Xuất khẩu da giày: Doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế

0
93
6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu (XK) da giày tăng cao, tuy nhiên sự sụt giảm liên tục về tỷ trọng của khối DN trong nước khiến nhiều người lo ngại.

Kim ngạch đạt 9,45 tỷ USD

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, kim ngạch XK của ngành da giày đạt 9,45 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017. Nếu tính từ năm 2013 đến năm 2017, XK của ngành liên tục gia tăng về kim ngạch, từ 10,4 tỷ USD lên 17,96 tỷ USD.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường XK lớn nhất của da giày Việt Nam. Tính đến hết tháng 5/2018, các DN đã XK hàng hóa trị giá 2,8 tỷ USD sang thị trường này; tiếp đến là thị trường EU với 2,195 tỷ USD, Trung Quốc 610 triệu USD, Nhật Bản 495 triệu USD và Hàn Quốc 262 triệu USD. Theo đại diện Hiệp hội Da – Giày- Túi xách Việt Nam (Lefaso), 5 thị trường trên chiếm tới 83,3% tổng kim ngạch XK của ngành.

xuat khau da giay doanh nghiep fdi chiem uu the
Xuất khẩu giày thể thao sẽ thuận lợi hơn khi FTA Việt Nam – EU có hiệu lực

Có được kết quả khả quan trên, bên cạnh yếu tố thị trường thuận lợi, còn do một số nhãn hàng lớn trên thế giới đã chuyển đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam và coi đây là điểm sản xuất đáng tin cậy. Sự chuyển dịch này, một mặt các hãng muốn tận dụng ưu đãi thuế quan từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) sắp có hiệu lực. Đơn cử như FTA Việt Nam- EU, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam XK sang EU được hưởng thuế suất ưu đãi cao. Đặc biệt, giày thể thao – sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam – sẽ được hưởng thuế 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực chứ không phải chịu thời gian bảo hộ từ 5-7 năm như các loại giày da khác. Mặt khác, chi phí lao động, môi trường tăng cao cũng là yếu tố khiến nhiều nhà sản xuất da giày lớn rút dần khỏi Trung Quốc.

Nỗi lo không nhỏ

Dù kim ngạch XK của ngành da giày những tháng đầu năm đạt kết quả ấn tượng nhưng xét về cơ cấu, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn. 5 tháng đầu năm, khối này vẫn tiếp tục chiếm tới 79,8% tỷ trọng XK toàn ngành với giá trị đạt 6,06 tỷ USD. Trong khi đó, tỷ trọng XK của khối DN trong nước tiếp tục có xu hướng giảm, từ mức 25% năm 2013 xuống còn 19,7% năm 2017. Theo lý giải của Lefaso, khó khăn về thị trường, chi phí sản xuất ngày một cao, tiếp cận vốn khó khăn khiến DN trong nước không mở rộng được sản xuất, tăng sản lượng và tiếp tục chịu lép vế trước DN FDI.

Lefaso dự báo, Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may và da giày. Do đó, các đơn hàng gia công giày dép, túi xách tiếp tục xu hướng chuyển dịch về Việt Nam. XK của khối DN FDI sẽ tiếp tục tăng do dòng vốn đầu tư tăng lên… Để DN trong nước không nằm ngoài “cuộc chơi”, Lefaso cho rằng, cần có chính sách về lao động, tiền lương hợp lý giúp DN trong nước giảm bớt chi phí; phát triển khu công nghiệp hỗ trợ nhằm có đủ nguồn cung và đa dạng các loại nguyên phụ liệu; đào tạo nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ DN tiếp cận với công nghệ tự động hóa trong sản xuất…Việt Nga-Báo

Báo Công Thương

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here