Ngân hàng Thế giới cho biết chi phí logistic của Bangladesh cao nhất trong số các quốc gia cạnh tranh, dẫn đến tỷ lệ thương mại trong GDP thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Tỷ lệ thương mại trên GDP của nước này năm 2019 là 15%, thấp nhất so với mức trung bình của các nước có thu nhập thấp và trung bình và thấp hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh chính là Việt Nam. Trong báo cáo Cập nhật Phát triển Bangladesh được công bố gần đây, tỷ lệ thương mại (xuất khẩu) trên GDP đối với các nước thu nhập thấp và trung bình là 25% và đối với Việt Nam là 106%.
WB cho biết xuất khẩu của Bangladesh có thể tăng 19% nếu chi phí logistic của nước này có thể giảm 26%. “Giảm thời gian lưu hàng tại cảng Chittagong 1 ngày, tăng vận tốc tối thiểu trên các tuyến quốc lộ lên 40km/giờ và thực hiện các chính sách để giải quyết chất lượng dịch vụ hậu cần thấp, thanh toán kém thuận lợi và các yếu tố kém hiệu quả khác, Bangladesh có thể giảm chi phí logistic 26%”.
Chỉ số Hiệu suất Logistic cho thấy Bangladesh đang ở mức thấp nhất so với các nền kinh tế các đối thủ cạnh tranh. Theo WB, Bangladesh đạt 2,6 trên thang 5,0, trong khi đối thủ cạnh tranh của họ là Campuchia tương tự 2,6; Philippines 2,9; Ấn Độ 3,2; Việt Nam 3,3 và Trung Quốc 3,6.
Nhà kinh tế và phân tích thương mại cấp cao, Tiến sĩ Zaidi Sattar cho biết việc thiếu mở cửa thương mại và chi phí logistic cao hơn là những lý do chính khiến tỷ lệ thương mại trong GDP của Bangladesh vẫn ở mức thấp. “Điều đáng quan tâm là mặc dù thương mại Bangladesh có mức tăng trưởng trung bình gần 11% trong vài năm qua, nhưng tỷ lệ thương mại trong GDP của nước này không tăng với tốc độ như mong đợi. Những rào cản trên đang tạo ra những trở ngại để cải thiện tỷ lệ này”. Tiến sĩ Sattar cho biết Việt Nam là ví dụ điển hình nhất về độ mở thương mại khi có xuất khẩu (265 tỷ USD) cao hơn so với tổng quy mô GDP của nó (260 tỷ USD). Nhà kinh tế cho biết khi GDP danh nghĩa của Bangladesh tăng trưởng ở mức 13-14%, mức tăng trưởng thương mại ở mức khoảng 11%, “cho thấy năng lực chúng ta kém trong việc biến đất nước trở thành một quốc gia cạnh tranh về thương mại”.
Theo WB, vận tải chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí logistic trực tiếp, và vận tải đường bộ là phương thức vận tải chính ở Bangladesh. Giá vận tải đường bộ ở Bangladesh, dao động từ 0,06-0,12 USD cho loại xe tải 16 tấn (tính theo tấn, theo km), cao hơn so với hầu hết các quốc gia, một hạn chế chính đối với xuất khẩu. “Chi phí logistic ở Bangladesh cao trong hầu hết các lĩnh vực. Chi phí này chiếm 21% (tính theo tấn, tính theo km), cao hơn ở hầu hết các quốc gia “.
WB cho biết nếu tình trạng tắc nghẽn đường được loại bỏ, chi phí logistics sẽ giảm ít nhất từ 07-35% tùy thuộc vào loại hàng. “Ngoài chi phí logistic, việc tắc nghẽn giao thông tạo ra gần 60% lượng khí thải CO2 hàng năm từ vận tải hàng hóa đường bộ giữa các địa phương, chi phí xã hội ước tính là 1,2% GDP”.
Chi phí lưu kho chiếm 17-56% chi phí logistic tùy theo loại hàng hóa, vượt quá 30% chi phí logistic trong hầu hết các loại hàng hóa. “Thời gian chờ đợi lâu làm tăng cao chi phí hậu cần. Ví dụ, tại cảng Chittagong, thời gian lưu trung bình là 4 ngày đối với một container xuất khẩu và 11 ngày đối với hàng nhập khẩu”.
WB nhận định hệ thống logistic của Bangladesh bị phân tán cả về cơ sở hạ tầng và dịch vụ; khuôn khổ quản lý phân tán, kém hiệu quả và lỗi thời đã dẫn đến sự kém hiệu quả và thiếu sự phối hợp trong lĩnh vực này. Vì vậy, WB đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện hiệu suất logistic để nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế, có thể tăng cường sự phục hồi sau Covid.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)