VIFTA – ‘cánh cửa’ mới đưa hàng Việt tới Tây Á

0
79
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chứng kiến lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel. (Nguồn: VGP)

Sau 7 năm, với 12 phiên đàm phán, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA) chính thức được ký kết vào ngày 25/7 – 3 tháng sau khi tuyên bố kết thúc đàm phán.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chứng kiến lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel. (Nguồn: VGP)

VIFTA gồm 15 chương và các phụ lục đính kèm các chương với các nội dung cơ bản như thương mại hàng hóa, dịch vụ – đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ, pháp lý – thể chế.

Với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương trong hiệp định, nhất là cam kết mạnh mẽ của hai bên về nâng cao tỷ lệ tự do hóa thương mại với tỷ lệ tự do hoá tổng thể đến cuối lộ trình cam kết của Israel là 92,7% số dòng thuế, trong khi của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế. Hai bên kỳ vọng thương mại hai chiều tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mục tiêu 3 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới.

Hiệp định có ý nghĩa trong bối cảnh hai nước đang tiến hành nhiều hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đặc biệt, Israel là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á mà Việt Nam ký kết FTA và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mà Israel ký kết FTA.

Hội nhập toàn diện và sâu rộng

VIFTA sẽ giúp Việt Nam vừa đa dạng hóa, đa phương hóa, mở rộng quan hệ thương mại với khu vực Tây Á, Tây Nam Á – là khu vực hiện đang có những quan hệ kinh tế tương đối hạn chế và mong muốn được mở rộng, đồng thời, đa dạng hóa các nguồn đầu tư trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.

  1. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương nhận định, VIFTA đã thể hiện rõ nét chính sách của Việt Nam là hội nhập toàn diện, sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và mở rộng quan hệ với tất cả các nền kinh tế. Đồng thời, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu cho hàng hóa của Việt Nam.

Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Do đó, sau khi FTA được ký kết và đi vào thực thi sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều đi lên.

Bên cạnh đó, với khu vực Tây Á, hiện Israel đóng vai trò như một “bàn đạp” để hàng hóa Việt Nam hiện diện rõ hơn ở khu vực Tây Nam Á. Nếu vào được thị trường Israel, hàng hóa Việt Nam sẽ có cơ hội vào được rất nhiều thị trường khác của khu vực.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thì cho rằn,g Israel là thị trường không đông dân nhưng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng rất lớn, khoảng 25 tỷ USD/năm. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn bởi nhiều mặt hàng Israel có nhu cầu mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, thủy hải sản… Ngược lại, Israel có thế mạnh về công nghệ cao, sẽ là điều kiện để Việt Nam bổ sung năng lực sản xuất trong nước.

Hiện tại, xuất nhập khẩu giữa hai bên chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD và Việt Nam đang nhập siêu. Cụ thể, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 785,7 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 1,4 tỷ USD. Mỗi năm có khoảng trên dưới 70 diện mặt hàng các loại của Việt Nam được xuất khẩu sang Israel.

Vì vậy, VIFTA là cơ hội để gia tăng kim ngạch thương mại và cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên.

Khai thác mảnh đất đầy tiềm năng

Nhân chuyến công tác đến Hà Nội hồi tháng 8/2023, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat trao đổi với báo chí rằng, qua 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1993-2023), chính phủ cả hai nước đã nhìn thấy rõ cơ hội để hiểu nhau, để thúc đẩy hợp tác. Và Hiệp định thương mại ( FTA) tự do giữa Việt Nam và Isreal (VIFTA) là một minh chứng cho điều đó.

Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á. (Nguồn: Vnxpress)

Chỉ 3 tháng sau khi kết thúc đàm phán, Việt Nam và Israel đã ký kết FTA – điều mà ông Nir Barkat mô tả là “quá nhanh”. “Có thể khẳng định, đây là FTA được đàm phán và ký kết có tốc độ nhanh nhất mà tôi từng chứng kiến”, ông nhấn mạnh.

Đối với quốc gia Trung Đông, Việt Nam là một mảnh đất đầy tiềm năng. Không chỉ với tốc độ tăng trưởng nhanh ấn tượng, đất nước này còn là cửa ngõ quan trọng để tiếp cận những thị trường trong ASEAN.

Đặc biệt, Việt Nam sở hữu “bản đồ” 16 FTA với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Bộ trưởng Nir Barkat thông tin rằng, hiện Israel tập trung vào 7 nhóm ngành có thế mạnh để đầu tư. Cụ thể như: công nghệ cao, an ninh nội địa, ứng dụng công nghệ 4.0 để tăng năng suất, y tế và các lĩnh vực đời sống, công nghệ về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch ứng dụng công nghệ cao.

Với lợi thế trong phát triển đổi mới sáng tạo, ông Nir Barkat nhận thấy, thời gian tới, Israel có thể cung cấp công nghệ để Việt Nam thực hiện các hoạt động như marketing, bán hàng. Điều này sẽ giúp việc kinh doanh thuận lợi khi tùy chỉnh theo nhu cầu của các bên, đồng thời, tương thích với các thị trường trong khu vực.

Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel khẳng định: “Chiến lược mà chính phủ Israel đang đặt ra chính là tập trung vào vị thế của Việt Nam, từ đó, đem lại lợi ích về kinh tế. Ngoài ra, Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel muốn chia sẻ với Bộ Công thương về việc thành lập quỹ hợp tác, sử dụng ngân sách chính phủ hai bên để hỗ trợ doanh nghiệp. Israel đã có các quỹ hợp tác tương tự với Canada, Mỹ”.

Chủ tịch Phòng Thương mại Israel – Việt Nam (IVC) Einat Halevy Levin thì nhận thấy: “Việt Nam là một điểm tiếp cận tốt nhất, để từ đó Israel có thể phát triển quan hệ kinh tế với các quốc gia ASEAN khác. Tận dụng các ưu đãi thuế quan, hàng hóa Israel có thể cạnh tranh tốt hơn với các sản phẩm tương tự từ các quốc gia khác mà Việt Nam đã có quan hệ thương mại tự do. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã thuận lợi hơn rất nhiều. Các công ty của Israel hiểu rằng, muốn đặt chân vào Đông Nam Á thì Việt Nam là một xuất phát điểm tốt, tốt hơn các nước khác”.

Tối ưu hóa lợi ích của VIFTA

Trong tương lai, Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung kỳ vọng, hai bên có thể tăng cường hợp tác để tối ưu hóa các lĩnh vực sản xuất hàng hóa và dịch vụ hiện có đồng thời thúc đẩy hợp tác về công nghệ số hóa và các giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp như giống, xử lý nước, phân bón và vật liệu mới.

Việt Nam sẽ chủ động khuyến khích các doanh nghiệp Israel đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, công nghiệp vật liệu mới, công nghệ thông tin, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ cao.

Trên cơ sở cơ cấu kinh tế hai nước mang tính bổ trợ lẫn nhau một cách tích cực, hàng hóa không cạnh tranh trực tiếp mà bổ sung cho nhau giúp cả hai bên đều có thể thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh sang thị trường của nhau.

“Khi các luồng di chuyển hàng hóa gia tăng nhanh, người tiêu dùng hai bên biết đến hàng hóa của nhau nhiều hơn, doanh nghiệp hai nước sẽ tăng đầu tư vào các lĩnh vực theo thế mạnh, nhu cầu và khả năng tiếp nhận của nhau sẽ làm gia tăng giao lưu về con người.

Từ đó, góp phần tăng trưởng về du lịch, dịch chuyển về lực lượng lao động giữa hai nước và kéo theo vận tải cả hàng hóa và hành khách bằng đường hàng không cũng tăng trưởng trở thành chất xúc tác cho các đường bay thẳng giữa Israel và Việt Nam sẽ được chính thức triển khai trong tương lai không xa”, Đại sứ Lý Đức Trung nhấn mạnh.

Thời gian tới, để khai thác triệt để hay tối ưu hóa lợi ích của VIFTA, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động trong tìm hiểu những cơ chế, chính sách, thị trường, những rào cản thương mại để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình.

“Doanh nghiệp phải hoạt động phải chuyên nghiệp hơn. Israel là đối tác có năng lực cạnh tranh lớn, khoa học kỹ thuật rất phát triển nên những mặt hàng tiêu dùng mà Việt Nam xuất khẩu sang phải chú ý nâng cao chất lượng, đặc biệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm”, PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá.

Đồng quan điểm, TS. Lê Quốc Phương nhấn mạnh, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ về thị trường. TS. Lê Quốc Phương khẳng định: “Hiện nay, nhiều FTA đòi hỏi các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, sử dụng nguồn nhân lực… song tất cả những điều đó, doanh nghiệp Việt còn rất yếu. Doanh nghiệp Việt cũng cần nỗ lực nâng cao tỉ lệ nội địa hóa. Đồng thời, tìm hiểu để tận dụng được các ưu đãi về chứng nhận xuất xứ hàng hóa để tận dụng hiệu quả FTA”.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here