Diễn đàn Bác Ngao 2021 và những tham vọng hội nhập các nền kinh tế châu Á

0
78
Bất chấp đại dịch, tổng cộng có khoảng 2.600 đại diện từ hơn 60 quốc gia và khu vực, cùng hơn 1.200 nhà báo thuộc 160 tổ chức truyền thông từ 18 quốc gia và khu vực đã tham dự hội nghị. (Nguồn: Youtube)
Bất chấp đại dịch, tổng cộng có khoảng 2.600 đại diện từ hơn 60 quốc gia và khu vực, cùng hơn 1.200 nhà báo thuộc 160 tổ chức truyền thông từ 18 quốc gia và khu vực đã tham dự hội nghị. (Nguồn: Youtube)

Ngày 18/4, Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) năm 2021 đã bắt đầu diễn ra tại Bác Ngao, một khu nghỉ mát ven biển ở tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc cùng ngày.

Trong kỷ nguyên hậu COVID-19, hoạt động của những đại biểu tham dự hội nghị, cũng là diễn đàn quốc tế đầu tiên bao gồm chủ yếu là các hội nghị ngoại tuyến trong năm nay, không chỉ giúp các nước châu Á củng cố niềm tin vào việc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế mà còn tham vọng biến đây trở thành một diễn đàn giao lưu quốc tế có ảnh hưởng toàn cầu.

Diễn đàn giao lưu quốc tế có ảnh hưởng toàn cầu

Hội nghị thường niên kéo dài 4 ngày với chủ đề xoay quanh “Một thế giới trong sự thay đổi: Chung tay Tăng cường Quản trị Toàn cầu và Thúc đẩy Hợp tác sáng kiến ‘Vành đai và Con đường'” sẽ được tổ chức từ ngày 18-21/4.

Việc kiểm soát đại dịch tại chỗ được thực hiện nghiêm ngặt và kỹ lưỡng trong suốt thời gian diễn ra BFA. Một nhân viên an ninh, ngồi bên cạnh một robot kiểm tra nhiệt độ ở lối vào các hội trường của BFA, nói với Thời báo Hoàn cầu hôm 18/4 rằng bất kỳ ai có thân nhiệt trên 37 độ C sẽ không được phép vào khu vực hội nghị và sẽ trực tiếp được đưa đi để kiểm tra axit nucleic rồi trải qua quá trình điều trị hoặc quan sát y tế. Công tác kiểm tra nhiệt độ, khẩu trang và các sản phẩm khử trùng bằng cồn được đặt ở lối vào của mỗi hội trường chính. Các điểm ăn uống cũng được ngăn cách bằng kính để kiểm soát dịch bệnh.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng thông tin do Tổng thư ký BFA Lý Bảo Đông cho biết: “Bất chấp đại dịch, tổng cộng có khoảng 2.600 đại diện từ hơn 60 quốc gia và khu vực, cùng hơn 1.200 nhà báo thuộc 160 tổ chức truyền thông từ 18 quốc gia và khu vực đã tham dự hội nghị. Tổng cộng, hơn 4.000 người tham gia đã đăng ký ngoại tuyến cho sự kiện này, một quy mô chưa từng có và là hội nghị ngoại tuyến lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay”. Ngoài ra, ông Lý Bảo Đông cũng cho biết, 40 yếu nhân và cựu yếu nhân, 74 quan chức cấp bộ và cựu quan chức, hàng chục người đứng đầu và lãnh đạo cấp cao của các tổ chức quốc tế, hàng chục phái viên tại Trung Quốc, đại diện các tổ chức quốc tế và gần 100 giám đốc điều hành của các công ty nổi tiếng thế giới, cũng sẽ tham dự cuộc họp thông qua các kênh trực tuyến hoặc ngoại tuyến.

Các chủ đề bao gồm trung hòa khí carbon, biến đổi khí hậu và kinh tế kỹ thuật số sẽ nằm trong top đầu của chương trình nghị sự trong những ngày tiếp theo. Lễ khai mạc chính thức sẽ được tổ chức vào ngày 20/4.

Ông Siddharth Chatterjee, Điều phối viên Thường trực của Liên Hợp quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn nhóm vào hôm 18/4: “Thực tế rằng chúng tôi đang ngồi đối diện và ở những nơi đông người, và chúng tôi biết rằng chúng tôi an toàn là một dấu hiệu cho thấy đại dịch có thể được ngăn chặn và quản lý. Điều này cho thấy ý chí chính trị mạnh mẽ”. Ông Chatterjee nói thêm rằng điều đó cũng cho thấy tính kỷ luật, khả năng phục hồi và khoa học đã thịnh hành như thế nào ở Trung Quốc. Ông nhấn mạnh: “Tôi hy vọng phần còn lại của thế giới áp dụng phương pháp tương tự và sau đó chúng ta sẽ có thể vượt qua đại dịch nhanh hơn nhiều”.  

BFA đã công bố một báo cáo thường niên về kinh tế châu Á vào ngày 18/4, cho biết, dưới tác động của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á đã giảm mạnh. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế của châu Á nói chung đã tốt hơn đáng kể so với phần còn lại của thế giới.

Báo cáo nêu rõ xét về sức mua tương đương, tỷ trọng của châu Á trong tổng kinh tế toàn cầu năm 2020 đạt 47,3%, tăng 0,9 điểm phần trăm so với năm 2019, cho thấy vai trò ngày càng tăng của châu lục trong nền kinh tế toàn cầu. Là nền kinh tế lớn nhất châu Á, Trung Quốc dẫn đầu châu Á với tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng 2,3% trong năm ngoái. Trong quý đầu tiên của năm 2021, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo cũng cho thấy quá trình hội nhập kinh tế của tất cả các nền kinh tế châu Á đang tăng tốc. Đến tháng 2/2021, đã có 186 thỏa thuận thương mại khu vực có hiệu lực ở trong và ngoài châu Á, chiếm 54,9% tổng số thỏa thuận khu vực trên toàn thế giới.

Đặc biệt, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11/2020 đã tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu, được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới để đẩy nhanh hơn nữa quá trình đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do ở châu Á.

Những kỳ vọng cao hơn của các nền kinh tế châu Á        

Ông Lâm Quế Quân, Phó Hiệu trưởng Đại học Thương mại và Kinh tế Đối ngoại, cho biết trong một cuộc họp báo tại Bác Ngao ngày 18/4 rằng sự hội nhập của thương mại hàng hóa và dịch vụ ở châu Á đang tăng tốc. Sự phụ thuộc thương mại giữa các nền kinh tế châu Á với nhau là gần 50% trong năm 2019, với kim ngạch thương mại song phương tiếp tục tăng.

Báo cáo nhấn mạnh rằng trong tương lai của năm 2021, nền kinh tế châu Á có thể sẽ tăng trưởng ổn định, với tốc độ tăng trưởng hơn 6,5%, viện dẫn đại dịch là biến số chính ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế khu vực.

Ông Hồ Kỳ Mục, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Sinosteel (Tập đoàn Gang thép Trung Quốc) nói với Thời báo Hoàn Cầu hôm 18/4, rằng: “Hiện tại, công tác phòng chống và kiểm soát đại dịch và phục hồi kinh tế tiếp theo vẫn còn nhiều bất ổn, và điều cấp bách là tất cả các quốc gia trên thế giới phải làm việc cùng nhau để vượt qua những khó khăn bắt nguồn từ đó”.

Tuy nhiên, những hành động gần đây của Mỹ chẳng hạn, cho thấy chủ nghĩa đơn phương vẫn đang cố gắng chi phối nền quản trị toàn cầu, ông Hồ Kỳ Mục cho biết. Theo chuyên gia này, việc triệu tập Diễn đàn Bác Ngao, một diễn đàn đa phương, tại thời điểm này có ý nghĩa to lớn đối với việc ngăn chặn và kiểm soát đại dịch, phục hồi kinh tế và xoa dịu những căng thẳng trong khu vực.

Những người tham gia diễn đàn cũng mong muốn tìm kiếm kinh nghiệm, thảo luận về các vấn đề mới nhất từ biến đổi khí hậu đến kiểm soát đại dịch, và tìm kiếm những cơ hội tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm 2020.

Ông Lương Vĩ Kiên (Thomas Leung), người phụ trách Đối tác Quản lý Thị trường tại PwC Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn Cầu: “Kể từ khi ra mắt cách đây 20 năm, Diễn đàn Châu Á Bác Ngao đã cung cấp một nền tảng sâu sắc cho các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh và học thuật ở châu Á cũng như thế giới. Diễn đàn này đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, sự phát triển chung và việc xây dựng một châu Á thịnh vượng và hài hòa hơn. Đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến nền kinh tế và cộng đồng toàn cầu trong năm qua. Chúng tôi hy vọng sẽ thảo luận về vấn đề này và các vấn đề quan trọng khác với các bên có mặt tại cuộc họp năm nay”.

Sylvain Laurent, Phó Chủ tịch điều hành hãng Dassault Systèmes, một tập đoàn phần mềm của Pháp, cho biết, Diễn đàn Bác Ngao đã trở thành một cầu nối quan trọng kết nối Trung Quốc và thế giới, đồng thời là một nền tảng trao đổi quốc tế với tầm ảnh hưởng toàn cầu. Ông nói với Thời báo Hoàn Cầu trong một cuộc phỏng vấn hôm 18/4: “Thông qua BFA năm nay, chúng tôi kỳ vọng sẽ có một sự hiểu biết sâu hơn về những nhu cầu của các doanh nghiệp ở Trung Quốc và châu Á trong thời kỳ chuyển đổi thông minh.

Tiến Trung

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here