Trung Quốc khuyến khích “kinh tế bán rong đường phố” để giúp xử lý khủng hoảng thất nghiệp

0
88
(CNS)
(CNS)

Trung Quốc thúc đẩy “kinh tế bán rong đường phố”, khuyến khích người dân dựng các quầy bán hàng ở ngoài trời như một công việc toàn thời gian hoặc bán thời gian trong bối cảnh làn sóng thất nghiệp chưa từng có gây ra bởi đại dịch. Chính sách này đánh dấu sự đảo ngược trong chủ trương của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi trước đây ra sức trấn áp loại hình kinh doanh này để kiểm soát chặt đời sống và không gian đô thị. Loại hình kinh doanh này cho đến nay vẫn bị coi là vật chướng mắt đối với các chính quyền các thành phố; thậm chí bị xem là hình thức trốn thuế, phí cho thuê mặt bằng do việc cấp phép không được thực hiện đúng quy định. Năm 2017, Bắc Kinh tiến hành chiến dịch làm đẹp thành phố quy mô lớn bằng các biện pháp cực đoan đóng cửa tất cả các cửa hàng nhỏ và trấn áp người bán rong trên phố và đuổi khỏi thủ đô hàng trăm nghìn người lao động di cư coi họ như “cư dân tầng lớp thấp” không được hoan nghênh.

Quan điểm của chính phủ với những người bán hàng rong hiện thay đổi do việc làm thay vì tăng trưởng là ưu tiên kinh tế mới của năm 2020. Phát biểu tại thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh các cửa hàng nhỏ, quầy hàng trên phố là nguồn tạo việc làm quan trọng, là một phần không thể tách rời của đời sống bình thường hàng ngày của người dân; là một phần của sức sống Trung Quốc, giống như các loại hình kinh doanh đẳng cấp, thời thường, loại hình kinh doanh tự do phải được hồi sinh, phát triển từ đó giúp Trung Quốc phát triển tốt hơn; Trung Quốc phải giúp cho phép người dân của mình tự tạo ra công ăn việc làm cho chính mình. Chính phủ Trung Quốc hiện thiếu các công cụ và biện pháp giúp tất cả những người thất nghiệp hưởng các trợ cấp xã hội cần thiết. Hệ thống trợ cấp xã hội do nhà nước quản lý hiện nay chỉ bảo đảm cho 2,3 triệu người do đặt các tiêu chuẩn cao và hoàn toàn không bao gồm những người lao động di cư.

Nhiều tập đoàn công nghệ từ Tencent đến JD.com đã hòa vào trào lưu này hứa hẹn sẽ hỗ trợ các cửa hàng nhỏ và những người bán hàng rong trên phố. Loại xe tải nhỏ hiệu Wuling sản xuất bởi liên doanh SAIC-GM-Wuling và có thể sử dụng làm quầy bán hàng di động trên phố đang trở thành một trong những mặt hàng bán hàng trực tuyến được quan tâm nhất ở Trung Quốc. Theo đại diện của Wuling, công ty hiện đã nhận được 600 đơn hàng, gấp đôi doanh số bán ra trong tháng 5.  Các hãng ô tô khác của Trung Quốc như Geely và JAC cũng đang quảng bá các mẫu xe cho những người bán rong trên phố.

Tuy nhiên, các hệ lụy kinh tế dài hạn của việc cho phép người dân lập các quầy bán hàng trên phố là không rõ ràng. Kết quả trước mắt là giúp giải tỏa áp lực thất nghiệp khi người dân bị mất việc làm chính của mình có thể tìm cách kiếm sống bằng các hình thức tự doanh nhỏ. Đầu những năm 1980, khi bắt đầu thực hiện kinh tế thị trường, Trung Quốc cho phép loại hình kinh doanh tự do phát triển bùng nổ. Chính Đặng Tiểu Bình đã nổi tiếng khi ủng hộ một người bán hạt hướng dương trên phố ở tỉnh An Huy để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp kinh doanh. Nhiều tài phiệt Trung Quốc cũng đã từng có trải nghiệm về những ngày tháng bán rong trên phố như người sáng lập tập đoàn Lenovo Liu Chuanzhi và tập đoàn Wahaha Zong Qinghou. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc Cai Feng cho rằng khuyến khích kinh doanh bán rong trên phố nên là chủ trương lâu dài vì là biện pháp hữu hiệu trong việc tạo việc làm; loại hình kinh doanh này cần được quản lý, không nên bị cấm đoán hoàn toàn.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here