Nước Anh đối mặt với suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1709

0
94
(Getty Images)
(Getty Images)

Ngày 7/5/2020 Ngân hàng Trung ương Anh đã đưa ra dự báo rằng cuộc khủng hoảng vi-rút Corona sẽ đẩy nền kinh tế Anh vào một đợt suy thoái trầm trọng nhất trong hơn ba thế kỉ qua với sản lượng kinh tế giảm gần 30% trong 6 tháng đầu năm. Ngân hàng Trung ương dự đoán sản lượng kinh tế Anh đã tụt dốc 3% vào quý I năm 2020 và tiếp tục giảm 25% vào quý II năm 2020, gây ra một đợt suy thoái kinh tế nhanh nhất và sâu nhất kể từ đợt “Sương giá lớn nhất” (Great Frost) xảy ra vào năm 1709. Do tác động của dịch vi-rút Corona, cả năm 2020 nền kinh tế Anh sẽ giảm 14% tương đương với khoảng 300 tỉ bảng hay 900 bảng/mỗi hộ gia đình Anh; tỉ lệ thất nghiệp có thể trên 8%. Ngân hàng cũng cho biết thị trường nhà tại Anh đã chững lại trong khi chi tiêu của khách hàng đã giảm 30% trong vài tuần gần đây.

Cũng theo ngân hàng Trung ương, sự lây lan của Covid-19 và các biện pháp đối phó để kiềm chế sự lây lan của nó đã có tác động lớn đối với nền kinh tế Anh nói riêng và nhiều nền kinh tế khác trên thế giới nói chung. Các hoạt động kinh tế đã sụt giảm nhanh kể từ đầu năm 2020 đến nay và kéo theo nạn thất nghiệp tăng nhanh chóng. Tuy nhiên các hộ gia đình tại Anh đã bước vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế này với một “thế” vững mạnh hơn so thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008 cùng với những chính sách hỗ trợ  hộ gia đình quyết liệt từ chính phủ. Nhưng cuộc suy thoái kinh tế lần này về mức độ vẫn trầm trọng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và sự sụt giảm của nền kinh tế lần này sẽ gây áp lực lớn về tài chính cho các hộ gia đình Anh.

Bất chấp những lời cảnh báo nghiêm trọng về việc Ngân hàng Trung ương Anh không đưa ra những biện pháp kích thích mới, ông Andrew Bailey, Thống đốc Ngân hàng, cho biết các biện pháp mạnh mẽ công bố vào tháng 3 với việc chi 200 tỉ bảng vào trái phiếu chính phủ vẫn chưa hết và “chúng tôi đã đưa ra cam kết rõ ràng rằng chúng tôi sẽ làm bất cứ việc gì cần phải làm để hỗ trợ nền kinh tế phù hợp với mục tiêu lạm phát”. Ông cũng cảnh báo các ngân hàng không nên hạn chế cho vay trong bối cảnh nền kinh tế sụt giảm 14%. Việc hạn chế cho cho vay sẽ tạo ra vòng xoáy nguy hiểm với các vụ phá sản và những khoản vay nợ lớn từ đó sẽ ảnh hướng đến chính các ngân hàng. Do vậy “cách tốt nhất là các ngân hàng cứ tiếp tục cho vay… Nếu hệ thống ngân hàng đảm bảo cung cấp đủ vốn cho vay chúng ta sẽ có kết quả tốt hơn”.

Đáp lại ý kiến trên, các ngân hàng thương mại của Anh đều cam kết tiếp tục cho vay vốn trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên Ngân hàng Trung ương Anh vẫn thận trọng cảnh báo ngay cả khi các ngân hàng thương mại cho vay đủ đi chăng nữa thì nền kinh tế Anh vẫn hứng chịu tác động lớn. Chi tiêu của các hộ gia đình đã giảm 30% từ tháng 3/2020. Ngân hàng dự đoán tỉ lệ lạm phát sẽ xuống mức 0,5% vào năm 2021 và 2% vào năm 2022.

Trái với việc đưa ra những đánh giá ảm đạm về tình hình kinh tế hiện nay như trên, Ngân hàng Trung ương đưa ra dự đoán lạc quan về sự hồi phục kinh tế hình chữ V trong các năm tiếp theo. Vào năm 2021 nền kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 15% và sản lượng của nền kinh tế sẽ đạt trở lại mức cao nhất trước khi có dịch Covid-19 vào giữa năm 2021. Ông Bailey cho biết: “sẽ chỉ còn một số tác động lâu dài đến nền kinh tế, và sự hồi phục kinh tế sau khủng hoảng Covid-19 lần này sẽ nhanh chóng hơn so với thời khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008)”.

Tuy nhiên nhiều nhà kinh tế tại Anh lại cho rằng dự đoán về nền kinh tế phục hồi với tăng trưởng hình chữ V với ít tác động lâu dài mà Ngân hàng Trung ương Anh đưa ra là quá lạc quan. Dự đoán của ngân hàng chỉ là sự phỏng đoán (guess) chứ không phải là một kịch bản (scenario) nhằm động viên mọi người và làm cho họ vui hơn trong lúc đang phải chịu đựng sự khắt khe của các lệnh phong tỏa trong xã hội. Nhiều người khác cho rằng sự hồi phục của nền kinh tế sẽ chậm hơn nhiều. Dự đoán nền kinh tế sẽ phục hồi từ nửa sau của năm 2021 và tỉ lệ thất nghiệp sẽ giảm từ mức khoảng 9% năm 2020 xuống dưới 4% vào năm 2023 cũng là quá lạc quan. Ngân hàng Trung ương đã đánh giá thấp về mức độ phá sản và tỉ lệ thất nghiệp tại Anh. Jagjit Chadha, Giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Anh chỉ ra rằng ngay cả khi có kịch bản lạc quan nhất thì cũng vẫn có những tác động lâu dài đến nền kinh tế. Ngay sau khi có sự tăng trưởng nhanh khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, nền kinh tế Anh sẽ không thể nhanh chóng đạt được sản lượng như mức năm 2019./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Anh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here