Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nêu rõ các Bộ, cơ quan thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với quyết tâm đạt mức giải ngân cao nhất trong thời gian còn lại của năm 2021, đồng thời bảo đảm hiệu quả các dự án đầu tư công. Yêu cầu phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực, gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong việc giải ngân vốn đầu tư công.
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại cuộc họp kiểm tra, rà soát khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công với một số bộ, ban, ngành. Cuộc họp diễn ra sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ra Quyết định thành lập 6 Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tính đến ngày 31/10 dưới 60% kế hoạch được giao, trong đó phân công Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng Tổ công tác số 1 trực tiếp kiểm tra 9 Bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương phía Bắc.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/11, cả nước đã giải ngân được gần 295.000 tỷ đồng, đạt gần 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn trong nước đạt trên 69%, vốn nước ngoài đạt 21,51%, đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020. Cập nhật tình hình từ đầu năm đến nay, Văn phòng Chính phủ đã hoàn thành giải ngân 100% số vốn được giao, Bộ Công an trên 70%, Bộ Tư pháp 65%, Bộ Quốc phòng 51%.
Về nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân, lãnh đạo các Bộ, cơ quan lý giải là do tác động của dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều dự án phải dừng thi công. Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh đã tác động trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, nhà thầu, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án. Các dự án ODA cũng chịu tác động nặng nề của dịch do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ nhập khẩu máy móc, thiết bị, huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát. Một số dự án phải điều chỉnh hiệp định vay, gia hạn thời gian thực hiện dự án, thống nhất với nhà tài trợ về kế hoạch thực hiện, đấu thầu. Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan, lãnh đạo các bộ ngành cơ quan kiến nghị cần rà soát lại các quy trình, thủ tục để có thể nhanh chóng triển khai các dự án mới.
Trước đó, công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nêu rõ, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, phấn đấu tỉ lệ giải ngân năm 2021 đạt trên 95% kế hoạch theo tinh thần Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ, góp phần quan trọng vào việc phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai :
a) Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021, là ý thức thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021, Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2021, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
b) Tăng cưởng kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.
c) Có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cấp chính quyền.
d) Thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng bộ, cơ quan, địa phương do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đứng đầu để thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công. Lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án có vốn lớn; phân công lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp phụ trách từng dự án; tổ chức giao ban định kỳ với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân.
đ) Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công năm 2021 để hoàn thành việc giao vốn chi tiết cho các dự án. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên; thực hiện nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng; chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn.
e) Giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 cho các dự án khởi công mới ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhưng chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công đến thời điểm Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.
g) Tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến các quy trình, thủ tục đầu tư công để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
h) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công của bộ, cơ quan, địa phương mình.
i) Yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng của 34 bộ, cơ quan và 07 địa phương có ỉệ giải ngân 7 tháng đầu năm dưới 25% (không bao gồm các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg) chịu trách nhiệm và kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp cụ thể để khắc phục, không để tiếp tục tình trạng giải ngân chậm trong thời gian tới.
k) Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án theo quy định để bảo đảm triển khai ngay sau khi hết giãn cách xã hội.
Chu Văn