Xuất nhập khẩu có nhiều khả năng về đích vượt xa kỷ lục của năm 2022

0
34
(minh họa)

Có thể nói, 8 tháng đầu năm 2024, về tổng quan, các chỉ số vĩ mô đều tăng trưởng tương đối khả quan, trong đó xuất nhập khẩu tăng gần 17%, là điểm sáng của nền kinh tế.

Lũy kế hết tháng 8/2024, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 246,87 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: Cấn Dũng)

Theo số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan công bố chiều ngày 11/9, tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 37,79 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 265,44 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chiều ngược lại, nhập khẩu ghi nhận kim ngạch 33,74 tỷ USD trong tháng 8, giảm nhẹ 0,4% so với tháng trước. Lũy kế hết tháng 8, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 246,87 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, từ đầu năm đến hết tháng 8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 512,31 tỷ USD. Cán cân thương mại thặng dư 18,57 tỷ USD, thấp hơn so với con số gần 20 tỷ USD của năm 2023.

Năm 2022 được xem là năm lập kỷ lục về xuất nhập khẩu, vượt 732 tỷ USD, trong đó xuất khẩu lần đầu tiên vượt 371 tỷ USD. Còn 2023, chịu tác động của kinh tế, thương mại toàn cầu suy giảm, xuất nhập khẩu đạt 681,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD.

Với tình hình đơn hàng hiện tại và nhìn vào tốc độ tăng tốc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, xuất nhập khẩu có nhiều khả năng về đích vượt xa kỷ lục của năm 2022.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 8/2024 đạt 34.379 tỷ đồng, giảm 9% so với tháng trước. Trong 8 tháng, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 274.035 tỷ đồng, bằng 73,1% dự toán được giao, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể nói, 8 tháng đầu năm 2024, về tổng quan, các chỉ số vĩ mô đều tăng trưởng tương đối khả quan, trong đó xuất nhập khẩu tăng gần 17%, là điểm sáng của nền kinh tế. Đáng chú ý, trong cơ cấu hàng hoá xuất khẩu hiện nay, nhóm nông sản và khoáng sản chỉ chiếm 12%; nhóm công nghiệp chiếm trên trên 88%. Như vậy, xuất khẩu tăng cao chủ yếu do xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp tăng cao. Điều này phản ánh đúng với những mục tiêu mà các chiến lược, kế hoạch xuất nhập khẩu đề ra.

Sản xuất nông nghiệp cũng đang có nhiều dấu hiệu khả quan, dù biến đổi khí hậu vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhờ đó, Việt Nam có nguồn nông sản dồi dào phục vụ xuất khẩu trong bối cảnh giá xuất khẩu đang tăng cao.

Thời gian tới, Bộ Công Thương cần tiếp tục triển khai các giải pháp thông tin sớm về thị trường, đồng thời, bảo vệ cho hàng hoá xuất khẩu bằng việc tăng cường cảnh báo sớm các giải pháp phòng vệ thương mại.

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan nói riêng và hoạt động xuất, nhập khẩu nói chung, đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục Hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia.

Việc triển khai thủ tục hải quan điện tử đã tạo ra bước cải cách đột phá, thay đổi toàn diện phương thức khai, nộp hồ sơ hải quan từ thủ công sang điện tử, việc xử lý phản hồi của cơ quan hải quan cho doanh nghiệp cũng thực hiện thông qua hệ thống điện tử, tạo thuận lợi lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thiểu chứng từ, giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan trong các khâu… Thời gian tiếp nhận và thông quan đối với tờ khai luồng xanh chỉ từ 1-3 giây.

Đồng thời, ngành hải quan đã hỗ trợ, hợp tác với các hiệp hội và doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin về chính sách, quy định pháp luật liên quan đến thủ tục hải quan và chính sách xuất nhập khẩu một cách thường xuyên, kịp thời; tăng cường đào tạo, huấn luyện cho nhân viên đại lý, làm thủ tục hải quan, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tạo dựng được uy tín để thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực.

An Hải

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here