Xuất khẩu sang Hoa Kỳ: Giải pháp nào để hạn chế bị điều tra phòng vệ thương mại?

0
33
Các đại biểu thảo luận tại Tọa đàm “Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ”, ngày 22/12, tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Từ năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng trưởng. Hàng hóa xuất khẩu của nước ta có khả năng tiếp tục phải đối diện các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.

Các đại biểu thảo luận tại Tọa đàm “Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ”, ngày 22/12, tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 22/12, tại Hà Nội, Tạp chí Công Thương tổ chức Tọa đàm Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Trong những năm qua, thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng tăng trưởng. Tuy nhiên, song song với đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có khả năng sẽ phải đối diện nhiều hơn các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) từ nước này.

Vì vậy, tại Tọa đàm trên, các đại biểu tập trung thảo luận vấn đề doanh nghiệp cần trang bị những gì để có thể đối phó với rủi ro và hạn chế điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh khi xuất khẩu.

Ngoài ra, việc cơ quan quản lý Nhà nước sẽ hỗ trợ như thế nào để doanh nghiệp chủ động bảo vệ trước biện pháp chống lẩn tránh tại thị trường Hoa Kỳ cũng được các đại biểu quan tâm trao đổi.

Phát biểu tại sự kiện, ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương chia sẻ, Hoa Kỳ là một trong số những quốc gia trên thế giới sử dụng một cách rất chủ động, tích cực các công cụ PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước.

Đây là một trong số những quốc gia có số lượng các vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp PVTM hàng đầu trên thế giới và cũng là một trong những quốc gia tiến hành điều tra và áp dụng nhiều nhất các biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Chu Thắng Trung, nếu như trước đây, các vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp PVTM của Hoa Kỳ chủ yếu tập trung vào hoạt động điều tra chống bán phá giá thì gần đây, nước này tiếp tục sử dụng những hoạt động điều tra mới; trong đó, có hoạt động điều tra chống lẩn tránh các biện pháp PVTM.

Số lượng vụ việc đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng gia tăng tương đối rất nhanh. Đến thời điểm hiện tại, trong số 51 vụ việc thì có đến 22 vụ việc là điều tra chống lẩn tránh.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, theo thống kê, xuất khẩu 11 tháng của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 101,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng tới gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra các nước trên thế giới. Những mặt hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường Hoa Kỳ là hàng điện tử, dệt may, da giày, gỗ và mặt hàng thép.

Bà Trần Thị Thu Hương – Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, Hoa Kỳ đưa ra những quy định rất chặt về việc nhập khẩu vào thị trường này; các doanh nghiệp cũng có những hiểu biết nhất định và có tâm thế để chuẩn bị.

Khi một quốc gia nào đấy áp dụng các biện pháp PVTM chống bán phá giá trợ cấp hoặc chống lẩn tránh, công việc đầu tiên họ cần phải xác định là kiểm tra hàng hóa đó có xuất xứ từ đâu và hàng hóa có từ những thị trường bị áp dụng các biện pháp PVTM hay không.

Chia sẻ về giải pháp hạn chế các vụ việc điều tra chống lẩn tránh từ Hoa Kỳ, ông Đỗ Ngọc Hưng cho hay, khi các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ mà gặp phải các vụ việc PVTM, Thương vụ đã liên tục có các khuyến nghị.

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường tìm hiểu pháp luật về các quy định PVTM. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất và xuất khẩu, phải luôn chú ý đến nguồn gốc nguyên liệu, không sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc từ các nước hiện đang bị áp dụng các biện pháp về PVTM.

Trong khi đó, ông Chu Thắng Trung chia sẻ thêm, Bộ Công Thương đã có những hoạt động cảnh báo sớm để dự báo trước cho doanh nghiệp những mặt hàng có thể gặp rủi ro bị tiến hành điều tra chống lẩn tránh. Từ đó doanh nghiệp có sự chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất, xuất khẩu.

Dự báo, từ năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục phải đối diện các vụ việc điều tra PVTM của Hoa Kỳ.

Do đó, doanh nghiệp khi xuất khẩu qua thị trường này cần chủ động nghiên cứu các vụ việc đã có kết luận để chuẩn bị sẵn hồ sơ chứng minh cho các lô hàng xuất khẩu để tránh bị áp thuế chống bán phá giá cao. Tuy nhiên, để xuất khẩu hàng hóa ổn định, bền vững sang Hoa Kỳ vẫn cần có các thông cảnh báo sớm về PVTM và nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các doanh nghiệp về vấn đề này.

PVTM là công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng với mục đích bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay trợ cấp từ chính phủ; hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh, gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa.

Liễu Trần

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here