Mặc dù bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm, Thụy Sỹ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong năm 2020. Theo báo cáo của nhóm chuyên gia Chính phủ Liên bang, dự kiến GDP tăng trưởng 1,7% năm 2020, thất nghiệp và lạm phát ở mức rất thấp 2,4% và 0,1%.
Ngành công nghiệp dược phẩm tiếp tục giữ vững vai trò động lực xuất khẩu của Thụy Sỹ. Sự kết hợp của các yếu tố như tăng và già hóa dân số cùng mức sống thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm dược phẩm cao cấp sản xuất tại Thụy Sỹ, tạo ra sự “miễn dịch“ của ngành công nghiệp này trước những cuộc khủng hoảng địa chính trị và chiến tranh thương mại. Khoảng 50% lợi nhuận từ xuất khẩu của các công ty Thụy Sỹ được tạo ra từ lĩnh vực dược phẩm.
Khác với triển vọng sáng sủa của các công ty dược phẩm hàng đầu Thụy Sỹ như Roche, Novartis, Actelon, những ngành công nghiệp thế mạnh khác của Thụy Sỹ như ngân hàng và sản xuất đồng hồ sẽ có nhiều biến động. Ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ bị tác động đáng kể bởi tình hình bất ổn ở thị trường lớn nhất Hồng Công. Nhu cầu đồng hồ thông minh gia tăng cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu của ngành công nghiệp đồng hồ. Sau giai đoạn dài tái cơ cấu hậu khủng hoảng tài chính kinh tế 2008, khu vực ngân hàng lấy lại được phần nào ổn định dù tỷ lệ lợi nhuận của ngành khá hạn chế do lãi suất ở mức thấp
Đối với chính phủ liên bang, đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Mỹ là ưu tiên hàng đầu. Trong bối cảnh chính sách đối ngoại khó đoán định của chính quyền Trump và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, khó có thể dự báo tiến trình đàm phán. Các nhà ngoại giao Thụy Sỹ tin tưởng hai bên có thể sớm bước vào chính thức đàm phán vì chính quyền Trump hiện tỏ ra thân thiện hơn đối với Thụy Sỹ.
Các chuyên gia cũng cảnh báo về nguy cơ bong bóng bất động sản ở châu Âu và Thụy Sỹ đặc biệt ở khu vực nông thôn. Nguy cơ này khá cao vì nhiều lý do như thay đổi chính sách tiền tệ dẫn đến tăng tỷ lệ lãi suất, suy thoái kinh tế toàn cầu hay suy giảm nhập cư vì vấn đề tự do di chuyển thể nhân trong quan hệ với EU bế tắc. Lịch sử cho thấy chu kỳ khủng hoảng thị trường bất động sản thường diễn ra trong khoảng 20 năm. Lần khủng hoảng cuối diễn ra trong những năm 90 và như vậy nhiều chuyên gia dự báo khủng khoảng có thể xảy ra trong những năm tới./.
(Tin từ ĐSQ Việt Nam tại Thụy Sỹ)