2022 là một năm phục hồi bùng nổ, giúp Việt Nam tiếp tục là một trong những nước tăng trưởng vượt trội ở châu Á. Dù vậy, bức tranh triển vọng tăng trưởng đang bị phủ lên một bóng mây từ những trở ngại về hoạt động thương mại.
Báo cáo kinh tế vĩ mô châu Á công bố ngày 22/12 của Ngân hàng HSBC chỉ ra rằng, năm 2023, tăng trưởng của hầu hết quốc gia khu vực châu Á sẽ giảm nhiệt, khi các hoạt động tiêu dùng nội địa chậm lại và chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu bắt đầu phát huy tác dụng.
Với ASEAN, các chuyên gia của HSBC cũng cho rằng, nhóm nền kinh tế này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm sau nhưng tốc độ tăng sẽ chậm lại. Riêng với Việt Nam, dự báo không tránh khỏi ảnh hưởng khi thương mại thế giới chậm lại nhưng cũng sẽ tiếp tục đứng đầu khu vực về tăng trưởng.
Ngân hàng này nhận định rằng, 2022 là một năm phục hồi bùng nổ, giúp Việt Nam tiếp tục là một trong những nước tăng trưởng vượt trội ở châu Á. Dù vậy, bức tranh triển vọng tăng trưởng đang bị phủ lên một bóng mây từ những trở ngại về hoạt động thương mại.
Cụ thể, sau khi tăng trưởng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước trong ba quý đầu năm nay, tăng trưởng xuất khẩu đã giảm tốc nhanh trong tháng 10 và đến tháng 11 đã chứng kiến lần sụt giảm mạnh nhất trong hai năm trở lại đây. Nguyên nhân chính đến từ lĩnh vực điện tử vốn chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm.
Bên cạnh đó, dữ liệu gần đây cũng cho thấy suy giảm xuất khẩu đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác như dệt may, da giày; sản phẩm gỗ và máy móc… Trong đó, rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ càng khiến tình hình trở nên khó khăn hơn vì đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhiều mặt hàng từ Việt Nam.
HSBC nhấn mạnh, điểm tích cực trong giai đoạn này của Việt Nam là nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng mạnh khi thị trường lao động tiếp tục phục hồi. Tính đến quý III, tỷ lệ thất nghiệp trong nước đã giảm xuống 2,3% và vẫn có khả năng giảm tiếp trong quý IV khi nhiều công việc trong lĩnh vực du lịch trở lại.
Với những thuận lợi từ việc mở cửa trở lại, HSBC nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2022 của Việt Nam lên 8,1% (dự báo cũ là 7,6%).
Tuy nhiên, những thách thức được dự báo ảnh hưởng nặng hơn trong năm 2023, đặc biệt sau khi những hiệu ứng mở cửa trở lại nhạt dần và tác động của lạm phát cao ảnh hưởng. Vì vậy, dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 5,8% (dự báo cũ là 6%).
Các chuyên gia của HSBC cũng cho biết, Việt Nam đã bắt đầu chứng kiến áp lực lạm phát mạnh hơn, dữ liệu mới nhất đã vượt mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước. Không chỉ lạm phát cơ bản tăng, lạm phát toàn phần cũng đang tăng lên trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng trong nước.
Ngân hàng này cho hay, rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của Việt Nam là những khó khăn trong thương mại ngày càng gia tăng. Việt Nam không tránh khỏi những tác động do đợt thương mại toàn cầu chậm lại đáng kể này, nói cách khác, giai đoạn “chững lại” đã tới.
Nhu cầu hàng xuất khẩu suy yếu đã dẫn đến một đợt suy giảm đáng kể trong xuất khẩu của Việt Nam, với tháng 11 đánh dấu sự sụt giảm đáng kể lần đầu tiên trong vòng hai năm qua. Chỉ số PMI sản xuất trong tháng 11 cũng đã rơi vào vùng thu hẹp lần đầu tiên trong năm 2022.
HSBC nêu rõ: “Đơn hàng mới, giá bán và việc làm đều xuống thấp, cho thấy tâm lý thị trường đang không tốt. Hàng hóa hưởng lợi từ nhu cầu mạnh mẽ trong giai đoạn đại dịch, điện tử và dệt may/da giày, đang chứng kiến giai đoạn ‘chững lại’ khi nhu cầu chuyển dịch sang dịch vụ và tăng trưởng toàn cầu chậm lại”.
Ngoài ra, kể từ khi xảy ra những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất xét về thương mại và chuyển hướng đầu tư nước ngoài (FDI), qua đó thị phần xuất khẩu vào thị trường Mỹ gia tăng. Do đó, khi kinh tế Mỹ suy giảm, xuất khẩu của Việt Nam cũng chịu nhiều khó khăn hơn.
Nhưng bức tranh không chỉ toàn một màu xám. Theo HSBC, bất chấp những cơn gió ngược có tính chu kỳ, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt nam. Các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung và LG gần đây đã công bố họ sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam trong dài hạn.
Gia Thành