Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc có gì mới?

0
580
Giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 11, Trung Quốc đã thực hiện bước nhảy vọt từ nước có thu nhập trung bình thấp lên hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình cao.
Giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 11, Trung Quốc đã thực hiện bước nhảy vọt từ nước có thu nhập trung bình thấp lên hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình cao.

Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 sẽ trở thành chủ đề chính tại Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa XIX (Hội nghị Trung ương 5) sẽ diễn ra từ ngày 26-29/10.

Cách làm mới?

Kể từ ngày 21/7 đến nay, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã tổ chức 7 cuộc tọa đàm để lắng nghe ý kiến của nhân sĩ các giới. Mặc dù việc trưng cầu ý kiến về quy hoạch 5 năm đã trở thành thông lệ của ĐCSTQ, nhưng trong quá trình xây dựng Quy hoạch 5 năm lần thứ 14, mật độ chủ trì các cuộc hội thảo và khảo sát địa phương của các quan chức cấp cao Trung Nam Hải  không chỉ vượt xa so với thời kỳ Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, mà còn tăng đáng kể so với giai đoạn chuẩn bị xây dựng Quy hoạch 5 năm lần thứ 13.

Mục tiêu đằng sau động thái tần suất cao khác thường của các quan chức cấp cao Trung Quốc vừa là khắc phục tác động tiêu cực không mong muốn do dịch COVID-19 gây nên đối với nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi, vừa có kế hoạch tìm cách thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn và mở ra cục diện phát triển mới của đất nước trong bối cảnh liên minh tình báo “Ngũ nhãn” (Five Eyes) do Mỹ đứng đầu kiềm chế và gia tăng sức ép đối với kinh tế Trung Quốc trên trường quốc tế.

Ngày 30/7, Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ đã triệu tập cuộc họp và quyết định sẽ tổ chức Hội nghị trung ương 5 vào tháng 10, chương trình nghị sự chủ yếu là nghiên cứu xây dựng Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 về phát triển kinh tế-xã hội và kiến nghị các mục tiêu dài hạn đến năm 2035. Do vậy, việc Hội nghị Trung ương 5 sẽ ban hành dự thảo Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 như thế nào đang trở thành tâm điểm chú ý của tất cả các bên.

Trong quá trình lập Quy hoạch 5 năm lần thứ 12, Trung Quốc cũng đã tổ chức nhiều hội nghị khu vực (các cuộc tọa đàm khu vực chia theo các vùng miền Đông, miền Tây, Đông Bắc và miền Trung) để tiến hành khảo sát và nghiên cứu, nhưng đều do Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc phụ trách.

Trong quá trình xây dựng Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 vào 5 năm trước, Tập Cận Bình lần lượt tổ chức các cuộc hội thảo với lãnh đạo các tỉnh và khu vực ở Chiết Giang, Quý Châu và Cát Lâm để sắp xếp công tác xây dựng Quy hoạch 5 năm lần thứ 13, phá vỡ các thông lệ trước đây, Tổng Bí thư bắt đầu đóng vai trò quan trọng hơn trong Quy hoạch 5 năm.

So với Quy hoạch 5 năm lần thứ 13, trong quá trình lập Quy hoạch 5 năm lần thứ 14, các cuộc nghiên cứu và khảo sát của Tập Cận Bình diễn ra thường xuyên hơn. Từ ngày 22-24/7, trong cuộc khảo sát ở Cát Lâm, Tập Cận Bình phát biểu rằng thế giới hiện nay đang trải qua những thay đổi lớn chưa từng có trong 100 năm qua, điều kiện bên trong và môi trường bên ngoài để Trung Quốc phát triển đang trải qua những thay đổi sâu sắc và phức tạp. Ông hy vọng rằng các địa phương đi sâu nghiên cứu, tập trung vào những vấn đề cũ và thách thức mới đang đối diện để nghiêm túc hoạch định mục tiêu, tư duy và biện pháp phát triển của thời kỳ Quy hoạch 5 năm lần thứ 14.

Từ ngày 22/7-22/9, Tập Cận Bình đã lần lượt tổ chức các cuộc tọa đàm tham vấn chính trị đặc biệt về Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 với đại diện của nhiều nhóm như doanh nhân, nhân sĩ ngoài đảng, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, nhà khoa học, đại biểu cấp cơ sở, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế, thể thao…. Ngoài ra, trong thời gian này, Tập Cận Bình cũng đã lần lượt đến An Huy và Hồ Nam để điều tra khảo sát địa phương, đồng thời tổ chức cuộc tọa đàm về thúc đẩy sự phát triển hội nhập của đồng bằng Trường Giang tại Hợp Phì (An Huy) vào ngày 20/8, chủ trì cuộc tọa đàm cấp cơ sở tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam vào ngày 17/9, tất cả đều dành thời gian cho việc trao đổi ý kiến và lắng nghe các đề xuất về Quy hoạch 5 năm lần thứ 14.

Trong số những cuộc tọa đàm này, tọa đàm đại diện cấp cơ sở là đặc biệt nhất. Đây là lần đầu tiên các cán bộ phụ trách công tác xóa đói giảm nghèo, luật sư, nông dân, công nhân, nhân viên bưu điện, chủ cửa hàng trực tuyến từ các vùng nông thôn, phường xã và doanh nghiệp… được trực tiếp thảo luận ý kiến với nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước.

Xét từ nội dung bài phát biểu của Tập Cận Bình tại các cuộc tọa đàm lần này, trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 14, trọng tâm chiến lược của Trung Quốc sẽ chuyển sang phát triển công nghệ và căn cứ vào nhu cầu địa phương. Ngay từ hội nghị chuyên đề về nghiên cứu và triển khai Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 vào ngày 25/11/2019, Thủ tướng Lý Khắc Cường từng chỉ rõ: “Trong giai đoạn Quy hoạch 5 năm lần thứ 14, môi trường bên ngoài của Trung Quốc có thể phức tạp hơn, bất ổn và thách thức nhiều hơn. Trung Quốc đang ở trong giai đoạn then chốt để chuyển đổi phương thức phát triển, cải thiện cơ cấu kinh tế, chuyển đổi động lực tăng trưởng, người dân có nhiều kỳ vọng về một cuộc sống tốt đẹp”.

Tại Diễn đàn doanh nhân vào ngày 21/7, Tập Cận Bình nói: “Hiện nay thế giới đang trải qua những thay đổi lớn chưa từng có trong 100 năm qua, cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới và cải cách công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ. Trung Quốc phải thông qua phát triển kinh tế trong nước, kết nối thông suốt vòng tuần hoàn trong nước để tiếp thêm động lực cho nền kinh tế”. Tại cuộc tọa đàm chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế và xã hội Trung Quốc diễn ra ngày 24/8, khi đề cập đến “tuần hoàn kép”, Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh đến vấn đề này. Các phân tích cho rằng khi Hội nghị trung ương 5 xây dựng Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 và quy hoạch dài hạn đến năm 2035, “tuần hoàn kép” có thể trở thành linh hồn của hai Quy hoạch, chi phối phương hướng phát triển của nền kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm tới.

Ngoài ra, đồng bằng Trường Giang trở thành khu vực đầu tiên ở Trung Quốc đại lục liên kết với “tuần hoàn kép”. Tại cuộc tọa đàm về thúc đẩy vững chắc sự phát triển hội nhập của đồng bằng Trường Giang tổ chức ở Hợp Phì, tỉnh An Huy ngày 20/8, Tập Cận Bình đã nhắc lại “tuần hoàn kép” và yêu cầu khu vực đồng bằng Trường Giang phát huy nhiều lợi thế, tích cực tìm tòi con đường hình thành cục diện phát triển mới.

Tại cuộc tọa đàm với các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế-xã hội ngày 24/8, Tập Cận Bình còn nhấn mạnh tăng tốc đổi mới công nghệ là nhu cầu để xây dựng cục diện phát triển mới. Đầu tháng 9, có thông tin không chính thức cho rằng Trung Quốc có kế hoạch đẩy mạnh hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời đưa ngành này vào Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 đang được xây dựng. Tại cuộc tọa đàm ngày 22/9, Tập Cận Bình cũng đưa ra nhiệm vụ cho các trường đại học là phải dũng cảm gánh vác trọng trách, tập trung vào các nhu cầu chiến lược quốc gia, nhắm vào các công nghệ cốt lõi quan trọng để đẩy nhanh đột phá công nghệ.

Là một nước lớn phát triển sau, thông qua việc tiếp nhận công nghệ trong 40 năm trước cải cách mở cửa, Trung Quốc đã thực hiện thành công việc cải tiến công nghệ. Tuy nhiên, hiện do sự phong tỏa công nghệ của Mỹ và các công nghệ mũi nhọn ngày càng phức tạp, việc đơn thuần dựa vào nhập khẩu công nghệ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Cho dù sự kiện ZTE bị phạt nặng hai năm trước hay Tập đoàn Huawei bị cắt đứt nguồn cung ứng chip bán dẫn hiện nay đều gióng hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội Trung Quốc – Trung Quốc cần phải chuyển sang dựa vào việc tự chủ nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo để thực hiện cải tiến công nghệ. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ ngày 17/7 đã tổ chức hội nghị nghiên cứu triển khai công tác phòng chống lũ lụt và cứu trợ thiên tai, hội nghị nhấn mạnh phải nâng cao toàn diện năng lực phòng chống thiên tai, kiên trì lấy phòng ngừa là chính, kết hợp phòng chống và cứu nạn, tính toán thống nhất đưa các vấn đề như xây dựng các công trình trọng điểm, cải tạo các cơ sở hạ tầng quan trọng, quản lý ngập úng đô thị, tăng cường xây dựng hệ thống và năng lực phòng ngừa ứng phó thiên tai… vào trong  Quy hoạch 5 năm lần thứ 14.

Tại Hội nghị lần thứ 5 của Ủy ban tài chính và kinh tế trung ương ngày 26/8/2019, Tập Cận Bình cũng đã nhấn mạnh: Phải có các biện pháp mang tính chiến lược mới, để thúc đẩy vùng Đông Bắc hồi sinh toàn diện trong thời kỳ Quy hoạch 5 năm lần thứ 14.

Quy hoạch 5 năm – chính sách công quan trọng nhất của Chính phủ Trung Quốc

Trong hệ thống chính sách của Trung Quốc, báo cáo Đại hội Đảng là chính sách công quan trọng nhất của ĐCSTQ, và Quy hoạch 5 năm là chính sách công quan trọng nhất của Chính phủ Trung Quốc.

Tết Nguyên đán năm 1953, trong bài xã luận “Nhiệm vụ vĩ đại đón chào năm 1953” của tờ “Nhân dân nhật báo” đã công bố một thông tin  quan trọng rằng Trung Quốc bắt đầu thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất về xây dựng đất nước. Kể từ năm 1953 đến nay, Trung Quốc đã xây dựng và triển khai 13 Quy hoạch (Kế hoạch) 5 năm. Trọng tâm của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất là tập trung lực lượng tăng cường xây dựng công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng. Hiện giờ chúng ta có thể tạo ra được cái gì? Có thể làm được bàn ghế, ấm chén uống trà, trồng ngũ cốc…, nhưng không thể chế tạo được ô tô, máy bay, xe tăng hay máy kéo. Những lời nói này của thế hệ lãnh đạo đầu tiên của ĐCSTQ – Mao Trạch Đông – đã phản ánh chân thực tình hình phát triển lúc bấy giờ và tiết lộ những cân nhắc chiến lược đằng sau ưu tiên phát triển công nghiệp nặng của Trung Quốc.

Trong các buổi tọa đàm từ ngày 22/7 đến nay, Tập Cận Bình luôn nhấn mạnh quy hoạch phát triển trung và dài hạn vừa có thể phát huy đầy đủ vai trò mang tính quyết định của thị trường trong việc phân bổ các nguồn lực, vừa có thể phát huy tốt hơn vai trò của chính phủ. Vậy Quy hoạch 5 năm của ĐCSTQ rốt cuộc được xây dựng như thế nào?

Tư liệu cho thấy về cơ bản việc xây dựng Quy hoạch 5 năm được chia thành các bước sau: đánh giá trung hạn, nghiên cứu sơ bộ, hình thành các ý tưởng cơ bản, soạn thảo Kiến nghị của trung ương, thông qua Kiến nghị của trung ương, soạn thảo Đề cương, lấy ý kiến đóng góp của công chúng, xâu chuỗi các luận chứng, trưng cầu rộng rãi các ý kiến của đảng viên và các tầng lớp nhân dân, phê duyệt và công bố Đề cương.

Xét về góc độ thời gian, khi Kế hoạch 5 năm trước đó được thực hiện hơn một nửa thì mới bắt đầu xây dựng kế hoạch mới, đến tháng 2 của một năm trước khi thông qua mới bắt đầu soạn thảo Kiến nghị về việc xây dựng Quy hoạch mới, khoảng tháng 10 thông qua Kiến nghị và đến tháng 3 của năm đầu tiên của kế hoạch mới thì thông qua kế hoạch.

Lấy công tác chuẩn bị Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 đang được tiến hành làm ví dụ, khi đánh giá giữa kỳ về Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 năm 2018 thì đã khởi động công tác trên. Trên cơ sở một số vấn đề chính được phát hiện trong đánh giá giữa kỳ, nêu ra những chủ đề nghiên cứu quan trọng và giao cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp nghiên cứu. Sau khi có kết quả nghiên cứu, năm 2019 Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc sẽ soạn thảo ý tưởng cơ bản và trình lên Quốc vụ viện.

Đầu năm 2019, Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã thành lập Tổ soạn thảo văn kiện cho Hội nghị Trung ương 5. Văn phòng tài chính kinh tế trung ương và Văn phòng nghiên cứu chính sách trung ương phụ trách soạn thảo Kiến nghị Quy hoạch 5 năm lần thứ 14. Trong quá trình soạn thảo kiến nghị, cần phải dựa trên cơ sở tiếp thu những ý kiến cơ bản của “Quy hoạch”, sau đó đề xuất giao cho các bộ ngành và một số cơ quan chuyên môn nghiên cứu một số vấn đề lớn, từ đó đưa ra “Kiến nghị” với Trung ương, tức là một trong những chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ vào ngày 30/7 năm nay – nghiên cứu các kiến nghị về xây dựng Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 phát triển kinh tế-xã hội đất nước và mục tiêu dài hạn đến năm 2035.

Các Kiến nghị về Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc sẽ được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIX. Sau khi được thông qua, Quốc vụ viện sẽ dựa vào đó để soạn thảo Đề cương Quy hoạch 5 năm và sẽ biểu quyết và thông qua tại kỳ họp thứ tư của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) vào tháng 3/2021, sau đó sẽ trở thành văn kiện mang tính cương lĩnh quyền lực nhất đối với sự phát triển của Trung Quốc trong 5 năm tới.

Điều đáng chú ý là Quy hoạch 5 năm thường được công bố vào năm có số đuôi là 1 và 6 (chẳng hạn như năm 2016 và 2021), trong khi nhiệm kỳ mới của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ và Quốc vụ viện lại được bầu vào các năm có số đuôi là 2 và 7 (chẳng hạn như năm 2017 và 2022) và các năm có số đuôi là 3 và 8 (chẳng hạn như năm 2018 và năm 2023), điều này làm cho Quy hoạch 5 năm trở thành một sự sắp xếp cơ chế hiệu quả để duy trì tính liên tục chính sách giữa Ủy ban Trung ương và Quốc vụ viện nhiệm kỳ trước và sau.

Việc thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã đặt nền móng ban đầu cho quá trình công nghiệp hóa của Trung Quốc; việc thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 3 đến Kế hoạch 5 năm lần thứ 5 đã đóng góp to lớn vào việc xây dựng hệ thống công nghiệp và kinh tế quốc dân tương đối hoàn chỉnh ở Trung Quốc. Sau Kế hoạch 5 năm lần thứ 7, về cơ bản Trung Quốc đã giải quyết được vấn đề no ấm; đến cuối giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 9, đời sống của người dân Trung Quốc nhìn chung đã đạt mức khá giả và được xếp vào danh sách các nước có thu nhập trung bình thấp do Ngân hàng Thế giới phân loại. Giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 11, Trung Quốc đã thực hiện bước nhảy vọt từ nước có thu nhập trung bình thấp lên hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình cao. Năm 2020 là năm cuối cùng trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 13, Trung Quốc sẽ xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện, đồng thời đặt nền tảng vững chắc cho việc khởi động chặng đường mới xây dựng thành công nhà nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa toàn diện.

Quyên Trần

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here