Dư luận trong nước và quốc tế về sự kiện Quốc hội Việt Nam thông qua EVFTA và EVIPA

0
138

Sau khi quốc hội Việt Nam hoàn tất thủ tục phê chuẩn hai Hiệp định Tự do thương mại và Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và EVIPA), trong đó, EVFTA dự kiến có hiệu lực ngay trong mùa hè này. Những chuyển động mới trong đầu tư và cơ hội thiết lập các chuỗi cung ứng toàn cầu được cho là chia đều cho nhiều khu vực khác nhau. Do đó, để trở thành điểm đến đầu tư và một phần trong mạng lưới cung ứng, Việt Nam phải nhanh chóng chuẩn bị các điều kiện cần và đủ mới có thể tiếp nhận hiệu quả. Các chuyên gia, các trang mạng chuyên về phân tích kinh tế đều sớm đưa ra những nhận định.

Trang Thông tin Chính phủ của Việt Nam bình luận rằng “EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường Việt Nam để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời có sự tác dụng là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại-đầu tư với Việt Nam”. Tuy nhiên, theo VOA, trang Thông tin Chính phủ không nói cụ thể “một số thị trường” đó là những quốc gia hay những khu vực nào.

Cùng đưa tin về việc quốc hội Việt Nam phê chuẩn EVFTA, trang Facebook của phái đoàn EU ở Hà Nội nói  rằng khi có hiệu lực, EVFTA sẽ mang lại những tác động “tích cực ngay lập tức” cho các doanh nghiệp ở cả Việt Nam và châu Âu. Kể từ ngày đầu tiên có hiệu lực, việc cắt giảm thuế quan sẽ áp dụng với 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng hóa mà EU nhập khẩu từ Việt Nam.

Mạng tin chuyên phân tích về chính sách của châu Âu Euractiv.com ngày 8/6 liệt kê một loạt tác động tích cực của EVFTA đối với hai bên và bình luận các hiệp định này được xem là là ‘bước đệm’ cho thỏa thuận giữa EU và ASEAN.

Trang tin chuyên phân tích thị trường tài chính của Mỹ Marketwatch.com dẫn lời Michael Sieburg, một đối tác của YCP Solidiance (công ty tư vấn chiến lược chuyên về châu Á), cho rằng EVFTA sẽ mang lại động lực tích cực cho ngành chế tạo của Việt Nam: “Với việc thông qua EVFTA, các nhà sản xuất đang tìm vị trí trong khu vực cũng như cách tiếp cận cạnh tranh hơn với các thị trường EU sẽ có xu hướng chuyển sản xuất sang Việt Nam”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh một điểm “rất quan trọng” của EVFTA là nhờ hiệp định, Việt Nam “có thể tạo thế cân bằng” giữa các khối lớn với nhau trên thế giới, như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Tiến sĩ Quang A lưu ý đến tình trạng trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc chiếm một tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam: “Nếu nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam và ảnh hưởng đến cả thế giới. Muốn duy trì tăng trưởng cao, tôi nghĩ EVFTA rất quan trọng”.

Ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng được dự báo sẽ mở đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư do việc di chuyển nhà máy dễ dàng hơn các ngành chế biến, chế tạo. Việt Nam cũng đang có lợi thế, kinh nghiệm trong các ngành da giày, dệt may nhưng điểm yếu là hạn chế về nguồn cung nguyên liệu. Hiện khoảng 60 – 70% nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Tương tự, với ngành công nghiệp chế tạo, tỷ lệ cung ứng linh kiện nội địa được cải thiện trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đối với nguyên liệu chế biến lương thực thực phẩm, sản lượng nông sản của Việt Nam không ngừng tăng lên nhưng về cơ bản vẫn chưa hình thành được vùng nguyên liệu tập trung đủ sức cung ứng cho nhà máy chế biến quy mô lớn. Mặc dù cải cách về thể chế, thủ tục hành chính đã đạt được bước tiến dài trong nhưng vẫn chưa đủ làm hài lòng đối cộng đồng doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư.

Ngày 8/6, Reuters dẫn dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng EVFTA có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng lần lượt 2,4% và 12% vào năm 2030 và đưa hàng trăm nghìn người thoát khỏi đói nghèo. WB nhấn mạnh, những lợi ích như vậy đặc biệt cấp bách trong việc giúp Việt Nam bảo toàn thành tựu kinh tế tích cực  nhờ đã phản ứng hiệu quả trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier cho rằng, thỏa thuận lịch sử này tượng trưng cho sự ghi nhận và tin tưởng đối với Việt Nam, khi đây là quốc gia thứ hai trong ASEAN mà Liên minh châu Âu ký kết Hiệp định Thương mại tự do. EVFTA sẽ mở ra một kỷ nguyên mới với thương mại và đầu tư gia tăng, bắt đầu quá trình loại bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại trong vòng mười năm tới. Hiệp định này cũng sẽ mở ra thị trường mới cho đầu tư và đổi mới của châu Âu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam.

Hiện nay, trong bối cảnh các cuộc chiến thương mại và đại dịch toàn cầu phá vỡ các hoạt động kinh doanh thông thường ở quy mô chưa từng có, việc thực thi Hiệp định EVFTA trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thương mại tự do, công bằng và dựa trên nguyên tắc là lộ trình tốt nhất dành cho tăng trưởng kinh tế. Việt Nam sẽ có quyền truy cập vào thị trường tiêu dùng khoảng 500 triệu dân của EU, ngược lại các doanh nghiệp châu Âu cũng có thể kinh doanh và đầu tư vào một quốc gia an toàn của châu Á như Việt Nam.

Thu Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here