Đối sách kinh tế của Singapore khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở châu Á

0
183

Tình trạng đối địch ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại và công nghệ đang gây ra hiệu ứng domino thúc đẩy các biện pháp theo xu hướng bảo hộ của nhiều nước khác.

Singapỏe sẽ tiếp tục theo đuổi mô hình tăng trưởng theo hướng xuất khẩu truyền thống?

Bài phân tích trên báo The Straits Times nhận định, các cuộc thảo luận giữa các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc về chiến lược “tuần hoàn kép” đang được nhiều nước trong khu vực quan tâm. Cụm từ này được giải thích là việc Trung Quốc sẽ nỗ lực gấp đôi để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước và “tự cung tự cấp” trong lĩnh vực công nghệ, trong khi vẫn tiếp tục hưởng lợi tốt nhất có thể từ quá trình toàn cầu hóa. Trong khi đó, biện pháp sử dụng thuế quan của Mỹ nhằm có được những nhượng bộ về thương mại cũng đang được các nước khác làm theo.

Ví dụ, Ấn Độ đã phát động phong trào “tự cung tự cấp” nhằm giảm bớt nguy cơ dễ bị tổn thương trong chuỗi cung ứng trong khi Indonesia công bố các chính sách thay thế nhập khẩu, trong đó có thuế quan cao, để hỗ trợ cho các ngành công nghiệp trong nước.

Sự thay đổi chính sách này ở các nền kinh tế lớn nhất của châu Á làm gia tăng lo ngại của Singapore về môi trường thương mại và đầu tư toàn cầu đang xấu đi trong bối cảnh xung đột Mỹ-Trung và sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Với dân số nhỏ, Singapore không thể phát triển tiêu dùng trong nước như một động cơ chính để mở rộng nền kinh tế. Điều đó khiến “đảo quốc sư tử” này nằm trong số nhóm các nền kinh tế mở sẽ tiếp tục theo đuổi mô hình tăng trưởng theo hướng xuất khẩu truyền thống.

Xu hướng nghiêng về chủ nghĩa bảo hộ ở châu Á đã thể hiện rõ trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Nhưng sự gián đoán toàn cầu về thương mại và đầu tư do đại dịch gây ra đã đẩy nhanh tốc độ chuyển hướng theo chính sách hướng nội này, báo hiệu sự thoái trào của chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa. Sự thay đổi này đem lại cả rủi ro lẫn cơ hội.

Theo quan điểm ủng hộ tập trung vào tiêu dùng trong nước để thúc đẩy tăng trưởng, việc thúc đẩy thu nhập và chi tiêu hộ gia đình sẽ đặt nền tảng cho một nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, sự thay đổi trong chính sách kinh tế trên khắp khu vực châu Á chủ yếu được thúc đẩy bởi những căng thẳng địa chính trị và những lo ngại về an ninh.

Chẳng hạn, sự tập trung của Trung Quốc vào tự cung tự cấp được hình thành bởi mối quan hệ ngày càng xấu đi với Mỹ. Thay đổi của Ấn Độ theo hướng tương tự bắt nguồn từ những lo ngại về sự phụ thuộc kinh tế ngày càng lớn vào Trung Quốc.

Nếu những quyết định về chính sách kinh tế ngày càng mang tính chính trị hơn, chúng không còn chỉ dựa trên cơ sở dữ liệu, thì thị trường toàn cầu có thể biến thành một mạng lưới phức tạp của những nguyên tắc và khuôn khổ chính sách xung đột nhau.

Đối với các doanh nghiệp, tình trạng bất trắc và lo ngại về một thế giới bị “bế quan tỏa cảng” hơn bao giờ hết ảnh hưởng đến các dòng doanh thu, cơ sở hạ tầng công nghệ, việc tuyển dụng tài năng và năng lực tài chính, đồng thời có thể tác động đến khả năng của họ trong việc đưa ra những quyết định kịp thời.

Thương mại và đầu tư sẽ phải hứng chịu hậu quả và làm hủy hoại triển vọng khôi phục tăng trưởng bền vững kinh tế và tạo công ăn việc làm trên toàn cầu.

Một báo cáo gần đây của bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro kinh tế và chính trị EIU thuộc Economist Group (Anh) cho biết, sự “hướng nội” của khu vực châu Á là một bước lùi đối với sự hội nhập toàn cầu chặt chẽ hơn. EIU tin rằng sự thay đổi chính sách này không phải là động thái tiến tới một nền kinh tế đóng cửa hoàn toàn nhưng xu hướng này vẫn sẽ gây sức ép buộc các công ty nước ngoài phải chứng minh giá trị của họ đối với nền kinh tế địa phương. Những thách thức của phi toàn cầu hóa vượt ra ngoài những gì mà báo cáo này dự đoán.

Chủ nghĩa bảo hộ đã trỗi dậy nhờ sự thổi phồng của chủ nghĩa dân túy về những nguy cơ liên quan đến an toàn mạng, mối đe dọa về sự lỗi thời công nghệ và sự gia tăng của tầng lớp nghèo khổ trong xã hội không có công ăn việc làm do thế giới ngày càng tự động hóa.

Những mối quan ngại này có thể dẫn đến sự cạnh tranh giữa các nền tảng Internet do Trung Quốc và Mỹ dẫn dắt. Mỗi bên sẽ đặt ra những quy định và tiêu chuẩn hoạt động của riêng mình. Việc gây căng thẳng trên Internet có thể làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc tách rời những chuỗi cung ứng sẽ làm tăng chi phí các dịch vụ chung trên toàn cầu và làm giảm hiệu quả của các dịch vụ này.

Áp dụng các biện pháp trừng phạt cũng đã trở thành phản ứng phổ biến trước một số thách thức địa chính trị. Tháng Tám vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa thêm 24 công ty Trung Quốc vào danh sách thực thể bị hạn chế mua hàng của Mỹ. Cơ chế trừng phạt có thể làm tổn thương hiệu quả hoạt động của các trung tâm tài chính như New York, London và Singapore.

Tuy nhiên, các nhà quan sát lưu ý rằng cho đến nay sự chuyển sang chính sách hướng nội ở châu Á không phải mang tính bao trùm mà thay vào đó tập trung nhiều hơn vào việc phục hồi một số lĩnh vực hay sửa chữa những yếu kém về cơ cấu.

EIU cho rằng trong trường hợp Trung Quốc, mục tiêu của nước này là làm cho các chuỗi cung ứng trong nước tiến gần hơn tới cơ cấu nhu cầu nội địa. Điều đó đi ngược lại những mục tiêu sâu rộng hơn của sáng kiến gây tranh cãi “Made in China 2025” nhằm thúc đẩy thị phần toàn cầu trong những lĩnh vực như công nghệ. Chính sách kinh tế mới của Trung Quốc cũng sẽ tập trung vào những điểm nghẽn được coi là sự phụ thuộc nguy hiểm vào hàng nhập khẩu như chất bán dẫn hay vi mạch,  các nguồn cung năng lượng và lương thực.

Singapore biết rõ những thay đổi chính sách chuyển sang hướng nội ở một số nước, như đã được Thủ tướng Lý Hiển Long chỉ rõ tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 36 hồi tháng Sáu và Phó Thủ tướng Heng Swee Keat phát biểu tại Diễn đàn toàn cầu Trung Quốc tương lai hồi đầu tháng Chín này.

Ban lãnh đạo chính trị ở Singapore đã cho thấy quan điểm rằng nước này sẽ tiếp tục can dự với thế giới thông qua các diễn đàn khu vực và toàn cầu, và các khối thương mại, thể hiện cam kết của Singapore đối với chủ nghĩa đa phương, thương mại tự do và mở cửa.

Nguyễn Thúy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here