Chuyên gia nói gì về việc sử dụng các gói cứu trợ để vực dậy nền kinh tế?

0
53
(minh hoạ)

Với kịch bản dự báo khả quan nhất, nếu không có các chính sách, giải pháp quyết liệt, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Nền kinh tế sẽ đối mặt với không ít rủi ro, thách thức về kiểm soát gia tăng lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, lao động việc làm, an sinh xã hội, an ninh, trật tự xã hội bị tác động tiêu cực…

(Internet)

Đó là nhận định chung của các diễn giả tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững”. Theo đó, đặt ra vấn đề về một gói chính sách đặc biệt, đủ mạnh, kịp thời đã được đặt ra, nhiều ý kiến đánh giá cao sự cần thiết để nền kinh tế không “lỡ nhịp” và tụt hậu.

Trên thực tế, hiện đã triển khai một số gói cứu trợ, nhưng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 có tổng cộng 101,7 nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh. Giới doanh nghiệp cho rằng, để hiệu quả, tất cả mọi hình thức cứu trợ phải minh bạch rõ ràng, vì nếu chỉ dựa vào bao cấp từ gói hỗ trợ rồi chia đều, không thể phát huy hiệu quả. Chưa kể, nếu không biết dựa vào tiêu chuẩn gì, dễ phát sinh tiêu cực, đó là chưa nói đến vấn đề thủ tục. Những người quản lý phải tìm cách khắc phục mới mong giúp được giới doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19.

Vậy quan điểm của các chuyên gia kinh tế về vấn đề này như thế nào:

Nguyên quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước: Việt Nam vẫn cần có thêm gói hỗ trợ quy mô lớn trong ít nhất 2 năm tới, dù đã có các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp với quy mô tương đương 2,85% GDP. Tổng quy mô gói hỗ trợ bao nhiêu không quan trọng bằng việc ‘kê đơn’ đúng đối tượng và theo dõi được phản ứng của nền kinh tế qua mỗi đợt hỗ trợ. Dù Việt Nam đã tung ra nhiều gói hỗ trợ nhưng theo phản hồi của người dân và doanh nghiệp là chưa hiệu quả.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương TS. Lê Đăng Doanh: Hiện trong nước đang có khả năng nên một mặt cứ huy động nguồn ở trong nước, nhưng nếu các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế… có thể có các gói hỗ trợ với lãi suất thấp thì Việt Nam cũng không nên từ chối. Gói hỗ trợ của Chính phủ với 2,85% GDP là nỗ lực rất lớn của Chính phủ. Tuy vậy, tác động và thiệt hại kinh tế mà COVID-19 gây ra rất trầm trọng. Giới chuyên gia đang đề nghị và chuẩn bị một gói hỗ trợ lớn hơn, khoảng 800.000 tỷ, tương đương khoảng 10% GDP. Hy vọng gói này sẽ được hoàn chỉnh và trình Quốc hội trong một phiên họp đột xuất vào tháng 12 tới.

Những gói hỗ trợ trước đây chưa phát huy hiệu quả như mong muốn là do người thiết kế ra gói hỗ trợ muốn bảo đảm an toàn, nên đưa ra nhiều quy định, thủ tục, đòi hỏi nhiều giấy tờ chứng minh…, khiến rất ít doanh nghiệp tiếp cận được với gói hỗ trợ đó. Rút kinh nghiệm lần này, Chính phủ đã giảm nhiều thủ tục, giấy tờ.
Chính phủ cũng có chủ trương tạm hoãn thời hạn nộp thuế, nhưng chưa rõ có giảm thuế hay không. Các ngân hàng cũng cho tạm hoãn thời hạn trả nợ, cũng như nỗ lực để giảm lãi suất ngân hàng. Ông Doanh nói: “Một số gói hỗ trợ ở một số nơi được giải ngân nhanh, đúng đối tượng, nhưng cũng có những nơi người dân nói là chưa nhận được gói hỗ trợ. Hoặc những gói hỗ trợ này lại được giải ngân đến các đối tượng không gặp khó khăn. Sắp tới đây, chính phủ sẽ kết hợp với công nghệ thông tin, với chính quyền địa phương để có thể cải thiện việc giải ngân với các gói hỗ trợ đó, để đảm bảo đến đúng người, kịp thời và có hiệu quả”.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Theo những thông tin tôi nhận được, rất nhiều doanh nghiệp cần được giúp đỡ, nhưng chưa tiếp cận được sự giúp đỡ của Nhà nước, nên không có cách nào khác là phải đóng cửa. Nhà nước cần nhanh chóng phối hợp với các hội đoàn, ví dụ như phòng thương mại, hay các câu lạc bộ doanh nghiệp vừa và nhỏ…, để đưa ra các phương án giúp đỡ các doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn này và phải nhanh chóng triển khai.

Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV TS.Cấn Văn Lực: Không có chương trình đặc biệt thì chúng ta sẽ “lỡ nhịp”, không thực hiện được các kế hoạch mà Đảng, Quốc hội đề ra. Chính sách cần tác động cả tổng cung và tổng cầu vì, trong đó ưu tiên nâng cao năng lực y tế; hỗ trợ DN và người dân về nghĩa vụ tài chính và tiếp cận vốn, an sinh xã hội, trong đó có hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động quay trở lại, đào tạo nghề; giảm tiền điện, hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ… Gói kích thích nên theo 3 giai đoạn: Kích hoạt, thúc đẩy và chốt chương trình hỗ trợ vào 2023 với tổng gói tài khoá, tiền tệ, an sinh và chính sách khác ước tính khoảng 844 nghìn tỷ đồng về danh nghĩa, thực chi tầm 445 nghìn tỷ đồng.

Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Francois Painchaud:

Quy mô của các biện pháp hỗ trợ tài khóa ở các nền kinh tế phát triển, có thể áp dụng được ở các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam. Quan trọng hơn, các hỗ trợ về chính sách cần phải dựa trên diễn biến của dịch bệnh cũng như tiến trình phát triển kinh tế của từng nước. Các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội cần phải đi kèm với sự hỗ trợ chính sách ở các ngành nghề cần thiết. Các biện pháp hỗ trợ tạm thời nhưng kịp thời cần phải được cung cấp cho các hộ gia đình hay các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chúng ta dần hướng tới việc mở cửa trở lại.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here