Trong 3 quý đầu năm, xuất khẩu nhóm hàng này sang EU (28 nước) đạt 10,14 tỷ USD, tăng 10,9%; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng gấp 2,4 lần, đạt trị giá gần 5,78 tỷ USD; sang thị trường Hoa Kỳ đạt 4,16 tỷ USD, tăng 43,7%; sang thị trường Hàn Quốc đạt 3,34 tỷ USD, tăng 17,1%… Xét theo thị trường là từng quốc gia, vùng lãnh thổ, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường xuất khẩu số một của nhóm hàng điện thoại và linh kiện.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, thời gian gần đây, điện thoại và linh kiện luôn giữ vị trí là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, chiếm đến gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Có 2 tháng trong năm 2018. kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục trên 21 tỷ USD/tháng là tháng 3 (21,133 tỷ USD) và tháng 8 (23,481 USD) đều nhờ vào mức tăng trưởng cao của mặt hàng này (kim ngạch xuất khẩu điện thoại trong hai tháng này đều đạt trên 5 tỷ USD).
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại năm 2018 đạt 48,5 tỷ USD, tăng khoảng 7,13% so với năm 2017. Trung Quốc vẫn sẽ trở thành một trong những thị trường chủ lực của mặt hàng này.
Nguyên nhân là bởi tháng 8 vừa qua, Samsung đã ra mắt sản phẩm mới, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu. Đến nay, hai nhà máy sản xuất điện thoại của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam đã cán mốc sản xuất hơn 1 tỷ thiết bị di động ở Việt Nam. Tính tới tháng 6/2018, đã có tổng cộng 1.057.433.000 thiết bị di động (gồm điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị đeo thông minh và các sản phẩm điện thoại cơ bản khác) đã được sản xuất sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, Nhà máy Samsung Bắc Ninh sản xuất được hơn 625 triệu sản phẩm, còn Samsung Thái Nguyên sản xuất hơn 431 triệu sản phẩm; trong đó, khoảng 97% sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu.
Ngoài ra, số lượng linh kiện điện thoại xuất khẩu có thể tăng thêm do nhà máy sản xuất tại Ấn Độ đã chính thức đi vào hoạt động, nhà máy này chủ yếu là lắp ráp nên phụ thuộc vào nguồn linh kiện sản xuất tại nước ngoài. Điện thoại sẽ vẫn giữ vững vị trí là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta./.
Nguồn: Báo Công Thương