Những thách thức đối với kinh tế Đông Nam Á

0
700
Theo nhà kinh tế học Jorge Marchini, những khó khăn kinh tế toàn cầu ngày nay và tình hình quốc tế diễn biến khó lường đòi hỏi một cam kết lớn hơn đối với chủ nghĩa đa phương. (Nguồn: Future Learn)

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, tăng trưởng kinh tế châu Á nửa cuối năm 2023 chịu một số tác động không thuận của kinh tế toàn cầu. Báo cáo mới nhất của OECD cho thấy tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt khoảng 3% năm 2023 và giảm xuống 2,7% năm 2024 do tác động của chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt để kiềm chế lạm phát. Nghiên cứu của ADB tháng 9/2023 nhận định tăng trưởng của châu Á nửa cuối năm 2023 có dấu hiệu chậm lại, giảm từ mức dự báo 4,8% trước đây xuống 4,7% trong bối cảnh tăng trưởng của Trung Quốc giảm tốc.

Trước các diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu, tăng trưởng khu vực Đông Nam Á cuối năm 2023 được đánh giá đối mặt một số vấn đề cần lưu ý:

Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại

OECD đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống 5,1% năm 2023 và 4,6% năm 2024, trong khi mức dự báo của ADB là 4,9% năm 2023 do giảm sút nhu cầu tiêu dùng và khó khăn của thị trường bất động sản.

Theo nhận định của The Economist và một số cơ quan nghiên cứu, kinh tế Trung Quốc giảm tốc có thể tạo ra một số tác động không thuận với các nước châu Á. Nhập khẩu của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2023 giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó nhập khẩu từ Đông Nam Á giảm 6,1%. Do kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm thấp hơn dự báo (9%), đã có những đánh giá về khả năng kinh tế nước này chạm đáy song sự phục hồi sẽ cần nhiều thời gian.

Lượng khách du lịch Trung Quốc đến Đông Nam Á sau mở cửa thấp hơn dự kiến, tại Thái Lan trong 7 tháng đầu năm đạt 1,8 triệu trong khi con số trước đại dịch là 11 triệu. Chính phủ Thái Lan vừa qua đã nới lỏng các quy định visa nhằm thu hút thêm khách từ Trung Quốc. Một số nước Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Malaysia, nơi ngành du lịch chiếm từ 9 – 25% tổng kim ngạch xuất khẩu, cũng phụ thuộc lớn vào lượng khách từ Trung Quốc.

Thứ hai, biến động tỷ giá và lạm phát

Dù tỷ lệ lạm phát chung tại khu vực đang giảm, lạm phát tại một vài nước Đông Nam Á vẫn ở mức cao. Lạm phát tại Philippines tháng 8/2023 đã tăng lên 5,3% so với mức 4,7% tháng 7/2023, trong đó lạm phát lõi (không tính biến động giá năng lượng) lên tới 6,1%. Trong bối cảnh giá năng lượng và lương thực biến động, kiểm soát lạm phát tiếp tục là ưu tiên của các nước Đông Nam Á. Vừa qua, Chính phủ Philippines đã áp giá trần gạo nhằm ổn định giá cả lương thực, hiện chiếm tới 35% trong rổ CPI.

Biến động tỷ giá giữa các đồng tiền khu vực với đồng USD tiếp tục gia tăng khi FED duy trì mặt bằng lãi suất cao. Trong năm 2023, hầu hết các đồng tiền Đông Nam Á đều giảm giá so với đồng USD, trong đó đồng ringgit Malaysia giảm mạnh nhất 5%, đồng Baht Thái Lan giảm 4,4%, đồng Việt Nam giảm 3,3%, đồng rupiah Indonesia giảm 2,5%. Một số Chính phủ đã can thiệp vào thị trường ngoại hối. Ngân hàng trung ương Campuchia ngày 6/9 thông báo đã bán 10 triệu USD ra thị trường và có kế hoạch bán thêm 40 triệu USD trong tháng 9/2023. Ngân hàng trung ương Malaysia khẳng định sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối trước tình trạng “mất giá quá mức” của đồng ringgit. Ngân hàng trung ương Indonesia đã tung ra thị trường công cụ mới “Chứng nhận nợ rupiah của Ngân hàng Trung ương” (SRBI) bao gồm các chứng nhận nợ ngắn hạn được bảo đảm bằng tài sản để hỗ trợ tỷ giá nội tệ. Trong hai phiên đấu giá đầu tiên, SRBI đã giúp Ngân hàng trung ương Indonesia mua vào lượng tiền 38 nghìn tỷ rupiah, tương đương 2,5 tỷ USD.

Đồng nội tệ mất giá có thể làm tăng nguy cơ lạm phát và bất ổn vĩ mô tại một số nước. Mặt khác, Thủ tướng Thái Lan Sretha Thavisin nhận định đồng Baht giảm giá so với USD có thể hỗ trợ xuất khẩu và thu hút khách du lịch quốc tế tới Thái Lan. Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ mới của Thái Lan có kế hoạch tăng chi tiêu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trước áp lực suy giảm hoạt động xuất khẩu và lòng tin của nhà đầu tư.

Thứ ba, biến động giá năng lượng

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu thô Brent sẽ tăng lên mức 93 USD/thùng từ mức 86 USD/thùng tháng 8/2023 trước động thái của Ả-rập Xê-út gia hạn cắt giảm sản lượng, trong khi dự trữ dầu thô trên toàn cầu giảm khoảng 200.000 thùng/ngày.

Các đánh giá cho thấy giá dầu tăng thêm 10% khiến lạm phát tại các nước ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) tăng thêm 0,2%, trong đó các nước nhập khẩu nhiên liệu chịu tác động lớn hơn, nhất là tại Singapore và Thái Lan nơi chi phí giao thông chiếm tới 17% rổ CPI trong khi tỷ lệ này tại Việt Nam là dưới 10%. Triển vọng giá dầu tăng có thể khiến một số Ngân hàng trung ương tại Đông Nam Á thận trọng hơn trong việc điều hành lãi suất. Vừa qua Ngân hàng trung ương Indonesia và Malaysia đã quyết định duy trì mức lãi suất hiện hành nhằm hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ và phòng ngừa nguy cơ lạm phát trước sự tăng giá lương thực và năng lượng.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here