Ngành điện tử Việt Nam hút vốn ngoại

0
99
Ngành điện tử Việt Nam phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây và có triển vọng đầy hứa hẹn trong tương lai. (Nguồn: Tạp chí Công Thương)

Với sức hút đặc biệt, thời gian gần đây, Việt Nam đang trở thành “điểm nóng” đầu tư của các công ty điện tử đa quốc gia và gia tăng sự hấp dẫn với khối doanh nghiệp “ngoại”.

Ngành điện tử Việt Nam phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây và có triển vọng đầy hứa hẹn trong tương lai. (Nguồn: Tạp chí Công Thương)

Ngành điện tử Việt Nam phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây và có triển vọng đầy hứa hẹn trong tương lai. Hiện Việt Nam đứng thứ 12 thế giới về xuất khẩu sản phẩm điện tử với nhiều chủng loại, từ điện thoại di động, tivi đến mạch tích hợp.

Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng vị trí “quán quân” trong 7 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam, đạt 46,32 tỷ USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này vượt lên trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lớn nhất của Việt Nam năm 2023 (đạt 57,3 tỷ USD).

Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang chiếm từ 80-100% tổng vốn đầu tư của ngành điện tử. Trong khi vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước hoặc doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước đều chiếm tỷ trọng nhỏ.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam Đài Loan (Trung Quốc) 2024 được tổ chức mới đây nhận định đầu tư của vùng lãnh thổ này vào Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tăng. Việt Nam trở thành lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp Đài Loan chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc.

Theo tổng hợp của Tạp chí CommonWealth Mạng Công nghệ Đài Loan, nhiều công ty điện tử lớn hàng đầu trên thế giới hiện đang tập trung đầu tư tại các khu công nghiệp ở miền bắc Việt Nam, như: Samsung, LG Display, Fuji Xerox, Canon, Meiko, Panasonic, Compal, Foxconn, Pegatron, Goertek, Luxshare, Wistron, Lens, Inventec, Risun, WNC…

Các công ty này chủ yếu đặt tại các khu công nghiệp ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam… Khu vực này được ưa chuộng vì vị trí địa chiến lược, lại tiếp giáp với Trung Quốc, có cơ sở hạ tầng giao thông tuyệt vời và chi phí đất công nghiệp cạnh tranh. Trong đó, miền Bắc dự kiến sẽ nhanh chóng phát triển thành trung tâm sản xuất điện tử chính của Việt Nam, thu hút nhiều công ty đa quốc gia đầu tư trực tiếp hơn.

Trong số các lựa chọn đầu tư của các công ty Nhật Bản, Việt Nam cũng xếp vị trí đầu. Trong số 122 công ty Nhật Bản được khảo sát, 42,3% doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư, vượt xa Thái Lan (20,6%), Philippines (18,6%) và Indonesia (16,5%). Các công ty Nhật Bản đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc không chỉ vì chiến tranh thương mại, mà còn để tránh chi phí đầu vào tăng cao ở thị trường Trung Quốc.

Trong bảng xếp hạng về mức độ hấp dẫn FDI toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 25 (trong tổng số 60 quốc gia). Thứ hạng này đưa Việt Nam vượt lên trên các cường quốc FDI khác ở Đông Nam Á như: Indonesia, Philippines và Thái Lan. Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam bắt nguồn từ chiến lược giảm tổng chi phí FDI cũng như quy mô thị trường nội địa lớn và sức tiêu thụ mạnh.

Hồng Châu  

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here