Kinh tế Trung Quốc: Phía sau những số liệu thống kê khả quan?

0
142
(IRISH TIMES)
Theo dữ liệu do Văn phòng Thống kê Nhà nước Trung Quốc công bố, chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) của nước này trong tháng 11/2021 đã tăng lên mức 50,1 so với 49,2 hồi tháng 10. Một kết quả 50 có nghĩa là lĩnh vực này đang mở rộng. Đồng thời, chỉ số PMI chuyên biệt trong khối sản xuất là 52 điểm.
(Nguồn: IRISH TIMES)
Trong khi đó, chỉ số PMI dành cho các nhà sản xuất lại giảm trong cùng kỳ, từ 72,1 xuống 52,9. Điều đó có nghĩa là giá nguyên liệu thô và chi phí sản xuất bắt đầu tăng chậm hơn nhiều so với giai đoạn một năm trước đây.
Những kết quả trên đi ngược lại với dự đoán của một số chuyên gia phân tích về sự sụt giảm trong phần lớn các chỉ số PMI so với tháng 10/2021.

Quả thực các chỉ báo của tháng 10/2021 đều ở ngưỡng dưới 50 điểm, có nghĩa là hầu hết chỉ số đều giảm. Động lực tiêu cực là hậu quả của hàng loạt yếu tố gây sức ép đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Thứ nhất, trong tháng 10, tình trạng thiếu điện vẫn tiếp diễn. Do giá nhiên liệu năng lượng tăng vọt, kể cả giá than, nên việc sản xuất điện ở Trung Quốc tạo ra không nhiều lợi nhuận cho các nhà máy phát điện, bởi nhà nước quản lý giá khá chặ chẽ. Trong khi đó, nhu cầu điện tăng mạnh do sự phục hồi nhanh chóng của hoạt động sản xuất sau khủng hoảng COVID-19 cũng như việc thời tiết đã bắt đầu bước sang mùa lạnh cần sưởi ấm. Kết quả là nhiều nhà máy điện hầu như không còn nhiên liệu dự trữ.
Đến cuối tháng 9/2021, hơn 20 tỉnh ở Trung Quốc đã buộc phải áp dụng chế độ phân bổ khẩu phần về tiêu thụ năng lượng. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và tất cả các chỉ số kinh tế. Tuy nhiên, đến tháng 11, tình hình đã có phần trở lại bình thường sau các biện pháp của chính phủ.
Quý IV hàng năm luôn là mùa cao điểm đối với các khoản đầu tư đổ vào Trung Quốc và các doanh nghiệp hiểu rõ điều này. Do đó, theo Giáo sư (GS) Hoàng Duy Bình từ Viện Kinh tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, ngay sau khi các rào cản cơ bản được gỡ bỏ, hoạt tính kinh doanh bắt đầu tăng mạnh.
Tình hình trở lại bình thường sau sự can thiệp của Ủy ban Nhà nước về cải cách và phát triển nhằm thông qua và thi hành hai biện pháp quan trọng. Trước hết, chỉ đạo áp đặt mức giá trần đối với dòng than cung cấp cho các công ty phát điện với mức giá cao hơn giá than giao sau trung bình trên thế giới.
Biện pháp quan trọng thứ hai là tự do hóa giá nhiên liệu điện. Biên độ dao động giá điện tiềm ẩn được mở rộng từ 10-20%. Trong đó, huỷ bỏ hoàn toàn những hạn chế tương tự đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Doanh nghiệp tiêu thụ nhiều điện sẽ trả phí thuần tuý theo giá thị trường, vốn dao động tùy theo nhu cầu.
Cuối cùng, sự ổn định chung của giá năng lượng ở các nước còn lại trên thế giới cũng tác động tích cực đến Trung Quốc. Kết quả là nền kinh tế đã hồi sinh và chuyển hướng tăng tốc trở lại.

Tuy nhiên, sức ép lên đà tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc còn đến từ các yếu tố bất lợi khác, cụ thể là tình trạng nợ nần phức tạp của nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc Evergrande, sự tái bùng phát của đại dịch COVID-19 kéo theo các biện pháp chống dịch tễ liên quan, chi phí logistics tăng, sự gián đoạn trong công việc của các cảng biển.

Tất cả những điều đó dẫn đến xu hướng tăng giá chưa từng thấy đối với sản phẩm của các nhà sản xuất. Môi trường giá đã tăng 13% trong tháng 10, là mức cao kỷ lục kể từ năm 1995. Ở mức độ nhất định, sự “tan băng” trong tháng 11 là hệ quả từ ảnh hưởng cân bằng của những yếu tố tích cực đã liệt kê ở trên.
Tuy vậy, về triển vọng trung hạn, Trung Quốc có thể chứng kiến những biến động mới, kể cả những xáo trộn ở “vùng tiêu cực”. Biến chủng COVID-19 mới Omicron đang lây nhiễm khắp thế giới có thể gây ra một đợt bùng phát đại dịch nữa trên địa bàn Trung Quốc, mà điều này đồng nghĩa với khả năng chính phủ phải siết chặt những biện pháp hạn chế.
Ngoài ra, do mức lạm phát cao ở Trung Quốc, cơ quan quản lý điều phối sẽ phải tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ vừa tầm, tránh tạo ra sự kích thích cấp tính. Dù sao chăng nữa, ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) nhất định sẽ tính đến yếu tố chu kỳ kinh tế trong chính sách của mình. Theo quan điểm của chuyên gia Hoàng Duy Bình, hẳn sẽ có những biện pháp được áp dụng để chống lại sự dao động chu kỳ.
Tuy nhiên, những cuộc thảo luận ở cấp độ quan chức Trung Quốc chuyên trách khối kinh tế về cách tiếp cận cần thiết để tạo xung lực tăng GDP vẫn sẽ diễn ra. Ngay từ mùa Xuân năm 2020, các quan chức đã thảo luận về phương án thi hành chính sách nới lỏng định lượng – PBoC sẽ mua trái phiếu trị giá 5.000 tỷ nhân dân tệ với lãi suất 0%. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị bác bỏ. Thực tiễn ở Mỹ đã chỉ ra rằng thái độ nhiệt tình thái quá đối với các chính sách nới lỏng định lượng sẽ dẫn đến lạm phát. Tốc độ tăng giá ở Mỹ trong năm nay là chưa từng có trong suốt mấy thập kỷ qua.
Thêm nữa, điều quan trọng là phải lường tính đến những rủi ro trì trệ. Mới đây, ông Lưu Thể Cẩm, thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ PBoC đã lưu ý rằng nếu nhu cầu vẫn yếu ớt mà giá sản phẩm của nhà sản xuất tiếp tục tăng, nguy cơ lạm phát và đình trệ sẽ hiện diện. Như đã thấy, rõ ràng là trong năm tới, các quan chức Trung Quốc phụ trách khối kinh tế sẽ có thêm nhiều vấn đề cần được giải quyết. Do đó, giới chức này cần phải tìm ra thế cân bằng trong tình thế mong manh giữa nhu cầu tăng trưởng và đòi hỏi ổn định cần thiết của khối tài chính.
Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here