Cùng với tăng cường, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh sớm trở lại trạng thái bình thường mới, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2021 và năm tiếp theo trên nguyên tắc đảm bảo an toàn dịch bệnh khi khôi phục hoạt động các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong các khu – cụm công nghiệp trên địa bàn nói riêng.
Cụ thể, từ ngày 1-31/10/2021, Tiền Giang tập trung phòng, chống dịch và từng bước phục hồi một số hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp, khi tỉnh chuyển từ trạng thái nguy cơ cao sang trạng thái nguy cơ.
Từ ngày 1/11 đến ngày 31/12, khi tỉnh chuyển sang trạng thái bình thường mới, là giai đoạn tập trung triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh gắn với chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh.
Dựa trên lộ trình trên, UBND tỉnh Tiền Giang giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang chủ trì xây dựng phương án tổ chức sản xuất an toàn dựa theo tình hình kiểm soát dịch bệnh thực tế trên nguyên tắc trao quyền tự chủ cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh triển khai mô hình hoạt động phù hợp đặc thù đơn vị với yêu cầu đảm bảo các quy định an toàn phòng, chống dịch như: doanh nghiệp chủ động xét nghiệm cho đội ngũ công nhân lao động, phương châm 5K + vaccine, có phương án cụ thể khi phát sinh các trường hợp F0, F1,…
Mặt khác, tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc nhà đầu tư, nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư; tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, giới thiệu danh mục dự án mời gọi đầu tư của địa phương đến các nhà đầu tư.
Trên cơ sở phối hợp giữa Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang và các ngành hữu quan, Tiền Giang tiếp tục nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại; khuyến khích doanh nghiệp quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả, đảm bảo nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh và phương án phục hồi sản xuất, lưu thông, cung ứng xuất khẩu của đơn vị mình.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tăng tốc sản xuất, kinh doanh trong các tháng còn lại, tạo đà tăng trưởng cho các năm tiếp theo, tỉnh Tiền Giang còn thực hiện đồng bộ các giải pháp khai thông thị trường đặc biệt xây dựng “vùng xanh” cho hàng hóa xuất – nhập khẩu cũng như thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, tạo ra các kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định, không để đứt gãy chuỗi cung ứng – sản xuất – lưu thông – tiêu thụ hàng hóa vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động sản xuất – kinh doanh thời kỳ “hậu COVID-19”, bù lại giai đoạn ách tắc do dịch bệnh vừa qua.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, địa phương hiện có 3 khu công nghiệp: khu công nghiệp Mỹ Tho, Khu công nghiệp Tân Hương, Khu công nghiệp Long Giang đang hoạt động ổn định với diện tích 816 ha. Ngoài ra, còn có 5 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 158,93 ha. Các khu, cụm công nghiệp trên thu hút 186 dự án đầu tư; trong đó, có 84 dự án FDI, tổng vốn đầu tư trên 2.689 tỷ USD và trên 4.881 tỷ đồng Việt Nam.
Trong 9 tháng năm 2021, các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp tỉnh Tiền Giang chỉ đạt giá trị sản xuất trên 37.185 tỷ đồng, đạt 75,83% so cùng kỳ năm trước, đạt trên 53% chỉ tiêu cả năm; trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt kim ngạch khoảng 1,692 tỷ USD, đạt 89,05% so cùng kỳ năm trước và đạt 62,67% so chỉ tiêu cả năm.
Nhìn chung, trong 9 tháng năm 2021, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp tỉnh Tiền Giang gặp hết sức khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ tư. Đặc biệt, trong quý III/2021, chỉ có 22 doanh nghiệp tiếp tục hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt với vỏn vẹn khoảng 3.600 lao động. Các doanh nghiệp còn lại phải tạm ngừng hoạt động nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Đánh giá của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang cho thấy, việc tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh đã gây thiệt hại lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp.
Có một thực tế là lúa Hè Thu tại Tiền Giang thu hoạch tập trung trong thời gian cả tỉnh phải ứng phó đại dịch COVID-19, nhiều địa bàn bị phong tỏa, cách ly nên tạm thời việc di chuyển máy móc, phương tiện thu hoạch giữa các địa phương chưa thông suốt. Khâu sấy lúa cũng ảnh hưởng bởi các lò sấy phải hoạt động 24/24 giờ nhưng do tỉnh quy định người dân không ra đường sau 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau dẫn đến tình trạng thiếu nhân công lao động.
Cùng với thu hoạch an toàn vụ Hè Thu, nông dân Tiền Giang tiếp tục tập trung chăm bón trên 4.800 ha lúa vụ Thu Đông 2021; trong đó, có gần 3.300 ha đang ở giai đoạn đẻ nhánh, trên 1.400 ha giai đoạn mạ và số còn lại đang làm đòng.