Bloomberg mới đây đưa tin, Vietnam Airlines đang đẩy mạnh kế hoạch khởi động các chuyến bay đầu tiên đến Mỹ vào cuối tháng 10/2021 ngay cả trong bối cảnh hãng hàng không quốc gia này đang tìm cách giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19.
Theo đó, Vietnam Airlines sẽ sử dụng máy bay Boeing 787 hoặc Airbus SE A350 cho đường bay thẳng đầu tiên đến Mỹ (Thành phố Hồ Chí Minh – San Francisco). Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, hãng sẽ dựa vào việc vận chuyển hàng hóa để bù đắp nhu cầu hành khách thấp trong thời gian đầu. Theo ông, tuyến đường sẽ bao gồm một điểm dừng tiếp nhiên liệu.
Hồi tháng 3/2021, Vietnam Airlines cũng đã cho biết Hội đồng quản trị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines đã thông qua kế hoạch triển khai bay đến Mỹ. Theo Vietnam Airlines, đây là thời điểm phù hợp để triển khai mở đường bay thẳng tới Mỹ, đặc biệt sau khi Vietnam Airlines đã thực hiện thành công nhiều chuyến bay đưa hàng hóa và người Việt Nam từ Mỹ về nước và ngược lại trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Theo Vietnam Airlines, kế hoạch bay tới thị trường Mỹ gồm 2 giai đoạn. Tại giai đoạn đầu, ngay sau khi hoàn tất cả thủ tục pháp lý xin phép bay thường lệ với nhà chức trách Mỹ cho đến khi phục vụ hết nhu cầu hồi hương người Việt, Vietnam Airlines mở các chuyến bay dưới hình thức khai thác thương mại thường lệ, phục vụ nhu cầu hồi hương người Việt Nam tại Mỹ, nhu cầu đi lại giữa hai nước của các nhà ngoại giao, công vụ, chuyên gia, doanh nhân, du học sinh, thân nhân người nước ngoài. Đây cũng là giai đoạn khởi động, bay thử nghiệm, đánh giá thị trường và chuẩn bị các cơ sở cần thiết trước khi chính thức bước vào giai đoạn 2 là khai thác thương mại.
Trong giai đoạn đầu, sản phẩm được thiết kế để phục vụ nhu cầu hồi hương trong tình hình dịch bệnh. Ngoài ra, sản phẩm cũng phục vụ khách có nhu cầu quay lại Mỹ học tập, làm việc. Do đó, sản phẩm sẽ gần giống như các chuyến bay thuê chuyến hồi hương từ Mỹ mà Vietnam Airlines đã triển khai. Chiều từ Việt Nam đi Mỹ, hãng đảm bảo nguyên tắc an toàn sức khỏe cho hành khách, trong khi chiều ngược lại sẽ cung cấp tiêu chuẩn dịch vụ trên không theo hướng đơn giản, thuận tiện cho khai thác, tương tự các chuyến bay hồi hương đã thực hiện, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu phòng, chống dịch và tối đa khả năng cung ứng các dịch vụ từ Việt Nam để tiết kiệm chi phí.
Hồi tháng 2/2019, Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã phê chuẩn CAT 1 cho Cục Hàng không Việt Nam. CAT 1 là chứng chỉ chuẩn giám sát an toàn hàng không được phê chuẩn bởi chương trình Đánh giá an toàn hàng không quốc tế của FAA, dựa trên 8 tiêu chuẩn an toàn trọng yếu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Một quốc gia nếu có nhu cầu thiết lập đường bay thương mại vào Mỹ phải đạt chuẩn an toàn CAT1.
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, có các đơn vị gồm Pacific Airlines và Vietnam Air Services Co., đang đối mặt với tình trạng doanh thu giảm 75% trong năm nay so với năm 2019, sau khi lỗ khoảng 7.000 tỷ đồng (307 triệu USD) trong nửa đầu năm 2021.
Năm 2020, Chính phủ hạn chế các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam để tập trung vào các chuyến bay hồi hương người Việt, chở các doanh nghiệp chủ chốt, các chuyên gia và nhà ngoại giao. Các chuyến bay nội địa, vốn được nối lại vào mùa Hè năm ngoái sau khi bị hạn chế đáng kể, đã giảm một lần nữa kể từ tháng 6 khi bùng phát làn sóng dịch COVID-19 mới. Hiện tại, hầu như Vietnam Airlines không có chuyến bay nội địa nào.
Theo ông Lê Hồng Hà, Vietnam Airlines đã giảm 55% tổng số chuyến bay nội địa và quốc tế trong năm nay, và vào tháng 9 này, hãng sẽ quyết định về việc có đề nghị sự hỗ trợ thêm từ chính phủ hay không. Theo ông Lê Hồng Hà, Vietnam Airlines cũng đang cân nhắc việc bán khoảng 10.000 tỷ đồng trái phiếu, gồm cả trái phiếu chuyển đổi, giai đoạn 2022-2025, đồng thời huy động thêm 10.000 tỷ đồng từ việc bán một số tài sản, trong đó có máy bay và thông qua phát hành cổ phiếu mới.
Chu Văn