi suất ở mức vừa phải (0,25%) trước động thái của Fed nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi hạn chế các tác động tới lạm phát. Đây cũng là những nền kinh tế có lãi suất tham chiếu ở mức cao trong thời gian dài, cụ thể Philippines duy trì mức lãi suất 7% từ tháng 11/2020 và Indonesia duy trì mức lãi suất 6,25% từ tháng 2/2021.

Nhóm thứ hai gồm Malaysia, Thái Lan, Singapore tiếp tục duy trì mức lãi suất cơ bản hiện hành, trong đó Ngân hàng trung ương Malaysia và Thái Lan thông báo sẽ không cắt giảm lãi suất ít nhất đến quý 1/2025 nhằm bảo đảm ổn định vĩ mô. Hiện lãi suất tham chiếu tại các nước này ở mức tương đối thấp so với bình quân khu vực, cụ thể lãi suất tham chiếu tại Thái Lan là 2,5%, Malaysia 3% và Singapore 3,75%.

Về chính sách tỷ giá, một số đồng tiền khu vực đã tăng giá so với đồng USD, trong đó đồng ringgit Malaysia tăng mạnh nhất trong 19 tháng lên mức 4,237 ringgit/USD, đồng bath Thái tăng hơn 5% trong một tháng, đồng đô-la Singapore tăng lên mức cao nhất từ năm 2014. Trong khi đó, đồng peso tiếp tục giảm giá 0,2% so với đồng USD sau khi Ngân hàng Trung ương Philippines cắt giảm lãi suất.

Tại các nền kinh tế hướng về xuất khẩu như Thái Lan, việc đồng nội tệ tăng giá gây ra phản ứng trái chiều giữa các cơ quan điều hành chính sách. Chính phủ và Bộ Thương mại Thái Lan đã đề nghị Ngân hàng Trung ương cắt giảm lãi suất trước quan ngại đồng baht mạnh lên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu. Mặt khác tại Malaysia, Thủ tướng Anwar Ibrahim nhấn mạnh việc đồng ringgit tăng giá phản ánh sự ổn định về chính trị, kinh tế và tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài vào Malaysia.

Về chính sách đầu tư, Bloomberg và Nikkei Asia nhận định các quỹ đầu tư toàn cầu xác định Đông Nam Á hiện là thị trường đầu tư hấp dẫn, với việc đẩy mạnh mua vào trái phiếu Chính phủ Thái Lan, Indonesia và Malaysia và tăng mua cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Indonesia, Malaysia và Philippines trong 2 – 3 tháng qua. Triển vọng dòng vốn đầu tư trực tiếp vào khu vực cũng được đánh giá khá tích cực. Các cơ quan quản lý tại Đông Nam Á chưa có những phản ứng chính sách cụ thể trước khả năng gia tăng dòng “tiền nóng” vào khu vực song các chuyên gia kinh tế lưu ý cần theo sát các diễn biến tài chính – tiền tệ, khả năng Fed tiếp tục điều chỉnh lãi suất và tác động của các diễn biến địa chính trị tại nhiều khu vực./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here