Xuất khẩu cá tra đạt đỉnh cao lịch sử, Thái Lan là thị trường tiềm năng

0
60
Trong ngành hàng thủy sản, cá tra là mặt hàng xuất khẩu “thăng hoa” nhất. (Nguồn: Dân trí)

Năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam đạt thành tích ấn tượng khi xuất khẩu thủy sản đạt mức kỷ lục 10 tỷ USD. Dự kiến kết thúc năm nay, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ cán đích với con số 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm ngoái.

Trong ngành hàng thủy sản, cá tra là mặt hàng xuất khẩu “thăng hoa” nhất. (Nguồn: Dân trí)

Đáng chú ý, trong ngành hàng thủy sản, cá tra là mặt hàng xuất khẩu “thăng hoa” nhất. Dự kiến, hết năm 2022, sản lượng cá tra đạt 1,68 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu ước tính trên 2,4 tỷ USD, đỉnh cao nhất trong lịch sử phát triển của ngành hàng cá tra.

Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, giá trung bình xuất khẩu cá tra phi lê năm nay tăng 28%-66% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo giá cá tra nguyên liệu cũng tăng.

Giá thu mua cá nguyên liệu trong năm 2022 duy trì mức 27.000-29.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giữ ở mức 30.000-31.000 đồng/kg, cao hơn trung bình khoảng 7.000-10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021. Với mức giá như trên, các doanh nghiệp, cơ sở nuôi tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra đều có lãi.

Về “điểm đến” của cá tra, theo VASEP, với lợi thế về địa lý, ít rủi ro và ảnh hưởng bởi vấn đề logistic, lợi thế về thuế quan ưu đãi nhờ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương với Việt Nam, ASEAN trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp cá tra.

Top 4 thị trường trong khối ASEAN nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia và Phillippin, đều tăng từ 50-93% nhập khẩu cá tra trong 11 tháng qua.

Tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu cá tra sang Thái Lan đạt gần 83 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường này đã thu hút được gần 80 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Sản phẩm được nhập khẩu nhiều vào Thái Lan là cá tra phile cắt miếng đông lạnh, cắt khúc, cắt cube. Ngoài sản phẩm đông lạnh, các doanh nghiệp Việt còn xuất khẩu sang Thái Lan các sản phẩm cá tra cắt miếng, cắt thỏi tẩm gia vị, bong bóng cá tra sấy, khô…

VASEP nhận định: “Sau Covid-19, Thái Lan đã mở cửa hoàn toàn và ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ. Các phân khúc nhà hang, khách sạn lại tạo ra dư địa lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm.

Trong năm 2023, các yếu tố nội địa đặc biệt của Thái Lan có thể tạo ra niềm tin lạc quan cho các doanh nghiệp trong nước cũng như các nhà xuất khẩu nước ngoài như Việt Nam. Hai yếu tố thúc đẩy tăng trưởng chính là phục hồi du lịch và kích thích kinh tế sau bầu cử, dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước”.

Thời gian tới, để phát triển bền vững ngành hàng cá tra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là việc liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa người nông dân và doanh nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo tình hình cung – cầu; đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị; sử dụng hiệu quả phụ phẩm cá tra.

Bên cạnh đó, cần phát triển thương mại điện tử và kinh tế tuần hoàn; xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ bao gồm thị trường xuất khẩu và thị trường tiêu dùng nội địa.

“Việt Nam phải tập trung nâng cao chất lượng con giống; chất lượng di truyền về một số tính trạng như tăng trưởng, kháng bệnh, tỉ lệ phi lê, chịu mặn…; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here