Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn coronavirus, giờ đây trở thành hình mẫu để phục hồi xuất khẩu

0
72
(Internet)
(Internet)

Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam là một trong những nền kinh tế duy nhất đã sớm kiểm soát được sự lây lan của Covid-19. Một nghiên cứu mới của UNCTAD đã xác nhận tác động phân cực mà đại dịch coronavirus đã gây ra đối với sự phục hồi thương mại toàn cầu, trong đó các nền kinh tế Đông Á phát triển vượt trội so với các nền kinh tế ở phương Tây. Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam là những nền kinh tế thương mại lớn phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng mạnh trong quý 3/2020.  Bộ ba này là một trong những nền kinh tế duy nhất đưa Covid-19 vào tầm kiểm soát từ rất sớm – mặc dù chiến thuật mỗi nền kinh tế sử dụng rất khác nhau.

Theo UNCTAD, Việt Nam, quốc gia có xuất khẩu tăng 10,9% trong quý 3/2020 so với cùng kỳ năm 2019, tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới – chỉ có 1.141 trường hợp nhiễm coronavirus tính đến ngày 21/10, với chỉ 35 trường hợp tử vong.

Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 8,8% trong quý 3/2020. Đợt bùng phát ban đầu với 85.715 trường hợp mắc và 4.634 trường hợp tử vong được báo cáo, tuy nhiên sự lây lan đã chậm lại đáng kể và quốc gia đông dân nhất thế giới hiện chỉ có 247 trường hợp mắc bệnh, nhờ các biện pháp đóng cửa nghiêm ngặt và gây nhiều tranh cãi.

Tại Đài Loan, xuất khẩu tăng 6,4% trong quý 3/2020 so với cùng kỳ năm trước. Đài Loan này báo cáo tổng cộng 543 trường hợp nhiễm coronavirus, chỉ có 07 trường hợp tử vong kể từ khi bắt đầu đại dịch và không có ca tử vong nào trong hơn 6 tháng qua.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất khác trong thống kê của UNCTAD cho thấy xuất khẩu phục hồi, mặc dù con số này chỉ là 0,7%. Ngược lại, nhiều nền kinh tế khác vẫn đang phải chịu số lượng lớn ca lây nhiễm và không thể tái khởi động nền kinh tế thương mại của mình. Xuất khẩu từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU giảm từ 11,6 đến 9,7% mỗi năm trong quý 3, theo thống kê cập nhật Thương mại Toàn cầu của UNCTAD.

Theo báo cáo của UNCTAD: “Không có khu vực nào thoát khỏi sự sụt giảm thương mại quốc tế trong quý 2/2020, nhưng sự suy giảm mạnh nhất là ở khu vực Tây và Nam Á, nơi nhập khẩu giảm 35% và xuất khẩu giảm 41%.  Kể từ tháng 7/2020, sự sụt giảm thương mại vẫn đáng kể ở hầu hết các khu vực ngoại trừ Đông Á”, đồng thời báo cáo nhấn mạnh “sự phục hồi đáng chú ý của Trung Quốc, với nhập khẩu cũng tăng trở lại trong những tháng gần đây”.

Các nhà kinh tế học cũng phát hiện ra sự khác biệt lớn giữa các quốc gia nghèo hơn và giàu hơn về khả năng phục hồi kinh tế, cũng như khả năng tiếp cận thương mại hàng hóa y tế.

Trong khi xuất khẩu từ các quốc gia đang phát triển giảm 6% so với cùng kỳ tháng 7/2019, ​lượng hàng xuất khẩu của các quốc gia phát triển giảm 22%. Điều này cho thấy bản chất cấu trúc của chuỗi giá trị: các quốc gia nghèo hơn thường sản xuất những thứ được tiêu thụ ở các quốc gia giàu hơn. Nhưng các quốc gia giàu hơn này, mặc dù nền kinh tế thương mại của họ vẫn còn đình trệ, lại có khả năng tiếp cận hàng hóa y tế thiết yếu phòng chống Covid-19 nhiều hơn “100 lần”, tính theo đầu người. “Trong khi một số quốc gia thu nhập thấp có khả năng sản xuất trong nước một số thiết bị bảo hộ, họ lại khó có thể sản xuất được vắc-xin vì năng lực sản xuất và hậu cần ở các quốc gia nghèo hơn thường yếu hơn,” các nhà phân tích của UNCTAD cho biết.

Sự phục hồi thương mại của Trung Quốc đã giúp phục hồi nền kinh tế của nước này, sau mức giảm lịch sử 6,8% trong quý đầu tiên. Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc tăng 4,9% so với cùng kỳ quý 3/2019, với các dịch vụ cung cấp thêm động lực tăng trưởng, sau khi sản xuất và xuất khẩu đã thúc đẩy mức phục hồi 3,2% trong quý 2/2020. Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn là một phần cơ bản của sự phục hồi. Theo Oxford Economics, tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc đã tăng từ 13,3% vào cuối năm 2019 lên 17,2% trong quý 2/2020.

UNCTAD cho biết thương mại vật tư y tế toàn cầu đạt đỉnh vào tháng 5 với mức tăng trưởng 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đây, WTO ước tính Trung Quốc chịu trách nhiệm cho 44% tổng thương mại thiết bị bảo vệ cá nhân trong nửa đầu năm 2020.

(Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here