Chiến tranh thương mại: Washington cứng rắn, Bắc Kinh không nhượng bộ, thế giới mắc kẹt

0
99
Cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn đạt được sự đồng thuận, nhưng Mỹ có quá nhiều yêu cầu ngay từ đầu. Sự khó đoán định nhất hiện nay là liệu Trung Quốc có chấp nhận thỏa thuận khi mà Mỹ vẫn kiên trì áp thuế bổ sung một phần hay không.

Mỹ và Trung Quốc hiện đang mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại kéo dài với việc đôi bên gia tăng áp thuế vào hàng hoá nhập khẩu của nhau. Điều này làm dấy lên lo ngại nó sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế toàn cầu.

Cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn đạt được sự đồng thuận, nhưng Mỹ có quá nhiều yêu cầu. Sự khó đoán định nhất hiện nay là liệu Trung Quốc có chấp nhận thỏa thuận khi mà Mỹ vẫn kiên trì áp thuế bổ sung một phần hay không.

Tình hình khó đoán định hơn

Sau khi vòng đàm phán thứ 11 thất bại, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/5 cảnh báo rằng Trung Quốc nên tìm cách đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ ngay bây giờ, nếu không họ sẽ có một thỏa thuận tồi tệ hơn nhiều khi đàm phán trong trường hợp ông Trump tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.

Tổng thống Trump cảnh báo rằng chắc chắn ông sẽ thắng cử và lúc đó để đạt được một thỏa thuận với Mỹ, Bắc Kinh sẽ phải trả giá đắt nhiều hơn. Như vậy, theo Tổng thống Mỹ, “khôn ngoan” hơn hết với Trung Quốc là nên nhân nhượng ngay từ bây giờ. Tuy nhiên, phản ứng của phía Trung Quốc cũng cứng rắn không kém. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh “sẽ không bao giờ đầu hàng trước áp lực”.

Cuộc đàm phán kéo dài hai ngày giữa các phái đoàn thương mại của Bắc Kinh và Washington kết thúc hôm 10/5 mà không đạt thỏa thuận. Nhà đàm phán cấp cao của Trung Quốc cho biết hai bên sẽ sớm gặp lại nhau tại Bắc Kinh, song không nêu rõ thời gian cụ thể, đồng thời cảnh báo Trung Quốc sẽ không nhượng bộ Mỹ về “những quy tắc quan trọng”.

Trong thông báo trên trang cá nhân Twitter ngày 11/5, Tổng thống Trump viết: “Tôi cho rằng Trung Quốc cảm thấy họ đang phải chịu một vố đau trong cuộc đàm phán gần đây và họ có thể chờ đợi đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp theo vào năm 2020 để xem liệu họ có được may mắn nếu đảng Dân chủ chiến thắng. Trong trường hợp đó, họ sẽ tiếp tục tước đoạt của Mỹ 500 tỷ USD mỗi năm. Nhưng họ không biết rằng nếu tôi chiến thắng, thì họ sẽ có một thỏa thuận thương mại tồi tệ hơn nếu đàm phán trong nhiệm kỳ thứ hai của tôi. Vì thế họ nên hành động ngay bây giờ nếu không muốn bị áp thuế nặng nề hơn”.

Mỹ và Trung Quốc hiện đang mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại kéo dài với việc đôi bên gia tăng áp thuế vào hàng hoá nhập khẩu của nhau. Điều này làm dấy lên lo ngại nó sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế toàn cầu.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, các công ty có thể tránh được chi phí phát sinh bằng cách sản xuất hàng hoá tại Mỹ: “Để tránh thuế quan ư? Bạn chỉ cần chế tạo hoặc sản xuất sản phẩm tại Mỹ. Đây là cách đơn giản”.

Ông Trump cáo buộc Bắc Kinh đã từ bỏ các cam kết trong cuộc đàm phán thương mại, đồng thời áp dụng biện pháp trừng phạt mới khi nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc. Quyết định này có hiệu lực ngày 10/5.

Trên trang Twitter, Tổng thống viết: “Hãy nhớ, họ đã phá vỡ thỏa thuận với chúng ta và đã cố gắng đàm phán lại. Chúng ta sẽ có hàng chục tỷ USD thuế quan từ Trung Quốc. Người mua các sản phẩm có thể tự sản xuất tại Mỹ hoặc mua sản phẩm từ các quốc gia không phải chịu thuế quan”. Ông cho biết thêm Mỹ sẽ sử dụng một phần nhỏ trong tổng số tiền từ việc áp thuế quan đối với Trung Quốc và phân phát thức ăn cho những người dân đang đói khát ở các quốc gia trên toàn thế giới. Hãng tin AFP dẫn thông báo của Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, cho biết: “Tổng thống cũng đã lệnh cho chúng tôi bắt đầu quá trình tăng thuế đối với hầu hết số hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc. Số hàng này ước có tổng giá trị khoảng 300 tỷ USD”.

Ai lợi thế hơn ai?

Hầu hết các phân tích gia đồng ý rằng Bắc Kinh sẽ thiệt hại nhiều hơn Washington nếu chiến tranh thương mại kéo dài. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể giảm khoảng 1,6% trong năm nay nếu các mức thuế trừng phạt của Mỹ tiếp tục đẩy các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ, theo ước đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trong khi đó, Mỹ đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh, thị trường lao động lành mạnh và Phố Wall ít lo sợ hơn. Những yếu tố này đã giúp cho chính quyền Trump có lập trường mạnh bạo hơn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia khác tin rằng lập trường của chính quyền Trump có lẽ không mạnh mẽ như tựa đề các bài báo thể hiện. “Cho đến nay, các công ty Mỹ đã hấp thụ phần lớn chi phí của thuế quan, nhất là đối với những hàng hóa đã bị đánh thuế ở mức chỉ 10%” – ông Andrew Coflan, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc ở Eurasia Group, nói với Al Jazeera.

“Tuy nhiên, 25% sẽ khó khăn hơn rất nhiều để xoay sở nếu tính đến mức lời trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Coflan nói thêm. “Những chi phí này sẽ được chuyển sang cho người tiêu dùng. Điều này sẽ dẫn đến vừa lạm phát vừa mất việc làm”.

Trên thực tế, một trong các nạn nhân đầu tiên của việc chính quyền Mỹ tăng thuế với hàng Trung Quốc là các doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ, buộc phải gánh chịu mức giá tăng. Giới trung lưu Mỹ cũng có nguy cơ phải trả nhiều tiền hơn cho các mặt hàng tiêu thụ thông thường. Theo tổ chức Trade Partnership, việc tăng thuế nhập khẩu đối với hơn 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 10% lên 25% sẽ khiến một gia đình Mỹ bốn người thiệt hại trung bình khoảng 767 USD/năm. Sau vòng đàm phán thất bại, Washington và Bắc Kinh đều tuyên bố sẽ nối lại thương lượng. Tuy nhiên, hiện chưa biết đến khi nào các cuộc đàm phán được Tổng thống Mỹ đánh giá là “thẳng thắn” và “mang tính xây dựng” sẽ tiếp tục.

Nếu cuộc chiến kéo dài?

Đối với triển vọng đàm phán tiếp theo giữa Trung Quốc và Mỹ, một tài khoản trên WeChat cho rằng Mỹ có nhiều sáng kiến hơn, nhưng nếu một bên chỉ xem xét các yêu cầu của riêng mình và gây áp lực cho bên kia, xem nhẹ tính công bằng của các cuộc đàm phán, thì có khả năng hai bên cùng không đạt được gì. Thời Ân Hồng, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn đạt được sự đồng thuận, nhưng Mỹ có quá nhiều yêu cầu ngay từ đầu. Thật không thực tế khi yêu cầu Bắc Kinh phải thực hiện cải cách thể chế mạnh mẽ và Washington dường như cũng hiểu điều này. Sự khó đoán định nhất hiện nay là liệu Trung Quốc có chấp nhận thỏa thuận khi mà Mỹ vẫn kiên trì áp thuế bổ sung một phần hay không.

Hôm 7/5, chứng khoán Mỹ hứng đòn, khi các chỉ số chứng khoán chủ chốt mất gần 2% vì nỗi lo leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Có thể nói, đôi bên đang dàn trận và các thị trường hàng ngày đang tính điểm được thua, mà mọi trận chiến đều có tổn thất nên vấn đề là ai chịu được tổn thất nhiều hơn thì sẽ có hy vọng chiến thắng.

Còn một yếu tố bất ngờ khác đó là nạn dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành tại Trung Quốc kể từ tháng 8/2018, khiến giá thịt lợn được cho là sẽ tăng và giá ngô, đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi có thể sụt giảm. Loại ảnh hưởng đó tác động vào Trung Quốc – nước tiêu thụ nhiều thịt lợn nhiều nhất châu Á tính theo đầu người, và cũng sẽ chi phối trận thương chiến Mỹ – Trung vì Trung Quốc nhập khẩu ngô, đậu tương từ Mỹ và áp thuế quan lên loại nông sản này để trả đũa.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa thể dàn xếp được một thỏa thuận tạm và còn được cho là sẽ còn lây lan, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi vì là điểm đến cho dòng vốn đầu tư trực tiếp từ các nước khác, khi thị trường Trung Quốc đã không còn ưu thế nhân công đông và lương thấp. Tuy nhiên, khi trận thương chiến Mỹ-Trung leo thang với viễn cảnh bị áp thuế tới 25% trên 325 tỷ USD hàng hoá thì chính nhà sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc bị thiệt hại nên họ cũng sẽ tìm cách đầu tư sang khu vực Đông Nam Á để bù lỗ cho dù có tốn kém hơn. Nơi đó có thể là Việt Nam nên Việt Nam có cơ hội lớn hơn trước dù cũng dễ bị rủi ro.

Đầu tiên sẽ là nạn ô nhiễm môi trường và khả năng kiểm soát vệ sinh và dịch tễ. Bài toán khác là hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất phù trợ cho sản xuất và xuất khẩu trong khi lại lệ thuộc quá nhiều vào đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

Thế giới đang chứng kiến một mâu thuẫn thuộc cơ chế kinh tế, xã hội và chính trị giữa hai quốc gia, với hậu quả dồn dập gần như hàng ngày hàng giờ tràn qua các nước khác. Nhìn từ xa tới gần, chuyện trước mắt là sự trồi sụt của thị trường, chuyện sâu xa lâu dài là chính sách kinh tế trong những năm tới vì đã quyết định rồi thì mất vài năm mới được thực hiện và hoàn thành.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có tham vọng trường kỳ và toan tính lâu dài. Lần này, họ lúng túng vì Mỹ có một Tổng thống là ông Donald Trump không muốn đi vào “vết xe đổ” của các vị tiền nhiệm nên gây áp lực dữ dội. Nhưng Bắc Kinh có thể nghĩ Tổng thống Mỹ chẳng tồn tại mãi mà cứ hai năm lại bị tấm lịch bầu cử chi phối nên họ đối phó theo hướng đó như đã từng làm như vậy và thành công trong mấy chục năm qua với Mỹ.

Phương Nga (theo Sputnik)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here