Cơ cấu hàng xuất khẩu của Bangladesh đang có sự thay đổi khi hàng thực phẩm khô (chế biến) đã có bước tiến lớn với mức tăng 6,5 lần trong một thập kỷ. Thực phẩm chế biến trong nước đạt 243,47 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 7/2020 đến tháng 4/2021 của năm tài chính hiện tại (FY2020-21), tăng trưởng 49% so với cùng kỳ năm tài khóa trước.
Các nhà sản xuất và nhà phân tích cho rằng tác động của Covid-19 trên toàn thế giới có thể là một trong những lý do thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm loại này của Bangladesh. Trong thời đại dịch, các nước tăng cường nhập khẩu thực phẩm khô và các sản phẩm liên quan khác. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ của chính phủ, bao gồm cả ưu đãi tài chính từ năm 2010, đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển trong công nghiệp chế biến thực phẩm của Bangladesh.
Theo dữ liệu của Cục Xúc tiến Xuất khẩu (EPB), một thập kỷ trước, vào FY2011-12, giá trị xuất khẩu thực phẩm chế biến ở mức là 37,19 triệu USD.
Các loại thực phẩm chế biến như bánh quy, bánh ngọt, mì ống, bột ngô, bánh mì, bánh quế và bánh xốp, bánh mì que, các thành phẩm chế biến thức ăn hỗn hợp, khoai tây chiên, chanachur (một loại snack), sô cô la và thực phẩm chế biến sẵn khác từ ngũ cốc xuất khẩu trong 10 tháng đầu của FY2020-21 tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ 4 năm trước FY2016-17. Trong FY2016-17, khối lượng xuất khẩu thực phẩm khô của Bangladesh là 109,61 triệu USD. Nhưng chỉ 10 tháng đầu FY2020-21 hiện tại, loại hàng này đã thu về 243,47 triệu USD.
Trong FY2017-18, xuất khẩu thực phẩm chế biến đã có một cú tăng trưởng ngoạn mục so với FY2016-17 với giá trị là 201,36 triệu USD. Và tăng đáng kể lên 227,09 triệu USD trong năm FY2018-19. Mặc dù trong năm FY2019-20, hàng thực phẩm chế biến được ghi nhận là tăng trưởng âm so với năm trước, chỉ đạt trị giá 193,71 triệu USD, nhưng đã lấy lại được chỗ đứng trên thị trường thực phẩm khô toàn cầu trong năm tài chính hiện tại.
Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Singapore, Malaysia, Ả Rập Saudi, UAE, Qatar, Bahrain, Oman, Hong Kong, Anh, Ý và Pháp là những thị trường xuất khẩu hàng đầu của thực phẩm khô Bangladesh.
Khurshid Ahmad Farhad, Tổng giám đốc của Bombay Sweets, cho biết “mặc dù đây là một ngành xuất khẩu nhỏ ở Bangladesh, nhưng trong vài năm tới, thu nhập ngoại hối loại hàng hóa này sẽ chạm mốc 1 tỷ USD”.
Md Shafiqur Rahman Bhuiyan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất bánh quy & bánh mì Bangladesh, cho rằng đại dịch đã buộc người tiêu dùng quốc tế phụ thuộc nhiều hơn vào thực phẩm chế biến, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm khô của Bangladesh. Bên cạnh đó, một số khuyến khích của chính phủ cùng với sự bùng nổ công nghiệp chế biến nông sản đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đa dạng hóa giỏ hàng xuất khẩu của Bangladesh.
Giám đốc Nghiên cứu của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD), Tiến sĩ GK Moazzem nhận xét đây là một tin tốt khẳng định hàng thực phẩm chế biến của Bangladesh có chỗ đứng trong thị trường tiêu dùng quốc tế và gợi ý các sản xuất trong nước có thể liên doanh với một số công ty thương hiệu quốc tế. Bên cạnh đó, cần phải tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế và nhu cầu thực phẩm của họ để tăng xuất khẩu.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)