Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tính đến ngày 30/3, đã có khoảng 16.200 gian hàng và khoảng gần 32.880 sản phẩm bị xử lý do vi phạm trong thương mại điện tử.
Thương mại điện tử phát triển mang lại nhiều lợi ích cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, người tiêu dùng mua sắm tiện lợi hơn, giá cả rẻ hơn, giúp doanh nghiệp đa dạng kênh phân phối, tiếp cận thị trường, giảm chi phí, nhất là trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra (SARS-CoV-2). Nhưng chính yếu tố trực tuyến đã và đang tạo ra những thách thức cho việc xây dựng khuôn khổ pháp lý hiệu quả để quản lý hoạt động thương mại điện tử cũng như việc thực thi ngăn chặn các gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thực hiện yêu cầu tăng cường các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Công Thương, các sàn thương mại điện tử đã hỗ trợ ưu tiên hiển thị các sản phẩm phòng dịch và nhu yếu phẩm để người dân dễ tiếp cận và mua sắm; thường xuyên kiểm tra, rà soát việc niêm yết giá nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm, gian hàng vi phạm và các hành vi gian lận như nâng giá bán, nâng giá vận chuyển…
Đồng thời, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch Covid-19 để mua gom hoặc định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu và các loại vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; thông báo công khai để người bán, người mua được biết về các biện pháp xử lý và chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm.
Trước yêu cầu trên, các sàn thương mại điện tử như: Sendo.vn, Lazada.vn, Shopee.vn, Chotot.com Tiki.vn… đã tích cực phối hợp, thường xuyên rà soát và thông báo tới người bán về việc không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá các sản phẩm hàng hóa phục vụ phòng dịch gây mất ổn định thị trường.
Cụ thể, từ ngày 23-30/3, Shopee.vn đã xử lý khoảng 1.650 gian hàng và khoảng 1.900 sản phẩm khẩu trang/khẩu trang y tế và dung dịch/gel rửa tay khô. Sendo.vn xử lý khoảng 350 gian hàng và khoảng 500 sản phẩm khẩu trang/khẩu trang y tế và dung dịch/gel rửa tay khô. Ngoài ra, trên một số sàn thương mại điện tử khác đã xử lý gần 200 gian hàng và gần 480 sản phẩm khẩu trang/khẩu trang y tế và dung dịch/gel rửa tay khô.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải nhận định, lợi dụng đặc thù của hình thức mua, bán; trao đổi hàng hóa online là người tiêu dùng không được trực tiếp trải nghiệm-đánh giá sản phẩm trước khi thanh toán nên có những cá nhân, doanh nghiệp đã trà trộn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… để lừa đảo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm thương mại điện tử ngày càng tinh vi. Điển hình như nhiều đối tượng không cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online và giao hàng với số lượng nhỏ lẻ. Có khi trên website đăng nhiều sản phẩm, nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lợi nhuận.
Trước thực trạng trên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế đang nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử và đưa ra những giải pháp đẩy lùi vấn nạn tận dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Thực tế, các trang thương mại điện tử đa số đã hoạt động theo luật, tuy nhiên sàn giao dịch điện tử cũng giống như chợ truyền thống, muốn kiểm tra có phải hàng giả, hàng nhái nếu không cũng cần có biện pháp như ở chợ truyền thống. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm, bao gồm: Nâng cấp, sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử để tạo hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng; hợp tác chặt chẽ với hải quan và các cơ quan liên quan để triệt tận gốc những loại hàng hóa kém chất lượng bán tràn lan.
Đặc biệt, ngày 28/2/2020, Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TCQLTT về việc thành lập Tổ công tác về thương mại điện tử (Tổ 368) với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc việc tuân thủ các quy định pháp luật về thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức, cá nhân và các mô hình kinh doanh thương mại điện tử.
“Phải tăng nặng xử phạt với các tổ chức, cá nhân vi phạm, nếu không sẽ xảy ra hiện tượng ‘nhờn’ luật, vì mức độ xử phạt quá thấp so với lợi nhuận đạt được”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo, thời gian tới, các sàn thương mại điện tử tiếp tục cần chủ động triển khai những biện pháp kỹ thuật như bộ lọc hay nhân sự kiểm duyệt nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm vi phạm; xử lý mạnh tay với người bán vi phạm, không để lợi dụng dịch bệnh để tăng giá gây mất ổn định thị trường.
Gia Thành