Đánh giá đúng xu hướng FDI để có chính sách phù hợp

0
66
(Ảnh Đ.T)
(Ảnh Đ.T)

Vốn FDI đang dịch chuyển sang các ngành công nghệ cao, nhưng quy mô vốn có xu hướng nhỏ dần. Cần đánh giá xu hướng dịch chuyển của dòng vốn FDI để có chính sách thu hút phù hợp.

Vốn FDI vẫn “gõ cửa” Việt Nam

Thông tin tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani – người giàu thứ hai châu Á, bày tỏ mong muốn đầu tư khoản “cực kỳ lớn” vào Việt Nam trong cuộc gặp với Đại sứ Phạm Sanh Châu là vấn đề được giới đầu tư rất quan tâm vào cuối tuần qua.

Được biết, Tập đoàn Adani đã đầu tư vào 2 dự án năng lượng tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận, gồm Dự án điện gió Adani Phước Minh với công suất 27,3 MW và dự án điện mặt trời công suất 50 MW.

Ông Gautam Adani cho biết, trong thời gian tới, Tập đoàn Adani muốn mở rộng hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như cảng biển, cảng hàng không và nhiệt điện theo hình thức liên doanh phát triển mới hoặc đầu tư vào các dự án đã có sẵn.

Đại sứ Phạm Sanh Châu phân tích, Tập đoàn Adani sở hữu một mỏ than ở Australia và một mỏ than ở Indonesia. Họ đang xuất khẩu than sang một số nước và dường như đang tìm cách xuất khẩu vào Việt Nam. “Do đó, việc muốn mua một nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam có vẻ là mục tiêu rất phù hợp”, ông Châu nói.

Nếu các dự này thành công, Ấn Độ sẽ sớm trở thành quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong Top 10 tại Việt Nam.

Đưa ra cái nhìn tổng quan tại một hội thảo khoa học quốc tế về FDI toàn cầu diễn ra sáng 08/10/2021, PGS-TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, các nước đang phát triển ở khu vực châu Á ngày càng trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn, là nhóm duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương về FDI và trở thành khu vực thu hút FDI nhiều nhất thế giới trong năm 2020.

Dẫn chứng, ông Nguyễn Trúc Lê cho biết, trước tác động của đại dịch, vốn đăng ký FDI năm 2020 giảm 25% và vốn FDI thực hiện giảm 2% so với năm 2019. “Tuy nhiên, khi so sánh trong tương quan với các nền kinh tế khác, đây là một kết quả rất đáng khích lệ. FDI thực hiện chỉ giảm 2%, là mức giảm thấp nhất trong khu vực ASEAN và Việt Nam lần đầu tiên lọt Top 20 quốc gia thu hút FDI nhiều nhất thế giới”, ông Lê nói.

Ông Lê nhận định, bối cảnh mới tuy mang đến nhiều thách thức, song cũng hứa hẹn nhiều cơ hội cho Việt Nam. Các cơ hội đến từ tổng hòa rất nhiều yếu tố, trong đó có những nỗ lực của Chính phủ trong công cuộc thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, Việt Nam tận dụng được các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã ký kết để thu hút FDI. Ngoài ra, việc điều chỉnh chính sách trong thu hút FDI một cách chọn lọc và tích cực, cải thiện môi trường kinh doanh cũng là yếu tố quan trọng giúp dần cải thiện chất lượng của dòng vốn FDI.

Đồng tình với quan điểm trên, GS-TS Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia của Viện Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam cho rằng, kỳ vọng từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) đang dẫn dắt dòng vốn FDI từ châu Âu vào Việt Nam.

Đánh giá xu hướng dòng vốn FDI để có chính sách phù hợp

Theo các nhà nghiên cứu đến từ Trường đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, dòng vốn FDI trên toàn cầu sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2021, đe dọa đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

“Chu chuyển FDI sẽ vẫn yếu do sự không chắc chắn về tình hình Covid-19 cũng như môi trường chính sách đầu tư toàn cầu. Bên cạnh đó, sự gia tăng trong chu chuyển FDI toàn cầu năm 2021 không phải là đầu tư mới vào tài sản sản xuất, mà từ mua bán, sáp nhập xuyên quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và y tế”, PGS. TS Hà Văn Hội (Trường đại học Kinh tế) nhận định.

Ông Hội cho rằng, thời gian gần đây, thu hút vốn FDI vào Việt Nam đã bắt đầu có những chuyển hướng tích cực về chất lượng dòng vốn. “FDI từ các tập đoàn lớn, công nghệ cao đang tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, kiến thức và bí quyết, tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam, tăng cường nền tảng kỹ năng cho các thành phần kinh tế của Việt Nam”, ông Hội nói.

Đồng tình với nhận định này, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Nhàn (Trường đại học Thương mại) cho biết, nghiên cứu cho thấy, đang diễn ra sự dịch chuyển của dòng vốn FDI khỏi ngành may mặc sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao hơn, như sản xuất máy tính, thiết bị điện tử. Tuy nhiên, quy mô vốn đầu tư trung bình của doanh nghiệp FDI đang có xu hướng thu nhỏ dần.

Đưa ra khuyến nghị nhằm thúc đẩy thu hút FDI thế hệ mới tại Việt Nam, PGS-TS Hà Văn Hội cho rằng, trước hết, cần có các chính sách ưu đãi vượt trội, mang tính cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các công ty đa quốc gia đầu tư, thành lập các trung tâm R&D, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam với các dự án trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, ít tác động tiêu cực tới môi trường.

Thứ hai, triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Tăng cường liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ ba, cần đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý đầu tư vào Việt Nam; đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong nước, hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.

Thứ tư, cần chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI và công nghệ vào Việt Nam để lựa chọn và thu hút những dự án đầu tư phù hợp.

Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiếp nhận FDI thế hệ mới, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài.

(Thanh Huyền/baodautu.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here