Chương 2. CÔNG TÁC NGOẠI GIAO KINH TẾ Ở VIỆT NAM

0
269

Chương 2. CÔNG TÁC NGOẠI GIAO KINH TẾ Ở VIỆT NAM

1. Ngoại giao Kinh tế ở các nước

2. Sự hình thành và phát triển Ngoại giao Kinh tế ở nước ta

3. Tổ chức bộ máy triển khai công tác NGKT tại Việt Nam

5. Nhiệm vụ chủ yếu và định hướng lớn của Ngoại giao Kinh tế

 

1. Ngoại giao Kinh tế ở các nước

Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế gay gắt, hoạt động kinh tế muốn thành công cần sự hậu thuẫn chính trị và các nước ngày càng coi trọng vị trí của NGKT trong chính sách đối ngoại với nhiệm vụ trọng tâm là tạo môi trường quốc tế ổn định, thiết lập sự phát triển quan hệ kinh tế, thương mại của quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp:

1.1.  Nội dung công tác NGKT

– Về nhiệm vụ NGKT: Nhìn chung, mục tiêu của chính sách NGKT của các nước đều nhằm phát huy, bảo vệ lợi ích kinh tế của tổ chức, cá nhân nước mình ở nước ngoài cũng như góp phần phát triển các mối quan hệ kinh tế đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế trong nước.

Học thuyết mới về Chính sách đối ngoại Liên Bang Nga khẳng định: “Nhiệm vụ chính của chính sách đối ngoại của Liên Bang Nga là đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia thông qua việc bảo đảm vị thế của đất nước và doanh nghiệp Nga trong hệ thống kinh tế toàn cầu”.

Nhiệm vụ hàng đầu trong chính sách Ngoại giao của Mỹ thời Clinton là sử dụng sức mạnh ngoại giao để mở cửa thị trường cho hàng hóa của Mỹ, giúp tạo việc làm và đưa kinh tế Mỹ ra khỏi suy thoái. Dưới thời Chính quyền Bush, Bộ Ngoại giao Mỹ tập trung triển khai NGKT trong những lĩnh vực sau: (i) Mở cửa thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ; (ii) Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế; và; (iii) Bảo đảm an ninh kinh tế.

Về mở cửa thị trường, Mỹ tập trung vào việc xây dựng những cơ chế thương mại và đầu tư mang tính mở, trong đó chú trọng bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ trong lĩnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ tài chính, hàng không, công nghệ thông tin. Mỹ thúc đẩy các lợi ích này trong quan hệ với EU, các nước phát triển, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, và trong đàm phán WTO.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Ngoại giao Mỹ coi đây là một trong những nhiệm vụ chính và phối hợp chặt chẽ với Bộ Thương mại vận động chính phủ ở các nước khác đối xử công bằng, minh bạch và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp Mỹ. Năm 2004, công tác NGKT của Mỹ đã hỗ trợ 150 doanh nghiệp, cụ thể mang lại lợi ích trị giá 80 triệu USD cho các doanh nghiệp trong ngành viễn thông của Mỹ. Về thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, mục tiêu của Mỹ là thúc đẩy tăng trưởng không chỉ ở Mỹ, mà là trên toàn cầu, bao gồm cả các nước đang phát triển. Mỹ thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch, được luật hóa với các chính sách thúc đẩy tăng trưởng tại các nước đang phát triển.

Về đảm bảo an ninh năng lượng, Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện các chiến lược: (i) Thúc đẩy sự đa dạng hóa nguồn cung trên toàn cầu; (ii) Sử dụng nguồn dự trữ dầu chiến lược để bổ sung cho nguồn cung bị gián đoạn; (iii) Khuyến khích các nước xuất khẩu duy trì sản xuất; (iv) Thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng trên toàn cầu; và (v) Thúc đẩy công nghệ mới trong ngành năng lượng.

Trung Quốc chú trọng đẩy mạnh công tác NGKT theo phương châm 16 chữ “kinh tế xúc tiến chính trị, chính trị hướng dẫn và mở đường kinh tế, chính trị và kinh tế hợp tác cùng phát triển”, sử dụng khôn khéo, kết hợp nhuần nhuyễn công cụ ngoại giao và công cụ kinh tế để mở rộng ảnh hưởng và theo đuổi các lợi ích kinh tế của Trung Quốc.

Về thương mại, Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã sử dụng công cụ mở cửa thị trường và buôn bán hàng hóa nước ngoài làm công cụ thực hiện chính sách đối ngoại, đặc biệt trong quan hệ với các nước phát triển. Đầu những năm 1990 khi ở Mỹ đang có các cuộc tranh luận tại Quốc hội về việc gia hạn quy chế  Tối huệ quốc cho Trung Quốc, Trung Quốc đã cử nhiều đoàn thương nhân tới Mỹ để mua hàng hóa của các công ty Mỹ với quy mô lớn trước khi diễn ra các cuộc bỏ phiếu tại quốc hội Mỹ. Gần đây, trung Quốc tập trung hơn vào các nước đang phát triển để củng cố quan hệ đối tác kinh tế. Thậm chí trong nhiều trường hợp, hàng hóa và kỹ thuật của Trung Quốc không đạt trình độ tiên tiến song vẫn thâm nhập được vào thị trường của nhiều nước nhờ có kết hợp giữa hậu thuẫn chính trị – ngoại giao với việc các công ty Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu và làm nhiều việc cho các đối tác để đổi lại.

Về đầu tư, Trung Quốc cố gắng thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thành lập các cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Trung Quốc và đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng công nghệ có giá trị cao. Kể từ năm 2003, Trung Quốc tạo thuận lợi cho các thủ tục thông qua dự án FDI ra nước ngoài và mở rộng danh sách các quốc gia và lĩnh vực ưu tiên đẩy mạnh đầu tư ra ngoài. Nhiều nước đang phát triển đã chào đón FDI của Trung Quốc như là 1 nguồn lực dành cho xây dựng kinh tế và cơ sở hạ tầng, tuy rằng sau đó nảy sinh khá nhiều vấn đề.

Về viện trợ nước ngoài, công cụ này đã trở thành 1 bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc từ những năm 1960 khi Trung Quốc cạnh tranh với Liên Xô và Mỹ để giành ảnh hưởng chính trị tại Châu Phi. Viện trợ phát triển của Trung Quốc có đặc trưng là không công khai kèm theo các điều kiện chính trị và kinh tế nhằm tăng cường ảnh hưởng, thâm nhập thị trường các nước nhận viện trợ.

Phương pháp ngoại giao điển hình của Trung Quốc để triển khai công tác NGKT là các chuyến thăm và các cuộc họp lãnh đạo cấp cao. Các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc thường xuyên đi thăm và đón các lãnh đạo cao cấp, bất kể các nước lớn hay nhỏ. Trung Quốc cũng thường vận động để các đối tác  nhân nhượng ký kết các hiệp định. Ví dụ chuyến thăm Trung Quốc tháng 9/2004 của Tổng thống Philippine Arroyo được nâng cấp từ chuyến thăm chính thức thành cấp nhà nước và hứa hẹn ký nhiều hiệp định viện trợ, đầu tư lớn ngay sau khi Philippine đồng ý ký 1 thỏa thuận cùng hợp tác khảo sát địa chấn tại Biển Đông và công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường.

Tại Singapore, Bộ Ngoại giao chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành đánh giá và cảnh báo về các vấn đề kinh tế toàn cầu (năng lượng, thị trường tài chính, các biến động vĩ mô của kinh tế thế giới,…); phối hợp với các Bộ, ngành trong các phương án đàm phán và thực hiện đàm phán thương mại đa phương và song phương; thu hút các công ty đa quốc gia có công nghệ cao đầu tư vào Singapore,  quảng bá hình ảnh quốc gia.

Tại Anh, Bộ Ngoại giao (Foreign and Commonwealth Office – FCO) chủ động đánh giá và cảnh báo về các vấn đề kinh tế thế giới, vai trò của Anh trong quan hệ với các tổ chức thương mại, tài chính đa phương. Thời gian gần đây, FCO ngày càng chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, coi đây là trọng tâm của Chiến lược tăng cường quan hệ với các đối tác. Mục tiêu nhằm kịp thời nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hoạt động ở nước ngoài, cũng như tăng cường hợp tác đầu tư tại Anh. Thông qua các bộ phận trực thuộc, điển hình là cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư (United kinhdom Trade and Investment – UKTI), FCO rất tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại và quảng bá hình ảnh đất nước tại nước ngoài.

– Về văn bản pháp quy: Chức năng, nhiệm vụ của công tác NGKT chủ yếu quy định trong văn bản chính sách đối ngoại của các nước. Thí dụ, nội dung công tác NGKT tại Nga được quy định trong “Học thuyết Chính sách Đối ngoại” lần 2 (Foreign Policy Concept) do Tổng thống liên bang Nga phê chuẩn tháng 7/2008 với tầm nhìn 2020. Tại Séc, nội dung NGKT nằm trong Tuyên bố Chính sách của Chính phủ và học thuyết về chính sách đối ngoại của cộng hòa Séc (theo từng giai đoạn). Tại Ba Lan, để việc triển khai công tác NGKT hiệu quả hơn, Ba lan xây dựng  dự luật mới về Cơ quan xúc tiến  thương mại – đầu tư, theo hướng kết hợp giữa Chính phủ và khu vực tư nhân nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiệu quả, đáp ứng đúng nhu cầu. Tại Anh, trong giai đoạn 2007-2010, Bộ ngoại giao Anh xác định 10 ưu tiên chiến lược của hoạt động đối ngoại do Bộ ngoại giao triển khai, trong đó có 1 ưu tiên về nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế đất nước và hỗ trợ doanh nghiệp. Để cụ thể hóa ưu tiên chiến lược này, FCO đã xây dựng 1 số văn bản Chiến lược về các mục tiêu, yêu cầu và kế hoạch hành động cụ thể đối với các hoạt đông hỗ trợ phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp như Chiến lược của FCO về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

1.2. Về tổ chức triển khai công tác NGKT

Ở cấp chính phủ, các nước có sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ về công tác NGKT. Với yêu cầu vươn mạnh mẽ ra thị trường quốc tế, Liên bang Nga cho rằng không 1 bộ, ngành nào có thể đơn độc làm được mà cần có chính sách thống nhất của nhà nước. Tại Ba Lan, Bộ Ngoại giao hằng năm tham khảo yêu cầu và “đặt hàng” của các Bộ, ngành về công tác NGKT, tổng hợp thành nhiệm vụ chung về NGKT cho cả năm và chuyển cho các CQĐD để triển khai. Hàng năm Chính phủ Cộng hòa Séc có tổng kết về NGKT, tất cả các Bộ, ngành đều thống nhất chủ trương, mục đích nhằm phát huy, bảo vệ lợi ích kinh tế của tổ chức, cá nhân. Nê-pan đã thiết lập 1 ủy ban phối hợp về NGKT dưới quyền điều hành của Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao là Ủy viên thường trực, thành viên là Lãnh đạo các Bộ, ngành và có sự tham gia của khu vực tư nhân. Philippine thành lập bộ phận NGKT (Economic Diplomacy Unit) dưới sự điều hành trực tiếp của Bộ trưởng Ngoại giao.

Bộ Ngoại giao của hầu hết các nước đều có Thứ trưởng chuyên trách NGKT (đối với Liên bang Nga là thứ trưởng thứ nhất) và thành lập vụ kinh tế với cơ cấu đặc thù phù hợp với từng nước, có chức năng điều phối chính trong hoạt động NGKT của Bộ Ngoại giao, tạo thuận lợi cho việc tham mưu, kiến nghị nhằm kết hợp chính trị và kinh tế đối ngoại.

– Việc xây dựng kế hoạch NGKT tại các nước Đông Âu có đặc điểm: (i) Có kế hoạch theo từng năm, từng giai đoạn; (ii) Bộ Ngoại giao có vai trò trung tâm, điều phối triển khai, các Bộ ngành, nhất là Bộ phụ trách Kinh tế có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với BNG; (iii) Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở rộng rãi (kiến nghị của CQĐD, nhu cầu của Bộ, ngành, ý kiến doanh nghiệp); (iv) Hoạt động NGKT tập trung vào những hoạt động lớn; (v) Kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm nhưng có thể thay đổi theo hoàn cảnh cụ thể, tiêu chí quan trọng nhất là cân bằng lợi ích.

– Về việc phối hợp các Bộ, ngành, doanh nghiệp trong công tác NGKT: Về phối hợp trong và ngoài nước, các CQĐD có thể nhận yêu cầu trực tiếp từ các Bộ, ngành và doanh nghiệp. Cơ chế này tạo sự chủ động, gắn kết chặt chẽ trong và ngoài  nước, bảo đảm hiệu quả thực hiện. Ở Ba Lan, các Bộ, ngành, doanh nghiệp hàng năm đánh giá việc triển khai công tác NGKT của CQĐD. Ba Lan và Nga cũng chia sẻ mặc dù đã triển khai công tác NGKT từ lâu, nhưng trong thực tiễn, công tác NGKT và vai trò của BNG cũng gặp phải một số trở ngại “nhất định” từ các Bộ, ngành, nhất là các Bộ phụ trách Kinh tế vì ngại ”bị lấn sân” và ”bị mất một phần vai trò”.

Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ở nước ngoài của các nước nhấn mạnh vai trò “điều phối viên” trong các hoạt động kinh tế đối ngoại và cố gắng thiết lập quan hệ hợp tác thực chất với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Có thể nói  Xingapo và Anh khá thành công trong công việc này. BNG của hai nước này đểu rất chú trọng đảm bảo sự phối hợp hài hòa với các Bộ, ngành liên quan. Tại Xingapo, Bộ Ngoại giao  và Bộ Công thương thiết lập cơ chế Nhóm Điều hành (Steering Group) họp hàng tháng ở cấp Thứ trưởng (thường trực) để giải quyết các vấn đề liên quan. Trực thuộc Nhóm Điều hành có các Nhóm công tác (Task Forces) về các vấn đề cụ thể, như tự do hóa thương mại, năng lượng, biến đổi khí hậu…

Bên cạnh đó, BNG các nước cũng chú trọng tới việc tham vấn ý kiến của doanh nghiệp. Tại Anh, FOC thiết lập cơ chế hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp, trong đó có Hội đồng Doanh nghiệp Anh là tổ chức có sự tham gia của 15 CEO các Tập đoàn hàng đầu của Anh. FCO hiện tổ chức định kỳ các buổi ăn sáng làm việc giữa BNG Anh với đại diện các doanh nghiệp. Ở cấp làm việc, FCO vừa thành lập Bộ phận quan hệ với doanh nghiệp trực thuộc Tổng Vụ các vấn đề toàn cầu và kinh tế nhằm tăng cường liên hệ và hỗ trợ doanh nghiệp.

-Về tổ chức công tác NGKT ở các CQĐD ở nước ngoài: Hầu hết các nước đều lập bộ phận kinh tế trong ĐSQ.

Đại sứ là người chỉ đạo chung, điều phối hoạt động của bộ phận kinh tế và văn phòng thương mại. Văn phòng Thương mại nhận chỉ thị chuyên môn từ Bộ phụ trách kinh tế, nhưng phải báo cáo và xin ý kiến  Đại sứ. Ở nước ngoài, Đại sứ là người quyết định và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình đối với công việc của các bộ phận có tính Nhà nước tại nước ngoài  (được tài trợ toàn bộ hoặc một phần bằng kinh phí Nhà nước). Theo Báo cáo về Chính sách Đối ngoại xuất bản năm 2007 của Séc, bộ phận kinh tế có nhiệm vụ: (i) Cung cấp thông tin về đối tác, dự án…; (ii) Vận động cho ngành công nghiệp của Séc, giúp xử lý các vấn đề phát sinh…; và (iii) Hỗ trợ việc các đoàn doanh nghiệp trong nước sang tham gia hội chợ, triển lãm, hợp tác kinh doanh. Còn các Trung tâm Séc (Czech Centres – phụ trách xúc tiến thương mại) có các chức năng sau: (i) Phối hợp chặt chẽ với bộ phận kinh tế trong xúc tiến thương mại; (ii) Hợp tác với các địa phương trong nước nhằm xúc tiến kinh doanh, xúc tiến du lịch cho địa phương; (iii) Thực hiện quảng bá, cung cấp thông tin cho các đối tác nước ngoài.

Một số nước có mô hình mang tính đặc thù. Tại Xingapo, Bộ Ngoại giao đóng vai trò như một “bên thứ ba” (third agency) trong các hoạt động kinh tế trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với cac cơ quan xúc tiến, như Hội đồng Thương mại (Singapore Trade Board), Hội đồng Phát triển Kinh tế (Economic Development Board) và Cơ quan Phát triển Doanh nghiệp . Các Cơ quan này đều thu hút đầu tư, phát triển thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp. Các Văn phòng này là bộ phận của các CQĐD Xingapo tại nước sở tại, chịu quản lý chung của Trưởng CQĐD và có trách nhiệm báo cáo Trưởng CQĐD về hoạt động của mình.

Tại Anh, FCO trực tiếp triển khai nhiều hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại thông qua vai trò của UKTI. UKTI là cơ quan chuyên trách về Thương mại và Đầu tư được đặt dưới sự quản lý chúng của hai cơ quan cấp Bộ là FCO và Bộ Kinh doanh, Doanh nghiệp và Cải cách (Department of Business, Enterprise and Regulatory Reform – DBER). Nhân sự của UKTI là cán bộ biệt phái của FCO và DBER. Kinh phí hoạt động được chia làm hai phần, trong đó phần ngân sách trong nước do DBER cấp và ngân sách hoạt động tại nước ngoài do FCO cấp. UKTI được cấp 100 triệu Bảng kinh phí hoạt động nhưng đã đóng góp hơn 2,5 tỷ Bảng cho kinh tế Anh. UKTI hiện có 106 bộ phận xúc tiến thương mại và đầu tư tại các CQĐD Anh ở nước ngoài.

1.3 Về đào tạo nhân lực cho công tác NGKT

Theo nghiên cứu của Ấn Độ, tỷ lệ nhân sự của BNG tốt nhất là 1:1 (cứ 1 nhân sự trong nước thì có 1 nhân sự ngoài nước) hoặc ít hơn như ở Trung Quốc, Brazin, Anh, hoặc tối thiểu là 1:1,5 hoặc 1:1,8 như ở Pháp, Italia và Mỹ. Tỷ lệ này ở Ấn Độ là khoảng 1:4 dẫn tới thiếu hụt nhân sự để theo dõi các vấn đề kinh tế – chính trị trong quan hệ với các nước. Bên cạnh đó, nhiều nước cũng thiếu hụt nguồn cán bộ chất lượng để triển khai công tác NGKT.

Do vậy, các nước đều rất coi trọng việc đào tạo và tuyển dụng cán bộ triển khai công tác NGKT. Tại Ba Lan, Nga và CH Séc, đa số các vị trí phụ trách kinh tế ở ĐSQ được tuyển dụng theo cơ chế cạnh tranh mở từ nhiều nguồn: (i) Các nhà ngoại giao có kiến thức cơ bản về kinh tế; (ii) Sinh viên tốt nghiệp học viện Ngoại giao, nhất là khoa kinh tế; (iii) Cán bộ từ các Bộ, ngành chuyên môn (ví dụ từ ngành dầu khí,…); và, (iv) Các chuyên gia kinh tế hàng đầu. BNG của Xingapo và Anh rất chú trọng bồi dưỡng và đào tạo kiến thức cho cán bộ ngoại giao từ các vấn đề kinh tế vĩ mô và kinh tế quốc tế tới kỹ năng đàm phán và ngoại ngữ. Các nước nhấn mạnh về tính chuyên nghiệp hóa, đặc biệt đội ngũ triển khai công tác NGKT phải có cách tiếp cận theo tư duy kinh tế thị trường trong khi đây là điểm yếu của các công chức Nhà nước. Một số nước hướng đến một số vị trí cụ thể trong CQĐD có thể thuê nhân sự từ khu vực tư nhân hoặc người sở tại. Trong một số trường hợp, BNG Anh áp dụng cơ chế tuyển dụng tạm thời cán bộ chuyên môn của các cơ quan bên ngoài để thực hiện những nhiệm vụ cụ thể nhu xây dựng các nghiên cứu và báo cáo chuyên đề về kinh tế.

Các Đại sứ, Tham tán, cán bộ ngoại giao phải tham gia các khóa đào tạo trong đó có đào tạo về kinh tế trước khi nhận nhiệm vụ. Tại Học viện Ngoại giao Liên bang Nga, NGKT là cấu phần quan trọng trong chương trình đào tạo. Để phục vụ nhu cầu đào tạo NGKT, Học viện mới thành lập Khoa Kinh tế Thế giới (Faculty of the World Economy). Hiện có 35 Đại sứ, Công sứ đang học ở Học viện. BNG Xingapo mới thành lập Viện Ngoại giao (4/2006) với chức năng chính là đào tạo cán bộ ngoại giao. Tại BNG Anh, việc kiểm tra kiến thức kinh tế của cán bộ được tiến hành thường xuyên với sự tham gia của các nhà kinh tế học. FCO cũng hợp tác với các tổ chức đào tạo, điển hình như Trường Kinh tế và Chính trị London tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn cho cán bộ ngoại giao.

Để mỗi cán bộ ngoại giao ở bất kỳ vị trí, bất kỳ cấp bậc nào đều có thể tham gia triển khai công tác NGKT, kinh nghiệm của Ấn Độ là: (i) Đưa nội dung kinh tế cơ bản thành nội dung trọng tâm trong chương trình đào tạo dành cho các cán bộ mới được tuyển dụng; (ii) Đưa nội dung kinh tế thực hành, các lý thuyết  kinh tế về kinh tế quốc dân và kinh tế quốc tế vào chương trình đào tạo dành cho các cán bộ tầm trung (mid-career programs); (iii) Cho phép cán bộ ngoại giao làm việc một thời gian tại các Bộ, ngành kinh tế (Bộ Thương mại, Tài chính, Công nghiệp,…), trong các tổ chức doanh nghiệp (Phòng Công nghiệp và Thương mại, các Tổng Công ty Nhà nước,…), hoặc thậm chí vận động các doanh nghiệp tư nhân nhận các cán bộ ngoại giao vào các vị trí cố vấn kinh tế hoặc phân tích chính sách kinh tế; và, (v) Phổ cập rộng rãi trong BNG các kiến thức về kinh tế đa phương, như WTO, chống bán phá giá, thương mại khu vực,… Việc tập trung đào tạo lượng cán bộ hiện có sẽ mang lại cho BNG một nguồn cán bộ lâu dài có khả năng kết hợp kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực kinh tế với các kỹ năng chính trị đối ngoại của ngành Ngoại giao như xây dụng quan hệ, đàm phán…

2. Sự hình thành và phát triển Ngoại giao Kinh tế ở nước ta

Tại Việt Nam, khái niệm NGKT và các nội hàm của nó vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện. Thời kỳ sau giải phóng đất nước (1975), NGKT được bao hàm trong một phạm trù rất rộng là “kinh tế đối ngoại”, nghĩa là toàn bộ các hoạt động có tính chất kinh tế, thương mại (ngoại thương). Hoạt động ngoại giao, do bối cảnh quốc tế và trong nước khó khăn,  dành ưu tiên hàng đầu cho việc phá thế bao vây, cấm vận; nội dung kinh tế đối ngoại chưa nhiều, chủ yếu là xin viện trợ. Tiếp đó, cùng với chính sách đổi mới đưa ra tại Đại hội đảng VI (1986), kinh tế đối ngoại đã thực sự bước sang một giai đoạn mới với những nhiệm vụ, mục tiêu và cách làm mới.  Tuy vậy nhận thức chung về hoạt động này vẫn chưa thật sự thống nhất mà sự tranh luận về cách đặt tên “Ngoại giao phục vụ kinh tế”, “Ngoại giao làm kinh tế” hay “Ngoại giao Kinh tế” là một ví dụ cụ thể. Phải đợi tới năm 2007, cái tên Ngoại giao Kinh tế mới được sử dụng một cách chính thức và thống nhất.

Quá trình phát triển của công tác Ngoại giao Kinh tế của nước ta có thể được chia thành các giai đoạn:

2.1. Giai đoạn trước Đại hội X (1988 – 2006): Giai đoạn đầu của Đổi mới

Với chủ trương phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, một trong những nội dung của Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị khóa VI (tháng 5/1988) là yêu cầu chuyển mạnh hoạt động ngoại giao từ quan hệ chính trị là chủ yếu sang mở rộng quan hệ kinh tế để phục vụ phát triển đất nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần 4, khoá VIII (tháng 12-1997) nêu nhiệm vụ “tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan ngoại giao trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại”. Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27/11/2001 của Bộ Chính trị khóa IX về hội nhập kinh tế quốc tế khẳng định “kết hợp chặt chẽ hoạt động chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại”, “các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương cần hướng mạnh vào việc phục vụ đắc lực nhiệm vụ mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại”, “các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài cần coi việc phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đối ngoại của đất nước là một nhiệm vụ hàng đầu”.

Thực hiện chủ trương trên, Bộ Ngoại giao đã dần hướng trọng tâm hoạt động vào mục tiêu phát triển kinh tế.  Trong thời gian đầu, nội dung NGKT tập trung chủ yếu vào phục vụ mục tiêu phá thế bao vây, cấm vận, khôi phục và bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và các nước và các tỏ chức tài chính quốc tế.  Kết quả nổi bật của công tác NGKT trong giai đoạn này là đã góp phần giúp nước ta bình thường hoá quan hệ chính trị – kinh tế – thương mại với nhiều nước, trong đó có các nước đối tác quan trọng như Trung Quốc, các nước Đông Nam Á…, nối lại quan hệ tín dụng với các tổ chức tài chính quốc tế là Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Công tác tổ chức hoạt động NGKT, đặc biệt là tại các CQĐD và cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương cũng ngày càng trở nên  nhịp nhàng hơn nhờ sự ra đời của Nghị định số 08/2003/NĐ-CP về hoạt động của các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Trong thời gian từ giữa thập kỷ 90 cho đến năm 2006, công tác NGKT được triển khai với 3 trọng tâm là: (i) tiếp tục mở rộng quan hệ giữa Việt Nam với các nước; (ii) thúc đẩy công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); (iii) từng bước mở rộng hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư và viện trợ nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, xuất khẩu lao động và xúc tiến du lịch…

Trong suốt quá trình “vừa học, vừa làm” này, với quyết tâm đóng góp vào sự nghiệp hội nhập, phát triển đất nước, ngành ngoại giao đã không ngừng  khắc phục các khó khăn xuất phát từ những hạn chế về nguồn lực và cơ chế – bộ máy để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đạt nhiều thành tích quan trọng. Thành công bước đầu của thời kỳ này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì đã tạo cơ sở thuận lợi cho những bước đi tiếp theo, đồng thời khẳng định chủ trương NGKT là đúng đắn, khẳng định ngành ngoại giao đã chọn được cho mình một vị trí và tư thế phù hợp, đó là: ngoại giao không “làm thay”, không “dẫm chân” lên các các Bộ, ngành khác mà trái lại, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Các Bộ/ngành cũng dần dần nhận thấy sự việc  xúc tiến và phát triển thương mại, đầu tư, du lịch, khoa học, công nghệ với nước ngoài là nhiệm vụ chung, không ai co thể ”độc quyền”.

Tuy nhiên, do đây là thời kỳ “chuyển mình”, “tìm đường” nên hoạt động NGKT không tránh khỏi những lúng túng, bỡ ngỡ ban đầu.  Khó khăn lớn nhất trong giai đoạn này, về mặt khách quan, là sự thiếu hụt cơ sở pháp lý và cơ chế thực hiện; về mặt chủ quan, chính là sự chưa thống nhất nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương về công tác NGKT, dẫn tới thái độ thụ động trong hợp tác cũng như trong phân bổ cơ cấu và nguồn lực cần thiết.

Có thể nói, thời gian gần mười năm “chuyển mình” của NGKT đã chứng kiến nhiều đóng góp rất quan trọng của ngành ngoại giao, đồng thời ghi dấu không ít khó khăn, trăn trở và tâm huyết.  NGKT đã tạo lập được những nền tảng hết sức quan trọng nhưng để khai thác hết tiềm năng, nâng cao hiệu quả hoạt động và thực sự đưa công tác này đi vào nền nếp vẫn cần có một “cú hích quyết định”.  Đó chính là Đại hội X của Đảng.

2.2. Giai đoạn 2007 – 2009: thời kỳ đẩy mạnh NGKT

Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ X (2006) xác định nhiệm vụ tổng quát của công tác đối ngoại tới 2020 là “giữ vững và củng cố môi trường hoà bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi hơn nữa cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

Như vậy, nhiệm vụ của NGKT là tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với nước ngoài, phục vụ thiết thực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

Tháng 1/2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO và chuyển sang giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Ngay sau đó (ngày 18/1/2007), Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã ký ban hành Chỉ thị số 01 của Bộ Ngoại giao về các biện pháp đẩy mạnh công tác NGKT trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Có thể nói Nghị quyết Đại hội X và Chỉ thị số 01 là bước ngoặt quan trọng, mở đường cho việc thống nhất nhận thức về các nội hàm của NGKT.  Khái niệm “Ngoại giao Kinh tế” đã được chính thức sử dụng rộng rãi.  Công tác NGKT được xác định là một trọng tâm hoạt động của ngành Ngoại giao, cùng với Ngoại giao chính trị (NGCT), Ngoại giao văn hoá (NGVH) và công tác người Việt trở thành 4 trụ cột của chính sách “Ngoại giao toàn diện”.  Với phương châm “đột phá – mở đường; tham mưu, cung cấp thông tin; song hành, hỗ trợ; đôn đốc triển khai”, NGKT được triển khai ngày càng bài bản, có trọng tâm, trọng điểm và với 4 nội hàm cơ bản sau:

(i) Cung cấp thông tin, tham mưu về các vấn đề kinh tế quốc tế: cung cấp cho Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương những thông tin cập nhật về tình hình khủng hoảng kinh tế, các biện pháp đối phó và dự báo những điều chỉnh trong mô hình phát triển kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế.

Bộ Ngoại giao cũng chú trọng đẩy mạnh hoạt động tư vấn kinh tế thông qua việc mời các chuyên gia kinh tế quốc tế có uy tín (như các giáo sư Michael Porter, Paul Krugman, Joseph Nye…) đến Việt Nam để trao đổi về tình hình kinh tế thế giới và những khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam, qua đó đóng góp vào quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cho giai đoạn 10 năm tới.

(ii) Đột phá, mở quan hệ với các nước đối tác và các tổ chức quốc tế: tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và trực tiếp triển khai các biện pháp “đột phá”, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng; tăng cường quan hệ song phương với các nước và khu vực có tiềm năng nhưng mới với nhiều khó khăn và rủi ro (các nước Trung Đông, Châu Phi); mở ra các lĩnh vực hợp tác mới giữa ta và các nước (xuất khẩu lao động, khoa học-công nghệ)…

(iii) Đồng hành, hỗ trợ các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, khai thác các nguồn vốn bên ngoài và hỗ trợ xử lý các tranh chấp kinh tế – thương mại: Các hoạt động xúc tiến thương mại, phối hợp xử lý các vụ kiện và tranh chấp thương mại, thông tin cảnh báo về các nguy cơ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam được đẩy mạnh.  Công tác đấu tranh bảo vệ lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam xuất khẩu được chú trọng; một số cơ quan đại diện tiếp tục nỗ lực mở các thị trường lao động mới tại Bắc Mỹ và Tây Âu.  Việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thúc đẩy nhiều dự án hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực dầu khí, phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại, du lịch… cũng mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

(iv) Đôn đốc thực hiện các cam kết, thoả thuận kinh tế với các đối tác quốc tế: Với chức năng là cơ quan chủ trì theo dõi tình hình triển khai các cam kết, thoả thuận quốc tế giữa Việt Nam và các nước, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan rà soát và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định mới về tổ chức, hoạt động của các Uỷ ban Liên Chính phủ. Hàng quý, Bộ Ngoại giao có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai các cam kết, thoả thuận kinh tế quốc tế trong khuôn khổ các chuyến thăm Cấp cao và hàng năm có báo cáo chung về tình hình triển khai các cam kết và thoả thuận quốc tế của các Bộ, ngành và địa phương.

2.3. Giai đoạn từ 2009 tới nay: đồng hành cùng phát triển đất nước

Tiếp tục triển khai các mục tiêu và phương châm của các Đại hội Đảng X, XI, đồng thời phát huy thành tích đạt được trong các giai đoạn trước, hoạt động NGKT được triển khai cả trên diện rộng lẫn chiều sâu. Nhận thức rằng tiến trình hội nhập của nước ta bước sang một giai đoạn mới – giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành ngoại giao  kịp thời gắn  các hoạt động NGKT của mình phục vụ  chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Điểm nhấn quan trọng chính là Chỉ thị 41-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường NGKT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Chỉ thị không chỉ là cơ sở quan trọng cho việc tổ chức và thực hiện các hoạt động NGKT trong giai đoạn hiện tại mà còn cho thấy sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với hoạt động NGKT.

Nhận thức chung về tầm quan trọng và vai trò của NGKT đối với sự nghiệp phát triển đất nước được cải thiện rõ rệt và đã góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp, địa phương phối hợp chặt chẽ hơn, tham gia tích cực và chủ động hơn vào NGKT.  Có thể nói, một mặt NGKT đã tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho hoạt động kinh tế đối ngoại của doanh nghiệp, địa phương.  Mặt khác, chính sự phát triển và chủ động tham gia của doanh nghiệp, địa phương đã làm nên sự khởi sắc của NGKT.

Một điểm quan trọng khác là sự phối hợp, hỗ trợ ngày càng nhịp nhàng giữa NGCT, NGKT, NGVH và công tác người Việt. Thực tế cho thấy 4 lĩnh vực hoạt động đối ngoại trên có sự gắn bó chặt chẽ, đan xen và tương tác lẫn nhau, sự phối hợp, tương tác càng chặt chẽ và nhịp nhàng thì càng tạo ra hiệu quả tốt hơn cho triển khai chính sách đối ngoại của nước ta. Sự phân biệt các lĩnh vực hoạt động này chỉ mang tính tương đối vì về bản chất chúng đều nằm trong tổng thể thống nhất của chính sách ngoại giao toàn diện phục vụ phát triển đất nước.  Ý thức được điều này, các đơn vị trong Bộ Ngoại giao cũng như các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động xây dựng kế hoạch NGKT cho từng quý, từng năm, trong đó xác định rõ hoạt động trọng tâm, đồng thời khéo léo lồng ghép các hoạt động NGKT với các hoạt động văn hóa, cộng đồng khác, qua đó tạo ra một diện mạo ngoại giao Việt Nam ngày càng mềm mại, uyển chuyển và hiệu quả hơn.

Một số thành tích nổi bật của NGKT trong giai đoạn này có thể kể tới:

(i) Chuẩn bị tốt nội dung phục vụ các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao, gắn kết nội dung chính trị – kinh tế – văn hóa và tăng cường nội dung kinh tế trong các chuyến thăm cấp cao.

Các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao ta là cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế – thương mại – đầu tư và hợp tác phát triển, đồng thời tạo bước đột phá khai thông các thị trường tiềm năng và củng cố các thị trường sẵn có.  Với vai trò của mình, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chuẩn bị tốt nội dung của các hoạt động đối ngoại cấp cao như Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ thăm Nhật Bản (tháng 4 và tháng 5/2009); Chủ tịch Quốc hội thăm Nga, Cộng hòa Séc, Belarus (tháng 4/2009); Thủ tướng Chính phủ thăm Quảng Đông, Hồng Kong, Ma Cao (tháng 4/2009), thăm Kazakhastan, Đan Mạch, Hungary (tháng 9/2009), thăm Argentina (4/2010); Chủ tịch nước thăm Italia, Tây Ban Nha và Slovakia (tháng 12/2009), thăm Thụy Sỹ, Phần Lan, Belarus (5/2010), thăm Algeria, Ả rập Xê-út, Tunisia (6/2010)… trong đó nội dung kinh tế được khéo léo kết hợp với các nội dung khác nhằm truyền tải thông điệp của Nhà nước ta  về quyết tâm hội nhập quốc tế, đẩy mạnh cải cách, góp phần củng cố lòng tin của giới đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.

(ii) Thúc đẩy, tạo bước đột phá trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

Một mặt, Bộ Ngoại giao tham mưu và chủ trì/phối hợp triển khai việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam với một số đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha…, mặt khác, thúc đẩy việc hình thành và củng cố các cơ chế và khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác, tạo môi trường thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế (đàm phán Hiệp định hợp tác và đối tác PCA với EU, đàm phán và ký với Trung Quốc Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về mở và quản lý các cửa khẩu đất liền Việt Nam – Trung Quốc…).  Những nỗ lực trên đã tạo môi trường ổn định và thuận lợi cho sự hợp tác, phát triển kinh tế nước ta.

Bộ Ngoại giao đã phối hợp với nhiều Bộ, ngành triển khai các hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại mang tính “đột phá” vào một số thị trường trọng điểm. Tiêu biểu là việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức thành công sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam” tại bang California, Hoa Kỳ từ ngày 15-16/11/2009. Đây là hoạt động quảng bá liên ngành quy mô lớn lần đầu tiên được tổ chức tại địa bàn này, tạo tiền đề cho việc triển khai các hoạt động tương tự tại Hoa Kỳ trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ Ngoại giao đã góp phần “mở đường”, “khai thông” nhiều lĩnh vực hợp tác với các đối tác nhiều tiềm năng như hợp tác hàng không và khai thác bauxite với Campuchia, viễn thông và khai khoáng với Mi-an-ma, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, lao động với các nước Trung Đông; triển khai xây dựng Định hướng chiến lược hợp tác với Châu Phi giai đoạn 2011-2020…

(iii) Công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo, cung cấp thông tin kinh tế được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Bên cạnh các báo cáo định kỳ, Bộ Ngoại giao còn kịp thời có các báo cáo đột xuất nhằm cập nhật nhữngdiễn biến và đưa ra kiến nghị liên quan tình hình, triển vọng kinh tế thế giới, các vấn đề đáng chú ý (khủng hoảng tài chính, G-20, phát triển kinh tế xanh, tái cơ cấu kinh tế…), góp phần tham mưu cho Lãnh đạo Đảng và Chính phủ trong điều hành kinh tế – xã hội. Các CQĐD đã phát huy  vai trò “tai mắt”, kịp thời cung cấp những thông tin quan trọng liên quan đến biến động kinh tế thế giới được các Bộ, ngành đánh giá cao.

Mạng lưới quan hệ với các học giả, tổ chức nghiên cứu quốc tế ngày càng được rộng mở nhằm tranh thủ các ý kiến tư vấn.  Một số hoạt động (tọa đàm với giáo sư Paul Krugman (giải Nobel Kinh tế 2008); hội thảo với các giáo sư Jomo Sundaram và James Riedel về lý thuyết, mô hình phát triển kinh tế hậu khủng hoảng; tọa đàm với các giáo sư Athar Hussain, Simon Maxwell, Ha Joon Chang về các vấn đề liên quan kinh tế phát triển…) đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Lãnh đạo Chính phủ, giới nghiên cứu và trên thực tế đã góp phần tích cực giúp việc hoạch định, điều hành chính sách phát triển kinh tế – xã hội.

Các hoạt động kinh tế quốc tế trong nước cũng được đẩy mạnh thông qua việc phối hợp với các cơ quan hữu quan và đối tác quốc tế tổ chức Hội nghị quốc tế về Kinh tế Đối ngoại lần thứ 2 (tháng 3/2009); Hội nghị Doanh nghiệp Châu Á lần thứ 19 (tháng 4/2009)… thu hút đông đảo đại biểu là các quan chức chính phủ, chuyên gia kinh tế, giới học giả, nhà đầu tư và đại diện các tập đoàn, công ty lớn, báo chí trong và ngoài nước.

(iv) Tham gia hiệu quả vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Không chỉ hoàn thành tốt việc chuẩn bị nội dung phục vụ hoạt động của Lãnh đạo Cấp cao tại các hội nghị, diễn đàn quan trọng như: HNCC ASEAN 14, HNBT Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 17, HNBT Ngoại giao ASEAN lần thứ 42, Diễn đàn Bác Ngao (Trung Quốc, 4/2009), Hội nghị Tương lai Châu Á (Nhật Bản, 5/2009), WEF Davos 2009 (Thụy Sỹ, 1/2009); WEF Đông Á (Hàn Quốc, 6/2009), và đặc biệt  là sự tham gia của Thủ tướng ta với tư cách Chủ tịch ASEAN tại Cấp cao G20 Toronto, Canada (6/2010), Cấp cao G20 tại Seoul, Hàn Quốc (11/2010). Bộ Ngoại giao còn thúc đẩy sự tham gia có hiệu quả của Việt Nam vào các khuôn khổ hợp tác khu vực và toàn cầu. Việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia Hội đồng Bảo an, xây dựng Đề án về chủ trương, đối sách của ta đối với sáng kiến Một trục Hai cánh của Trung Quốc, thúc đẩy hợp tác giữa Nhật Bản, Mỹ, Nga với các nước Mê Công, đề xuất các sáng kiến, ý tưởng định hướng hợp tác kinh tế ASEAN trong năm 2010… .

Các hoạt động nói trên đã góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam, là một kênh quan trọng truyền tải thông điệp tích cực về kinh tế nước ta, góp phần quan trọng củng cố lòng tin giới đầu tư quốc tế.  Sự tham gia tích cực, hiệu quả và với tinh thần trách nhiệm cao của ta vào các tổ chức, diễn đàn quốc tế cũng góp phần nâng cao vai trò, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

(v) Hoàn thành tốt nhiệm vụ đôn đốc, triển khai các cam kết và thỏa thuận hợp tác kinh tế quốc tế.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm rà soát, theo dõi việc thực hiện các cam kết và thỏa thuận đã ký trong khuôn khổ các chuyến thăm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ.  Từ quý II/2009, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát và định kỳ báo cáo tình hình thực hiện các cam kết, thỏa thuận này.

(vi) Công tác hỗ trợ Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh tế đối ngoại được mở rộng về số lượng, nâng cao về chất lượng.

Các doanh nghiệp, địa phương đã có nhận thức đầy đủ và đúng đắn  về NGKT và vai trò của Bộ Ngoại giao là nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh tế đối ngoại chứ không làm thay, càng không “dẫm chân” lên chức năng của các Bộ, ngành khác.  Do đó, các yêu cầu hỗ trợ gửi tới Bộ Ngoại giao không chỉ gia tăng nhanh chóng về số lượng mà còn được cải thiện đáng kể về chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả hỗ trợ của ngành ngoại giao đối với doanh nghiệp và địa phương.

Hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp tổ chức xúc tiến kinh tế đối ngoại ra nước ngoài (quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, khơi thông và mở rộng thị trường) cũng là một thế mạnh của ngành ngoại giao và đang diễn ra hết sức sôi động.  Điểm đáng chú ý là với sự tư vấn và hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã tổ chức được những hoạt động có quy mô lớn, hình thức đa dạng và bước đầu mạnh dạn mở rộng hoạt động tới các thị trường mới, thị trường tiềm năng.

(vii) Khuôn khổ và cơ chế triển khai công tác NGKT được củng cố một bước.

Tiếp theo Luật Cơ quan đại diện (thông qua tháng 6/2009), ngày 15/4/2010 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 41-CT/TW về tăng cường công tác NGKT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.  Đây là những văn bản pháp lý có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của CQĐD, đẩy mạnh NGKT trong giai đoạn tới, từng bước đưa công tác này trở thành nhiệm vụ chung của tất cả các cấp, các ngành và toàn bộ hệ thống chính trị.

Tăng cường hiệu quả phối hợp triển khai NGKT được xác định là một mục tiêu và cũng là khâu quan trọng nhằm củng cố cơ chế triển khai NGKT của ngành ngoại giao.  Trên thực tế hoạt động này đã được thúc đẩy theo 2 hướng: (i) Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các Vụ khu vực trong việc đóng góp ý kiến và theo dõi, đôn đốc việc triển khai kế hoạch công tác NGKT của các CQĐD; (ii) Xây dựng quy trình triển khai công tác NGKT, bao gồm các nội dung như các vấn đề kinh tế song phương, chuẩn bị các chuyến thăm cấp cao, theo dõi, đôn đốc các cam kết và thoả thuận kinh tế quốc tế…

Là một công cụ triển khai NGKT, hoạt động của Quỹ NGKT đã được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy các hoạt động NGKT của CQĐD.  Nhiều hoạt động  phong phú, đa dạng đã được Quỹ hỗ trợ như Hội thảo “Mô hình tổng hợp hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Mô-dăm-bích”, sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam” tại San Francisco, biên soạn ấn phẩm “Sổ tay địa bàn tiềm năng Châu Phi”, ”Kinh doanh ở Việt Nam và Philipin”, ” Kinh doanh tại Việt Nam và Myanmar”…. và các tài liệu quảng bá ở một số địa bàn,  vận động các đối tác ủng hộ, có cơ chế, chính sách thuận lợi đối với Việt Nam…

Để tiếp tục củng cố cơ chế, bộ máy, nâng cao hiệu quả của hoạt động NGKT, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế, Bộ Ngoại giao đang xây dựng đề án triển khai Chỉ thị Ban Bí thư cho giai đoạn 2010 – 2015, đồng thời phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xây dựng quyết định mới thay thế Quyết định 258/TTg về hoạt động của Phân ban Việt Nam tại các cơ chế hợp tác liên chính phủ.

(viii) Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa bà con Việt kiều với trong nước.

Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận của dân tộc Việt Nam, làm tốt công tác về người Việt Nam ở nước ngoài chính là góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, qua đó vận động kiều bào đóng góp xây dựng đất nước.  Nhằm làm tốt công tác này, cơ quan chuyên trách của Bộ Ngoại giao là Ủy ban về Người Việt Nam ở Nước ngoài đã chủ trì xây dựng Đề án “Chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng đất nước”.  Ủy ban cũng đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hoạt động quan trọng, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của kiều bào như: thành lập “Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài”, tổ chức “Hội nghị người Việt Nam toàn thế giới” lần I.

Trong bối cảnh hợp tác, giao lưu quốc tế, bao gồm cả hợp tác lao động ngày càng rộng mở, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và các CQĐD đẩy mạnh công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là đối với lực lượng lao động Việt Nam ở nước ngoài.  Các CQĐD của ta đã hợp tác, đấu tranh với cơ quan hữu quan sở tại để đảm bảo quyền lợi cho người lao động (Ba Lan, Canada, Phần Lan, Đài Loan, UAE…) và giải quyết thỏa đáng các vụ việc nẩy sinh  tại sở tại, bảo vệ ngư dân, tàu thuyền Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, giảm thiểu thấp nhất tổn thất kinh tế do bị bắt giữ.

3. Tổ chức bộ máy triển khai công tác NGKT tại Việt Nam

a. Ở cấp Chính phủ: Ngày 10/2/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 31/1998/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế. Theo quy định hiện hành, một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban. Phó Chủ tịch Ủy ban là Bộ trưởng Bộ Công Thương. Các thành viên Ủy ban bao gồm Thứ trưởng các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Văn hóa – Thông tin, Công nghiệp, Công an, Quốc phòng, Khoa học – Công nghệ và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải và Lãnh đạo các cơ quan Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Bưu điện, Tổng Cục Du lịch.

Những nhiệm vụ chủ yếu của Ủy ban quốc gia về HTKTQT gồm: (i)Tư vấn cho TTCP về chủ trương, chính sách, chiến lược hội nhập KTQT; (ii) Tham mưu cho TTCP về đàm phán kinh tế – thương mại quốc tế; (iii) Giúp TTCP tổ chức phối hợp hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong quá trình hội nhập KTQT; (iv) Theo dõi, đánh giá tình hình kinh tế quốc tế và khu vực, đề xuất chủ trương, chính sách nhằm tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với các nước và TCQT, thực hiện cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của VN; (v) Phối hợp với các Bộ, ngành phổ biến, tuyên truyền về hội nhập KTQT.

b. Bộ Ngoại giao: Theo Luật CQĐD, Nghị định 21/2003/NĐ-CP về chức năng, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao và Nghị định 08/2003/NĐ-CP về hoạt động của CQĐD nước CHXHCN Việt Nam tại nước ngoài phục vụ hoạt động phát triển kinh tế, Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh tế của CQĐD.

Bộ trưởng Ngoại giao đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo NGKT do một đồng chí Thứ trưởng phụ trách, chịu trách nhiệm đối với hoạt động NGKT của Bộ Ngoại giao và các CQĐD. Thành viên thường trực là Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế. Các đơn vị khác cử 01 cấp Vụ làm thành viên. Ban Chỉ đạo NGKT có nhiệm vụ tham mưu cho Bộ trưởng Ngoại giao về xây dựng chính sách, biện pháp nhằm tăng cường và thúc đẩy công tác NGKT của toàn ngành ngoại giao; chỉ đạo, phân công nghiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong Bộ và các CQĐD trong hoạt động NGKT và những nhiệm vụ khác (như tổng kết, xếp loại và đề xuất khen thưởng cá nhân và tập thể trong công tác NGKT..).

Về phía các đơn vị trong Bộ, Vụ THKT được Lãnh đạo Bộ phân công là đơn vị đầu mối phụ trách công tác NGKT. Các Vụ chức năng và Vụ khu vực có trách nhiệm phối hợp với Vụ THKT trong việc tư vấn về giao nhiệm vụ NGKT  và theo dõi công tác NGKT của các CQĐD.

c. Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài

– Triển khai Luật CQĐD, các cơ quan đại diện lớn đều đã thành lập tổ kinh tế do đồng chí Đại sứ hoặc Tham tán kinh tế phụ trách. Tại phần lớn các Cơ quan đại diện, số cán bộ làm công tác kinh tế chiếm từ 30-50% tổng số biên chế cán bộ ngoại giao. Tại hơn 50% tổng số Cơ quan đại diện, thời gian thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế chiếm khoảng một nửa thời gian công tác của cơ quan.

– Theo kết quả khảo sát của Vụ THKT, các hoạt động chủ yếu về phục vụ kinh tế mà các cơ quan đại diện đang tiến hành bao gồm (xếp theo thứ tự ưu tiên):

+ Tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Việt Nam tại nước sở tại

+ Cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội của nước sở tại.

+ Kiến nghị chính sách và biện pháp tăng cường quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và nước sở tại.

+ Phối hợp với các cơ quan Việt Nam xúc tiến ODA, đầu tư, thương mại, du lịch và xuất khẩu lao động.

+ Hỗ trợ các tổ chức và cá nhân thiết lập và tăng cường quan hệ với các đối tác nước ngoài.

+ Các hoạt động khác (hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp người VN tại nước ngoài; hỗ trợ pháp lý cho cá nhân và tổ chức VN; tổ chức các hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại…).

– Thông qua việc đăng ký Kế hoạch NGKT của các CQĐD, các đơn vị trong Bộ và hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo, các đơn vị trong nước đã chủ động thông tin, hướng dẫn các CQĐD phối hợp triển khai công tác NGKT có hiệu quả với nhiều hình thức hoạt động như vận động các đối tác sở tại, phối hợp tổ chức các chuyến thăm Cấp cao, đặc biệt là thu xếp các hoạt động kinh tế và chuẩn bị hỗ trợ các thoả thuận ký kết, góp phần tạo nên thành công lớn của các chuyến thăm này.

– Một trong những nhân tố quyết định hiệu quả công tác NGKT là nhận thức đúng, đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ cũng như tăng cường vai trò, trách nhiệm và phát huy lợi thế của các CQĐD. Các CQĐD được chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác NGKT trên cơ sở định hướng chung về NGKT của toàn ngành, nhờ đó thúc đẩy sự sáng tạo, linh hoạt và phát huy được thế mạnh của từng CQĐD. Hiệu quả NGKT phụ thuộc rất nhiều vào vai trò, trách nhiệm cũng như nỗ lực và tâm huyết của các đồng chí Thủ trưởng CQĐD với tư cách là “thuyền trưởng”, “linh hồn” của CQĐD. Ở những địa bàn nào, đồng chí Trưởng CQĐD say mê, tâm huyết với công tác NGKT, năng động tìm tòi cách làm mới, tranh thủ tốt quan hệ chính trị tốt đẹp, thì ở đó công tác NGKT được triển khai mạnh, mang lại kết quả thiết thực.

– Ngoài ra, hầu hết các CQĐD đều có sáng kiến chủ động thực hiện hình thức hoạt động NGKT phù hợp như tổ chức các hoạt động quảng bá quy mô vừa hoặc nhỏ, nhiều hình thức giới thiệu các chủ trương, chính sách và tình hình phát triển kinh tế xã hội của ta với các cộng đồng doanh nghiệp sở tại, các Ngày Việt Nam, Tuần Việt Nam, v.v. để quảng bá hình ảnh đất nước. Nhiều CQĐD cũng chủ động tăng cường quan hệ với các đối tác sở tại để vận động bạn có thái độ thuận lợi, ủng hộ tăng cường hợp tác với ta, có hiệu quả thiết thực thể hiện trong các hoạt động NGKT đã thực hiện. Các cơ quan Nhà đã tích cực hỗ trợ việc triển khai sáng kiến của CQĐD, tổ chức được các đoàn trong nước của các Bộ ngành liên quan và chuẩn bị nội dung thiết thực phục vụ các hoạt động do CQĐD chủ động đề xuất, đạt kết quả thiết thực và được các Bộ ngành, các đối tác sở tại đánh giá cao.

Một số CQĐD đã triển khai công tác NGKT khá hiệu quả với nhiều kết quả cụ thể, thiết thực, song công tác NGKT của một số CQĐD khác hiệu quả chưa cao. Công tác NGKT của nhiều CQĐD chưa bao quát hết nội hàm, lĩnh vực NGKT, mới chỉ tập trung vào một số lĩnh vực, hoạt động có thể làm được, chưa có chiến lược tổng thể tạo lâu dài cho công tác NGKT tại địa bàn, do đó chưa khai thác được hết tiềm năng của nước sở tại. Một số CQĐD triển khai nhiều hoạt động NGKT, nhưng chưa thực sự có trọng tâm, trọng điểm, chọn đúng việc phù hợp với đặc thù của địa bàn và nguồn lực có hạn của CQĐD.

d. Cơ chế phối hợp

(i) Giữa Bộ Ngoại giao và các Cơ quan Đại diện

– Theo Nghị định 08/NĐ-CP về hoạt động của Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động phục vụ kinh tế của Cơ quan đại diện.

– Bộ Ngoại giao là đầu mối chính tiếp nhận và xử lý các yêu cầu của cơ quan đại diện về các vấn đề kinh tế; giao nhiệm vụ phục vụ kinh tế hàng năm cho các cơ quan đại diện; định kỳ báo cáo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hoạt động phục vụ kinh tế của các cơ quan đại diện.

(ii) Giữa Bộ Ngoại giao và các Bộ/ngành

Theo Nghị định 08, các Bộ/ngành có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin mà các cơ quan đại diện yêu cầu và hướng dẫn về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của mình. Các Bộ/ngành cũng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao đánh giá hoạt động phục vụ kinh tế của cơ quan đại diện, kiến nghị các biện pháp tăng cường hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế từ chức năng quản lý nhà nước của mình.

Chỉ thị 41 của Ban Bí thư đã quy định cơ chế phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và các Bộ/ngành trong công tác Ngoại giao Kinh tế ( xin xem Chỉ thị 41 trong phần Phụ lục).

e. Quỹ Hỗ trợ các hoạt động Ngoại giao phục vụ phát triển Kinh tế.

Năm 2003, Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế nhằm hỗ trợ các hoạt động  kinh tế của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ( xin xem Quyết định số:  195/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và  Thông tư của Bộ Tài chính trong phần Phụ lục B). Trải qua gần 10 năm kể từ khi  thành lập Quỹ đến nay, Quỹ đã giúp rất nhiều cơ quan đại diện Việt Nam ở  nước ngoài tiến hành hàng loạt các hoạt động Ngoại giao Kinh tế theo phương  châm nghiên cứu, thông tin, đột phá, mở đường, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức liên quan. Quỹ không chỉ giúp cơ quan đại diện về mặt tài chính cho các hoạt động kinh tế theo các đề án kinh tế của cơ quan  mà còn hướng dẫn, trực tiếp hỗ trợ nhiều cơ quan đại diện tiến hành hàng loạt  hoạt động quản bá xúc tiến kinh tế đối ngoại . Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 41, Quỹ đã mở rộng  hỗ trợ đối với các  hoạt động kinh tế đối ngoại của một số đơn vị khác ngoài cơ quan đại  diện. Phải nói rằng đến nay, mặc dù quy mô chỉ khoảng hơn 1 triệu đô la Mỹ/năm, Quỹ không chỉ là công cụ  tài chính mà  còn  là công cụ có tính kỹ thuật để các đơn vị liên quan  tiến hành các hoạt động xúc tiến kinh tế  kinh tế đối ngoại, góp phần vào công cuộc đổi mới và hội nhập sâu rộng có hiệu quả của kinh tế Việt Nam vào kinh tế khu vụ và thế giới.

f. Trang web Ngoại giao Kinh tế trực tuyến

Nhằm thực hiện Chỉ thị 41 của Ban Bí thư, Bộ Ngoại giao đã có sáng kiến thiết lập trang web Ngoại giao Kinh tế trực tuyến nhằm: (i) Hỗ trợ về thông tin, đầu vào cho nghiên cứu, (ii) Hỗ trợ trong việc tuyên truyền, quảng bá kinh tế Việt Nam đối với doanh nghiệp và bạn bè quốc tế và (iii) Hỗ trợ về kinh nghiệm, cách tiến hành công tác Ngoại giao Kinh tế.

Điểm khác biệt giữa trang web này với những trang web kinh tế khác là tập trung phục vụ Ngoại giao Kinh tế cả về thông tin lẫn nghiệp vụ và có mục diễn đàn online để các thành viên nêu vấn đề, thảo luận và giải đáp. Trong giai đoạn đầu trang web mới chỉ có thể phục vụ chủ yếu cho cán bộ làm công tac kinh tế của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các Sở/phòng ngoại vụ các tỉnh và thành phố. Sau này, trang web sẽ mở rộng đối tượng phục vụ sang  cán bộ các Bộ/Ban/Ngành, doanh nghiệp và người dân. Trang web không chỉ là công cụ đắc lực để các cán bộ Ngoại giao Kinh tế tìm kiến thông tin nhanh chóng và hữu ích mà còn là nơi chia sẻ kinh nghiệm, cả thành công lẫn chưa thành công, chia sẻ những khó khăn, vất vả nhọc nhằn với nhau trong công việc khá mới mẻ này.

Chúng tôi mong rằng  cán bộ Ngoại giao Kinh tế sẽ tích cực khai thác và đóng góp ngày càng nhiều cho trang web. Địa chỉ trang web: http://www.ngktonline.mofa.gov.vn.

4. Khó khăn và hạn chế

Công tác NGKT trong những năm vừa qua đã được triển khai mạnh mẽ trên khắp các châu lục và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần phải giải quyết để công tác NGKT có thể đáp ứng các yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.

Vấn đề đầu tiên là làm thế nào để gắn kết chính trị và kinh tế một cách hiệu quả thiết thực hơn nữa. Gắn kết chính trị và kinh tế là nền tảng của công tác NGKT. Tùy từng thời điểm mà áp dụng hai yếu tố “chính trị” và “kinh tế” phù hợp với đặc thù và nhu cầu phát triển của đất nước. Điều này đòi hỏi phải có sự gắn kết của tất cả các cơ quan từ trung ương tới địa phương, đặc biệt là các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại.

Mỗi nước thường  có một chiến lược tổng thể để làm cơ sở “đàm phán” với các nước, điều mà nhiều quốc gia đã và đang rất thành công trong việc tận dụng các chuyến thăm cấp cao. Ví dụ: Tổng thống Pháp Sarkozy rất coi trọng ngoại giao hạt nhân, coi các chuyến công du nước ngoài là dịp để tiếp thị cho điện hạt nhân. Pháp đã dành được nhiều hợp đồng trị giá hàng chục tỷ Euro bán nhà máy điện hạt nhân cho các nước mà Tổng thống đã đi thăm như Trung Quốc, các nước Trung Đông, Châu Phi…Trong khi đó Trung Quốc lại đẩy mạnh chính sách “Ngoại giao dầu lửa”, và mở rộng thành Ngoại giao tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên – bảo đảm đầu vào cho nền kinh tế trong nước phát triển không chỉ trong hiện tại mà còn trong tương lai. Những năm gần đây, Lãnh đạo Cấp cao  thường có các chuyến thăm tới các nước Châu Phi để tìm kiếm nguồn cung cấp dầu lửa cho nước nhà. Đổi lại Trung Quốc sẵn sàng viện trợ các nước Châu Phi tài chính, hỗ trợ lương thực, v..v. Tổng thống Mỹ B. Clinton năm 1992 tuyên bố, chính sách đối ngoại của Mỹ phải tập trung xung quanh những lợi ích kinh tế, thương mại, thực thi chính sách toàn cầu hóa và đẩy mạnh xuất khẩu. Bộ Ngoại giao Mỹ đồng thời coi NGKT là một phần quan trọng hỗ trợ cho Ngoại giao chính trị, với các mục đích thúc đẩy các giá trị mà Mỹ mong muốn truyền bá ở nước ngoài.

Trong bối cảnh vị thế và hình ảnh của Việt Nam đã khác  so trước thời kỳ đầu thực hiện chính sách “Đổi mới”, chúng ta  cần xây dựng “một chiến lược Ngoại giao cấp cao” để “gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế và chính trị” làm cơ sở “đàm phán” với các nước. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ đặt ra với công tác Ngoại giao Kinh tế bởi nó đòi hỏi tất cả các Bộ/ngành, doanh nghiệp, địa phương phải thống nhất về mặt nhận thức cũng như nhất quán về mặt triển khai thực hiện để có thể phối hợp thật chặt chẽ và nhịp nhàng.

Vấn đề thứ hai là việc hoàn thiện cơ chế triển khai phối hợp công tác Ngoại giao Kinh tế. Ở hầu hết các nước kể cả phát triển và đang phát triển cho thấy, có nhiều cơ quan tham gia vào công tác kinh tế đối ngoại, do vậy, việc phối hợp, quản lý thống nhất kinh tế đối ngoại là vấn đề tương đối phức tạp. Các Bộ/ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại trong lĩnh vực của mình mà chưa tính đầy đủ đến việc phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp liên quan. Do đó, hiệu quả của các hoạt động này vẫn phần nào bị hạn chế. Đây cũng là vấn đề của nhiều nước khác. Chỉ riêng lĩnh vực thương mại ở Mỹ có sự tham gia của hàng chục Bộ (Ngoại giao, Thương mại, Quốc phòng, Nông nghiệp, Lao động, Đại diện Thương mại Mỹ…). Xu hướng ở nhiều nước phát triển như Anh, Canađa, Australia, Thụy Điển và Hàn Quốc đã sát nhập Bộ Ngoại giao và Thương mại thành Bộ Ngoại giao và Thương mại Quốc tế (hoặc thành Bộ Hợp tác và Phát triển). Điều này cho phép kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa kinh tế đối ngoại và chính trị đối ngoại, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự chỉ đạo thống nhất các chủ trương chính sách về NGKT. Nhìn chung, Bộ Ngoại giao các nước, nhất là ở các nước phát triển, được trao quyền hạn và thẩm quyền rõ ràng trong một số lĩnh vực kinh tế đối ngoại nhất định. Bộ Ngoại giao Mỹ chủ trì ba lĩnh vực chính: trừng phạt kinh tế, đàm phán hiệp định hàng không và hiệp định đầu tư song phương và đa phương, đồng thời chủ trì việc hoạch định và triển khai chính sách viện trợ nước ngoài thông qua USAID. Bộ Ngoại giao Nhật Bản có tiếng nói quyết định về ODA, chủ trì các cuộc đàm phán kinh tế – thương mại, kể cả đàm phán các khu vực Thương mại Tự do song phương và đa phương (FTAs), và được tham khảo ý kiến tất cả các  lĩnh vực kinh tế đối ngoại khác. Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Philippines là đầu mối của Chính phủ về quan hệ kinh tế thương mại với các nước, cơ quan thường trực của các Ủy ban Hợp tác Hỗn hợp…

Tại Việt Nam, để hoạt động NGKT thực sự là nhiệm vụ chung của toàn xã hội thì cần  xây dựng cơ chế triển khai phối hợp công tác giữa Trung ương và địa phương, giữa  các cơ quan thuộc Chính phủ với doanh nghiệp, giữa trong nước và ngoài nước và giữa các Bộ/ngành với nhau. Đặc biệt cơ chế phối hợp triển khai giữa các cơ quan hành chính công và khối tư nhân cần phải được chú trọng bởi khối tư nhân là những người đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Cơ chế cần quy định rõ cách thức phối hợp công tác, trao đổi thông tin, trách nhiệm, nhiệm vụ của từng cơ quan trong triển khai các hoạt động NGKT.

Một vấn đề khác là việc cần phải tăng cường nguồn lực cho công tác NGKT. Để triển khai tốt công tác NGKT thì vấn đề nguồn nhân lực đóng vai trò cốt lõi, quyết định đến thành công của nhiệm vụ này. Trong những năm qua, Bộ Ngoại giao đã mở rất nhiều lớp đào tạo kiến thức cho các cán bộ làm công tác Ngoại giao Kinh tế. Các cán bộ Ngoại giao trước khi đi nhận làm nhiệm vụ công tác tại nước ngoài đều phải trải qua một khóa đào tạo cơ bản và chuyên sâu về các kỹ năng Ngoại giao Kinh tế. Hiện nay, nhiều Cơ quan Đại diện Ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đã thành lập Tổ/Phòng Kinh tế chuyên trách về công tác NGKT. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng thường xuyên tổ chức các đoàn công tác liên ngành sang trao đổi với các nước về kinh nghiệm triển khai kinh tế, và đón nhiều đoàn sang Việt Nam tìm hiểu chính sách, chủ trương NGKT của Việt Nam. Cho đến trước ngày 15/4/2010, Bộ Ngoại giao là cơ quan đào tạo cán bộ làm công tác NGKT. Tuy nhiên, khi NGKT đã trở thành nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thì nhu cầu đào tạo cán bộ là rất lớn và không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Ngoại giao.

5. Nhiệm vụ chủ yếu và định hướng lớn của Ngoại giao Kinh tế

a. Nhiệm vụ chủ yếu công tác NGKT

Nhằm huy động cao độ các nguồn nội lực và ngoại lực, tiếp tục tranh thủ tối đa các điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước, đưa công tác NGKT trở thành  nhiệm vụ chung của toàn bộ hệ thống chính trị. Ngày 15/4/2010, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW về tăng cường công tác Ngoại giao Kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chỉ thị nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác Ngoại giao Kinh tế hiện nay và trong thời gian tới, khẳng định công tác Ngoại giao Kinh tế là trách nhiệm và công việc chung của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương chứ không phải là chỉ riêng của Bộ Ngoại giao.

– Quan điểm chỉ đạo: (i) NGKT là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên trong hoạt động đối ngoại bao gồm cả hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển và đảm bảo an ninh của đất nước. (ii) NGKT phải bám sát chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ, gắn kết chính trị – ngoại giao với kinh tế, phát huy tối đa quan hệ chính trị thuận lợi và lợi thế ngoại giao phục vụ phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

– Nội dung, nhiệm vụ Ngoại giao Kinh tế: (i) Tiếp tục mở rộng và đưa quan hệ của nước ta với các nước, các tổ chức và các tập đoàn kinh tế, tài chính quốc tế đi vào chiều sâu; xây dựng chiến lược về quan hệ kinh tế với các nước, chú ý gắn kết quan hệ kinh tế với quan hệ chính trị; chủ động tham gia các diễn đàn đa phương để tranh thủ tối đa các nguồn lực phát triển đất nước. (ii) Các cấp, các ngành và các địa phương chủ động đưa các nội dung kinh tế như vận động viện trợ, tranh thủ các nguồn vốn, công nghệ, tri thức phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, xuất khẩu lao động, thu hút du lịch, đầu tư ra nước ngoài vào hoạt động đối ngoại; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ, các nguồn lực cần thiết phục vụ cho hoạt động NGKT. (iii) Các cơ quan làm công tác đối ngoại và kinh tế đối ngoại tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp mở rộng các hoạt động kinh tế đối ngoại.

Chỉ thị hiện là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để Bộ Ngoại giao cùng các cấp, các ngành, các địa phương triển khai mạnh mẽ hơn nữa công tác Ngoại giao Kinh tế trong thời kỳ hội nhập sâu rộng hiện nay.

b. Phương hướng triển khai công tác NGKT của Ngành Ngoại giao

Tiếp tục tuân theo các chủ trương, mục tiêu mà Đại hội Đảng XI đã đề ra, nhằm phục vụ tốt nhất cho tiến trình phát triển đất nước, trong thời gian tới, công tác NGKT sẽ tiếp tục được triển khai trên cả diện rộng và chiều sâu, theo một số phương hướng sau:

–  Bám sát và phục vụ hiệu quả việc triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, 2011 – 2015, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020 và tiến trình hội nhập quốc tế. Đưa NGKT thực sự trở thành một công cụ hiệu quả, phục vụ mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, xác lập vị thế ở tầm cao mới cho Việt Nam trong nền kinh tế thế giới

– Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo, cung cấp thông tin kinh tế và xu hướng liên kết kinh tế. Trong bối cảnh KTTG có nhiều khó khăn, bất ổn khó lường, và VN ta  ngày càng HNQT sâu rộng hơn, Chính phủ rất cần thông tin kịp thời, khách quan và chính xác về những biến động bên ngoài, kinh nghiệm xử lý của các nước để  điều hành vĩ mô.

– Tranh thủ các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước. Cần tận dụng tốt, hiệu quả hơn quan hệ đối tác, nhất là đối tác chiến lược và các cơ chế, diễn đàn kinh tế đa phương mà ta là thành viên; tăng nội hàm KT trong các quan hệ đối tác chiến lược để thu hút tối đa các nguồn lực cho công cuộc CNH-HĐH của đất nước đồng thời tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước;  giúp gắn nền kinh tế VN với kinh tế khu vực và thế giới, đưa VN tham gia sâu hơn chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu.

– Tăng cường sự gắn kết giữa Ngoại giao Kinh tế với ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài, qua đó nâng cao hiệu quả công tác NGKT, tạo thế và lực thuận lợi cho phát triển đất nước.

– Tham gia thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động kinh tế đối ngoại; phối hợp đẩy mạnh thực hiện các hiệp định, thỏa thuận kinh tế với các nước; nâng cao hiệu quả phối hợp, hỗ trợ địa phương, DN theo hướng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thế mạnh của ngành NG, trong đó BNG và CQĐD đóng vai trò tư vấn, điều phối, tạo môi trường còn các địa phương, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch, xác định biện pháp thực hiện và nhu cầu cần hỗ trợ.

– Phát huy vai trò, vị thế của nước ta thông qua tích cực đóng góp cho hợp tác trong các khuôn khổ đa phương, khu vực, tiểu khu vực và tiểu vùng, đặc biệt coi trọng việcxây dựng Cộng đồng ASEAN, hoàn tất các cam kết gia nhập WTO và các FTA đã ký. 5, 10 năm tới là giai đoạn ta phải vừa hoàn tất các cam kết quốc tế trong các khuôn khổ này vừa đàm phán những FTA mới với các đối tác hàng đầu thế giới với mức độ cam kết phức tạp nhất, sâu rộng nhất mà ta từng tham gia.

– Nâng cao vị thế và huy động sự đóng góp của Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển đất nước.

Để thực hiện tốt các phương hướng nêu trên, những thay đổi cụ thể sẽ được triển khai trên 4 khía cạnh:

(i) Về nhận thức, NGKT được xác định rõ là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị; hoạt động NGKT cần bám sát và phục vụ đắc lực tiến trình hội nhập, phát triển đất nước. Ngành Ngoại giao và hệ thống cơ quan đại diện, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng của mình, sẽ tăng cường vai trò là cơ quan đầu mối, điều phối để song hành, hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho các Bộ/ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ kinh tế đối ngoại.

(ii) Cách thức triển khai công tác NGKT sẽ được thực hiện theo hướng ngày càng bài bản hơn, đa dạng hơn và thiết thực hơn; các yếu tố “kinh tế, thương mại” và “chính trị” sẽ được gắn kết chặt chẽ và vận dụng linh hoạt, phù hợp với “thế” và “lực” mới của nước ta. Các hoạt động NGKT trong thời gian tới sẽ được triển khai vừa “diện” vừa “điểm” – vừa đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ thường xuyên, vừa xác định rõ và tập trung nguồn lực thực hiện tốt một số hoạt động trọng điểm.

(iii) Khuôn khổ và cơ chế triển khai công tác NGKT được tăng cường và củng cố. Triển khai Chỉ thị 41 của Ban Bí thư, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng đề án tổng thể về triển khai công tác NGKT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm định hướng cho việc đẩy mạnh triển khai NGKT tại các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp trên cả nước. Bên cạnh đó, một trong những công cụ rất quan trọng triển khai hoạt động NGKT là Quỹ hỗ trợ các hoạt động NGKT đã được sửa đổi quy chế nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho việc thực hiện các nhiệm vụ NGKT.

(iv) Công tác đào tạo nguồn lực cho NGKT cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tăng cường tổ chức các khóa đào tạo/ các buổi nói chuyện về NGKT, kinh tế Việt Nam, kinh tế thế giới với sự tham gia của các chuyên gia/học giả hàng đầu Việt Nam và thế giới cho cán bộ ngoại giao, cán bộ các Bộ, ngành và địa phương để đảm bảo NGKT trở thành nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here