8 tháng, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam thu về hơn 6,4 tỷ USD

0
53
Ngành thép cũng sẽ phải đối mặt với một số rủi ro liên quan đến các chính sách của Trung Quốc, EU hay những thách thức trong việc chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chính sách phòng vệ thương mại…

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải Quan, tháng 8/2024, Việt Nam xuất khẩu trên 1,37 triệu tấn sắt thép, thu về 941 triệu USD, tăng 32% về lượng, tăng 21% về kim ngạch so với tháng trước.

Ngành thép cũng sẽ phải đối mặt với một số rủi ro liên quan đến các chính sách của Trung Quốc, EU hay những thách thức trong việc chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chính sách phòng vệ thương mại… (Nguồn: VSA)

Tính chung 8 tháng năm 2024, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 8,88 triệu tấn, thu về hơn 6,4 tỷ USD, tăng 20,7% về lượng, tăng 14% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt 730 USD/tấn, giảm 5,5% so với 8 tháng năm 2023.

Nhìn chung, các tháng đầu năm ghi nhận lượng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam liên tục ở mức cao, ngoại trừ tháng 2 và tháng 6, các tháng còn lại đều đạt trên một triệu tấn.

8 tháng năm 2024, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì vị trí thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép của Việt Nam, đạt hơn 1,26 triệu tấn, tương đương 1,04 tỷ USD, giá trung bình 822 USD/tấn, tăng 16% về lượng, 38% về kim ngạch và 3,8% về giá so với cùng kỳ năm trước.

Italy là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 đạt 1,01 triệu tấn tương đương 635 triệu USD, giảm 14,8% về lượng, giảm 24,7% kim ngạch và giảm 11,5% về giá so với 8 tháng đầu năm 2023. Thị trường Campuchia đứng thứ 3, đạt 781 tấn, tương đương 492 triệu USD, giá xuất khẩu đạt 628 USD/tấn trong 8 tháng năm 2024.

Bên cạnh top 3, rất nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Trong đó có Nga, Saudi Arabia, Tây Ban Nha với mức tăng trưởng từ 2 đến 3 con số.

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản lượng xuất khẩu dự báo sẽ cải thiện do chênh lệch giữa giá thép ở Bắc Mỹ, châu Âu so với giá thép ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng và thép Việt có lợi thế cạnh tranh về giá cả.

Hơn thế nữa, châu Âu hiện kiểm soát chặt hơn việc nhập thép bán thành phẩm do Nga sản xuất trong năm 2024 – đây là cơ hội để xuất khẩu thép Việt Nam sang châu Âu.

VSA đánh giá ngành thép có nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2024 nhờ các yếu tố thuận lợi và cơ hội đến từ các thị trường xuất khẩu.

Năm 2030 mức tiêu thụ thép trung bình đạt 290-300 kg/người, tăng mạnh so với mức 240 kg/người ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là tiền đề cho chu kỳ phát triển và tăng trưởng mới của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới. Điều này cũng kéo theo sự hồi phục lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành.

Tuy nhiên, ngành thép cũng sẽ phải đối mặt với một số rủi ro liên quan đến các chính sách của Trung Quốc, EU hay những thách thức trong việc chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chính sách phòng vệ thương mại…

Ông Nguyễn Đức Dũng – Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, thị trường thép trong nước sẽ vẫn trầm lắng trong tháng 9 và giá thép nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm. Tuy vậy, giá khó giảm sâu xuống dưới mức 13.000 đồng/kg và triển vọng giá sẽ tích cực hơn vào quý IV/2024 khi vào mùa xây dựng, đặc biệt là nhờ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực bất động sản và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Như Trung

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here