Chương 3. KINH NGHIỆM PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ, SOẠN THẢO VÀ TRÌNH BÀY CÁC VẤN ĐỀ KINH TẾ TRONG CÔNG TÁC NGOẠI GIAO KINH TẾ

0
138

Chương 3. KINH NGHIỆM  PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ, SOẠN THẢO VÀ TRÌNH BÀY CÁC VẤN ĐỀ KINH TẾ TRONG CÔNG TÁC NGOẠI GIAO KINH TẾ

1. Kinh nghiệm nghiên cứu, phân tích các vấn đề kinh tế

Cán bộ ngoại giao làm công tác kinh tế ở trong nước cũng như ở ngoài nước đều phải làm các công việc liên quan đến việc phân tích, đánh giá, soạn thảo và trong nhiều trường hợp phải trình bày những vấn đề kinh tế ở những dịp khác nhau. Tuy nhiên, tùy vị trí, công việc, đơn vị, ở trong nước hay ngoài nước mà yêu cầu đối với các công việc này có nhiều điểm khác nhau. Thí dụ như ở trong nước, yêu cầuđối với đối với công việc sâu hơn nhưng diện có thể hẹp hơn, song ở ngoài nước yêu cầu về diện rộng hơn, đa dạng hơn nhưng chắc ít có điều kiện đi sâu.

Để làm tốt công tác nghiên cứu kinh tế, điều đầu tiên là các cán bộ ngoại giao phải nắm và hiểu được những khái niệm và lý thuyết căn bản trong kinh tế vĩ mô và kinh tế phát triển. Trên cơ sở đó, người làm công tác nghiên cứu mới có khả năng triển khai các bước nghiên cứu một cách có hệ thống và hiệu quả. Do giới hạn của cuốn Sổ tay này, xin phép không đi sâu bàn về các phương pháp nghiên cứu mang tính kinh điển, học thuật, mà chỉ xin đưa ra một số kinh nghiệm thực tế có tính chất tham khảo để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu kinh tế trong triển khai các hoạt động Ngoại giao Kinh tế.

1.1. Các dạng nghiên cứu kinh tế trong công tác NGKT:

Trong nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu kinh tế nói riêng, phân loại theo mục đích nghiên cứu, có thể chia thành một số dạng nghiên cứu cơ bản như sau: (i) nghiên cứu báo cáo (reporting study): Cung cấp thông tin/dữ liệu thống kê và những kết luận rút ra được từ các thông tin/dữ liệu; (ii) nghiên cứu mô tả (descriptive study): tìm kiếm/khám phá những câu trả lời cho các câu hỏi ai, cái gì, khi nào, ở đâu và như thế nào, dạng nghiên cứu này nhằm xác định được những vấn đề, sự việc xảy ra một cách có hệ thống; (iii) nghiên cứu giải thích (explanatory study): Mô tả và giải thích những nguyên nhân của các hiện tượng hay vấn đề, nghiên cứu giải thích đặt nền tảng để xây dựng lý thuyết và trả lời cho câu hỏi tại sao, như thế nào; và (iv) nghiên cứu dự báo (predictive study): nhằm đưa ra được những sự tiên đoán khi nào và trong trường hợp nào một hiện tượng/sự kiện nào đó sẽ xảy ra.

Phân loại theo phương pháp thu thập và xử lý thông tin, ta có thể chia nghiên cứu kinh tế thành hai loại: Nghiên cứu định tính và Nghiên cứu định lượng. Đối với các cán bộ làm công tác Ngoại giao Kinh tế, do hạn chế về thời gian, cơ sở dữ liệu và trình độ chuyên môn, việc thực hiện các nghiên cứu định lượng thông qua phân tích các mô hình kinh tế lượng bằng các phần mềm hiện đại như STATA hay SPSS là không khả thi. Do đó, phần lớn các nghiên cứu kinh tế sẽ được thực hiện theo nghiên cứu định tính thông qua các phương pháp nghiên cứu như: phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp so sánh, phương pháp diễn dịch và quy nạp, phương pháp lịch sử và phương pháp logic.

1.2. Các tiêu chuẩn đánh giá một nghiên cứu tốt:

– Mục đích, mục tiêu được xác định rõ ràng;

– Quá trình nghiên cứu được chi tiết hóa;

– Đề cương nghiên cứu được hoạch định cẩn thận;

– Những giới hạn của nghiên cứu được trình bày rõ ràng;

– Đáp ứng tốt các chuẩn mực đạo đức của một nghiên cứu khoa học;

– Các phân tích phù hợp với những nhu cầu của người ra quyết định;

– Các kết quả nghiên cứu được trình bày một cách rõ ràng, không mơ hồ;

– Các kết luận có cơ sở vững chắc, được chứng minh.

Trên đây là những tiêu chuẩn chung để đánh giá một nghiên cứu tốt, mọi nghiên cứu dù ở trong lĩnh vực nào cũng có thể được áp dụng. Tuy nhiên, trong thực tế nghiên cứu kinh tế đối ngoại, những người duyệt báo cáo thường đưa ra những  chuẩn mực rất cụ thể để đánh giá một báo cáo kinh tế. Thí dụ, báo cáo đánh giá tác động của một sự kiện kinh tế thế giới hoặc khu vực tới kinh tế nước ta như thế nào. Một báo cáo tốt  thường gồm những phần sau:

a. Tình hình (mô tả tình hình một cách ngắn gọn, nếu cần làm thêm phần phụ lục nêu cụ thể tình hình, kể cả lịch sử phát triển).

b. Trong lịch sử, đã có những sự kiện tương tự xảy ra hay chưa, nếu có so với lần này, điểm mới, điểm khác là gì.

c. Tác động của sự kiện đối với kinh tế- xã hội khu vực và các nước.

d. Kinh nghiệm các nước, các nhóm nước giải quyết những sự kiện loại này trong quá khứ như thế nào (giải quyết sự kiện nêu tại điểm b).

e. Tác động tới Việt Nam và kiến nghị đối sách.

Nhiều báo cáo chỉ bao gồm các phần (a) (c) (e) mà rất ít hoặc không đề cập tới các phần (b), (d). Lý do có nhiều, trong đó chủ yếu là các phần a,c,e  có thể tìm kiếm khá dễ dàng trên internet, hay mọi người thường nói vui là có thể hỏi “ông Google”. Tuy nhiên, các phần b,d cần có sự tích lũy, lao động vất vả và bề dày kinh nghiệm. “Ông Google” rất ít khi trả lời được đầy đủ các điểm b,d. Đây là điểm yếu và đáng buồn của khá nhiều nghiên cứu của chúng ta. Kiểu nghiên cứu nhanh (chỉ gồm các điểm a,c,e), theo kiểu “thị trường”, ai  làm cũng tạm được hoặc được. Một số người gọi là nghiên cứu kiểu này là “mô tả”, thu thập, xào xáo lại  những gì trên internet và các thông tin khác có sẵn, kể cả những điểm tác  động tới ta và kiến nghị đối sách… Việc nghiên cứu này nhìn qua có vẻ tốt, đặc biệt nếu tính đầu việc, đầu công trình. Tuy nhiên, đi sâu vào rất khó có thể ứng dụng trong thực tiễn.

1.3. Trình tự các bước nghiên cứu kinh tế:

Phương pháp nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu kinh tế nói riêng là một trình tự gồm các bước cơ bản như sau:

(i). Đặt vấn đề, mục đích, hoặc câu hỏi nghiên cứu:

Đặt vấn đề hay câu hỏi nghiên cứu là phần quan trọng nhất của phương pháp nghiên cứu khoa học. Mỗi một phần nghiên cứu của bạn được thực hiện để trả lời câu hỏi này. Các câu hỏi nghiên cứu đôi khi được hình thành như là một tuyên bố và được gọi là “tuyên bố giả thuyết” (thesis statement), nội dung này sẽ cho thấy mục tiêu hay những ý tưởng mà bạn đang cố gắng để kiểm chứng là gì? Câu hỏi nghiên cứu có vai trò:

Là cơ sở để đưa ra các giả thiết nghiên cứu

– Làm rõ vấn đề nghiên cứu

– Là cơ sở để xây dựng mô hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu

(ii). Xây dựng đề cương/kế hoạch nghiên cứu:

Đây cũng là bước rất quan trọng, quyết định chất lượng của nghiên cứu. Việc viết đề cương nghiên cứu sẽ giúp các nhà nghiên cứu hoạch định và đánh giá các bước của quá trình nghiên cứu. Đây cũng là một chỉ dẫn trong suốt quá trình nghiên cứu, đóng vai trò hoạch định nguồn lực cần thiết cho nghiên cứu (thời gian và ngân sách). Đề cương nghiên cứu bao gồm các nội dung sau: chủ đề nghiên cứu; ý nghĩa và tầm quan trọng của đề tài nghiên cứu; phát triển mục tiêu nghiên cứu; cơ sở lý luận; phương pháp nghiên cứu/phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu; ngân sách; lịch thời gian; tài liệu tham khảo.

(iii). Hình thành giả thuyết nghiên cứu:

Giả thuyết là một dạng dự báo, được hình thành như một tuyên bố mà bạn đề nghị để dẫn tới câu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu, được dùng để kiểm chứng lại các kết quả mong đợi của câu hỏi nghiên cứu và định hướng quá trình thu thập số liệu. Cần lưu ý rằng, không phải lúc nào kết luận cũng phù hợp với giả thuyết nghiên cứu đã đề ra.

 (iv). Thu thập dữ liệu:

Có hai dạng số liệu bao gồm: (1) Số liệu sơ cấp: Những số liệu được quan sát hay thu thập lần đầu tiên bởi nhà nghiên cứu. Số liệu dạng này thường các nhà nghiên cứu tự thu thập từ: bản câu hỏi, phỏng vấn, quan sát, nghiên cứu tình huống…; (2) Số liệu thứ cấp: Những số liệu đã được công bố hay thu thập trong quá khứ hay do một nhóm thứ ba thu thập. Số liệu này thường được thu thập từ các cơ quan có liên quan, các nghiên cứu trước đó, cơ quan thống kê của chính phủ, các tổ chức quốc tế…

Số liệu chuỗi thời gian (Time-series data): Số liệu chuỗi thời gian là một tập hợp của những quan sát về những giá trị mà một biến số nhận được tại những thời điểm khác nhau. Số liệu này có thể được thu thập hàng ngày, tuần, tháng, quý, năm… Số liệu chuỗi thời gian thường được sử dụng trong phân tích kinh tế vĩ mô để thấy được xu hướngphát triển của nền kinh tế. Đây cũng là dạng dữ liệu mà các nhà nghiên cứu phải sử dụng nhiều nhất trong quá trình nghiên cứu kinh tế.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, các thông tin và số liệu kinh tế có thể thu thập từ rất nhiều nguồn, trong đó đặc biệt là từ các tổ chức quốc tế hàng đầu về nghiên cứu kinh tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hay các tổ chức của Liên hợp Quốc như UNCTAD, ESCAP…

(v). Xử lý thông tin, phân tích và bàn luận kết quả xử lý thông  tin:

Đánh giá mặt mạnh, mặt yếu, chỉ ra những sai lệch đã mắc phải trong quan sát, đồng thời đánh giá ảnh hưởng của nhứng sai lệch đó, mức độ có thể chấp nhận trong kết quả nghiên cứu.

(vi). Kết luận và khuyến nghị:

Kết luận là một bản tóm tắt các kết quả của nghiên cứu. Đây là nơi câu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu được khẳng định. Các dữ liệu được đưa ra phải đủ để chứng minh hoặc phản bác giả thuyết nghiên cứu.

2. Một số kinh nghiệm viết và trình bày các báo cáo và tham luận kinh tế

Trong công việc hàng ngày, cán bộ ngoại giao phụ trách kinh tế phải viết nhiều loại văn bản như văn bản chính sách (policy paper), thư vận động (advocacy letter), biên bản ghi nhớ (memorandum), tài liệu tóm tắt (briefing paper), báo cáo (report), thông cáo báo chí (press release), điện (cable), thư điện tử (email), tài liệu đàm phán (negotiation paper), tham luận (presentation), phát biểu (speech),… Trong đó, nhiệm vụ thường xuyên nhất là viết báo cáo về các vấn đề kinh tế của nước sở tại và các vấn đề kinh tế quốc tế, và tham luận quảng bá  cho  kinh tế  Việt Nam.

         Tuy nhằm vào hai loại đối tượng khác nhau (báo cáo thường phục vụ các đối tượng trong nước, còn tham luận thường phục vụ các đối tượng nước ngoài), cả báo cáo và tham luận kinh tế đều cần đạt được những mục đích, yêu cầu dưới đây.

2.1. Mục đích, yêu cầu:

a. Mục đích:

– Nâng cao sức thuyết phục của những thông điệp, thông tin muốn chuyển tải đến người đọc, người nghe dựa trên những dữ liệu chuẩn xác và lập luận lôgic, biện chứng.

– Chuyển đến đúng đối tượng những thông tin “đánh trúng” những mối quan tâm của họ, những nhận định, đánh giá có tính chiến lược, có tính cảnh báo,…

b. Yêu cầu:

Báo cáo và tham luận kinh tế cần ngắn gọn, súc tích, sử dụng những thông tin vừa có tính hệ thống song lại được cập nhật, làm nổi bật trọng tâm và xoáy vào những nội dung chủ yếu, đi thẳng vào vấn đề, dẫn dắt người đọc, người nghe đến thông điệp chính cần chuyển tải.

– Báo cáo và tham luận kinh tế cần nêu bật điểm mới hoặc những điểm mới so với trước đây và nên phân tích sâu những điểm mới.

– Báo cáo và tham luận kinh tế luôn gắn phân tích, nhận định, đánh giá với kiến nghị hoặc nêu vấn đề.

2.2. Nội dung của báo cáo, tham luận kinh tế:

(i) Phân loại báo cáo, tham luận kinh tế:

a. Báo cáo kinh tế:

  • Báo cáo tổng hợp (ví dụ: về tình hình và tiềm năng kinh tế của nước sở tại; về tình hình kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế, khu vực, tác động tới kinh tế nước ta, kiến nghị một số biện pháp …).
  • Báo cáo chuyên đề (ví dụ: về diễn biến của Vòng đàm phán TPP, về vấn đề biến động của giá dầu, về biến động tỷ giá của đồng Nhân dân tệ; về  an ninh năng lượng, chiến lược năng lượng của các nước lớn, của nước sở tại,…).
  • Báo cáo nghiên cứu thị trường (ví dụ: Tiềm năng và chính sách của thị trường EU đối với hàng dệt may  Việt Nam. Sản xuất, tiêu thụ, nhập khẩu và giá gạo trong tương lại ngắn và trung hạn, Khả năng và việc đột phá hoặc Các biện pháp tăng xuất khẩu lao động của Việt Nam vào thị trường sở tại,…).
  • Báo cáo phúc đáp yêu cầu cụ thể của các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp trong nước về một vấn đề cụ thể (Ví dụ: thẩm định đối tác, giúp tìm hiểu chính sách, pháp luật kinh tế của một nước, tìm hiểu vai trò của nước sở tại trong các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế hoặc khu vực,…).

b. Tham luận kinh tế(ở đây chỉ đề cập đến tham luận về các vấn đề kinh tế liên quan đến Việt Nam):

  • Tham luận tổng hợp (Ví dụ: về tình hình và tiềm năng kinh tế của Việt Nam, về chính sách Đổi mới, hội nhập  kinh tế và thành tựu lớn của Việt Nam trong những năm qua…).
  • Tham luận chuyên đề (Ví dụ: về việc phát triển ngành du lịch, về ngành xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam, về các khu công nghiệp, khu kinh tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam,…).

(ii) Nội dung cơ bản của báo cáo và tham luận kinh tế:

a. Báo cáo, tham luận kinh tế tổng hợp và chuyên đề:

Mặc dù mỗi loại có đặc thù riêng song các báo cáo, tham luận kinh tế tổng hợp và chuyên đề đều có một số yêu cầu về nội dung cơ bản như sau:

  • Phần đặt vấn đề: Giới thiệu vấn đề đặt ra và tầm quan trọng của vấn đề tại thời điểm hiện tại; khái quát bối cảnh tình hình chính trị-xã hội, kinh tế hiện tại gắn với những sự kiện nổi bật nhất; và nêu cách tiếp cận vấn đề. Qua phần này, người đọc/người nghe có thể nắm bắt được thông điệp, ý tứ nổi bật nhất sẽ được chuyển tải trong báo cáo/tham luận. Vì vậy, phần đặt vấn đề cần được viết một cách súc tích, cô đọng nhưng lại có tác dụng dẫn dắt đến phần sau.
  • Phần nội dung:

– Sắp xếp những nội dung chính và nội dung hỗ trợ theo tư duy lôgíc được chọn (quy nạp hoặc diễn dịch, suy luận) nhằm làm nổi bật thông điệp muốn chuyển tải.

– Cung cấp cho người đọc/người nghe các thông tin cụ thể để làm rõ căn cứ và tăng sức thuyết phục đối với vấn đề được trình bày. Về diễn biến của vấn đề, có thể nêu lịch sử quá trình song cần trình bày một cách cô đọng, không liệt kê dài dòng.

– Phân tích, đánh giá vấn đề theo tư duy biện chứng và các luận điểm kinh tế-chính trị lớn, trên cơ sở vận dụng các quan điểm, đánh giá khác nhau về vấn đề đó (đặc biệt của các nhà nghiên cứu, học giả có uy tín, các nhà lãnh đạo của các tổ chức kinh tế tài chính lớn trên thế giới, các chính khách có uy tín, kể cả các nhà lãnh đạo của Chính phủ nước sở tại,…)

– Đối với những vấn đề có khả năng chuyển biến theo những chiều hướng khác nhau, nêu các kịch bản có thể xảy ra, trong đó nêu rõ các nguyên nhân và tác động của mỗi kịch bản đối với khu vực, thế giới và Việt Nam. Đánh giá kịch bản nào khả thi nhất và vì sao.

– Trong các tham luận, cần chú ý đến chính sách Đổi mới và chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của nước ta khi phân tích nguyên nhân những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam (cũng cần cân bằng và khách quan, nêu cả những phần thách thức,  khó khăn, hạn chế).

  • Phần kết luận:

– Nêu chiều hướng diễn biến và triển vọng vấn đề (triển vọng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn), dự đoán các sự kiện liên quan có thể diễn ra.

– Nêu các kết luận rút ra được từ phân tích, đánh giá và đặc biệt là các khuyến nghị đối với Việt Nam nhằm chủ động đối phó, khắc phục những tác động tiêu cực có thể có và/hoặc tranh thủ, tận dụng các cơ hội.

  • Phần trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo và các bảng, biểu thống kê

c. Báo cáo nghiên cứu thị trường:

Báo cáo nghiên cứu thị trường có hình thức, nội dung mang tính chất kỹ thuật và thường gồm các phần chính sau:

  • Mở đầu: Trang tiêu đề; Mục lục; Phần giới thiệu
  • Tóm tắt kết quả nghiên cứu và kết luận: Tổng quan thị trường; Mức độ tăng trưởng; Thị phần toàn cầu và khả năng cạnh tranh chính; Ưu và nhược điểm cơ bản của sản phẩm/dịch vụ theo đánh giá của khách hàng là người tiêu dùng thực tế hay tiềm năng; Kết luận và khuyến nghị
  • Phần chính của báo cáo: Mô tả phương pháp nghiên cứu (Xây dựng phiếu điều tra gửi cho các đơn vị, cá nhân liên quan; Nghiên cứu khảo sát thông tin tại địa bàn ; Sử dụng các hình thức thu thập thông tin khác; Kết hợp các phương pháp phân tích định tính và định lượng; Phối hợp các các phương pháp thông kê, so sánh, quy nạp, chứng minh, tổng hợp, để phân tích các dữ liệu thu được); Cơ sở thông tin về thị trường (Địa lý, khí hậu; Xu hướng phát triển kinh tế; Xu thế chính trị, xu hướng phát triển xã hội và văn hoá; Luật pháp và các quy định khác liên quan đến kinh tế như về thuế quan, hạn ngạch, quy định cấp phép, các quy định về thuế,…); Mô tả thị trường (Quy mô thị trường; Xu hướng và dự báo thị trường; Cấu trúc thị trường và phân chia vùng; Các kênh thị trường và phương pháp phân phối; Các đối thủ cạnh tranh hiện tại và thị phần; Sản phẩm/dịch vụ cạnh tranh và so sánh với sản phẩm/dịch vụ của nhà xuất khẩu/phân phối; Kết quả thử nghiệm đối với sản phẩm/dịch vụ của các nhà xuất khẩu/phân phối; Thông tin về thị hiếu, thói quen và thái độ của những người tiêu dùng tiềm năng; Giá cả thực tế và chính sách giá cả của các cơ quan, doanh nghiệp hữu quan; Các hình thức quảng cáo và các nỗ lực xúc tiến bán hàng đang được triển khai);
    • Kết luận và kiến nghị:Loại hình đại lý yêu cầu, nếu có; Nhu cầu về thực hiện các hoạt động quảng cáo và xúc tiến; Các kênh phân phối ưu đãi có thể tiếp cận; Mức độ định giá sản phẩm/dịch vụ cụ thể phù hợp với thị trường; Các phương pháp hạn chế cạnh tranh tốt nhất);
    • Phụ lục: Các bảng biểu thống kê; Nguồn tài liệu tham khảo; Danh sách địa chỉ cần thiết.

2.3. Các bước tiến hành viết báo cáo, tham luận kinh tế:

a. Xác định đối tượng phục vụ:

– Xác định rõ đối tượng phục vụ sẽ giúp cho việc viết báo cáo/tham luận dễ dàng hơn, tập trung vào những mục tiêu cụ thể và đảm bảo được hiệu quả thông tin. Có thể xác định đối tượng của báo cáo/tham luận bằng cách trả lời một số câu hỏi như: Ai sẽ đọc hoặc nghe báo cáo/tham luận? Người đọc/người nghe đã biết về vấn đề đó đến đâu? Quan điểm và vai trò của họ trong vấn đề này? Họ mong đợi ở báo cáo/tham luận điều gì? Thông tin nào sẽ là mới và khiến họ quan tâm?

– Đối với các báo cáo kinh tế, đối tượng thường là Chính phủ, các Bộ/Ngành, các cơ quan liên quan đến kinh tế, các địa phương, doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, đối tượng của các tham luận kinh tế ở đây chủ yếu là các cơ quan, doanh nghiệp, học sinh, sinh viên và cả người dân nước ngoài tại địa bàn sở tại.

b. Xác định mục tiêu:

– Mỗi loại đối tượng phục vụ có những quan tâm khác nhau, vì vậy mỗi loại báo cáo/tham luận có thể có những mục tiêu khác nhau.

+ Báo cáo phục vụ các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam ở cấp trung ương cần nêu được diễn biến của vấn đề kinh tế quốc tế/khu vực/của nước sở tại mà trong nước quan tâm, và đặc biệt phải thông tin được những quan điểm, lập trường khác nhau của các nước/các nhóm nước/các tổ chức kinh tế tài chính thế giới/các trung tâm nghiên cứu có uy tín trên thế giới/ và của nước sở tại về vấn đề đó. Báo cáo cũng cần nêu được lịch sử vấn để ( tóm tắt), có hay không có những vấn đề tương tự đã xẩy ra và kết qủa việc giải quyết những vấn đề này ( tốt hay không tốt, nguyên nhân), từ đó đưa ra được những khuyến nghị về chính sách, biện pháp chính trị-kinh tế cần thực hiện ở tầm vĩ mô.

+ Báo cáo phục vụ các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp về các vấn đề kinh tế cụ thể (báo cáo chuyên đề, báo cáo nghiên cứu thị trường hoặc báo cáo thẩm định đối tác) cần hướng vào những nội dung cụ thể (ví dụ: chỉ ra được những cơ hội, thách thức cụ thể đối với một ngành hàng hay một sản phẩm/dịch vụ đang hoặc có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường sở tại) và đưa ra được các khuyến nghị về những giải pháp cần thực hiện ở cấp liên quan.

+ Tham luận kinh tế thường do cán bộ CQĐD (chủ yếu là Thủ trưởng và người thứ hai trong CQĐD) trình bày với các đối tượng ở địa bàn sở tại. Dù là tham luận tổng hợp hay chuyên đề, nội dung đều tập trung vào các vấn đề cụ thể của kinh tế Việt Nam với mục tiêu đáp ứng những quan tâm của các đối tượng nước ngoài, trong đó chủ yếu và quan trọng nhất là các nhà đầu tư, các doanh nghiệp sở tại quan tâm làm ăn, buôn bán với Việt Nam.

– Mục tiêu của báo cáo/tham luận kinh tế không chỉ dừng ở chỗ đáp ứng đúng mối quan tâm của người đọc/người nghe, mà quan trọng hơn, còn phải đạt được yêu cầu “tác động” đến họ. Người viết/người thuyết trình mong muốn người đọc/người nghe sẽ nhìn nhận vấn đề sau khi đọc hoặc nghe báo cáo, tham luận như thế nào, có thái độ, quan điểm gì mới hay thay đổi như thế nào về vấn đề đó?

c. Lên kế hoạch chuẩn bị nội dung:

– Liệt kê các vấn đề, câu hỏi cần phải nêu và trả lời

– Liệt kê các nguồn thông tin sẽ sử dụng

– Xác định các công cụ phân tích để đánh giá các dữ kiện

– Xác định những kiến thức và kỹ năng phân tích cần vận dụng

– Xác định danh sách một số học giả, chuyên gia có uy tín trong nước và ở nước sở tại để tham khảo và yêu cầu hỗ trợ khi cần

d. Xây dựng hồ sơ tư liệu:

  • Các thông tin cần thu thập:

–   Dữ kiện và thông tin chính trị và chính sách liên quan

–   Dữ kiện và thông tin kinh tế

–   Dữ kiện và thông tin luật pháp

–   Dữ kiện khoa học liên quan

Các thông tin, dữ kiện phục vụ cho việc viết báo cáo/tham luận có thể tham khảo từ nhiều nguồn như tài liệu, website của các cơ quan liên quan đến kinh tế của nước sở tại (Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch-Đầu tư,…); các cơ quan, viện, trung tâm nghiên cứu có uy tín trên thế giới và của nước sở tại; tài liệu và website của các tổ chức, diễn đàn kinh tế-thương mại-tài chính tiền tệ khu vực và quốc tế; các báo, tạp chí có uy tín của nước sở tại và các nước khác,… (một số nguồn tham khảo cụ thể xin xem thêm phần Phụ lục của Sổ tay).

  • Xây dựng danh mục tài liệu tham khảo
  • Xác định có cần tiến hành tiếp xúc, phỏng vấn hoặc khảo sát để thu thập thêm thông tin hay không?

e. Tiến hành viết báo cáo/tham luận:

Sau phần mở đầu nêu khái quát tình hình, diễn biến của vấn đề được đề cập, nội dung chính của báo cáo/tham luận nên được trình bày theo những luận điểm lớn với các lập luận tán thành hay phản đối (“for and against”), phân tích được nguyên nhân, tác động của tình hình, dự đoán chiều hướng diễn biến (ngắn, trung và dài hạn) của vấn đề và chỉ ra các tác động có thể của mỗi kịch bản. Phần kết luận cần nêu bật nhận định, đánh giá của người viết về vấn đề đó và đưa ra các cảnh báo (nếu có) và các khuyến nghị liên quan.

2.4. Kỹ năng trình bày tham luận kinh tế:

– Xuất phát từ nhu cầu thực tế, phần này chỉ giới thiệu một số kinh nghiệm thuyết trình các vấn đề kinh tế của Việt Nam, công việc mà cán bộ CQĐD thường xuyên phải thực hiện trong các cuộc tiếp xúc với các đối tượng ở địa bàn sở tại. Kỹ năng này là một phần của kỹ năng thuyết trình (public speaking skill). Kỹ năng thuyết trình đòi hỏi diễn giả phải nắm được lý thuyết về giao tiếp và thể hiện được tính chuyên nghiệp. Đặc biệt, thuyết trình về các vấn đề kinh tế của Việt Nam đòi hỏi diễn giả phải có sự hiểu biết tương đối sâu rộng và chuẩn bị bài tham luận một cách kỹ lưỡng để có thể giải đáp các câu hỏi của người nghe sau phần thuyết trình.

– Thông thường, người thuyết trình không có đủ thời gian để trình bày chi tiết, do đó, cần chuẩn bị bài thuyết trình dưới dạng ngắn gọn, súc tích. Nếu đã có tham luận chi tiết về vấn đề phải thuyết trình, nên rút gọn thành bản tóm tắt gồm những dữ kiện, luận điểm chính, có thể kèm theo một số bảng, biểu số liệu để minh hoạ, và tất cả nên được biên tập để có thể trình bày với máy chiếu (power point). Thuyết trình và trả lời câu hỏi sau thuyết trình là hai phần gắn chặt với nhau, phục vụ cho mục đích, yêu cầu tham luận, có lúc phần trả lời câu hỏi lại là phần gây ấn tượng nhiều hơn.

– Để trình bày tham luận kinh tế đạt hiệu quả, cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau:

a. Ngôn ngữ: Chuẩn bị bài thuyết trình sao cho diễn giả cảm thấy tham dự thực sự vào buổi nói chuyện, bằng cách chọn đại từ nhân xưng sao cho vừa lịch sự vừa thân mật; tránh sử dụng các từ ngữ không phù hợp (giải thích các thuật ngữ kinh tế nếu cần); phân biệt giữa văn viết khi chuẩn bị bản thuyết trình với văn nói khi trình bày trước hội nghị, cuộc họp. Văn phong thuyết trình chú trọng đến việc dùng từ ngữ phổ thông, rõ nghĩa với câu văn ngắn gọn, khúc chiết, thể hiện các ý tứ một cách rõ ràng, chính xác.

b. Cách trình bày: cần chú ý giọng điệu (âm lượng, tốc độ, phát âm, mức trầm bổng …); phong thái tự tin, nhiệt tình, tâm huyết với nội dung tham luận; kết hợp các yếu tố phụ trợ khác (giao tiếp bằng mắt, cử chỉ, trang phục, rất tránh việc đọc nguyên văn bản viết sẵn,…); kết hợp sử dụng các minh hoạ, so sánh sinh động (bảng số liệu, biểu đồ, đồ thị, đồ hoạ với những hình dáng, màu sắc phong phú có có thể giúp tăng đáng kể hiệu quả của bài thuyết trình).

c. Tổ chức phần trình bày: Sau phần giới thiệu (nêu mục đích, bố cục của bài thuyết trình; đặt câu hỏi xung quanh vấn đề sẽ giải quyết) và phần nội dung chính, phần kết luận cần tóm tắt những điểm chính, gợi mở những vấn đề cần tiếp tục suy nghĩ, trao đổi ý kiến và đề xuất các khuyến nghị.

d. Yêu cầu nội dung trình bày:

Nắm vững sự quan tâm, đặc trưng văn hoá, tính cách của người nghe ở nước sở tại, từ đó xác định chủ đề, nội dung và cách thuyết trình phù hợp.

– Do tham luận được đề cập ở đây là nhằm vào các đối tượng tại địa bàn sở tại (thường là tại các hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch,… của Việt Nam hoặc những buổi trình bày theo chuyên đề tại các trường Đại học, các Hiệp hội doanh nghiệp ở nước ngoài), nội dung về kinh tế Việt Nam cần nêu bật được:

  • Những thành tựu lớn về phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong những năm qua (nhấn mạnh chính sách Đổi mới và hội nhập quốc tế).
  • Những lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam (về quy mô thị trường, khả năng tiếp cận thị trường, nhân công có tay nghề và chi phí lao động rẻ, môi trường chính trị-an ninh ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và liên tục trong nhiều năm,…).
  • Những cơ hội và tiềm năng hợp tác cho các nhà đầu tư, doanh nhân nước ngoài khi làm ăn tại Việt Nam (hoặc tại địa phương liên quan), đặc biệt là đối với từng lĩnh vực đầu tư hoặc kinh doanh mà nước ta cần.

e. Phương tiện kỹ thuật hỗ trợ:

Nên sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại để làm tăng sức hấp dẫn và lôi cuốn người nghe, tăng cường hiệu quả của bài thuyết trình như micro, trích đoạn phim tư liệu (nếu có), đèn chiếu thể hiện từng phần của bản tham luận, PowerPoint để minh hoạ một cách sinh động nội dung trình bày.

3. Những điều cần lưu ý:

– Để có được những báo cáo, tham luận kinh tế có giá trị thông tin cao, người viết không chỉ cần trau dồi, nâng cao các kiến thức chuyên môn về kinh tế mà còn cần tích luỹ kiến thức tổng hợp về các lĩnh vực khác như chính trị đối ngoại, lịch sử, văn hoá, luật pháp, nhất là những vấn đề về chính sách kinh tế vĩ mô.

– Đối với báo cáo kinh tế, đặc biệt cần tham khảo các quan điểm, lập trường khác nhau của các cơ quan, cá nhân có vai trò quyết định trong quá trình ra quyết sách, các học giả có uy tín của nước sở tại. Mạng lưới cộng tác viên gồm quan chức Chính phủ, học giả, giới kinh doanh và các nhà hoạt động xã hội,… của CQĐD và của cá nhân cán bộ ngoại giao là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với chất lượng của báo cáo.

– Các số liệu, dữ kiện được nêu trong báo cáo, tham luận kinh tế cần được trích dẫn nguồn tham khảo đáng tin cậy để đảm bảo tính xác thực và thuyết phục của thông tin được cung cấp, đồng thời để cho người đọc/người nghe có thể tham khảo thêm khi cần.

– Báo cáo nên làm một trang giấy trắng để ghi chép những thông tin, nhận định, đánh giá bổ sung để sử dụng cho các báo cáo sau.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here