Khuyến nghị về phòng vệ thương mại trong thực thi các FTA

0
38
Pháp luật phòng vệ thương mại tại Việt Nam được quy định tại Luật Quản lý ngoại thương 2017 (Chương IV về các biện pháp PVTM, Điều 67-Điều 99). (Nguồn: Getty Images)

Đánh giá chung về những vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam những năm gần đây cho thấy, số lượng vụ việc điều tra tăng nhanh, đặc biệt là chống lẩn tránh, từ 50 vụ (giai đoạn 2001-2011) lên 172 vụ (giai đoạn 2012-2022).

Pháp luật phòng vệ thương mại tại Việt Nam được quy định tại Luật Quản lý ngoại thương 2017 (Chương IV về các biện pháp PVTM, Điều 67-Điều 99). (Nguồn: Getty Images)

Ngày 17/9, Bộ Công Thương tổ chức khai giảng Khóa đào tạo xây dựng đội ngũ chuyên gia về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) cho các cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, từ đó hỗ trợ tận dụng tối đa các lợi ích từ việc thực thi các FTA.

Khóa đào tạo diễn ra trong 5 ngày, từ 17 – 21/9 với sự tham gia của 50 học viên đến từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các viện, trường, trung tâm trên địa bàn Hà Nội, Điện Biên, Nam Định, Quảng Trị, Thái Nguyên, Yên Bái…

“Phòng vệ thương mại trong EVFTA và các FTA thế hệ mới” là chủ đề đầu tiên của khóa đào tạo, do báo cáo viên Nguyễn Việt Hà đến từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) trình bày.

Phần chia sẻ của báo cáo viên đã cung cấp những thông tin cụ thể quy định về phòng vệ thương mại trong EVFTA và các FTA thế hệ mới đối với sản phẩm xuất khẩu; kỹ năng phân tích, đánh giá rủi ro về phòng vệ thương mại đối với sản phẩm xuất khẩu; cách thức xử lý rủi ro về phòng vệ thương mại; cách thức giải quyết vấn đề khi sản phẩm xuất khẩu bị áp biện pháp phòng vệ thương mại; các vấn đề thường gặp và cách thức xử lý…

Pháp luật phòng vệ thương mại tại Việt Nam được quy định tại Luật Quản lý ngoại thương 2017 (Chương IV về các biện pháp PVTM, Điều 67-Điều 99); Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương; Thông tư số 42/2023/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại; các Thông tư hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại tại các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định EVFTA và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh.

Đánh giá chung về những vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam những năm gần đây cho thấy, số lượng vụ việc điều tra tăng nhanh, đặc biệt là chống lẩn tránh. Giai đoạn 2001-2011 là 50 vụ nhưng giai đoạn 10 năm sau đó (2012-2022) là 172 vụ, tăng gần 3,5 lần. Cùng với đó, thị trường điều tra ngày càng mở rộng, phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng; xu hướng điều tra khắt khe hơn; Phạm vi điều tra ngày càng mở rộng; mức thuế phòng vệ thương mại có thể bị đẩy lên do vấn đề kinh tế thị trường…

Báo cáo viên cho biết, quy định về phòng vệ thương mại trong EVFTA được quy định cụ thể tại Chương 3 của Hiệp định, với các quy định về thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng; các biện pháp tự vệ toàn cầu; điều khoản tự vệ song phương.

Một số điểm khác biệt về quy định phòng vệ thương mại trong EVFTA và pháp luật Việt Nam gồm việc bổ sung các cam kết chi tiết về đảm bảo tính minh bạch (tại Điều 3.2 và Điều 3.7); Quy định nguyên tắc áp dụng mức thuế thấp hơn, tức là thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp chỉ ở mức đủ để loại bỏ thiệt hại (tại Điều 3.4); Quy định về việc xem xét lợi ích công cộng khi quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp (Điều 3.3); Quy định về biện pháp tự vệ chuyển tiếp với thời gian chuyển tiếp có thể áp dụng là 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Nhằm xử lý hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, đại diện Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị hiệp hội và doanh nghiệp quan tâm đến 7 vấn đề. Cụ thể, cân nhắc các rủi ro về phòng vệ thương mại để xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu hợp lý; tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế việc canh tranh bằng giá.

Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống sổ sách kế toán; nghiên cứu, hiểu về các nguyên tắc quy trình, thủ tục điều tra phòng vệ thương mại. Theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương. Chuẩn bị nguồn lực để kháng kiện trong trường hợp phát sinh. Mặt khác, xây dựng chiến lược kháng kiện rõ ràng, thống nhất từ đầu vụ việc; tham gia hợp  tác đầy đủ với Cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại, Hiệp hội trong quá trình xử lý vụ việc.

Đặc biệt, tuyệt đối không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Ngày 1/8/2020, EVFTA chính thức có hiệu lực thực thi. Năm 2023, Việt Nam ký kết FTA với Israel (VIFTA), đưa đất  nước trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại trong khu vực mậu dịch tự do với hơn 60 nền kinh tế trên khắp thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Mỹ, Nhật Bản,Trung Quốc, EU, Anh, Nga…

16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục chính là cơ sở, là nền tảng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp đất nước vượt “gió ngược”.

An Hải

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here