Chương 1. KHÁI NIỆM NGOẠI GIAO KINH TẾ

0
520

Chương 1. KHÁI NIỆM NGOẠI GIAO KINH TẾ

1. Ngoại giao Kinh tế là gì?

2. Các vấn đề cơ bản của NGKT

3. Quan hệ giữa NGKT với các lĩnh vực ngoại giao khác

4. Vai trò của Bộ Ngoại giao trong việc thúc đẩy công tác NGKT

 

1. Ngoại giao Kinh tế là gì?

Lịch sử quan hệ quốc tế đã từng biết tới nhiều hình thức, công cụ, chính sách ngoại giao như “ngoại giao Câu Tiễn”, “ngoại giao pháo hạm”, “ngoại giao bóng bàn”, “ngoại giao nhà nước”, “ngoại giao nhân dân”, “Ngoại giao Kinh tế”… Các công cụ ngoại giao trên, cho dù mang nội hàm kinh tế, chính trị hay văn hóa vẫn thường được hoặc bị chi phối bởi một mục tiêu chiến lược. Tùy theo bối cảnh lịch sử và nhu cầu, mục tiêu của mình mà các bên (trước hết là các quốc gia) quyết định lựa chọn một hay một số công cụ, chính sách để xử lý mối quan hệ của mình với các chủ thể của quan hệ quốc tế. Trên thực tế, hoạt động ngoại giao của bất kỳ nước nào cũng đều nhằm ba mục tiêu cơ bản là: (i) góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; (ii) tranh thủ và tạo những điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước; (iii) nâng cao vị thế, mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế. Ba mục tiêu này liên quan mật thiết với nhau, tác động qua lại, tạo ra một thể thống nhất để phát triển đất nước, trong đó sức mạnh kinh tế đóng vai trò có thể nói là cơ bản và quyết định. Ba mục tiêu trên có thể nói là không thay đổi, song nội dung cụ thể, tỷ lệ cụ thể và phương pháp tiến hành thay đổi theo thời kỳ lịch sử, hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia. Ngoại giao thời chiến khác hẳn với ngoại giao thời bình; ngoại giao thời kỳ thế giới chia làm hai phe, hai thị trường và 3 lực lượng kinh tế khác hẳn với thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế.

Kể từ sau Đại chiến thế giới lần II, cùng với sự gia tăng nhu cầu buôn bán, giao thương, “liều lượng” các hoạt động kinh tế, thương mại trong quan hệ bang giao đã tăng lên đáng kể. Tuy vậy, do sự đối đầu ý thức hệ thời kỳ Chiến tranh lạnh nên an ninh, chính trị là yếu tố chủ đạo trong quan hệ quốc tế.  Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra với tốc độ nhanh chóng đã khiến kinh tế trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia. Chính trong thời kỳ này, quan niệm về nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế của ngành ngoại giao đã được phát triển, mở rộng nhằm bám sát các nhu cầu hợp tác thương mại, đầu tư, lao động… đang gia tăng nhanh chóng cùng xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều quốc gia cho  rằng các hoạt động đối ngoại và kinh tế có mối quan hệ gắn bó hữu cơ, kinh tế tạo thêm sức mạnh cho đối ngoại và đối ngoại là bệ phóng cho phát triển kinh tế.

Chính vì vậy, trên thế giới các khái niệm Ngoại giao Kinh tế (Economic Diplomacy), Ngoại giao Phát triển (Development Diplomacy) v.v. ngày càng trở nên phổ biến. Nội hàm của Ngoại giao Kinh tế cũng rất đa dạng và phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế, trình độ phát triển, bộ máy tổ chức và từng giai đoạn phát triển khác nhau của một quốc gia. Nhìn chung, Ngoại giao Kinh tế cần được hiểu theo nghĩa rộng, tức là phát huy những thế mạnh đặc thù của ngành ngoại giao để phục vụ trực tiếp vào việc phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ các ngành khác, các tỉnh thành và các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trong các hoạt động kinh tế của họ.

Đến nay, trên thế giới chưa có một khái niệm chung về NGKT. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể, mỗi nước có một cách hiểu về NGKT nhưng về cơ bản nội hàm của công tác này khá đồng nhất. Các nhà nghiên cứu ở Liên Bang Nga cho rằng “NGKT là lĩnh vực đặc biệt của hoạt động ngoại giao, liên quan đến việc sử dụng kinh tế như là đối tượng và phương tiện để cạnh tranh và hợp tác trong quan hệ quốc tế”[1]. Bồ Đào Nha quan niệm “NGKT được hiểu là hoạt động được Nhà nước và các định chế công triển khai bên ngoài lãnh thổ Bồ Đào Nha nhằm mục đích đóng góp thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế đất nước, tạo dựng môi trường thuận lợi cho đổi mới và phát triển công nghệ, cũng như tạo thị trường mới và tạo ra nhiều công ăn việc làm có chất lượng tại Bồ Đào Nha”[2]. Tác giả người Pháp Ghi Karon De La Karen thì cho rằng: “NGKT là đạt mục đích kinh tế bằng phương pháp ngoại giao, không phụ thuộc vào việc ngoại giao có sử dụng những đòn bẩy kinh tế để đạt được mục tiêu hay không”[3].

Tại Việt Nam, “NGKT là hoạt động thúc đẩy thương mại, hợp tác đầu tư, hợp tác khoa học công nghệ, du lịch, lao động, dịch vụ, thu ngoại tệ, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân Việt Nam trong hoạt động kinh tế đối ngoại”[4].

Cũng có thể hiểu công tác NGKT là phát huy những thế mạnh đặc thù của ngành ngoại giao để phục vụ trực tiếp vào việc phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ các ngành khác, các tỉnh thành và các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trong các hoạt động kinh tế của họ. NGKT cũng có nghĩa là định hướng hoạt động đối ngoại vào việc khai thác triệt để những thuận lợi và điều kiện từ các mối quan hệ quốc tế để tạo điều kiện  cho công cuộc phát triển kinh tế đất nước.

2. Các vấn đề cơ bản của NGKT

Mỗi nước đặt ra những nhiệm vụ khác nhau cho hoạt động đối ngoại để thực hiện công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế. Do yêu cầu của các quốc gia là khác nhau, yêu cầu của từng giai đoạn phát triển khác nhau và xuất phát điểm của mỗi quốc gia là khác nhau nên nội dung NGKT đối với mỗi quốc gia cũng không giống nhau. Tuy nhiên, nội dung cơ bản của công tác NGKT của các quốc gia vẫn có những nét tương đồng, cụ thể như sau:

a. Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh tế đối ngoại. Thực hiện chính sách đối ngoại của Nhà nước tiếp nhận hoặc tổ chức quốc tế nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo thuận lợi cho việc thực hiện chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

b. Đề xuất với Chính phủ, và các cơ quan hữu quan trong nước các chính sách và biện pháp cần thiết nhằm phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước tiếp nhận, các tổ chức quốc tế, chú trọng sự hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, khoa học và công nghệ.

c. Đề xuất với Chính phủ về việc đàm phán, kí kết các điều ước quốc tế cần thiết với các nước tiếp nhận và các tổ chức quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho quan hệ hợp tác kinh tế.

d. Nghiên cứu kinh tế và cung cấp thông tin kinh tế: Thu thập, phân tích, đánh giá và cung cấp cho các tổ chức, cá nhân thông tin về:

+ Tình hình kinh tế quốc tế, quan hệ quốc tế.

+ Tiềm năng, chiến lược, chính sách, tình hình kinh tế, pháp luật, tập quán thị trường ở nước tiếp nhận và tổ chức quốc tế.

+ Xu thế phát triển của khoa học và công nghệ trên thế giới, cơ hội tiếp thu công nghệ.

+ Các vấn đề liên quan tới quá trình hội nhập kinh tế, kinh nghiệm tham gia và hoạt động của nước tiếp nhận tại các tổ chức quốc tế và khu vực.

e. Tham gia hỗ trợ, thực hiện hoạt động kinh tế đối ngoại và quảng bá đất nước phù hợp với các nhiệm vụ kinh tế hoặc theo yêu cầu của các cơ quan hữu quan.

f. Tiến hành vận động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) tại nước tiếp nhận và các tổ chức quốc tế phù hợp với quy hoạch, kế hoạch thu hút và sử dụng nguồn ODA trong từng thời kỳ phát triển của đất nước.

g. Phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng, hoàn thiện và tổ chức việc thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi để huy động tiềm năng kinh tế, tri thức và đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người nước mình ở nước ngoài đầu tư về nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ của đất nước.

h. Đề xuất với Chính phủ, và các cơ quan hữu quan những biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nước mình ở nước ngoài làm ăn sinh sống lâu dài, ổn định ở nước tiếp nhận. Bảo vệ lợi ích của nhà nước, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân của nước mình ở nước ngoài phù hợp với luật pháp nước mình, luật pháp quốc tế và luật pháp nước tiếp nhận.

3. Quan hệ giữa NGKT với các lĩnh vực ngoại giao khác

Ngoại giao Kinh tế có quan hệ hữu cơ, tác động qua lại và gắn bó chặt chẽ với Ngoại giao Chính trị và Ngoại giao Văn hóa, vừa có tác động bổ sung, hỗ trợ, vừa chia sẻ nguồn lực cho nhau. Đặc điểm của các mối quan hệ này tuỳ thuộc vào bối cảnh quốc tế, điều kiện phát triển của từng giai đoạn lịch sử khác nhau và chịu sự chi phối khá mạnh của tư duy đối ngoại từng quốc gia.

a. Mối quan hệ giữa Ngoại giao Kinh tế và Ngoại giao Chính trị

Trong bối cảnh các nước đều chú trọng phát triển kinh tế, xác định kinh tế là một trong những mục tiêu của lợi ích quốc gia, quan hệ kinh tế có tác động tích cực đối với sự phát triển quan hệ chính trị thân thiện. Quan hệ kinh tế mạnh sẽ giúp cho quan hệ chính trị ổn định và các sự cố trong quan hệ chính trị đều có thể dễ  xử lý hơn  do các nước tham gia đều cần phải tránh thiệt hại đến các lợi ích từ quan hệ kinh tế.

Đơn cử trường hợp của Trung Quốc và Nhật Bản. Căng thẳng đã nảy sinh trong quan hệ Trung-Nhật sau vụ va chạm giữa tàu đánh cá Trung Quốc với tàu tuần duyên Nhật Bản gần đảo Senkaku /Điếu Ngư. Đây là căng thẳng cao nhất trong quan hệ ngoại giao Trung-Nhật kể từ sau chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tới Nhật Bản hồi tháng 4/2007. Lãnh đạo cấp cao hai bên liên tiếp có những phát biểu chỉ trích mạnh mẽ và gay gắt về động thái của phía bên kia, song có thể thấy chắc chắn rằng, hai nước thực sự không muốn vụ việc này leo thang căng thẳng bởi mối quan hệ và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới này. Tất nhiên là các nguồn gốc bất hòa vẫn tồn tại, nhưng cả hai nước đều nhận thấy rằng rủi ro về kinh tế, thương mại đối với cả hai bên sẽ càng lớn nếu như quan hệ chính trị giữa hai nước xấu đi.

Quan hệ kinh tế, về lâu dài, giúp tạo dựng lòng tin và làm giảm xu thế dân tộc cực đoan, tư tưởng thù địch, đóng góp quan trọng vào quan hệ chính trị. Quan hệ kinh tế là các sợi chỉ kết nối người dân, tổ chức, khu vực và các quốc gia, thông qua trao đổi thương mại hàng hoá, dịch vụ, giao thông, liên lạc, đầu tư, du lịch v.v. Các quan hệ này diễn ra hàng ngày, tự nguyện và cùng có lợi. Nếu có đủ các sợi chỉ này để kiến tạo quan hệ giữa các nước, thì các lực lượng gây xung đột sẽ bị hạn chế và khó vượt qua được mạng lưới quan hệ kinh tế.

Ngoại giao Kinh tế có thể được sử dụng để phục vụ các mục tiêu chính trị trong quan hệ đối ngoại. Trên thế giới, Mỹ là nước sử dụng  Ngoại giao Kinh tế để đạt được các lợi ích trong chiến lược chính trị của mình. Sau Thế chiến thứ hai, kế hoạch Marshall là một kế hoạch trọng yếu của Mỹ nhằm tái thiết và thiết lập một nền móng vững chắc quan hệ giữa Mỹ và  Tây Âu, đưa Tây Âu vào vòng ảnh hưởng của Mỹ. Nhiệm vụ chính của nó là thúc đẩy nền kinh tế châu Âu đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế Mỹ: gia tăng sản lượng, hỗ trợ đồng tiền các quốc gia châu Âu, mở mang giao thương quốc tế, đặc biệt là với Mỹ, vì lợi ích của nền kinh tế Mỹ đòi hỏi các quốc gia Âu Châu phải có tài chính  để có thể nhập cảng hàng hóa của Mỹ. Một mục tiêu không chính thức khác của Kế hoạch Marshall là kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Liên Xô tại Châu Âu, đặc biệt là sự lớn mạnh của các đảng cộng sản và cánh tả. Không những thế, Mỹ từ đó còn gia tăng được sức mạnh và lực lượng qua việc củng cố quan hệ với một loạt các nước đồng minh tại châu Âu.

Một trong các biện pháp của Ngoại giao Kinh tế thường được sử dụng để gây áp lực trong giải quyết các vấn đề chính trị quốc tế là  cấm vận kinh tế. Ví dụ, Mỹ đã áp dụng lệnh cấm vận kinh tế đối với Anh và Israel để ngăn chặn cuộc chiến leo thang tại kênh đào Suez vào năm 1956. Vào năm 1973, các nước Ả rập đã dùng  cấm vận dầu lửa để chống lại các nước phương Tây và Israel. Một ví dụ nữa rất điển hình cho việc dùng lệnh cấm vận kinh tế để tạo ra các áp lực và nhằm đạt mục tiêu chính trị là việc Mỹ áp dụng lệnh cấm vận toàn diện và kéo dài suốt từ năm 1962 chống Cu Ba. Trước đó, ngày 06/04/1960 Lester D.Mallory, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách vấn đề liên Mỹ tuyên bố: “Biện pháp duy nhất có thể nhìn thấy được đó là làm mê muội sự ủng hộ từ bên trong thông qua sự thất vọng và chán nản xuất phát từ những khó khăn về kinh tế. Phải sử dụng ngay lập tức bất cứ biện pháp nào có thể tạo ra cái đói, sự tuyệt vọng và để lật đổ Chính phủ…”[5]. Tuy nhiên, không phải  việc  sử dụng lệnh cấm vận kinh tế nào cũng đều đạt được kết quả như mong muốn.

Không chỉ quan hệ chính trị có tác dụng thúc đẩy quan hệ kinh tế phát triển mà các mối quan hệ kinh tế tốt đẹp lại có tác động tích cực đến sự phát triển mối giao bang hữu hảo giữa các quốc gia. Sự gắn kết nhuần nhuyễn và có hiệu quả chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại góp phần quan trọng củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển, tăng thế và lực của đất nước. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Medvedev 09/2010 nhiều hợp đồng kinh tế trị giá hàng chục tỷ USD đã được ký kết. Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc gian hàng của Nga tại triển lãm Thượng Hải Expo 2010, Tổng thống Nga Medvedev ca ngợi các mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia và đã nhận định Trung Quốc chính là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Nga[6].

NGKT cũng được sử dụng như một công cụ để phòng ngừa xung đột, bất ổn về chính trị và tăng cường an ninh khu vực. Tại Châu Âu, khi hình thức liên kết đầu tiên của châu Âu là Cộng đồng Than thép châu Âu được thành lập sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, ý tưởng chủ đạo là tăng cường quan hệ kinh tế giữa các nước thành viên sẽ giúp ngăn chặn các cuộc chiến tranh tại châu Âu trong tương lai. Cùng với sự hỗ trợ của Mỹ về mặt an ninh, cho đến nay mục tiêu này của châu Âu đã thành công. Các nước ASEAN tăng cường thương mại không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì lợi ích chính trị, an ninh khu vực. Bên cạnh những nỗ lực sử dụng ngoại giao để phục vụ các lợi ích kinh tế của quốc gia và các công ty của mình; ngược lại, nhiều nước phát triển  cũng  sử dụng các quan hệ kinh tế như đòn bẩy để đạt được các mục tiêu ngoại giao và chiến lược.

Đối với Việt Nam, hợp tác kinh tế đã trở thành yếu tố nền tảng và động lực xây dựng quan hệ ngày càng chặt chẽ với các trung tâm tăng trưởng, trung tâm thương mại lớn  như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU và ASEAN. Trên bình diện song phương, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với trên 170 quốc gia và quan hệ kinh tế – thương mại với 224 nền kinh tế và vùng lãnh thổ. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác kinh tế đa phương như ASEAN, ASEM, APEC. Việt Nam còn kết nối chặt chẽ với nền kinh tế thế giới qua một loạt các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định thương mại song phương, Hiệp định đối tác phát triển, Hiệp định đối tác kinh tế  song phương với nhiều đối tác. Không gian thị trường của Việt Nam cũng ngày càng rộng mở khi Việt Nam cùng với các nước thành viên ASEAN khác tham gia ký Hiệp định thương mại tự do ASEAN và các đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Newzealand .. Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2007 là bước đánh dấu sự hội nhập kinh tế toàn diện với nền kinh tế thế giới. Đây là những kết quả cụ thể, đã và đang tạo cơ sở vững chắc, lâu dài cho phát triển đất nước.

b. Mối quan hệ giữa Ngoại giao Kinh tế và Ngoại giao Văn hóa

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay giữa các quốc gia, giữa các khu vực có sự liên kết, sự phụ thuộc và tác động lẫn nhau trong sự phân công lao động, hợp tác kinh tế, sự lưu thông các yếu tố sản xuất trên phạm vi toàn cầu. Sự phát triển các mối quan hệ kinh tế-thương mại quốc tế giúp tạo ra các sức mạnh tài chính, vật chất để thúc đẩy các hoạt động Ngoại giao Văn hóa,  quảng bá văn hoá, đất nước, con người ra thế giới. Có thể thấy, kinh tế càng phát triển, văn hóa lại càng có nhiều điều kiện được phổ biến rộng rãi, đời sống văn hóa các quốc gia trở nên phong phú hơn.

Sự xuất hiện của các công ty xuyên quốc gia và các luồng lưu chuyển khổng lồ về thương mại, dịch vụ, vốn, công nghệ, nhân lực giữa các nước trên phạm vi toàn thế giới và khu vực góp phần phổ biến các giá trị văn hóa của các quốc gia. Ngày nay, nhiều quốc gia là những tấm gương thành công về phát triển kinh tế luôn gắn với một hình ảnh tiêu biểu cho giá trị văn hóa của con người đất nước đó. Ví dụ các sản phẩm điện tử  của người Nhật luôn được tín nhiệm bởi chúng gắn với quan niệm tích cực về những con người Nhật Bản cần cù, tỉ mỉ; Coca Cola không chỉ là một cái tên bên ngoài hay một thứ đồ uống đơn giản làm từ đường và nước, mà đã trở thành một đại diện của “nền văn minh Mỹ”; hay các thương hiệu thời trang cao cấp Ý luôn được thế giới ưa chuộng bởi gu thẩm mỹ tinh tế của  người Ý. Và như vậy, những ấn tượng tốt về đất nước và con người, văn hóa của một quốc gia chắc chắn sẽ củng cố lòng tin của bạn hàng quốc tế vào những sản phẩm, thương hiệu của quốc gia đó. Hiện đã có nhiều hàng hoá mang thương hiệu Việt Nam đứng vững tại các thị trường trọng điểm, khôi phục vị thế tại các thị trường truyền thống, bước chân vào một số thị trường mới. Một số sản phẩm, một vài doanh nghiệp Việt Nam đã giành được các giải thưởng quốc tế. Dòng chữ “sản xuất tại Việt Nam” đã dần dần trở nên quen thuộc trên thị trường quốc tế. Kết quả đó chính là đã quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong tiến trình hội nhập và phát triển.

Trong thực tiễn, nhân dịp các sự kiện trọng đại về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội mỗi nước thường tổ chức nhiều cuộc hội chợ, triển lãm, hội thảo, tiếp xúc doanh nghiệp. Qua đó chẳng những góp phần tôn vinh các sự kiện mà còn nhân lên hiệu quả mục tiêu quảng bá hình ảnh nước đó do các sự kiện đó đặt ra. Để nâng cao hiệu quả quảng bá hình ảnh đất nước, trong khuôn khổ các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư còn kết hợp tổ chức các hoạt động văn hóa. Các hội chợ triển lãm đều có các buổi giao lưu văn hóa, đêm biểu diễn nghệ thuật, làm sinh động không khí trong những ngày diễn ra sự kiện. Trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, đều gắn với đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc, kế thừa những nét cổ truyền của dân tộc, nên các thương hiệu được xây dựng đều mang đậm bản sắc dân tộc. Do vậy khi một thương hiệu hàng hóa xây dựng được niềm tin và sự ưa chuộng đối với người tiêu dùng, và đặc biệt khi thương hiệu đó càng củng cố uy tín, vị trí và thị phần của mình trên thị trường quốc tế thì nét bản sắc văn hóa dân tộc ẩn chứa trong thương hiệu đó càng được tỏa sáng.

4. Vai trò của Bộ Ngoại giao trong việc thúc đẩy công tác NGKT

a. Tham mưu, tư vấn chính sách:

Với lợi thế đặc thù, ngành Ngoại giao có thể làm được khá nhiều việc cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong một số lĩnh vực cụ thể:

– Nghiên cứu và kiến nghị về kinh nghiệm, chính sách, chiến lược, luật lệ kinh tế của nước sở tại và kiêm nhiệm để phục vụ việc hoạch định chính sách trong nước.

– Theo dõi tình hình để đưa ra kiến nghị cho trong nước về các chủ trương, chính sách phát triển, đối phó khủng hoảng, ổn định kinh tế vĩ mô…của các nước.

– Phối hợp với các cơ quan trong nước đàm phán với nước sở tại về các vấn đề kinh tế; xây dựng, đàm phán và ký kết các hiệp định, thỏa thuận… với chính phủ và các đối tác nước ngoài nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế đối ngoại.

b. Thông tin, tuyên truyền quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới.

Công tác này bao gồm việc thực hiện tuyên truyền phục vụ kinh tế đối ngoại về các chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam, tiếp xúc với các đối tác, tham gia các hoạt động hội thảo, hội nghị, tọa đàm, gặp gỡ doanh nghiệp để quảng bá, tuyên truyền về Việt Nam, thu hút giới đầu tư, thương mại và khách du lịch. Các cơ quan đại diện ở nước ngoài có điều kiện thu thập, nắm bắt và thẩm định thông tin tại chỗ để cung cấp cho trong nước, nhất là về chính sách, luật lệ, thủ tục, thuế quan của các nước, khả năng của các đối tác, nhu cầu về các loại mặt hàng của thị trường sở tại mà ta có khả năng xuất khẩu….

Một điều kiện quan trọng để có thể làm tốt công tác này là sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Thông tin hai chiều giữa ngành ngoại giao, đặc biệt là các cơ quan đại diện với các cơ quan, tổ chức kinh tế và doanh nghiệp  trong nước là cơ sở và điều kiện tiên quyết để các cơ quan đại diện làm tốt công tác này.

c. Vận động (lobby) ở nước ngoài:

Đây là lĩnh vực mà ngành ngoại giao có thế mạnh. Vì vậy, các đồng chí Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện là người thích hợp nhất trực tiếp vận động chính giới, tài giới tại nước sở tại, các tổ chức kinh tế, chính trị, doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề lớn trong quan hệ hợp tác kinh tế với nước ta. Các vấn đề lớn này còn bao gồm cả những tranh chấp kinh tế, thương mại lớn, việc giảm hoặc bỏ các hàng rào thuế và phi thuế đối với xuất khẩu của nước ta, hợp tác và đấu tranh nhằm thực hiện nghiêm chỉnh các hiệp định kinh tế, thương mại với nước sở tại. Ngoài ra, các đồng chí Đại sứ còn có trách nhiệm vận động để các tổ chức kinh tế trong nước, kể cả công ty tư nhân thắng các gói thầu lớn hoặc đạt được các thảo thuận kinh tế lớn về đầu tư, thương mại với các đối tác tại nước sở tại.

d. Góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc:

Ngành ngoại giao hỗ trợ kinh tế trong nước qua các công tác khác như: theo dõi, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện các thoả thuận và cam kết quốc tế về hợp tác kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xuất nhập cảnh và giải quyết các thủ tục lãnh sự; làm tốt công tác cộng đồng, huy động tối đa các nguồn lực từ người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư và kinh doanh trong nước.

e. Hỗ trợ Bộ, ngành, doanh nghiệp mở rộng thị trường, giải quyết khó khăn trong quan hệ hợp tác với nước ngoài:

– Đối với những thị trường mới, Ngành Ngoại giao đi tiên phong trong nghiên cứu khả năng tiếp cận, “đi trước mở đường” và hỗ trợ doanh nghiệp, hàng hoá Việt Nam thâm nhập. Các cơ quan đại diện làm cầu nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài, giúp tìm thị trường, móc nối, khơi thông và thẩm tra đối tác, nhất là các đối tác đầu tư, nhập khẩu lao động, du lịch, cũng như các nguồn tín dụng, công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Hỗ trợ các doanh nghiệp thẩm tra đối tác về quy chế pháp lý, uy tín, khả năng tài chính, công nghệ sẽ giảm bớt hiện tượng lừa đảo kinh tế, thương mại, giúp xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, giảm bớt sự mất mát đáng kể đối với các doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn đầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

– Ngành Ngoại giao hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh tại nước ngoài; hỗ trợ các hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp; tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp đàm phán ký kết hợp đồng; bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và công dân Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng. Tuy vậy, các cơ quan và doanh nghiệp trong nước cần giúp đỡ và phối hợp chặt chẽ để các cơ quan đại diện làm tốt việc này bằng cách thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về công tác thông tin, báo cáo khi ở nước ngoài.

 


[1] Gi Kappon de la Kappiep (2003), Ngoại giao Kinh tế. Nhà ngoại giao và thị trường, NXB Rospen, Matxcova.

[3] Trường đại học quan hệ quốc tế (2003) Công tác Ngoại giao, NXB Rospen, Matxcova.

[4] Nghị định 08/2003/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động của Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế (2003), Hà Nội.

[5] Cuba trước cuộc bao vây cấm vận của Mỹ gần nửa thế kỷ qua  http://www.vusta.vn/Temps/Home/template2/default.asp?nid=894E

[6] Dmitry Medvedev: Trung Quốc là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Nga  http://www.taichinhthegioi.net/thong-tin/chi-tiet/6947/Dmitry-Medvedev-Trung-Quoc-la-doi-tac-chien-luoc-quan-trong-nhat-cua-Nga/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here