Tin Kinh tế Mỹ

0
46
(AFP)
(AFP)

1. The Hill: Tổng thống Biden tuyên bố người lao động Mỹ không thể từ chối đi làm để nhận trợ cấp

Ngày 10/5/2021, the Hill đã trích dẫn phát biểu của Tổng thống Biden rằng những người lao động đang thất nghiệp và hưởng trợ cấp của chính phủ sẽ cần phải nhận các công việc phù hợp mà họ được đề nghị hoặc họ sẽ không được nhận các trợ cấp thất nghiệp nữa. Tổng thống Biden đưa ra tuyên bố này sau khi báo cáo tình hình thất nghiệp cho thấy số lượng việc làm tháng 4/2021 tăng chậm ở mức 266,000 việc làm mới, thấp hơn nhiều so với dự đoán của các nhà kinh tế. Nhiều doanh nghiệp và nghị sỹ Cộng hoà đã chỉ trích rằng các khoản phúc lợi thất nghiệp bổ sung đã không tạo động lực cho người lao động đi làm và cần loại bỏ các khoản phúc lợi này.

Gói cứu trợ 1,9 tỷ USD mà Tổng thống Biden ký thành luật vào tháng 3/2021 hỗ trợ thêm khoảng 300 USD/tuần cho một số người lao động và khoản phúc lợi này sẽ kéo dài cho đến tháng 9/2021. Nhiều người chỉ trích rằng khoản phúc lợi này khiến nhiều người không muốn đi làm. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng ít có mối liên hệ giữa gói cứu trợ và tỷ lệ việc làm thấp. Một số ý kiến cho rằng việc phải ở nhà chăm sóc con cái là vấn đề chính ngăn cản người lao động nhận việc làm.

Tuyên bố của Tổng thống Biden cho thấy chính quyền Biden không muốn bị nhìn nhận là đã cung cấp các khoản phúc lợi khiến người lao động không muốn làm việc. Tống thống Biden tuyên bố: “Không ai được phép trục lợi từ hệ thống… chúng ta cần tập trung vào các vấn đề thực sự trước mắt là đánh bại đại dịch và tạo ra việc làm.” Chính quyền Biden viện dẫn con số này như dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang hồi phục. Tổng thống Biden cho rằng việc đưa nền kinh tế Mỹ ra khỏi hố sâu là việc không dễ dàng, các con số có thể cao hoặc thấp hơn kỳ vọng ở một số thời điểm, nhưng chiều hướng phát triển kinh tế là rất rõ ràng.

Bộ Lao động dự kiến sẽ gửi thư cho các bang để khẳng định rằng các cá nhân nhận gói cứu trợ sẽ không tiếp tục nhận được phúc lợi nếu họ từ chối các công việc thích hợp với họ vì các lý do chung chung, không cụ thể liên quan đến Covid-19. Người lao động sẽ không phải thực hiện qui định này nếu họ không thể nhận công việc do phải chăm sóc con cái hoặc nơi làm việc không tuân thủ các hướng dẫn y tế của bang hoặc liên bang.

2. The Washington Post: Hệ thống đường ống năng lượng của công ty Colonial Pipeline có thể hồi phục cơ bản vào cuối tuần tới.

Ngày 10/5/2021, The Washington Post đưa tin hệ thống đường ống năng lượng của công ty Colonial Pipeline có thể cơ bản hồi phục vào cuối tuần tới. Hệ thống này đã bị một mã độc đòi tiền chuộc tấn công vào ngày 7/5/2021 khiến công ty phải khoá hệ thống đường ống năng lượng lớn nhất nước Mỹ vào chiều Thứ Sáu. Đường ống của hãng Colonial dài khoảng gần 9,000km, vận chuyển dầu từ các nhà máy lọc dầu ở Vùng Vịnh đến các khách hàng ở miền Nam và miền Đông nước Mỹ. Công ty cho biết họ vận chuyển khoảng 45% tổng số năng lượng tiêu thụ ở bờ Đông của nước Mỹ đến cho hơn 50 triệu người Mỹ và nhiều sân bay lớn.

Cuộc tấn công mã độc nêu trên là cuộc tấn công lớn nhất vào cơ sở hạ tầng xăng dầu của Mỹ. Hành động này đã đe doạ đến nguồn cung xăng dầu cho ô tô và máy bay của phần lớn bờ Đông nước Mỹ. Điều này được dự báo sẽ khiến giá xăng dầu gia tăng, nhưng có thể không tạo ra những đứt gãy lớn cho nền kinh tế. Colonial Pipeline cho biết công ty đặt ưu tiên cao nhất cho việc duy trì an toàn của hệ thống đường ống và đưa hệ thống trở lại hoạt động.

Nhà Trắng đã phải thành lập một nhóm đặc trách về vụ việc này và đã liên hệ với chính quyền các bang để đánh giá tác hại cũng như hướng giải quyết. Bộ Giao thông đã phải nới lỏng một số qui định để cho phép vận chuyển năng lượng dễ dàng. Giá xăng đã tăng hơn 1% vào sáng Thứ Hai do tâm lý e ngại về sự thiếu hụt xăng dầu, nhưng giá xăng hiện vẫn không quá cao, trung bình ở mức khoảng 2,96USD/gallon. Cố vấn An ninh Nội địa Liz Sherwood-Randall trấn an rằng sẽ không có sự khan hiếm xăng dầu nào cả và chính quyền đang xây dựng nhiều phương án ứng phó khác nhau.

FBI đang điều tra vụ tấn công và cho rằng nhóm DarkSide, nhóm tin tặc xuất phát từ Nga, đã gây ra vụ việc. Khoảng 2,400 tổ chức tại Mỹ đã là nạn nhân của các mã độc đòi tiền chuộc trong năm 2020. DarkSide ra tuyên bố rằng vụ tấn công hoàn toàn vì động cơ tài chính, không liên quan đến chính trị. DarkSide nổi lên từ tháng 8/2020. Nhóm này chủ yếu thực hiện các vụ tấn công từ Nga và tránh tấn công các mục tiêu trong nước Nga. Phó Cố vấn An ninh Quốc gia về An ninh mạng Anne Neuberger cho biết FBI bắt đầu theo dõi DarkSide từ tháng 10/2020 và Mỹ chưa nhìn thấy mối quan hệ giữa DarkSide và một chính phủ nước ngoài nào. Tổng thống Biden cho biết chưa có bằng chứng cho thấy Nga liên quan đến vụ việc này, mặc dù có bằng chứng cho thấy tác giả của phần mềm mã độc sống ở Nga; Nga cũng có một phần trách nhiệm trong việc này.

3. Inside Trade: Sở hữu trí tuệ trong đại dịch từ con mắt của những người liên quan.

Ngày 10/5/2021, Inside Trade có bài phân tích về tuyên bố ủng hộ bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin Covid-19 của chính quyền Biden từ góc nhìn của các đối tượng khác nhau.

Từ góc nhìn của chính quyền Biden, đây là các biện pháp phi thường trong bối cảnh phi thường. Chính quyền Biden đã mất một thời gian lâu với đưa ra quan điểm về việc bỏ sở hữu trí tuệ với vắc-xin Covid-19, nhưng khi đã xác định quan điểm thì đưa ra những tuyên bố rất mạnh mẽ. Bà Katherina Tai, Đại diện Thương mại Mỹ, đã tuyên bố rất mạnh rằng “Đây là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, và các điều kiện đặc biệt của Covid-19 đòi hỏi các biện pháp phi thường.” Bà Tai cam kết sẽ tích cực tham gia thảo luận văn bản của WTO để mở rộng việc phân phối vắc-xin và chấm dứt đại dịch. Các nhóm xã hội dân sự đã vận động nhiều tháng để chính quyền Biden ủng hộ việc bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ trên vấn đề này. Ví dụ, tháng 2/2021, hơn 200 nhóm xã hội dân sự đã công khai biểu đạt rằng “sẽ không thể hiểu được rằng chỉ một số ít công ty dược phẩm sẽ thu lợi từ độc quyền sở hữu trí tuệ trong khi toàn bộ thế giới đang đau khổ.”

Từ góc nhìn của ngành công nghiệp dược, các công ty phản đối việc bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ vì cho rằng đây là giải pháp sai lầm. Phòng Thương Mại Mỹ (USCC) cho rằng thay vì bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ thì cần có các hành động quyết liệt để dỡ bỏ các hàng rào thương mại và quản lý để thúc đẩy phân phối toàn cầu đối với các thuốc chữa trị và vắc-xin. Hiệp hội các cơ quan sản xuất và nghiên cứu dược của Mỹ (PhRMA) cho rằng việc bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ không giúp thúc đẩy nghiên cứu vắc-xin trong khi có thể phổ biến vắc-xin giả.

Từ góc nhìn của WTO, tuyên bố của Mỹ có ý nghĩa rất lớn nhưng sẽ không giúp WTO sớm đi đến thoả thuận về vấn đề này. Tiến trình thảo luận một thoả thuận về bỏ sở hữu trí tuệ với vắc-xin Covid-19 sẽ kéo dài. Các thành viên WTO hiện còn nhiều khác biệt về ảnh hưởng của bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với việc thúc đẩy các nước tiếp cận nhanh chóng và an toàn đến vắc-xin và các sản phẩm y tế khác. Một số nước vẫn chưa nhất trí về việc bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ về vắc-xin. Bỏ bảo hộ về vắc-xin chỉ là một trong 4 “mặt trận” mà tổ chức này đang triển khai (các vấn đề khác là: (i) chia sẻ vắc-xin; (ii) xem xét lại các hạn chế xuất khẩu và các thủ tục hành chính, thủ tục hải quan ngăn cản chuỗi cung ứng vắc-xin; và (iii) huy động năng lực sản xuất nhàn rỗi).

Bài báo cho rằng cuộc tranh luận về việc bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin sẽ còn kéo dài nhiều tháng nữa.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here