Chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam: Chặng đường dài phía trước

0
1099
Chuyển dịch năng lượng là một thách thức lớn, nhưng sẽ trở thành cơ hội nếu Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt và đón nhận. (Nguồn: Financial Times)

Chuyển dịch năng lượng là một khái niệm còn mới ở Việt Nam và hiện đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt đối với mục tiêu kép đảm bảo tốc độ tăng trưởng song song với phi carbon hóa nền kinh tế.

Chuyển dịch năng lượng là một thách thức lớn, nhưng sẽ trở thành cơ hội nếu Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt và đón nhận. (Nguồn: Financial Times)

Chuyển dịch năng lượng có thể được hiểu là sự chuyển đổi một hệ thống sản xuất hiện tại sang một nền sản xuất mang tính sinh thái hơn, hay tương thích hơn với các tiêu chuẩn môi trường của thế giới hiện nay. Mục tiêu của sự chuyển dịch này là nhằm biến đổi hệ thống năng lượng để giảm tác động đối với môi trường.

Hướng tới chuyển đổi năng lượng, đồng thời đóng góp vào mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C so với thời kì tiền công nghiệp theo Hiệp định Paris, trong ngày 14/12 vừa qua, Việt Nam cùng Nhóm đối tác Quốc tế (IPG) bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã ký kết thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).

Sau thành công với Nam Phi tại COP26 và với Indonesia tại Hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây, Việt Nam đã chính thức trở thành là quốc gia thứ ba ký kết thỏa thuận này. Những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và Indonesia, thường sử dụng nhiều than và đây cũng là thành phần chiếm tỉ trọng lớn nhất gây phát thải hiệu ứng nhà kính.

Vì vậy, các thỏa thuận như JETP sẽ hướng đến giúp đỡ những quốc gia tiêu thụ nhiều điện than trên thế giới giảm lượng khí phát thải CO2, đồng thời phi carbon nền kinh tế của mình một cách nhanh chóng. Thông qua việc huy động 15,5 tỷ USD để hỗ trợ, thỏa thuận JETP hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tham vọng về cân bằng phát thải vào năm 2050, để từ đó chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Trước đó, vào ngày 21/9 năm nay, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã ký thỏa thuận tài trợ khung trị giá 1 triệu Euro với Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF), đồng thời sẽ huy động thêm hơn 20 triệu Euro, để tài trợ EDF trong hợp tác kỹ thuật với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), góp phần vào chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Những bước tiến

Trong vòng 20 năm qua, EDF Renewables – một chi nhánh của EDF đã giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện khí, phát triển lĩnh vực điện năng lượng mặt trời trong ngành xây dựng và công nghiệp, đồng thời đang thực hiện các dự án điện gió đầy tiềm năng tại vùng cao nguyên như Đắk Lắk, Gia Lai…

Theo ông Nguyễn Phan Đính, đại diện của EDF Renewables, Việt Nam đã có cam kết chính trị rất lớn và đưa ra những chính sách quyết liệt trong vấn đề chuyển dịch năng lượng. Trong đó, Nghị định số 11 của chính phủ, Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ năm 2018 là hai văn bản pháp lý quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển và sản xuất các loại hình năng lượng điện gió và điện mặt trời.

Ông Nguyễn Phan Đính tin tưởng rằng: “Trong vòng 3 năm tới, Việt Nam có thể trở thành một trong những nước có lượng sản xuất điện mặt trời và điện gió lớn nhất thế giới”.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đặt mục tiêu hướng tới tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng Việt Nam đến năm 2030 là 20% và đến năm 2045 là 25-30%.

Trong tháng 10 vừa qua, dữ liệu thống kê cho thấy, năng lượng tái tạo đã chiếm đến 13% trong cơ cấu năng lượng Việt Nam. Đây là một điểm sáng, cho thấy tương tai đầy tiềm năng và có thể đạt được mục tiêu Việt Nam đã đề ra.

Còn nhiều rào cản

Mỗi nhà máy điện than có tuổi đời từ 30-40 năm. Do đó, để đạt được mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam phải ngừng xây nhà máy điện than mới, dần đóng cửa những nhà máy này, đồng thời xây dựng và mở cửa các nhà máy mới có khả năng sản xuất điện từ năng lượng sạch hơn.

Theo một số nghiên cứu, nhu cầu điện của Việt Nam tăng 7% mỗi năm. Như vậy, cần phải tăng gấp đôi sản lượng điện từ năm 2020 đến năm 2030 mới có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Trong khi đó, 40% điện Việt Nam hiện nay được sản xuất từ than, 30% từ thủy điện, và 30% là từ các nguồn năng lượng khác. Hơn nữa, nhà máy thủy điện ở Việt Nam đã làm hết năng suất và cũng khó có khả năng xây thêm các đập thủy điện mới. Như vậy, mục tiêu sản xuất điện nhiều, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, song song với phi carbon hóa nền kinh tế hiện đang là một bài toán khó đối với Việt Nam.

Đồng thời, vấn đề đóng cửa các nhà máy trên sẽ liên quan đến khái niệm “công bằng” trong thỏa thuận JETP, bởi nó sẽ ảnh hưởng quyền lợi của người làm trong lĩnh vực mỏ, khai thác than… Khi chuyển dịch năng lượng, chính phủ các nước cần đảm bảo có thể tìm cơ hội việc làm khác phù hợp cho những người lao động này, tránh để xảy ra tình trạng thất nghiệp.

Hiện nay, Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng điện tái tạo, với 2 năm phát triển được 16 GW năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, theo ông Hervé Conan, Giám đốc văn phòng AFD Hà Nội, Việt Nam chưa có mạng lưới đủ mạnh để có thể truyền tải và hấp thụ những nguồn năng lượng thất thường, phụ thuộc vào thiên nhiên này, trong khi việc xây dựng hệ thống trải dài hàng trăm km đất nước sẽ khó khăn, với chi phí tốn kém.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần hỗ trợ tài chính đến từ lĩnh vực tư nhân, nhưng để thu hút đầu tư, cần môi trường kinh doanh có đủ sức hút, tạo được niềm tin với các nhà đầu tư rằng giá mua lại điện sẽ ổn định, cũng như đem lại lợi nhuận. Do đó, vấn đề cấp bách và nan giải hiện nay là phải xây dựng, cũng như ngày càng củng cố mạng lưới truyền tải điện và trạm lưu trữ năng lượng mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, một vấn đề nữa đáng chú ý hiện nay là điện sử dụng năng lượng sạch khác sẽ đắt hơn điện từ than, đặt ra thách thức cho nền kinh tế các nước và đối tượng cuối cùng phải chịu chi phí cao hơn chính là người tiêu dùng.

Trong khi đó, Việt nam đang có sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài vì nguồn năng lượng rẻ. Vì vậy, một bài toán khác đặt ra là phải tìm điểm cân bằng trong việc tăng giá năng lượng mà không để ảnh hưởng đến dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

“Thay đổi ngay từ bây giờ”

Ông Nguyễn Anh Tuấn – chuyên gia từ Viện Năng lượng Việt Nam, đánh giá: “Tuy vẫn còn nhiều thách thức, nhưng nếu nắm bắt được cơ hội này, Việt Nam có thể sẽ trở thành nước đi đầu trong khu vực về chuyển dịch năng lượng, đồng thời có thể tận dụng lợi thế về kinh tế – xã hội”.

Theo cuốn sách “Chuyển dịch năng lượng Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do ông Nguyễn Anh Tuấn cùng nhóm tác giả thực hiện, quá trình chuyển dịch năng lượng thành công cần đảm bảo 4 yếu tố: an ninh năng lượng, đảm bảo tiếp cận với giá hợp lý, có sự đồng thuận và tính bền vững.

Một số giải pháp cho vấn đề chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam do các chuyên gia đề xuất bao gồm cắt giảm metan trong trồng lúa, chăn nuôi nông nghiệp; phát triển hệ thống tàu ngầm, đồng thời kết nối với hệ thống xe buýt; thay đổi hành vi, thói quen của người sử dụng như không sử dụng phương tiện cá nhân.

Trong khi đó, ông Conan, Giám đốc AFD Hà Nội, nhấn mạnh: “Là một trong 20 nước phát thải khí CO2 nhiều nhất thế giới, Việt Nam cần phải có những thay đổi ngay từ bây giờ. Đây không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, mà còn là của tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và cả người dân… Sự dịch chuyển năng lượng bắt đầu từ ý thức của mỗi chúng ta”.

Bên cạnh đó, năng lượng biển tái tạo cũng có thể là một giải pháp mà Việt Nam có thể tận dụng bởi tiềm năng của 7 dạng năng lượng biển trên thế giới là rất lớn và năng lượng gió ngoài khơi cũng mạnh hơn, ổn định hơn so với trên đất liền.

Theo ông Denis Lacroix, kỹ sư nông nghiệp của Viện nghiên cứu khai thác biển, lĩnh vực năng lượng nhiệt đại dương đòi hỏi công nghệ phức tạp hơn nhưng đầy hứa hẹn, đặc biệt đối với quốc gia có khả năng tiếp cận vùng nước ấm như Việt Nam. Ngoài ra, vùng nước lạnh và sâu cũng có năng lượng từ sóng, năng lượng dòng chảy, năng lượng sinh khối…

Hạnh Lê

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here