Không lỡ nhịp phục hồi nền kinh tế

0
58
(minh hoạ)
(minh hoạ)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, không để nền kinh tế “bị lỡ nhịp” trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới, cũng như trong quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Đó là phát biểu của Tổng Bí thư khi bế mạc Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương 4) mới đây, thể hiện quyết tâm “không để bị lỡ nhịp phục hồi”.

Chỉ trước đó một tuần, khi tham vấn các chuyên gia trong nước và quốc tế về Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế giai đoạn 2022 – 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh việc Việt Nam cần phải xây dựng chương trình này để không “lỡ nhịp” khi bước vào trạng thái bình thường mới.

Việt Nam dường như đang bước chậm một nhịp so với xu hướng hồi phục của kinh tế toàn cầu. Trong khi Mỹ, Trung Quốc, châu Âu… đang từng bước hồi phục, thì kinh tế Việt Nam lại có mức tăng trưởng rất thấp, thậm chí là tăng trưởng âm 6,17% trong quý III vừa qua.

Năm ngoái, khi nhiều nước trên thế giới chìm sâu trong dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã tính đến một chương trình để đón đầu cơ hội khi dịch bệnh qua đi.

Còn giờ đây, khi đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, gây hậu quả nặng nề, thì đòi hỏi bức thiết chính là làm sao để không bị lỡ nhịp phục hồi.

Vì Covid-19, nhiều khả năng tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam chỉ ở mức 3%, thấp xa so với mục tiêu được Quốc hội quyết nghị. Kinh tế – xã hội đối mặt với khó khăn, thách thức rất lớn, có thể kéo dài những tháng cuối năm 2021 và 2022. Rủi ro với nền kinh tế không chỉ là tăng trưởng thấp, mà còn là nợ xấu ngân hàng có khả năng tăng cao; là nguy cơ đổ vỡ của các doanh nghiệp lớn; là những ảnh hưởng khó lường đến ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư, kinh doanh, những vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự xã hội…

Khi phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh việc phải có giải pháp bảo vệ doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế, cũng như tránh sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn (cả nhà nước và tư nhân), có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế. Và tất nhiên, là không để nền kinh tế bị lỡ nhịp phục hồi.

Để không lỡ nhịp, phải bắt đầu ngay bằng các giải pháp trước mắt để tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt mức cao nhất có thể, như tập trung phòng, chống dịch nhằm khôi phục sản xuất; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, huy động mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy giải ngân đầu tư công…

Để không lỡ nhịp, phải chuẩn bị tốt nhất cho Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, mà theo quan điểm được thống nhất tại Hội nghị Trung ương 4, đó là làm sao cho sát hợp, khả thi nhất. Đồng thời, trên cơ sở kế hoạch kinh tế – xã hội năm 2022 và chủ trương, định hướng phòng, chống dịch trong tình hình mới, kịp thời điều chỉnh chính sách tài chính – tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư (cả đầu tư công và đầu tư tư nhân)…

Để không lỡ nhịp, cần sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ “hậu Covid-19”, xây dựng các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, không để các động lực tăng trưởng trong dài hạn bị suy giảm.

Để không lỡ nhịp, còn phải giải quyết các điểm yếu cố hữu của nền kinh tế, nhất là trong giải ngân vốn đầu tư công, cải cách doanh nghiệp nhà nước và xử lý các dự án thua lỗ lớn, chậm tiến độ kéo dài, bao gồm cả các ngân hàng thương mại mua lại bắt buộc…

Đó là những chỉ đạo quan trọng của Hội nghị Trung ương 4, cũng chính là “mệnh lệnh” của nền kinh tế, bởi không thể chậm trễ hơn, bởi nền kinh tế đang cần sớm điều trị khỏi bệnh và phục hồi sức khỏe.

Để khỏe trở lại, nền kinh tế Việt Nam cần nhiều bài thuốc, nhưng bài thuốc trước tiên và quan trọng nhất là làm sao có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, “thích ứng an toàn, linh hoạt” hoặc “sống chung” với dịch bệnh.

Chính phủ Việt Nam đã xác định điều đó. Nhưng thực tế, mọi nỗ lực chưa được thống nhất thực hiện từ trên xuống dưới. Vẫn có chuyện lưu thông hàng hóa gặp khó. Đường hàng không chưa được mở trở lại ở nhiều thành phố. Đường bộ còn bị cản trở bởi yêu cầu xét nghiệm Covid-19… Nỗi lo sợ dịch bệnh, nói đúng hơn là sợ trách nhiệm vẫn khiến có những địa phương áp dụng biện pháp cực đoan…

Vượt qua nỗi sợ, sẵn sàng thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh chính là phương thuốc đầu tiên, quan trọng nhất để Việt Nam có thể mở cửa trở lại và không lỡ nhịp phục hồi của kinh tế toàn cầu.

(Hà Nguyễn/baodautu.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here