Một số khuyến nghị nhằm tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam – Nhật Bản

0
100
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn:: VGP)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn:: VGP)

Có thể nhận định quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hiện nay đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp chưa từng có trong lịch sử kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973 (1973-2018). Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất.

Nhiều triển vọng thuận lợi

Trong thời gian qua, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Năm 2017 Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc) của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng thương mại song phương bình quân giai đoạn 2005-2017 đạt tăng trưởng mạnh với hai con số từ 8,5 tỷ USD năm 2005 lên 33,4 tỷ USD vào năm 2017.

Nhiều mặt hàng Việt Nam từ lâu đã thâm nhập và có chỗ đứng khá tại thị trường trước hết là các mặt hàng may mặc, giầy dép, thủy sản, rau quả, đồ gỗ, cà phê, dây cáp điện, sản phẩm điện tử và linh kiện…Trong thời gian tới, thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn tiếp tục có nhiều thuận lợi ngoài ra một số lĩnh vực như Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, công nghiệp (gia công phần mềm), gia công cơ khí có tiềm năng xuất khẩu lớn sang Nhật Bản.

(Nguồn Hải quan Việt Nam)

Về tình hình đầu tư Nhật Bản luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam với trên 3.700 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 50 tỷ USD. Tính 12 tháng năm 2017 có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam thì Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Nhật Bản với dân số hơn 126 triệu người đứng thứ 10 trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người khoảng 39 nghìn USD, hiện có khoảng 260 nghìn người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản cho thấy đây là thị trường có sức tiêu thụ lớn với tổng kim ngạch nhập khẩu 606,871 tỷ USD, tuy nhiên nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2,8% cho thấy hàng xuất khẩu của Việt Nam còn có rất nhiều dư địa và nhiều tiềm năng ở thị trường này.

Trong thời gian tới, hợp tác thương mại Việt Nam – Nhật Bản được dự báo có nhiều triển vọng thuận lợi. Hai nền kinh tế sẽ được kết nối chặt chẽ với ý nghĩa nhằm thúc đẩy toàn diện, làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản mà Lãnh đạo hai nước đã khẳng định trong các chuyến thăm cao cấp gần đây.

Thực tiễn hợp tác phản ảnh mối quan hệ hội tụ sâu rộng lợi ích quốc gia giữa hai nước. Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển, có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, là nguồn đáng tin cậy về các khoản tài trợ, thương mại dịch vụ và đầu tư công nghệ cao. Nguồn vốn ODA và đầu tư của Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế – xã hội bền vững của Việt Nam.

Việt Nam tuy là nước đang phát triển, mới bước vào ngưỡng các nước có thu nhập trung bình nhưng lại là một thị trường lớn với hơn 95 triệu dân cùng tâng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh. Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn cho hàng hóa và các sản phẩm đầu tư của Nhật Bản với chi phí lao động tương đối rẻ, trình độ công nhân lành nghề… Như vậy, hai nước có nhiệu lợi ích tương đồng, có nhiều tiềm năng để bổ sung, tương trợ lẫn nhau; sự phát triển của nước này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nước kia. Nhật Bản có tiềm lực mạnh, công nghệ tiên tiến, có kinh nghiệm và trình độ quản lý cao, trong khi Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, nguồn tài nguyên phong phú và một thị trường đầy tiềm năng. Các ngành công nghiệp thế mạnh của Nhật Bản như chế biến, chế tạo, xây dựng, năng lượng, thương mại dịch vụ… đều rất cần thiết đối với Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, Việt Nam là cửa ngõ quan trọng hướng tới thị trường ASEAN đang phát triển mạnh mẽ, gồm hơn 650 triệu dân và tổng GDP hơn 2.500 tỷ USD.

Một nội dung hợp tác mà hiện hai bên đang dành nhiều sự quan tâm đó là “Chiến lược công nghiệp quá trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Trong đó, chế biến nông sản, thủy sản; hàng điện tử; sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô; máy nông nghiệp; công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng; đóng tàu là sáu ngành công nghiệp quan trọng mà hai nước đã và đang tập trung hợp tác trong thời gian tới. Phạm vi hợp tác cũng được mở rộng bên cạnh các thỏa thuận thương mại tự do song phương đã ký kết, hai bên cam kết phối hợp chặt chẽ với nhau trong các liên kết khu vực như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Những khuyến nghị trong hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới

Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới sẽ tăng cường hợp tác nhằm nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm chất lượng cao, thông qua chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tạo điều kiện giúp Việt Nam phát triển công nghiệp hóa, các sản phẩm có sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới…

Chính vì vậy, mục tiêu kết nối kinh tế, thương mại với Nhật Bản sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức và ý thức rõ việc tạo môi trường đầu tư và hoạt động thương mại thông thoáng, chuyên nghiệp với các đối tác Nhật Bản sẽ là cơ hội để đưa nền kinh tế đất nước ngày càng hội nhập sâu, rộng hơn và phát triển bền vững trong tương lai.

Trong thời gian tới, phát triển thương mại gắn liền với hợp tác đầu tư. Thương mại phải được đẩy mạnh sao cho luôn là lĩnh vực phát triển nhất trong hợp tác kinh tế giữa hai nước. Đẩy mạnh hoạt động thương mại với Nhật Bản, đồng thời gia tăng việc thu hút đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngành công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng chất lượng, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu để hàng Việt có chỗ đứng trên thị trường Nhật Bản nói riêng cũng như thị trường thế giới nói chung.

Tăng cường xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có tiềm năng và lợi thế sang thị trường Nhật Bản, những mặt hàng được hưởng ưu đãi từ Hiệp định VJEPA, và AJCEP, chú trọng phát triển thêm một số mặt hàng mới có triển vọng như thực phẩm chế biến, vật liệu xây dựng… hạn chế xuất khẩu các mặt hàng kém khả năng cạnh tranh và gây lãng phí tài nguyên thiên nhiên, đồng thời coi Nhật Bản là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Tiến tới xuất khẩu những mặt hàng có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao và giảm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô và hàng sơ chế sang Nhật Bản.

Đẩy mạnh nhập khẩu các dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại và nguyên vật liệu cần thiết từ Nhật Bản để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và là tiền đề để thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản nói riêng. Tăng tỷ trọng nhập khẩu máy móc thiết bị hiện đại, giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh kiện, không nhập khẩu những thiết bị, công nghệ loại hai gây ô nhiễm môi trường. Nhật Bản được cho rằng sẽ là thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị chính của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

Tạ Đức Minh,

Tham tán phụ trách thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here