Các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào thung lũng Silicon

0
79
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Các nhà đầu tư Trung Quốc đang tiếp tục đầu tư vào thung lũng Silicon, đổ tiền vào các doanh nghiệp startup và các quỹ đầu tư rủi ro mặc cho những nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm hạn chế các công ty nước ngoài tiếp cận các hợp đồng công nghệ.

Các khoản đầu tư được thúc đẩy phần nào bởi những quy định chưa rõ ràng trong Đạo luật 2018 của Mỹ nhằm hạn chế khả năng nước ngoài tiếp cận các công nghệ nhạy cảm. Các quy định cơ bản để thực thi luật này vẫn chưa được ban hành và các nhà đầu tư và các công ty khởi nghiệp tự xác định giao dịch nào là được phép. Thêm vào đó, nhiều công ty công nghệ khởi nghiệp của Mỹ vẫn mong muốn giữ quan hệ với Trung Quốc.  Nhờ thế, các mối quan hệ đầu tư giữa hai nước vẫn chặt chẽ bất chấp căng thẳng về chính trị và thương mại. Nguồn tiền dính dáng đến Trung Quốc khá đa dạng, và động cơ để đầu tư cũng vậy và rất khó nhận diện.

Luật Sửa đổi quy định về Đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài 2018 (FIRRMA) đã mở rộng quyền của Ủy ban đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CFIUS) trong việc hạn chế đầu tư nước ngoài vào các công ty công nghệ trọng yếu, không cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tác động đến quyết định kinh doanh của doanh nghiệp.

Luật này quy định rằng các công ty khởi nghiệp trong một số lĩnh vực cụ thể khi thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài phải báo cáo CFIUS để được cấp phép và CFIUS có thể loại các khoản đầu tư nước ngoài vào các công nghệ nhạy cảm. CFIUS cũng có quyền hủy các giao dịch đã hoàn thành nếu xác định rằng công nghệ được đầu tư thuộc diện cấm. Vì vậy, việc không báo cáo về một khoản đầu tư nước ngoài có thể gặp phải rủi ro.

Luật này đã khiến đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ trong nửa đầu 2019 giảm khoảng 27% so với nửa cuối 2018, theo thông tin từ công ty nghiên cứu Rhodium Group.

Tuy nhiên, theo nhiều quan chức cũ và đương nhiệm của Chính quyền, CFIUS chưa có đủ công cụ để kiểm soát nguồn gốc các khoản đầu tư. Và chính phủ cũng chưa xác định được công nghệ nào cần hạn chế đầu tư nước ngoài vì thế một số luật sư cho rằng nhiều nhà đầu tư và công ty khởi nghiệp không thấy cần phải báo cáo cho CFIUS.

Hiện nay, một số nhà đầu tư của Trung Quốc đang thay đổi chiến thuật bao gồm cả việc giấu xuất thân, nguồn gốc. Một số nhà đầu tư khác thì chấp nhận đầu tư một cách thụ động, không tham gia kiểm soát công ty. Nicholas Eftimiades, một quan chức tình báo Mỹ đã nghỉ hưu nhận xét, chính sách của chính phủ nhằm hạn chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc đã không hiệu quả như mong muốn.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here