Kinh tế Bangladesh

0
68
(Internet)
(Internet)

1. Chính phủ tập trung đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm

Chính phủ đang tập trung đầu tư lớn, cả trong và nước ngoài, để tạo ra việc làm và thúc đẩy phát triển để giúp nền kinh tế bù đắp tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Chính phủ thực hiện các biện pháp để xây dựng cơ sở hạ tầng và các chính sách hỗ trợ khác để cải thiện môi trường thân thiện với đầu tư.

Để tăng cường đầu tư và tạo việc làm cho người dân, chính phủ đã triển khai thành lập 100 khu kinh tế trên cả nước. Chính phủ đã phê duyệt thành lập 97 khu kinh tế. 9 khu kinh tế đã đi vào sản xuất và 28 khu kinh tế đang triển khai, có thể đã tạo khoảng 40.000 việc làm và sẽ tạo thêm cơ hội việc làm cho 800.000 người khác. Các hội thảo và triển lãm thương mại đang được tổ chức trong và ngoài nước để thu hút đầu tư.

Cho đến nay, đã có 27,07 tỷ USD đề xuất đầu tư từ 210 nhà đầu tư vào các khu kinh tế này, trong đó khoảng 1,60 tỷ USD là đầu tư nước ngoài.

Khu kinh tế lớn nhất là “Thành phố công nghiệp Bangabandhu Sheikh Mujib” đang được phát triển nằm trên địa bàn các huyện Mirsarai, Sonagazi và Sitakunda, với diện tích 30.000 mẫu đất, là một khu công nghiệp được quy hoạch hiện đại.

Mặt khác, chính phủ đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện các dự án theo hình thức Đối tác Công – Tư (PPP) để thu hút đầu tư cho việc thực hiện các kế hoạch phát triển của chính phủ. Hiện tại, có 76 dự án được lên kế hoạch thực hiện theo hình thức PPP, với số vốn đầu tư trị giá 27,76 tỷ USD đã được huy động. Một dự án theo hình thức PPP đã được thực hiện và 6 dự án khác đang được triển khai.

Chính phủ đang thực hiện các chương trình cải cách lớn để cải thiện vị trí trong Chỉ số Thuận lợi Kinh doanh (Ease of Doing Business Index) của Ngân hàng Thế giới. Theo xếp hạng này, Bangladesh đã tăng lên thứ 168 trong số 190 nền kinh tế vào năm 2020, từ hạng 176 vào năm 2019. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, việc giảm phí đăng ký, cải thiện mạng lưới điện và khả năng tiếp cận thông tin tín dụng đã giúp quốc gia này tăng 8 bậc.

Cơ quan Phát triển Đầu tư Bangladesh (BIDA) đang nỗ lực cải thiện hơn nữa vị trí của Bangladesh trong bảng xếp hạng ở mức hai con số, tức là dưới 100. Để đạt được mục tiêu này, BIDA đã thành lập một nhóm chuyên trách để đẩy nhanh việc thực hiện các hoạt động cải cách khác nhau. Hệ thống cổng Dịch vụ Một cửa (One Stop Service – OSS) đã được áp dụng từ năm 2019 để cung cấp tất cả các dịch vụ liên quan đến đầu tư từ một nền tảng duy nhất. Số lượng các dịch vụ cung cấp qua OSS sẽ tiếp tục được tăng lên và với sự cố gắng này vị trí của Bangladesh sẽ được cải thiện đáng kể trong thời gian tới.

2. Giấc mơ Metro gần hơn với hiện thực

Ngày 29/8/2021, tại buổi lễ bắt đầu chạy thử, Bộ trưởng Bộ Giao thông Đường bộ và Cầu đường Obaidul Quader cho biết dịch vụ tàu điện metro đầu tiên của Bangladesh sẽ đi vào hoạt động vào tháng 12 năm sau. Phó Đại sứ, Đại biện ĐSQ Nhật Bản tại Bangladesh, Trưởng đại diện JICA Bangladesh và một số quan chức khác đã tham dự.

Theo Bộ trưởng, ít nhất, tuyến nối giữa Uttara và Agargaon, khoảng 11,73km, sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022.

Uttara-Agargaon là một phần của tuyến đường dài 20,10 km, đến Motijheel. Đây là tuyến tàu điện số 6 (MRT-6), tuyến tàu metro đầu tiên của Bangladesh, đang được xây dựng.  Tuyến có 16 ga giữa Uttara và Motijheel. Khoảng 60.000 người sẽ có thể đi lại mỗi giờ giữa Uttara và Motijheel chỉ trong khoảng 40 phút. Hành trình hiện mất khoảng 2 giờ vào ngày bình thường.

Công việc để hoàn thiện tuyến MRT 6 vẫn tiếp tục. Theo Bộ trưởng Quader, đã hoàn thành xây dựng 19,02 km, trong số 20,10 km cầu cạn. Ngoài ga depot, 17,24 km đường ray đã được lắp đặt. 17,44 km hệ thống dây điện trên cao đã được thực hiện. Nhật Bản đã chuyển đến Dhaka 4 trong số 24 đoàn tàu

Bộ trưởng Quader cho biết quá trình thử nghiệm tàu bắt đầu từ tháng 5. Các bài kiểm tra tổng thể có thể mất 6 tháng và các bài kiểm tra an toàn, kỹ thuật cụ thể có thể mất thêm 3 tháng. Sau đó, 5 tháng chạy thử không hành khách trước khi bắt đầu đưa vào phục vụ thương mại.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quader bày tỏ hy vọng Thủ tướng sẽ có thể khánh thành tuyến tàu điện metro, cầu Padma và đường hầm Bangabandhu vào năm tới.

Theo kế hoạch ban đầu của dự án MRT-6 là từ tháng 7/2012 đến tháng 6/2024. Nhưng thực tế bắt đầu triển khai vào tháng 6/2016 tại Lễ khởi công của Thủ tướng Sheikh Hasina. Sau đó, Bà chỉ đạo hoàn thành đưa vào phục vụ đoạn metro từ Uttara-Agargaon vào năm 2019 và đoạn tiếp theo từ Agargaon-Motijheel vào năm 2020. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không hoàn thành. Các nhà chức trách vào tháng 5/2019 cho biết sẽ đưa vào phục vụ thương mại đoạn đầu vào ngày 16/12/2021. Kế hoạch này lại lỡ hẹn trong bối cảnh đại dịch, buộc chính quyền phải gia hạn thời hạn một lần nữa.

Tiến độ tổng thể của dự án là 44,12% vào tháng 3/2020, khi những ca nhiễm Covid đầu tiên được phát hiện trong nước. Tính đến tháng 7 năm nay, dự án đã đạt được 68,49% tiến độ, thấp hơn so với dự đoán lúc đầu.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here