Trong xu hướng phục hồi và tái thiết của thị trường du lịch toàn cầu sau đại dịch Covid-19, người dân từ các nước Hồi giáo đang trở thành nguồn cung cấp khách du lịch quốc tế tiềm năng tới các nước Đông Nam Á. Theo các đánh giá quốc tế, năm 2022 có 110 triệu khách du lịch từ các nước Hồi giáo, tương đương 68% mức trước đại dịch; năm 2030 lượng khách này sẽ tăng lên 140 triệu người và đến năm 2028 doanh thu từ khách du lịch Hồi giáo sẽ đạt khoảng 225 tỷ USD.
Thời gian gần đây, Đông Nam Á nổi lên là thị trường hấp dẫn đối với khách du lịch Hồi giáo. Năm 2022, Thái Lan đã đón 3 triệu khách du lịch Hồi giáo, tăng hơn 3 lần so với năm 2017. Cục Du lịch Thái Lan ước tính bình quân mỗi du khách Hồi giáo lưu trú tại Thái Lan trong 13 ngày và chi tiêu khoảng 165 USD/ngày.
Việt Nam, với nhiều danh lam thắng cảnh và sự ổn định chính trị – xã hội, có tiềm năng trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch Hồi giáo. Trong thời gian qua, việc tăng cường kết nối các chuyến bay giữa Việt Nam với nhiều quốc gia Hồi giáo trong và ngoài khu vực (Indonesia, Malaysia, Brunei, các nước Trung Đông…) là nhân tố quan trọng thúc đẩy du khách từ các nước vào Việt Nam.
Các trang tin du lịch quốc tế gần đây đã có các bài viết, giới thiệu về du lịch Việt Nam và các địa điểm, nhà hàng cung cấp thực phẩm Halal cho du khách Hồi giáo. Trang tin uy tín Tripadvisor đã thống kê các nhà hàng, khách sạn tốt nhất nơi du khách Hồi giáo có thể thưởng thức ẩm thực Halal. Có thể khẳng định, việc quảng bá thực phẩm Halal sẽ là yếu tố quan trọng để khách du lịch Hồi giáo biết tới Việt Nam và sẵn sàng tới thăm quan, trải nghiệm các danh lam thắng cảnh và ẩm thực Halal tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, các hoạt động quảng bá và phát triển thực phẩm Halal phục vụ khách du lịch quốc tế cần được đẩy mạnh với một số lưu ý:
Thứ nhất, tăng cường quảng bá du lịch cho khách du lịch Hồi giáo bằng tiếng Anh và các thứ tiếng phổ biến được sử dụng tại các nước Hồi giáo như tiếng Malay, tiếng Ả – rập… Hình thành các tour du lịch cho du khách các nước Hồi giáo, kết hợp hài hòa giữa yếu tố du lịch với các yếu tố văn hóa, ẩm thực Halal.
Thứ hai, thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan quản lý du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các khách sạn, nhà hàng tại Việt Nam với các đối tác quốc tế liên quan đến việc sản xuất, cung ứng thực phẩm, nguyên liệu và chứng nhận thực phẩm sản xuất tại Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn thực phẩm Halal.
Thứ ba, đào tạo đội ngũ phiên dịch viên am hiểu văn hóa, phong tục tập quan Hồi giáo để nâng cao chất lượng, uy tín của ngành du lịch Việt Nam đối với du khách Hồi giáo.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei)