Xu hướng doanh nghiệp chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc, hướng về Đông Nam Á

0
79

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng cách thức phòng chống và khống chế dịch bệnh Covid-19 của các quốc gia đang trở thành các nhân tố chính trong việc đánh giá rủi ro đầu tư khi các doanh nghiệp đang ngày càng nhìn về khu vực Đông Nam Á thay vì Trung Quốc như một phương án dự phòng cho dây chuyền sản xuất và cung ứng. Cụ thể là các công ty sẽ đánh giá việc các quốc gia phòng chống dịch như thế nào trước khi đưa ra các quyết định đầu tư; theo đó,sự minh bạch trong ứng phó dịch của chính phủ có tính quyết định.

Phụ thuộc vào Trung Quốc như là một nguồn cung duy nhất được cho là bài học mà các doanh nghiệp phải trả giá đắt. Giáo sư Pavida Pananond của Trường Đại học Thamasat, Thái Lan đã chia sẻ với Straits Times rằng: “Các công ty đa quốc gia không thể đối diện với một sự gián đoạn tương tự. Sự nghi hoặc về việc trước đây Trung Quốc tìm cách che dấu thông tin về dịch bệnh đã làm nản lòng nhà đầu tư vào hệ thống của họ. Thời điểm này, quốc gia chứng minh được sự quản trị chính phủ tốt sẽ có lợi thế”. Các doanh nghiệp đang tìm kiếm địa chỉ đầu tư với các yếu tố không chỉ là lao động rẻ mà còn là chi phí vận hành, môi trường kinh doanh an toàn.

Một chuyên gia cho rằng, các công ty đã bất ngờ khi tìm hiểu về sự chuyển động trong chuỗi cung ứng của họ. Các tập đoàn lớn của thế giới đã không thực sự đánh giá đúng và nhận thức được rằng tại Châu Á có một số nước là điểm nghẽn trong chuỗi sản xuất và cung ứng của họ. Các doanh nghiệp cần phải nhận ra rằng chiến lược kinh doanh sẽ thế nào nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp ở Trung Quốc.

Phó Chủ tịch phụ trách mảng nghiên cứu chính sách của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-ASEAN Marc Mealy cho rằng tại Mỹ dịch bệnh đã minh chứng thêm lập luận rằng mọi thứ cần phải được sản xuất tại Mỹ, và kể cả những người tin rằng không phải cái gì cũng được sản xuất tại Mỹ thì cũng cho rằng mọi mặt hàng cần phải được sản xuất từ các nước khác ngoài Trung Quốc. Điều này phù hợp với lợi ích của ASEAN, bởi vì ASEAN là một địa chỉ khả thi cho chuỗi cung ứng thương mại.  Ông Mealy cho biết thêm các doanh nghiệp Mỹ đã bắt đầu đánh giá và nghiên cứu các biện pháp chính phủ các nước Đông Nam Á ứng phó với dịch bệnh. Thay vì chỉ tập trung tìm kiếm nguồn cung theo các tiêu chí về chi phí và tính hiệu quả như trước đây, thì giờ đây họ đang đặt ra những câu hỏi về điểm đến nào có khả năng chống chọi tốt nhất và có hành động sáng suốt nhất.

Theo đánh giá của các tập đoàn tại Châu Âu, Mỹ, thậm chí cả Châu Á thì Singapore và Việt Nam là 2 quốc gia ứng phó với đại dịch tốt nhất. Malaysia, Thái Lan và Phillipines được cho là đứng hàng thứ hai. Quốc gia được cho là đáng lo ngại và dễ bị tổn thương nhất sau đại dịch là Indonesia khi họ đã phản ứng chậm và không ổn định.

ĐSQ Việt Nam tại Singapore (theo The Straits Times)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here