Khai thác dầu đá phiến và ảnh hưởng đến các yếu tố kinh tế, chính trị toàn cầu

0
120
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Hậu quả của việc tiêu diệt tướng Qasem Soleimani tưởng chừng sẽ kéo dài và gây nên những biến động lớn trên thị trường dầu lửa thế giới, tuy nhiên, thị trường này lại không có những biến động đáng kể như một số dự báo trước đó. Có lẽ, nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ sản lượng dầu đá phiến ngày một gia tăng, góp phần bình ổn giá dầu thế giới.

Câu hỏi đặt ra là vì sao giá dầu lại ít biến động hơn trước những bất ổn gần đây, đặc biệt tại các quốc gia Trung Đông so với giai đoạn trước đây?

Trước đây, cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ nhất đã khiến giá dầu “đội” từ mức 15$/thùng vào tháng 8 lên mức 40$/thùng vào tháng 10/1990. Mức giá này duy trì trong vòng hơn 1 năm và đã góp phần đẩy kinh tế Mỹ xuống bờ vực suy thoái vào năm 1991. Sau đó, cuộc tấn công Iraq của Liên quân vào năm 2003 cũng đã khiến giá dầu tăng mạnh và đạt mức cao kỷ lục 31$/thùng trong hơn hai thập kỷ. Sau đó, bất cứ biến động địa chính trị nào tại những khu vực “nhạy cảm” trên thế giới đều khiến giá dầu tăng đột biến, ít nhất là trong thời gian ngắn hạn.

Tuy nhiên, hiện tượng này hoàn toàn thay đổi khi Mỹ đẩy mạnh khai thác dầu đá phiến trong một thập kỷ gần đây, đặc biệt là từ năm 2015. Đối lập với xu hướng ngày một tăng của sản lượng dầu đá phiến, giá dầu Brent ngày một giảm, hiện đã chạm mức 36$/thùng vào cuối năm 2015 từ mức 118$/thùng. Hiện nay, sản lượng dầu của Mỹ đạt kỷ lục 12,8 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2019.

Việc tăng mạnh sản lượng dầu đá phiến giúp kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu giảm phụ thuộc vào nguồn cung dầu tại khu vực Trung Đông, nhất là với những nền kinh tế lớn như Mỹ vốn có nhu cầu cao về dầu mỏ. Ngành khai thác dầu đá giúp Mỹ giảm số lượng dầu nhập khẩu từ các quốc gia thành viên OPEC xuống mức thấp nhất trong 30 năm trở lại đây, mức 1,5 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2019. Đối với thị trường thế giới, quyết định hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu tồn tại 40 năm vào năm 2015 của Mỹ cũng giúp tăng nguồn cung toàn cầu và điều tiết những biến động cung – cầu trên thị trường dầu mỏ.

Việc giảm phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ  đồng nghĩa với việc các Tổng thống Mỹ có thêm nhiều dư địa để có những quyết sách “cứng rắn” hơn với các “quốc gia dầu mỏ” và các cá nhân/tổ chức mang tư tưởng “bài Hoa Kỳ”. Bằng chứng là hiện nay, Mỹ đã áp đặt trừng phạt lên Iran và Venezuela mà không đẩy giá dầu lên quá cao. Điều này cũng có nghĩa là thị trường dầu mỏ nói chung ít bị ảnh hưởng hơn bởi những biến cố, tiêu biểu như cuộc tấn công của Iran vào cơ sở Aramco của Ả rập Xê-út hồi tháng 9, khiến cho sản lượng dầu của nước này giảm 50%.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here