Việt Nam chính thức Thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA

0
75
Đa số đại biểu tán thành phê chuẩn EVFTA và EVIPA.

Sáng 8/6, với 94,62% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Đa số đại biểu tán thành phê chuẩn EVFTA và EVIPA.

Theo đó, Quốc hội quyết nghị phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (sau đây gọi tắt là Hiệp định) được ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, Việt Nam.

Quốc hội quyết nghị áp dụng toàn bộ nội dung của Hiệp định; trong đó, áp dụng trực tiếp các quy định của Hiệp định tại Phụ lục 2 kèm theo Nghị quyết này; áp dụng các quy định của Hiệp định tại Phụ lục 3 kèm theo Nghị quyết này cho đến ngày Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 và Luật số 42/2019/QH14 được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành; áp dụng Hiệp định với Vương quốc Anh trong thời gian từ ngày Hiệp định có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020 (có thể gia hạn đến 24 tháng theo thỏa thuận giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu về việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu).

Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật tại Phụ lục 4 kèm theo Nghị quyết này, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, thực hiện có hiệu quả và theo đúng lộ trình các cam kết của Hiệp định.

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Hiệp định; phê duyệt, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định; chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm tận dụng, phát huy các cơ hội, lợi thế mà Hiệp định đem lại; xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định; tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả, hiệu quả thực thi các cam kết đã ký trong Hiệp định, định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Hiệp định.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn Hiệp định và thông báo thời điểm Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam.

Cùng với việc phê chuẩn EVFTA, Quốc hội cũng biểu quyết tán thành phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA), với 461/462 đại biểu có mặt tại hội trường tán thành.

EVIPA đem lại nhiều lợi ích về thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước thành viên Liên minh châu Âu, tạo cơ hội cho nhà đầu tư Việt Nam vào thị trường châu Âu. Hiệp định cũng tạo ra khuôn khổ pháp lý cho phép Nhà nước Việt Nam và nhà đầu tư Việt Nam đưa tranh chấp ra giải quyết khi quyền lợi bị xâm phạm.

Việc Quốc hội thông qua EVFTA và EVIPA cho thấy một bước tiến vượt bậc trong quan hệ giữa EU và Việt Nam, đồng thời cũng là một cách thể hiện phù hợp nhất nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao. Những nền tảng mới này đem lại một cơ sở tốt cho việc mở rộng các cơ hội đầu tư và thương mại.

Cả hai Hiệp định (EVFTA và EVIPA) đều mang đến cho Việt Nam cơ hội trở thành một trung tâm sản xuất của khu vực. So với các nền kinh tế tương đồng trong khu vực, Việt Nam có lợi thế của người đi trước đó là có từ 7-10 năm “vàng” với đặc quyền tiếp cận vào thị trường EU. Hiện, chỉ có Singapore, nước đã ký kết và phê chuẩn FTA trước Việt Nam, ở vào vị trí thuận lợi tương tự.

Với nền tảng của các thỏa thuận kinh tế mới với EU, sự lựa chọn các đối tác châu Âu mới sẽ là điều hiển nhiên và là cơ hội mở cho các nhà sản xuất Việt Nam. Điều này mang lại thêm các cơ hội và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương và các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thành các công ty toàn cầu.

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu rõ: Các đại biểu Quốc hội cho rằng việc phê chuẩn Hiệp định là phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước; đồng thời đánh giá Hiệp định có chuẩn mực cao nhất, hướng tới một không gian thị trường tiềm năng lớn nhất với 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu; trong đó có nhiều quốc gia thuộc nhóm đứng đầu thế giới về thương mại, đầu tư.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội khuyến nghị những vấn đề lớn. Cụ thể, Chính phủ sớm ban hành chiến lược, kế hoạch chi tiết để triển khai Hiệp định, tổ chức phổ biến, tuyên truyền kịp thời, sâu rộng trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Các bộ, ngành liên quan phối hợp lãnh đạo các địa phương chọn lựa, xác định danh mục ngành hàng, các sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam sớm tham gia vững chắc thị trường rộng lớn này. Trước mắt có biện pháp giữ, duy trì thị phần thị trường các nước liên minh châu Âu trong điều kiện đại dịch COVID-19; đồng thời tận dụng tốt thành tựu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế số, trí tuệ nhân tạo.

Các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động, chính sách thúc đẩy chương trình phát triển vững chắc doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là sử dụng gói hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực hội nhập, quản trị hiệu quả đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng chương trình tăng khả năng đối phó hiệu quả, hạn chế rủi ro thấp nhất với những diễn biến phát sinh phi truyền thống; nghiên cứu luật pháp nước sở tại để hạn chế vi phạm trong hoạt động thương mại.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here